Hóa trang mặt nạ tuồng mất bap lâu năm 2024

Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Sân khấu tuồng thực chất là sân khấu gợi cảm, gợi tưởng tượng. Từ đó, các nghệ sĩ Tuồng đã sử dụng phương pháp nghệ thuật ước lệ, cách điệu. Nghệ thuật Tuồng không tả thực mà tả ý, không đi sâu vào những chi tiết tỉ mĩ mà chú trọng lột tả cái thần của sự kiện và con người. "Cái thần" chính là đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn Tuồng. Và vẻ đẹp đó được bộc lộ toàn vẹn trong những chiếc mặt nạ tuồng.

1. Khái quát về Tuồng và mặt nạ Tuồng

Theo nhà nghiên cứu Hồ Đắc Bích trong giáo trình Nghệ thuật hát Tuồng, bước ban đầu diễn viên dùng mặt nạ "đeo" vì thuở ấy, người có khả năng biểu diễn không nhiều, một diễn viên phải sắm nhiều vai, vì vậy, họ dùng mặt nạ đeo để thay đổi vai cho dễ dàng. Nhưng mặt nạ đã có mặt trong nghệ thuật Tuồng từ bao giờ thì chẳng biết. Theo NSƯT Hòa Bình, ngay từ thời Đào Tấn, đã không còn diễn mặt nạ. Người ta thay mặt nạ đeo bằng mặt vẽ, và mới đây, người ta dùng cách hóa trang để chân thật hơn, gần cuộc sống hơn. Màu sắc dùng để hóa trang kiểu mặt nạ phổ biến là trắng hồng, màu đỏ và màu mốc. Cố NSND Nguyễn Lai đã nghiên cứu, đúc kết ra một số hình ảnh mẫu hóa trang thành các loại mặt: mặt trắng (diện mạo đẹp đẽ, tính cách trầm tĩnh), mặt đỏ (người trí dũng, chững chạc), mặt rằn (diện mạo xấu xí, tính cách nóng nảy, nếu tròng xéo đen nền đỏ thắm hay xanh là người vũ dũng), mặt mốc (nịnh), mặt lưỡi cày (người đoản hậu, nhát gan).

Theo nhà nghiên cứu Mịch Quang, có hai loại mặt nạ đáng lưu ý nhất là mặt trắng và mặt rằn. Sáng tạo ra hai loại mặt này, nghệ thuật Tuồng đã chú ý đến cái đẹp của hành động chứ không phải cái đẹp diện mạo. Bởi có mặt trắng phe trung như Địch Thanh, Hứa Hớn Văn thì cũng có mặt trắng phe nịnh như Lữ Bố, Lý Thông, có vai mặt rằn trung như Lưu Khánh, Trương Phi, thì cũng có mặt rằn nịnh như Tạ Ôn Đình, Xích Bảo...Như vậy, chỉ riêng trong hóa trang thôi, đã thể hiện cụ thể phạm trù cái đẹp trong mỹ học dân tộc. Dẫu hóa trang theo kiểu mặt nào thì có một điểm chung là khuôn mặt của những nhân vật này được bôi màu, riêng vùng sát xung quanh mắt được để tự nhiên. Có nhà nghiên cứu cho đây là dấu vết của việc đeo mặt nạ ngày trước, còn có người lại giải thích, trong hát bội, con mắt của diễn viên cũng phải tích cực tham gia diễn xuất nên phải chừa trống như thế mới thấy được tinh thần của đôi mắt.

Theo NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, nghệ thuật Tuồng với cách hóa trang tạo nên diện mạo cho nhân vật, không có gì là tả thật, mà hoàn toàn tượng trưng. Nghệ thuật hóa trang khuôn mặt của Tuồng mang tính tượng trưng cách điệu cao chủ yếu dựa trên những đường nét hội họa cơ bản. Vì vậy, người diễn viên, ngoài khả năng ca xứơng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải có khả năng làm họa sĩ để biết tự vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào. Nhờ những gương mặt được hóa trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật, khi mới vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu. Ví dụ như: màu đỏ son hay đỏ ngân là tượng trưng cho người anh hùng, trung trinh tiết liệt, có thể kể đến những nhân vật như Quan Công, Cao Hoài Đức, Địch Thanh…Nếu gương mặt được đánh nền là màu trắng mốc, thì đích thị là kẻ gian thần, xu nịnh, chẳng hạn như Bàng Hồng, Đổng Trác, Tào Tháo…Màu đen thì lại tượng trưng cho những người chất phác, bộc trực, nóng nảy, nhưng ngay thẳng và chân thực. Đó là Trương Phi, Trịnh Ân, Uất Trì Cung…Người có tuổi, kẻ bần hàn như lão chài, lão tiều thì mặt cũng có sắc màu biểu trưng: màu xám dợt. Tương tự, màu xanh được dùng cho khuôn mặt của những người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma như: Ngô Tôn Quyền, Cáp Tô Văn…

2. Đi sâu vào các loại mặt nạ trong Tuồng và ý nghĩa của mặt nạ Tuồng

Có thể nói, mặt nạ là một phần tạo nên cái hồn, cái chất của nghệ thuật tuồng - một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học của dân tộc. Điều khiến Tuồng trở nên đặc biệt so với các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc khác chính là tính khoa trương, ước lệ và mặt nạ không nằm ngoài tính chất đó. Màu sắc dùng trong mặt nạ phải thật đậm, đường nét phải thật rõ nét để khắc họa thật đậm đà cá tính của nhân vật, để tăng sự biểu đạt của khuôn mặt nghệ sĩ. Đây có thể coi là nghệ thuật trong nghệ thuật, các nghệ sĩ tuồng cũng là họa sĩ. Mỗi nghệ sĩ phải tự hóa trang cho mình bằng những cảm nhận về tính cách nhân vật và thân phận của nhân vật, trên nền tảng những quy định, chuẩn mực về mặt nạ cho mỗi loại nhân vật, cộng với sự hướng dẫn của các người đi trước (thường thì ban đầu các “thầy” sẽ vẽ nửa mặt không thuận tay, các nghệ sĩ tự vẽ nửa còn lại thuận tay với mình, sau đó, khi đã quen tay, họ sẽ tự hóa trang cả khuôn mặt)

Kép văn: Kép Văn thường có mặt màu hồng, thể hiện tính tình điềm đạm hiền hòa, đối lập với sự nóng nảy bộc trực của kép võ với khuôn mặt đỏ rực. Tuy nhiên, cũng có những kép văn như Kim Lân trong vở Sơn Hậu có khuôn mặt đỏ vì Kim Lân là người rất trung thành mà màu đỏ chính là màu tượng trưng cho sự trung thành. Tuy nhiên, thay vì những nét sắc sảo như đôi mắt xếch ngược, vòm miệng cương nghị và khuôn mặt đỏ au của kép võ, các đường nét lông mày, mắt, khóe miệng của kép văn có chiêu ngang hơn (mặc dù đặc trưng của mặt tuồng vẫn là đôi mày xếch).

Các đường nét trên mặt tuồng kép văn thường mềm mại, uốn theo khuôn mặt của diễn viên chứ không quá cách điệu như mặt tuồng của kép võ. Kép văn và đào văn có đặc điểm nhận dạng giống nhau về màu sắc và đường nét, chỉ khác nhau về giới mà thôi. Tương tự, đào võ cũng có khuôn mặt mang màu sắc và đường nét giống kép võ, tuy nhiên, với vai trò phụ nữ, khuôn mặt của đào võ cũng theo đó mà mềm mại hơn, uyển chuyển hơn.

Kép võ: là nhân vật địa diện cho sức mạnh và sự trung thành, kép võ có màu mặt đỏ rực, sự thể hiện bộc trực lòng trung và tính tình nóng nảy. Lòng trung và màu đỏ của mặt tuồng đã đi vào câu ví: “Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc, đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”. Nếu đặc trưng của mặt tuồng là đôi mày và đuôi mắt được trang điểm xếch ngược thì đôi mắt của kép võ mang đậm đặc trưng này nhất.

Tuy nhiên, đôi khi kéo người ta cũng thấy kép võ mang những khuôn mặt trắng vằn đen, tượng trưng cho sự trung thực và khỏe mạnh. Kép võ trong môn nghệ thuật tuồng dù đứng ở vị trí nào cũng mạng trọng trách trừ gian, diệt ác, bảo vệ kẻ yếu. Những vai kéo võ quen thuộc nhất trong tuồng có thể kể đến như Triệu Tử Long, Lã Bố trong vở Phụng Nghi Đình.

Kép Nịnh: Với hình dung của một kẻ tiểu nhân, chuyên luồn cúi để thăng tiến và dèm pha trung thần, kép nịnh được quy định với màu mặt trắng mốc. Có nét gì đó tương tự với môn nghệ thuật chèo, cải lương và có lẽ cũng xuất phát từ nhân tường kéo học. Kép nịnh thường có bộ râu còm (thưa) và chiếc mũi khoằm. Có một vài nhân vật kép nịnh râu không còm nhưng cũng không được ngay ngắn như các bậc chính nhân quân tử.

Ví dụ như nhân vật Đổng Trác, cũng là kép nịnh nhưng là nhân vật dâm đãng nên mặc dù có bộ râu rậm nhưng là thế sàm (không mọc ngay ngắn). Mọi đường nét trên khuôn mặt như cái miệng cụp trề ra cho thấy một kẻ luôn dùng mồm mép đỡ chân tay. Khán giả quen với tuồng chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt mốc và chòm râu sẽ ngay lập tức biết rằng nhân vật này thuộc tầng lớp nào.

Kép con: Kép con trong tuồng chỉ dành cho những người nhỏ tuổi và có thiên hướng thành những kẻ trung. Màu mặt quy định của kép con phổ biến là màu đỏ nhạt. Các họa tiết trên mặt kép con không quá phức tạp, thể hiện sự trong sáng ngây thơ của tuổi nhỏ. Vì các họa tiết trên khuôn mặt kép con không nhiều nên đôi mắt là điểm nhấn lớn nhất của nhân vật này.

Vẫn với hình dung về nhân vật còn đang thời kỳ trứng nước, đôi mắt của kép con được vẽ kiểu tròng trứng. Phàn Diệm, con Phàn Định Công trong vở “Sơn Hậu” là một ví dụ điển hình của kiểu mặt tuồng này.

Kép vua: Đúng với phẩm hạnh và vai trò của một đế vương, kép vua có màu mặt đỏ đậm và đôi mày liên mi như hình con rồng đang uốn lượn. Khuôn mặt của kép vua không quá cầu kỳ về họa tiết, chỉ chăm chút vào sự ngay ngắn, nghiêm trang và thần thái hơn người. Bộ râu ba chòm đẹp và dài của vua cũng là một trong những dạng của nhân vật oai vệ này, khác hẳn với chòm râu sàm của Đổng Trác.

Kép núi: Các nhân vật này thường là người của triều đình được cử đi lên núi học đạo và khi xuống núi thì đã thành tài. Màu của nhân vật này có màu đen, trăng và nâu tượng trưng cho núi rừng. Tuy nhiên, cũng có những nhân vật kép núi như Đào Tam Xuân trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào” có khuôn mặt nửa trắng, nửa xanh, để nói Đào Tam Xuân xuất thân từ núi rừng chứ không phải người do triều đình cử đi.

Điểm nổi bật của kép núi là đôi mắt, được vẽ như hai đầu con chim, tạo thành hình khối rất mỹ mãn và cầu kỳ. Mặt tuồng này được gọi là “tròng mỏ”, thuật ngữ rất đặc trưng trong giới nghệ sĩ tuồng. Nhân vật đặc trưng của vai kép núi có thể kể đến như Giang Chấn Tử trong vở “Triệu Đình Long”, Mạnh Lương trong vở “Mục Quế Anh dâng cây”. Những người tròng mỏ ngay thẳng chính trực, đóng vai trò phò vua diệt gian thần cướp ngôi.

Đào văn pha võ: Nhân vật này được coi là văn võ toàn tài. Sự pha trộn này khiến khuôn mặt nhân vật hồng đậm hơn đào văn nhưng đỏ nhạt hơn đào võ. Các nét mày, khóe mắt môi cũng đi với những đường vẽ trung tính, không xếch quá và không quá ngang. Vai diễn này đôi khi còn được trang điểm mặt trắng không kẻ.

Triệu Đình Long trong vở “Triệu Đình Long cứu chúa” là một trong những nhân vật này. Khuôn mặt tuồng kép trắng đại diện cho người ngay thẳng, võ dũng khỏe mạnh và cũng mưu cơ tài lược.

Mấy năm nay trên sân khấu ít diễn những vở Tuồng truyền thống mà chỉ diễn những vở thuộc về dân gian, Tuồng đề tài lịch sử và tuồng đề tài hiện đại. Khi diễn đề tài dân gian thì cách hóa trang cũng giống như cách hóa trang của các bộ môn sân khấu như: Chèo, dân ca kịch... Khi diễn các vở tuồng hiện đại thì cách hóa trang cũng gần như kịch nói. Khi diến các vở tuồng đề tài lịch sử đúng ra cũng có thể sử dụng cách kẻ mặt truyền thống của nghệ thuật Tuồng để kẻ cho các nhân vật trong các tuồng lịch sử. Với những khái quát trên về cách hóa trang các vai diễn trong Tuồng giúp chúng ta hiểu hơn về cái hay, cái đẹp trong cách kẻ mặt các nhân vật của nghệ thuật Tuồng, để kế thừa và phát triển một cách đúng hướng. Những câu chuyện, những phận người, những trang sử hào hùng sẽ vẫn còn được lưu giữ mãi qua từng chiếc mặt nạ “biết nói” của nghệ thuật tuồng. Theo thời gian, tất cả sẽ qua đi, nhưng lịch sử thì còn hiện diện hằng ngày bởi tâm hồn, tình yêu, niềm say mê của biết bao thế hệ vẫn tiếp tục giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc.