Học kỳ quân đội có tốt không

Những tranh luận thẳng thắn đã được bạn đọc của VOV.VN đưa ra sau khi đọc bài viết “Cho trẻ tham gia Học kỳ quân đội: Phản tác dụng” của tác giả Ngô Thiệu Phong.

Nhiều ý kiến ủng hộ cho các con tham gia học kỳ quân đội

Theo bạn Tung Nguyen, ý kiến của Ngô Triệu Phong [tác giả bài báo] và Pham Phu cũng có cái hay để suy ngẫm. Học kỳ quân đội cũng có cái tốt nhưng cần coi là hình thức tự nguyện mà không coi là bắt buộc. Vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình còn cho các cháu theo học các khóa tu Thiền ngắn hạn trên chùa cũng rất tốt. Những hình thức giáo dục ngoài nhà trường và gia đình này sẽ bổ sung những nhận thức - thái độ - hành vi tốt mà giáo dục gia đình và nhà trường còn thiếu hoặc làm chưa tốt.

Trước những lo ngại được cho là hơi “thái quá” bạn Hoa Minh bày tỏ: “Sợ thế thì cấm luôn trẻ con xem phim có súng đạn đi. Mà tốt nhất là cấm làm phim có hình ảnh súng đạn cho trẻ con đỡ bạo lực. Tác giả viết quá thiếu thực tế, quá phiến diện. Chưa tham gia 1 khóa từ đầu đến cuối thì đừng tưởng tượng rồi ném đá. Trẻ con ở học kỳ quân đội cũng chỉ được ngó qua súng chứ lấy đâu ra học?”.

Bạn đọc Trần Bình Minh cho biết thêm: Ở Tây cũng mở những lớp học hè theo quân đội nhằm giáo dục tính tự lập và kỷ luật mặc dù họ không bắt buộc nghĩa vụ quân sự như mình. Theo cá nhân tôi, việc giáo dục quân đội là nên nhất là khi kẻ thù luôn muốn xâm chiếm nước ta, hơn nữa cũng nên để trẻ tự lập và hoạt động tập thể, hoạt động thể lực và cũng bớt gánh lo cho cha mẹ để trẻ ở nhà một mình khi hè đến, đồng thời giáo dục tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ.

Bày tỏ sự không đồng tình với tác giả bài viết, bạn Phạm Toàn đặt câu hỏi: “Cầm súng có gì xấu? Các em vào những lớp học đó có phải chỉ là học cách giết người không? Tôi không biết là những em nhỏ này có trở nên xấu xa hay không. Nhưng xã hội Việt Nam hiện nay nói chung và trường lớp nói riêng, cái xã hội của sự phán xét, thành tích và tiền bạc đã làm cho con người sống 1 cách ích kỷ, rè bỉu lẫn nhau. Sống kỷ luật hơn, sống có trách nghiệm, sống có tinh thần đoàn kết hơn không tốt hơn sao?

Bạn đọc Vũ Quang Minh thì cho rằng: Tác giả mơ hồ và thiếu thực tế. Học kỳ quân sự là cho các em làm quen tính kỷ luật, rèn luyện bản thân, biết đoàn kết, quan tâm chia sẻ, giúp đỡ mọi người... Điều này vô cùng quan trọng với nhân cách một con người khi trưởng thành. Phê phán học kỳ quân sự theo lối phỏng đoán, suy diễn chứng tỏ tác giả không hiểu gì nội dung của học kỳ quân sự. Hãy tham khảo các gia đình đã từng cho con mình đi để hiểu biết thêm nhé.

Bạn Phan thì thẳng thắn: “Có cung thì ắt có cầu! Mục đích của người đưa ra chương trình HKQD là gì theo tôi nghĩ là mục đích kinh doanh. Nhìn qua thì thấy hay tưởng bổ ích như lúc đầu suy nghĩ nhưng đánh giá kỹ thì thật vớ vẩn”.

Bạn Thanh Toàn bày tỏ: “Quá đúng các Bác ạ! Tôi kịch liệt phản đối cái gọi là HKQĐ, ai có con đi rồi mới biết.... hết sức sai lầm vì con tôi đã như thế, sau 1 tháng trời tôi phải gần gũi, động viên, an ủi, tâm sự, chia sẻ... thì con tôi mới lại là con tôi.... trời sợ quá…”.

Một số quan điểm  đứng về phía tác giả, bạn Lý Bân cho rằng: Bác dạy rồi" Trẻ em như búp trên cành/biết ăn ngủ học hành là ngoan" thế thôi, bày đặt! Thiếu gì cái học khác mà cho vô đó. Tôi nông dân, không đi xa để hiểu nhiều biết rộng. Các ông bà thử coi mấy nước giáo dục hay ho như Phần Lan, Thuỵ Điển, Anh... họ có dạy như vầy không? Các nhà nghiên cứu tâm lý, sư phạm học..., đâu lên tiếng cái coi! Tui thấy ông bà bình luận nói không học Mỹ học Anh được nghe kì quá. Giáo dục mà không học được thì còn học cái gì? Hội nhập cái gì nữa mèng đéc ơi!

Có lẽ cũng chung góc nhìn này, bạn Chiến Trường cho rằng: "Quân đội là trường học lớn" mà .Trường học nhỏ học chưa đã nhét vô trường học lớn lun coi sao. Quá rồi ! Cái tư duy thời chiến , cái hệ quả của chiến tranh. Hết biết!

Bạn Kiên Thành cho rằng: Bộ đội Việt Nam tiếp xúc với súng nhiều lắm, các thế hệ Việt Nam tiếp xúc với súng, đạn nhiều nhưng vẫn nhân văn và cao đẹp và biểu tượng bằng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" vì mục đích của việc dùng súng người Việt Nam khác với Phương Tây. Lý do gì bảo cầm súng là bạo lực. Không có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn nên bài báo không thuyết phục với người Việt Nam. Tôi tôn trọng tác giả nhưng cũng cần xem lại quan điểm của bài báo.

Chia sẻ quan điểm này, bạn Nguyễn Đức Tâm nói: Nguy hiểm thật. Mấy đứa trẻ ở trong quân đội có vài tuần mà người ta đã nói thế. Tôi đã ở trong đó 17 tháng, chắc người ta phải gọi là sát thủ thôi! Phương pháp giáo dục kiểu Úc trở thành tiêu chuẩn của Việt Nam từ khi nào vậy?”.

Bạn Phuong cho rằng: Vì trong tiềm thức của chúng ta luôn có 1 hình ảnh đẹp về anh bộ đội cụ Hồ. nên mọi người cứ nghĩ rằng cho trẻ sống trong môi trường quân đội là sẽ rèn luyện nhiều đức tính tốt đep. Nhưng những em được đi học ở trong quân đội, phần đa là gia đình khá giả. Dân gian nói rồi: Thiếu cái thì phải kiếm tìm điều đó. Nhiều gia đình họ thừa tiền nhưng họ thiếu rất nhiều thứ. Đặc biệt họ thiếu một thứ để bảo vệ cho Tài sản của họ là Vũ khí và người sử dụng Vũ khí. Nên họ cần phải luyện cho con lúc nhỏ

Bạn Nguyễn quang Vinh cũng có vẻ chia sẻ với quan điểm này: “Học sinh ngày nay được nuông chiều, ít có cơ hội trải nghiêm, rèn luyện bản lĩnh quân đội nên cần có học kỳ quân đội. Bố mẹ bỏ tiền ra cho con rèn luyện bản lĩnh, tính kỷ luật không nhầm đâu. Vả lại ai dám chắc là thế giới đã đại đồng rồi và Việt Nam sẽ hòa bình mãi mãi. Bởi hiện nay thế giới vẫn còn nhiều bất đồng lợi ích, xung đột lắm mà.

Bạn Phạm Đức bày tỏ sự ủng hộ về cách tư duy của tác giả Ngô Thiệu Phong: “Một ý kiến đi ngược với đa số ý kiến. Tôi thích cách tư duy độc đáo , không chạy theo số đông- chạy theo tập thể. Tôi là giáo viên phổ thông , cả đời trên bục giảng, tôi cũng thấy đến ngay cái giáo dục quốc phòng của mình cũng nên cải tiến. Dạy để các em có ý thức bảo vệ tổ quốc, cảnh giác trước sự lăm le của "kẻ lạ" tôi đồng tình, nhưng đi quá sâu vào kỹ năng thì không khả thi”.

Các bạn Bạn Nguyễn Thị Dân cũng bày tỏ đồng tình với tác giả: “Toàn nghĩ ra chuyện tào lao, đâu phải làm giáo dục kiểu này”; Bạn Nguyen Dan: “Chỉ những gia đình bất lực, không tự dạy dỗ được con cái thì mới cho con đi thôi”.

Bạn Pham Phu cũng cho rằng: Ý kiến của tác giả Ngô Thiệu Phong rất đáng xem xét cân nhắc. Tác giả cũng nói ở cuối bài là nên dạy cái gì mức độ nào đấy a. Có bác nào bảo quy chụp e hơi... quy chụp. Tôi là chúa ghét lối lên đồng tập thể, hùa theo, a dua mà không có đầu óc phê phán.

Giải pháp cho những tranh luận trên, theo bạn Nhật Nguyễn: “Có thời gian thì cho các em đi sinh hoạt, tham gia học kỹ năng sống miễn phí và tự nguyện, phù hợp với lứa tuổi, giống như ở Công viên Tao Đàn và Hoàng Văn thụ [TP. Hồ Chí Minh], nơi đây tôi thấy các em rất hào hứng tham gia vui chơi cùng mọi người, thật vui và bổ ích”.

Bạn Tranvannam cũng cho rằng: “Tôi thấy học sinh chúng ta còn thiếu nhiều về kỹ năng sống,nên dạy học sinh cách sơ cứu,bơi lội,an toàn giao thông.ai dè học sinh trung học mà cứ thấy chết đuối hoài”

Chủ Đề