Lịch sử hình thành thể loại công trình văn hóa

Trong không gian đô thị, các công trình kiến trúc công cộng thường được coi như những nhân chứng của thời đại mà khi nhìn vào, người ta có thể thưởng thức được lịch sử đô thị một cách tường tận. Giữ gìn được các công trình kiến trúc này trong không gian đô thị chính là lưu giữ được các giá trị lịch sử mang tính trực quan sinh động mà không sách vở hay tài liệu nào có thể mô tả. Trong lịch sử phát triển của Kiến trúc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, giai đoạn từ 1975 đến 1986 rất thú vị mà trong thời kỳ đó, rất nhiều công trình công cộng được xây dựng, tuy giá trị về Lịch sử, Văn hóa, Kiến trúc có thể chưa đạt tới tầm cao để có thể được công nhận là di sản nhưng những yếu tố đặc trưng cho thời đại lại rất đáng lưu tâm và giá trị về tinh thần qua nhiều trường hợp lại không hề nhỏ. Nhận diện hình thái và phong cách kiến trúc các công trình công cộng ở Hà Nội giai đoạn 1975-1986, sẽ giúp chúng ta có được một cái nhìn tổng thể từ đó đánh giá được giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, giá trị về kiến trúc, nhằm đưa ra các định hướng bảo tồn, tái phát triển một cách đúng đắn, giải quyết bài toán về không gian công cộng của thủ đô.

Sự chuyển giao giữa các thời kỳ

Tiến trình phát triển các thể loại công trình công cộng tại Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung về cơ bản được chia theo ba giai đoạn: 1954 – 1964, 1965 – 1975 và 1975 – 1986. Giai đoạn đầu, loại hình phổ biến nhất là nhà hành chính, trụ sở, trường học, bệnh viện với quy mô lớn, hình thức bề thế, sử dụng kết cấu tường gạch chịu lực, mái bằng, cửa sổ hai lớp kính trong chớp ngoài, và đặc trưng ở những mảng tường lớn ghép gạch hoa. Giai đoạn giữa, vì lý do chiến tranh, nên ít công trình công cộng được xây dựng. Sang giai đoạn ba, từ 1975 -1986, thời kỳ hậu chiến kéo dài 10 năm chứng kiến sự bùng nổ về số lượng công trình công cộng được xây dựng, và có sự tiến bộ về chất lượng nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật – công nghệ của các nước XHCN giúp Hà Nội tái thiết sau chiến tranh. Đội ngũ KTS, một số được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nắm được những xu hướng phát triển mới, đã bước đầu phát huy được năng lực trong sự phối hợp với các KTS tốt nghiệp trong nước. Một số công trình trọng điểm còn có sự tham gia của các KTS và tổng công trình sư Liên Xô và khối Đông Âu.

Điểm nổi bật nhất trong giai đoạn sau cùng này là sự xuất hiện của nhiều công trình văn hóa – thể thao với phong cách kiến trúc hiện đại, một số công trình thể hiện sự pha trộn với kiến trúc truyền thống, đặc biệt ở ba công trình trọng điểm là Lăng Hồ Chủ Tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Ngoài ra, kiến trúc nhiệt đới cũng đã được nhận diện qua một số công trình hiện đại theo quan điểm của Châu Âu đưa vào nhưng đã có điều chỉnh thiết kế, khai thác một số cấu kiện và chi tiết từ kiến trúc truyền thống vốn dĩ đã thích ứng với điều kiện khí hậu thời tiết nóng ẩm của Hà Nội, để ít bị ảnh hưởng bởi các tác động bất lợi.

Phong cách kiến trúc các công trình công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1975-1986 chịu ảnh hưởng nhiều của kiến trúc Xô Viết, được thể hiện qua các yếu tố đặc trưng như: Phong cách kiến trúc, hình thức kiến trúc, vật liệu và công nghệ xây dựng.

1. Về vị trí xây dựng

Các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 tại Hà Nội đều được quy hoạch rất bài bản với vị trí thuận lợi. Trong tương quan so sánh bản đồ quy hoạch chung thực hiện năm 1981 và 2011 có thể thấy rõ vị trí của các công trình này vốn nằm trong các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, trở thành vùng lõi của vùng Thủ đô khi diện tích Hà Nội được quy hoạch mở rộng.

2. Về thể loại công trình

Có hai loại hình công trình được xây dựng nhiều nhất ở giai đoạn này là Trụ sở làm việc và Giáo dục. Đây là các loại hình công trình có mặt bằng thường được tổ chức theo dạng hành lang với tính modul hóa cao, thời gian khai thác chủ yếu vào ban ngày. Cách tổ chức mặt bằng như vậy cũng khiến cho sự lạc hậu về công năng của các công trình này diễn ra chậm hơn. Điều này lý giải tại sao cho tới thời điểm hiện tại, các công trình này vẫn được khai thác với công năng thiết kế. Các hoạt động cải tạo hiện tại chủ yếu diễn ra nhằm mục đích bổ sung, nâng cao tiện nghi khai thác mà thôi. Với cách bố cục không gian kiểu hành lang, kết cấu rất đơn giản, trong sáng, tạo điều kiện cho công tác tái phát triển sau này được dễ dàng. Nhưng vì thời gian khai thác chủ yếu vào ban ngày nên các trang thiết bị công trình chỉ ở mức tối thiểu. Ở đây cũng chỉ rõ các công trình tô màu đỏ là đã bị phá dỡ để xây mới, hoặc không còn nguyên bản đủ để có thể nhận ra. Có thể thấy rõ là Trụ sở làm việc là loại hình còn lại nhiều nhưng ít bị can thiệp nhất [dưới 30%] trong khi loại hình Giáo dục nhiều nhất, trên 50%. Tiếp theo là Dịch vụ với 30% và Thương mại [33%]. Có 2 loại hình là Văn hóa – biểu diễn và Y tế còn đủ 100% chưa bị can thiệp nhiều. Điều này được giải thích bởi các loại hình này đều do các tổ chức Nhà nước sở hữu, quản lý vận hành. Và công năng của các loại hình này ít khi lạc hậu, đối với loại hình Y tế chỉ có trang thiết bị công trình là lạc hậu nhanh chóng.

3. Về phong cách kiến trúc

Phong cách chủ đạo ở giai đoạn này là phong cách Hiện đại mang màu sắc XHCN dưới góc nhìn của người chiến thắng. Đó là các công trình xây dựng mới, được thiết kế với tinh thần cách mạng muốn rũ bỏ các giá trị cũ vốn tồn tại trong các công trình kiến trúc Thuộc địa trước đây, không lệ thuộc vào ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Pháp mà có hình thức kiến trúc đơn giản, mạch lạc thể hiện tinh thần của kiến trúc hiện đại, tạo ấn tượng vững chãi, phù hợp với điều kiện kinh tế còn hạn chế ở miền Bắc thời bấy giờ nhưng lại cũng rất chú ý tới khí hậu, môi trường ở để công trình sớm thích nghi với điều kiện nhiệt đới gió mùa điển hình. Chính vì thế các công trình giai đoạn này có giá trị kiến trúc rất đặc trưng, khác với trước đó và không giống với các giai đoạn sau này.

4. Về hình thức kiến trúc

Các công trình đều có khối hình mạnh mẽ, khúc triết, với cách tạo hình đơn giản, nhấn mạnh sự vươn ra, bay lên chứ không bám lấy mặt đất theo kiểu “thượng thu hạ thách” trước đây. Đây cũng là thế mạnh của vật liệu bê tông cốt thép được sử dụng chủ yếu ở giai đoạn này, một loại vật liệu mới trước đây chưa hề phổ biến ở Việt Nam. Cũng do đặc thù của vật liệu này, các cấu kiện có thể thực hiện tại hiện trường hoặc sản xuất hàng loạt tại nhà máy rồi lắp ghép, hình thức kiến trúc bộc lộ rõ tính modul, thủ pháp lặp và tinh thần cách điệu mạnh mẽ. Cấu trúc Đế – Thân – Mái vốn rất phổ biến ở các giai đoạn trước với phần Đế lớn, nổi bật, phần Mái nhẹ nhàng, cân đối đã có sự thay đổi ở các công trình thuộc giai đoạn này với phần Thân nổi bật, chiếm khối tích lớn, thậm chí lấn át phần Đế và nhiều công trình giấu đi cấu trúc phần Mái hoặc lại nhấn mạnh tới phần này hơn cả Đế và Thân như một cách tạo hình mới mẻ, sáng tạo ở thời kỳ đó.

5. Về trang trí mặt ngoài

Về trang trí mặt ngoài, nhiều công trình làm theo kiểu “double-skin” với lớp bên ngoài có chức năng chống mưa, nắng: khoảng không khí ở giữa có chức năng cách nhiệt mùa hè và giữ nhiệt cho mùa đông: lớp bên trong có chức năng bảo vệ trực tiếp cho công năng và tạo thẩm mỹ cho nội thất. Cách tổ chức này không mới, vốn cũng được dùng ở các công trình Pháp thuộc nhưng ở giai đoạn này được nâng lên thành yếu tố nhận diện rất đặc thù. Lớp bên ngoài được làm bằng bê tông, lam chắn nắng, gạch lỗ hoa hoặc là những chi tiết mang tính điêu khắc rất đặc thù, điều làm nên giá trị thời đại của các công trình giai đoạn này. Hình thức kiến trúc của các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 cũng bị ảnh hưởng của nền kinh tế kế hoạch với ưu tiên cho việc khai thác tối đa các yếu tố vật lý kiến trúc ngoài nhà, tính toán một cách khoa học kích thước các chi tiết cấu tạo che mưa, nắng, thông gió tự nhiên…, vốn mới lạ đối với các KTS thời điểm đó. Mặc dù vậy các hình thức trang trí nếu có vẫn chủ yếu mang tính chung chung thể hiện ở các hình đồ họa hay chi tiết cấu tạo cách điệu từ kiến trúc dân gian hay kiến trúc thuộc địa, chưa có sự quan tâm tới tính đặc thù của từng loại hình công trình riêng. Trong khi kinh tế thị trường lại quan tâm tới các yếu tố nhận diện đối với công trình công cộng. Mỗi loại hình khác nhau sẽ có những cách biểu hiện khác nhau từ nội dung bên trong ra hình thức bên ngoài với mục đích thu hút sự chú ý của người khai thác sử dụng.

Bảng 1. Hiện trạng loại hình các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 ở Hà Nội. [Nguồn: Tác giả]

6. Về tổ chức mặt bằng

Các công trình giai đoạn này thường có cách tổ chức mặt bằng theo hành lang, với không gian chính được chia thành các không gian nhỏ có diện tích như nhau, hoạt động cố định và tiện nghi khai thác tương tự nhau, phù hợp với các dây chuyền công năng cố định, không phát sinh các nhu cầu khác trong quá trình khai thác. Việc khai thác thế mạnh của bê tông cốt thép giúp tách bạch phần chịu lực và phần ngăn chia không gian, khác với cấu trúc không gian của các công trình trước đây, điều này đáng lẽ sẽ giúp cho không gian linh hoạt hơn, nhưng lại bị quy định bởi tư duy cứng nhắc trong khai thác, quản lý cũng như trào lưu modul hóa mới mẻ ở thời kỳ đó nên cuối cùng các công trình công cộng giai đoạn này lại có cách tổ chức mặt bằng giống nhau trong khi công năng khác nhau. Trong quá trình khảo sát thực địa, nhóm khảo sát đã chỉ ra rõ đặc điểm thú vị này và đặc biệt hơn, vì chưa có cơ chế pháp lý để cải tạo không gian cho phù hợp với mục đích khai thác mới, các đơn vị vận hành sẵn sàng điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với không gian hiện trạng. Điều này phần nào khẳng định giá trị về vị trí hoặc vật chất của công trình kiến trúc, trong tương quan so sánh với giá trị khai thác thực tế. Tuy vậy, như đã nói ở trên, việc can thiệp để biến đổi không gian theo nhu cầu khai thác mới là rất dễ dàng, kể cả mở rộng quy mô khai thác về lượng cũng như về chất.

Mức độ nguyên vẹn của các công trình giai đoạn này, theo khảo sát sơ bộ được công bố trong Hội thảo lần thứ hai ASEAN International Conference, “Pioneers of modern architects”, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến 13/01/2017 do Nguyễn Mạnh Trí thực hiện, phần lớn phụ thuộc vào tính chất của công trình. Công trình càng có ít giá trị lịch sử, chính trị, càng dễ bị tác động. Tuy nhiên tới thời điểm này đã có khá nhiều công trình có giá trị kiến trúc với quy mô không nhỏ cũng đang bị đe dọa sự tồn tại, ví dụ như khách sạn Thắng Lợi nay đã bị phá bỏ để xây dựng mới như Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vì không có các yếu tố pháp lý bảo vệ chính thức.

Trang trí mặt ngoài với chi tiết che nắng đa dạng [Nguồn: Tác giả]

Kết luận

Thời kỳ 1975-1986 trong lịch sử đô thị Hà Nội rất đặc thù về thời điểm. Đây là giai đoạn thống nhất đất nước, tập trung xây dựng XHCN với tâm thế của người chiến thắng, muốn đoạn tuyệt với quá khứ hướng tới tương lai. Điều này bộc lộ rất rõ ở các công trình công cộng thời kỳ này, không còn đi theo xu hướng kiến trúc Thuộc địa hoặc Dân gian nữa mà mạnh dạn phát triển theo xu hướng Hiện đại với chất liệu bê tông cốt thép mới mẻ, công nghệ xây dựng lắp ghép và va chạm với các KTS, kỹ sư nước ngoài. Xu hướng Hiện đại này, giống như trào lưu kiến trúc Thuộc địa trước đây cũng được Nhiệt đới hóa một cách đặc trưng cho phù hợp với khí hậu Việt Nam. Các công trình công cộng thời kỳ này tới nay vẫn còn ở trong tình trạng rất tốt, khai thác đúng theo công năng thiết kế, nhưng đang đứng trước sức ép cải tạo do giá đất vị trí đã tăng rất cao, bên cạnh việc lạc hậu của công năng sử dụng. Sự mất đi giá trị nguyên bản này là thiệt hại lớn đối với mục đích mong muốn đưa các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 trở thành di sản kiến trúc. Các yếu tố nhận diện phong cách kiến trúc trong giai đoạn này sẽ đóng vai trò quan trọng và cần được giữ gìn, từ đó khái quát hóa để trở thành yếu tố nhận diện cho Di sản kiến trúc đô thị Hiện đại.

Chủ Đề