Lược khảo tài liệu là gì năm 2024

Mở đầu là phần rất quan trọng của tập luận văn tốt nghiệp. Phần mở đầu hay sẽ thuyết phục được độc giả đọc tiếp phần nội dung, đồng thời cũng giúp cho độc giả dễ dàng theo dõi phần nội dung hơn. Mở đầu là phần trình bày khái quát vấn đề đã được nghiên cứu, lý do chọn đề tài, tính cấp thiết của đề tài, mục đích và mục tiêu của đề tài, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài,…

Phải viết phần mở đầu sao cho độc giả có thể trả lời được những câu hỏi sau:

  • Nghiên cứu vấn đề gì?
  • Tại sao nghiên cứu này là cần thiết?
  • Những điều gì trong nghiên cứu nầy chưa được biết đến?
  • Bằng cách nào để người nghiên cứu hoàn thiện những thiếu sót của nghiên cứu trước hoặc cải thiện những tình huống trong nghiên cứu trước?
  • Giới hạn của đề tài?
  • Dùng phương pháp nào để thực hiện đề tài?

Cách viết phần mở đầu

Có 3 cách viết phần mở đầu:

  • Sử dụng trích dẫn: Bắt đầu phần mở đầu với lời trích dẫn có liên quan đến đề tài nghiên cứu, trên cơ sở đó đồng ý hay là không đồng ý, hoặc có ý kiến trái ngược với lời trích dẫn đó.
  • Đặt câu hỏi: Hướng độc giả tập trung vào chủ đề nghiên cứu.
  • Trình bày một minh chứng: Là một giai thoại hay một thí dụ có liên quan đến đề tài nghiên cứu.

Các bước viết phần mở đầu:

Bước 1: Trước hết hình thành lĩnh vực cần nghiên cứu và cung cấp tình huống thiết thực để thực hiện. Bước này có thể gồm 3 ý sau:

  • Đặt vấn đề nghiên cứu và từ đó nói lên việc nghiên cứu là cần thiết. Thí dụ: “Nhiệt độ thấp an toàn [trên mức đóng băng] và ẩm độ cao rất quan trọng để kéo thời gian bảo quản sống của rau cải”. Trong câu này có 2 thông tin quan trọng được đưa ra là: Nhiệt độ và ẩm độ.
  • Đi từ tổng quát đến cụ thể cần nghiên cứu. Tuy nhiên, không được viết quá tổng quát xa với đề tài.
  • Những nghiên cứu trước có liên quan để từ đó xác định những vấn đề cần nghiên cứu của đề tài.

Bước 2: Xác định những vấn đề cần nghiên cứu không bị trùng lắp với những nghiên cứu trước. Chỉ ra rằng đề tài nghiên cứu này là một khám phá mới về phương pháp hay kết quả mà trước đó chưa được biết. Có 4 cách để minh chứng bước này.

  • Chỉ ra những thiếu sót hay những vấn đề cần nghiên cứu mà những nghiên cứu trước chưa giải quyết được.
  • Đặt câu hỏi cho vấn đề nghiên cứu mà chưa có câu trả lời cho vấn đề này, đó là điều sẽ được khám phá trong đề tài nghiên cứu.
  • Nối tiếp những nghiên cứu trước trên cơ sở những công việc đã làm trước đó, nhưng được nghiên cứu sâu hơn [chẳng hạn như sử dụng mẫu thí nghiệm mới, tăng lĩnh vực nghiên cứu, nhân tố thí nghiệm nhiều hay ít hơn].
  • Những ý kiến trái ngược lý luận hay phương pháp được đặt ra trước đó. Ở phần này, thường là những ý kiến tranh cãi việc đánh giá những nghiên cứu trước đó: chẳng hạn như nghiên cứu quá phức tạp; hay tiến trình thực hiện quá đơn giản; chúng nên thực hiện theo cách này hay cách khác.

Bước 3: Khi lĩnh vực nghiên cứu đã được xác định, thì phải đưa ra cách giải quyết hay nói cách khác là phải giải quyết được những thiếu sót mà nghiên cứu trước chưa thực hiện. Cuối phần mở đầu có thể nêu những lợi ích của việc nghiên cứu; giải thích mục tiêu thực hiện; nói rõ lĩnh vực nghiên cứu; những gì đạt được từ nghiên cứu và nó được sử dụng như thế nào. Cần nêu ra được các ý sau:

  • Khái quát về mục đích:Trình bày mục đích trong phần giới thiệu giúp người đọc hiểu rõ cái gì mà họ sẽ thu được. Mỗi mục đích được viết thành một đoạn.
  • Thông tin phương pháp nghiên cứu hiện tại: Chỉ cần nêu sơ bộ, bao gồm giới hạn phạm vi nghiên cứu, không nêu chi tiết.
  • Thông tin kết quả tìm được: Có thể chỉ ra sơ bộ những gì kết quả nghiên cứu đạt được, những khái quát về chúng.
  • Chỉ ra cấu trúc nghiên cứu: Giới thiệu trình tự của bài viết, như thế giúp cho người đọc dễ theo dõi.
  • Chỉ ra hướng đi cho những nghiên cứu kế tiếp:Nghiên cứu thường mở ra hướng mới cho những nghiên cứu tiếp theo, để chỉ ra rằng nghiên cứu hiện tại không giải quyết hết vấn đề.
  • Chỉ ra những điều lợi đạt được từ nghiên cứu: Nói lên được lợi ích của nghiên cứu, tại sao phải nghiên cứu và nhấn mạnh giá trị nghiên cứu.

Sơ đồ cách viết mở đầu

Viết mở đầu thường đi từ vấn đề chung sau đó đến phần chi tiết cần thực hiện [Hình 1].

Sơ đồ cơ bản để viết phần mở đầu

Những lỗi thường mắc phải khi viết phần mở đầu

  • Quá chi tiết, dài dòng: Phần mở đầu chỉ trình bày những vấn đề chung của luận văn. Còn phần phương tiện-phương pháp, kết quả-thảo luận, kết luận-đề nghị thì được trình bày ở phần sau, không nên trình bày chi tiết ở đây. Phần mở đầu thường phải ngắn gọn tương tự như phần kết luận.
  • Lập lại những từ, ý và những cụm từ giống nhau: Độc giả sẽ không thích đọc lại những từ, những ý giống nhau nhiều lần. Nếu lập đi lập lại nhiều lần có nghĩa là người viết dường như lúng túng, nghèo nàn ý tưởng, thiếu nghiên cứu sâu vô vấn đề, có nghĩa là không được sự quan tâm của tác giả, nên tránh hiện tượng nầy.
  • Xác định vấn đề nghiên cứu không rõ ràng: Độc giả sẽ không hiểu đề tài thực sự nghiên cứu vấn đề gì nếu phần mở đầu không xác định vấn đề rõ ràng, hoặc phần mở đầu thiếu chính xác, mập mờ. Như vậy, độc giả sẽ đánh giá công trình nghiên cứu không cao, cho là vô nghĩa, không chất lượng... Có thể mở đầu câu bằng cụm từ “Mục tiêu nghiên cứu của thí nghiệm này là...” nó sẽ nói lên những vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu. Không nên lập lại những cụm từ trong tựa đề tài để diễn tả mục tiêu của đề tài.
  • Sắp xếp ý không khoa học: Thông thường chúng ta cố gắng đưa nhiều ý vào phần giới thiệu nhưng lại không sắp xếp chúng có logic. Phần giới thiệu phải theo trình tự logic để người đọc dễ dàng theo dõi.

Chương 1: Lược khảo tài liệu [còn gọi là tổng quan tài liệu]

Mục tiêu của lược khảo tài liệu

Lược khảo tài liệu là phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu trước của các tác giả trong và ngoài nước có liên quan “mật thiết” đến đề tài, luận văn; Nêu những vấn đề còn tồn tại, những thiếu sót chưa giải quyết ở những nghiên cứu trước cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hay nêu lên những phương pháp mới để giải quyết vấn đề và chỉ ra những vấn đề mà đề tài, luận văn cần tập trung nghiên cứu, giải quyết.

Để có lược khảo tài liệu tốt đòi hỏi tác giả phải biết cách thu thập, tóm lược và cô đọng những tài liệu thu thập được, sắp xếp lại có hệ thống. Cách trình bày phần lược khảo tài liệu phải hợp lý, phải có ý nghĩa đối với đề tài.

Tóm lại, mục tiêu viết lược khảo tài liệu là để:

  • Giúp sinh viên biết rõ hơn về đề tài nghiên cứu của mình.
  • Tránh việc nghiên cứu bị trùng lấp với những nghiên cứu trước.
  • Qua đó Hội đồng đánh giá được kiến thức của sinh viên về lĩnh vực nghiên cứu và đánh giá được sự đóng góp của đề tài nghiên cứu trong thực tiễn.

Cách trích dẫn tài liệu

Mọi ý tưởng, khái niệm, mang tính chất gợi ý không phải là ý riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tài liệu tham khảo của luận văn tốt nghiệp. Nếu sử dụng những đề xuất hoặc kết quả của đồng tác giả cũng phải được nêu ra. Nếu sử dụng tài liệu của người khác và của đồng tác giả [bảng, biểu, hình vẽ, công thức, đồ thị, phương trình, ý tưởng...] mà không ghi tác giả và nguồn tài liệu thì luận văn không được duyệt bảo vệ.

Không trích dẫn những kiến thức phổ biến mà mọi người đều biết. Việc trích dẫn, tham khảo chủ yếu nhằm thừa nhận nguồn của những ý tưởng có giá trị và giúp người đọc theo được mạch suy nghĩ của tác giả, không làm trở ngại việc đọc luận văn của mình.

Nếu không có điều kiện tiếp cận được tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó phải được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo của luận văn.

Khi cần trích dẫn nguyên văn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn hàng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép để mở đầu và kết thúc trích dẫn. Nếu cần trích dẫn dài hơn thì phải tách phần này thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào thêm 2 cm. Đối với phần này, mở đầu và kết thúc đoạn trích không phải sử dụng dấu ngoặc kép.17 Tài liệu được trích dẫn trong bài phải ghi rõ nguồn gốc bằng cách ghi họ tác giả [đối với tác giả nước ngoài, không ghi tên] hoặc cả họ và tên [đối với tác giả người Việt Nam], và phải được để trong ngoặc đơn kèm theo năm xuất bản. Thí dụ: [Stevenson, 1962] hoặc [Nguyễn Bảo Vệ và ctv., 1998]. Nếu tên của tác giả là một phần của đoạn bài viết thì chỉ có năm xuất bản để trong ngoặc. Thí dụ: Olk et al. [1995] hoặc Nguyễn Bảo Vệ [1998]. Tài liệu có 2 tác giả thì phải viết tên cả hai tác giả cách nhau chữ and [hoặc và], thí dụ Cassman and Olk [1998] hay Nguyễn Bảo Vệ và Lê Quang Trí [2000]. Tài liệu có trên hai tác giả thì chỉ viết tên tác giả đầu, thí dụ Cassman et al. [1998] hoặc Nguyễn Bảo Vệ và ctv. [2000].

Tài liệu sử dụng để tham khảo

Tài liệu sử dụng có liên quan đến phần lược khảo gồm có:

  • Tạp chí [journal]: Đây là tài liệu có thông tin được cập nhật thường xuyên và chuyên sâu, thường được sử dụng nhiều trong phần lược khảo tài liệu vì tài liệu nầy được kiểm duyệt tính khoa học và tính mới mẽ trước khi in ấn [chẳng hạn như được 2 nhà phản biện có kiến thức chuyên môn đánh giá và góp ý].
  • Sách: Ít được cập nhật thông tin như tập san hay tạp chí. Sách thường không hữu ích cho phần lược khảo tài liệu, chúng thường được sử dụng cho việc giảng dạy. Sách là nguồn tài liệu để khơi dậy ý tưởng bắt đầu để đi vào chi tiết của lược khảo tài liệu.
  • Kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo [Proceedings]: Cung cấp những thông tin về nghiên cứu gần nhất hay những nghiên cứu chưa được công bố. Chúng có thể giúp ích trong việc đưa thông tin về những nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Có thể sử dụng những kết quả nầy cho việc lược khảo tài liệu.
  • Báo cáo của cơ quan nhà nước: Có rất nhiều cơ quan của nhà nước thực hiện những công trình nghiên cứu. Những kết quả tìm được của họ là những thông tin hữu ích trong việc viết lược khảo tài liệu.
  • Báo chí: Thường được viết những vấn đề có tính chất chung, không chuyên sâu. Vì vậy, những thông tin này thường bị giới hạn khi viết lược khảo tài liệu, ít được sử dụng. Thông thường báo chí chỉ cung cấp xu hướng nghiên cứu, những khám phá hay là những thay đổi có tính chất tổng quan.
  • Luận văn tốt nghiệp: Đây là nguồn thông tin cũng rất hữu ích cho việc trích dẫn tài liệu. Tuy nhiên, có một số bất lợi là chúng không được công bố rộng rãi [chỉ có trong các thư viện] và thường thì tác giả thực hiện thí nghiệm chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu. Vì vậy, việc sử dụng tài liệu này nên dè dặt hơn so với những tài liệu đã công bố trong tạp chí.
  • Internet: Thông tin được cập nhật nhanh nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tốt còn có những thông tin chưa thật xác thực, thông tin chung chung thiếu chi tiết. Lưu ý, những thông tin trên internet không có nguồn gốc từ những tài liệu đã công bố thì không phù hợp để trích dẫn.
  • CD-ROM: Thường cung cấp những thông tin chuyên biệt, chi tiết cho việc nghiên cứu. Chúng cũng là công cụ để tìm thông tin mà luận văn cần.
  • Tập san [magazines]: Thường là những thông tin chung cho nhiều đối tượng độc giả, chúng không cung cấp đủ những thông tin cho việc nghiên cứu sâu mà chủ yếu là những ý tưởng, những thông tin cơ bản về những khám phá mới, về chính sách,... Tuy nhiên, cũng được dùng để trích dẫn.

Nguyên tắc viết lược khảo tài liệu

Khi viết lược khảo tài liệu phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Tài liệu tham khảo phải là những thông tin gần gũi hay liên quan trực tiếp đến đề tài.
  • Tài liệu tham khảo là phần tổng hợp ngắn gọn các kết quả có trước [những vấn đề nghiên cứu nào đã biết rồi và những vấn đề chưa được biết].
  • Phải xác định cho được những lĩnh vực cần bàn thảo trong phần lược khảo tài liệu.
  • Đặt những câu hỏi để đề xuất những nghiên cứu xa hơn.
  • Lược khảo tài liệu phải trả lời được những câu hỏi sau:
  • Những gì đã biết về đề tài dựa trên những nghiên cứu có trước?
  • Những nhân tố chính cần phải nghiên cứu là gì?
  • Mối liên hệ giữa các nhân tố ấy như thế nào?
  • Tại sao vấn đề nghiên cứu được biết đến?
  • Tại sao phải kiểm tra lại vấn đề nghiên cứu đó?
  • Những minh chứng còn thiếu, giới hạn, trái ngược hoặc là quá hạn chế của những nghiên cứu trước?
  • Tại sao phải nghiên cứu xa hơn?
  • Nghiên cứu hiện tại của luận văn hy vọng đóng góp những gì?
  • Bố trí thí nghiệm như thế nào để thỏa mãn cho việc nghiên cứu?

Làm thế nào để viết tốt phần lược khảo tài liệu

  • Luôn luôn nhớ mục đích nghiên cứu
  • Đọc có mục đích
  • Viết có mục đích
  • Lập dàn bài trước khi bắt đầu viết

Chương 2: Phương tiện và phương pháp

Phương tiện

Chỉ mô tả những phương tiện có thể làm thay đổi kết quả của đề tài khi phương tiện đó thay đổi, chẳng hạn như đất đai nơi thí nghiệm, giống thí nghiệm, loại phân bón, máy móc phân tích chuyên dùng... Không mô tả những phương tiện thông thường, sử dụng loại nào cũng được mà không ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, như: Giấy, viết, cân, thước, nước cất, hóa chất, xe vận chuyển…

Trong những đề tài về điều tra, địa bàn điều tra được mô tả kỹ các yếu tố như: đất, chế độ thủy văn, khí hậu, hiện trạng canh tác…và được trình bày trong một chương riêng, sau chương lược khảo tài liệu.

Phương pháp thí nghiệm

Phương pháp thí nghiệm phải được trình bày đầy đủ thông tin, sao cho độc giả có thể theo đó lập lại được thí nghiệm mà không cần hỏi đến tác giả. Phần này phải trả lời được 3 câu hỏi chính sau:

  1. Thí nghiệm được bố trí như thế nào?
  2. Làm thế nào để thu thập số liệu, thu thập lúc nào?
  3. Số liệu đó được phân tích bằng phương pháp nào?

Nói cách khác, phần phương pháp thí nghiệm chỉ ra làm thế nào để độc giả đọc và hiểu được kết quả nghiên cứu. Do đó, viết phương pháp phải đáp ứng những nguyên tắc sau:

  • Phương pháp thực hiện phải phù hợp với mục đích của nghiên cứu, tránh trường hợp bố trí thí nghiệm không phù hợp với mục tiêu đề ra. Thường thì có rất nhiều phương pháp để giải quyết vấn đề nghiên cứu, nên giải thích tại sao lại chọn phương pháp đó.
  • Cần có thảo luận những trở ngại trong quá trình thực hiện và giải thích từng bước thí nghiệm đã thực hiện.
  • Độc giả muốn biết những số liệu thu thập được phải hợp lý với việc nghiên cứu. Do đó, phải trình bày làm thế nào để thu thập số liệu, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến phần kết quả. Giúp cho độc giả đánh giá được kết quả.
  • Trong một vài trường hợp thì phương pháp thí nghiệm sẽ chỉ cho độc giả có thể lập lại thí nghiệm. Trong trường hợp đặc biệt, phải có phương pháp thí nghiệm mới để phù hợp với mục đích thí nghiệm hơn.

Những lỗi thường gặp khi viết phương tiện và phương pháp thí nghiệm

  • Trình bày những chi tiết không làm ảnh hưởng đến kết quả của thí nghiệm.
  • Giải thích nhiều những tiến trình cơ bản.
  • Không đủ thông tin để có thể lập lại thí nghiệm. Nhưng nhớ rằng phần phương pháp nghiên cứu không phải viết để hướng dẫn cho những người mới bắt đầu nghiên cứu. Độc giả là những người có kiến thức về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, nên phần này được viết với giả định độc giả là những người có chuyên môn, vì thế không cần viết quá chi tiết.

Thí dụ:

Có thể viết “Hàm lượng chlorophyll [µg/g mô thực vật] được đo theo phương pháp Anderson and Boardman [1964]” mà không cần phải viết chi tiết cách chuẩn bị mẫu, thao tác đo,... như thế nào. Tuy nhiên, có thể trình bày tóm tắt phương pháp, nếu phương pháp đó đặc biệt.

  • Những khó khăn không đoán được. Thường chúng ta không thể dự đoán được tất cả những trở ngại phát sinh trong khi thu thập số liệu, nhưng lại thiếu trình bày làm thế nào để vượt qua những khó khăn ấy. Có thể đây là phần hấp dẫn của phần phương pháp, nghĩa là có thể đưa ra phần trăm về quyết định, cái nhìn thực tế về phương pháp mà ta lựa chọn.

Chương 3: Kết quả và thảo luận

Phần nầy mô tả ngắn gọn kết quả nghiên cứu đã đạt được gồm các số liệu nghiên cứu khoa học hoặc số liệu thực nghiệm. Chúng được trình bày ở dạng bảng, đồ thị, sơ đồ hình,... số liệu thô thường được trình bày ở phần phụ lục. Phần thảo luận phải căn cứ vào các dẫn liệu khoa học thu được trong quá trình nghiên cứu của đề tài, luận văn hoặc đối chiếu với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác thông qua các tài liệu tham khảo. Đưa ra những ứng dụng có thể từ những kết quả đạt được [điều này có thể đúng và cũng có thể sai ở những kết quả nghiên cứu tiếp theo].

Có 2 cách để trình bày kết quả và thảo luận:

  1. Trình bày tất cả các kết quả đạt được, sau đó là phần thảo luận [hai phần nầy phải được trình bày ở hai phần riêng biệt]. Cách trình bày này phổ biến ở các bài báo trong tạp chí khoa học.
  2. Trình bày từng phần kết quả đạt được cùng với thảo luận. Cách trình bày này thì thường phổ biến khi viết luận văn tốt nghiệp.

Khi trình bày kết quả thảo luận cần lưu ý:

- Nếu trình bày phần kết quả và thảo luận ở hai phần khác nhau thì ở phần thảo luận nên tóm tắt lại kết quả để gợi nhớ độc giả.

- Đưa ra những lý do tại sao kết quả nghiên cứu này khác với kết quả nghiên cứu trước hay khác với những lý thuyết hoặc là giải thích những kết quả không mong muốn.

- Dù có sự lặp lại của thông tin trong phần kết quả nghiên cứu và phần thảo luận, nhưng nên hạn chế sự lặp lại này.

- Cách trình bày kết quả và cách thảo luận là rất khác nhau: Trình bày kết quả là nêu kết quả đạt được và chúng phải hữu ích cho độc giả, phần thảo luận thì là phần bàn bạc, giải thích chúng.

- Không nên thảo luận kết quả đạt được trong nghiên cứu của mình “phù hợp” với kết quả nghiên cứu của tác giả khác. Có thể nói kết quả mình đạt được cũng được tác giả nào đó tìm thấy…

Kết luận và đề nghị

Ở phần này, trình bày những kết quả mới của luận văn một cách ngắn gọn, không có lời mô tả, bàn và bình luận thêm. Kết luận nên nói lên sự giới hạn của đề tài hơn là sự kết thúc. Kiến nghị những ứng dụng của kết quả và những nghiên cứu tiếp theo.

Thí dụ:

“Trồng Dưa hấu trong mùa mưa áp dụng biện pháp phủ plastic có hiệu quả tăng năng suất, lợi nhuận so với phủ rơm và không phủ. Càng tăng mức phân đạm từ 100 đến 150 và 200 kg N/ha càng làm giảm năng suất trái thương phẩm, lợi nhuận và thời gian tồn trữ trái nhưng không làm thay đổi hàm lượng đường trong trái khi chín. Phủ plastic kết hợp với mức phân bón tối thiểu 100 kg N/ha cho năng suất, chất lượng trái và hiệu quả kinh tế cao nhất. Đề nghị nông dân trồng Dưa hấu mùa mưa, trên đất phù sa ven sông không bị ngập ở ngoại thành thành phố Cần Thơ có thể áp dụng biện pháp phủ liếp plastic và bón 100 kg/ha.”

Viết phần kết luận dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Đã học hỏi được gì từ nghiên cứu [thường gặp nhất].
  • Chỉ ngắn gọn những gì đã thực hiện.
  • Thuận lợi, khó khăn, tính ứng dụng của đề tài, đánh giá,...
  • Đề nghị.

Những lỗi thường gặp khi viết phần kết luận

  • Quá dài: Phần kết luận nên ngắn gọn. Thông thường phần kết luận chiếm không quá 2,5% tổng số trang của luận văn.
  • Quá chi tiết: Phần kết luận quá dài sẽ chứa những chi tiết không cần thiết. Phần này không cần nói lại về phương pháp hay kết quả của thí nghiệm. Chỉ nêu những gì cần học hỏi từ nghiên cứu, chú trọng phần ứng dụng, đánh giá,...
  • Không tóm lại được những vấn đề khó khăn trong nghiên cứu: Những gì có tác động ngược đến nghiên cứu của đề tài thì không nên bỏ qua. Những khó khăn hay những ảnh hưởng bất lợi thì phải được thể hiện trong phần kết luận.
  • Thiếu kết luận ngắn gọn về những gì nên học hỏi:Mặt khác, có thể nói những học hỏi từ đề tài nghiên cứu, nhưng phải thật ngắn gọn, thường thì chỉ vài câu.
  • Kết luận không phù hợp với mục tiêu đề ra:Thường thì mục tiêu đưa ra có thể được thay đổi khi thí nghiệm đang tiến hành, điều này rất bình thường, nhưng khi viết phần kết luận thì phải phù hợp với công việc nghiên cứu.

Danh sách tài liệu tham khảo

Chỉ bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập tới để lược khảo tài liệu và thảo luận trong luận văn. Thông thường, tập luận văn thường bị thừa hoặc thiếu tài liệu trong danh sách tài liệu tham khảo do sửa chữa trong quá trình viết.

Phụ lục [Appendix]

Phần phụ lục là phần không quan trọng trong bài viết, nhưng chúng là phần cung cấp thêm để độc giả hiểu rõ hơn về luận văn. Phần phụ lục là một nhóm của các vấn đề có liên quan. Phần phụ lục có thể trình bày chi tiết các bảng mà nó không thể trình bày trong bài viết, hay là những hình ảnh minh họa, những ghi chú hay phương pháp kỹ thuật, thời khóa biểu thu thập số liệu, tài liệu khó tìm, trường hợp quá dài không thể viết trong bài viết.

Tất cả các phụ lục đều được đặt ở sau phần bài viết, không được đặt sau mỗi chương. Những vấn đề khác nhau được chia ra những phụ lục khác nhau. Trong trường hợp khi có nhiều phụ lục thì mỗi phụ lục có chữ số theo sau, hay là chữ theo sau [thí dụ: PHỤ LỤC 1, PHỤ LỤC A, ...].

Nếu bài viết có một phụ lục thì có thể viết hay không cần tựa của phụ lục. Trong trường hợp có nhiều phụ lục thì mỗi phụ lục phải có tựa và cách trình bày cũng giống như trình bày chương và chúng được thể hiện trong phần mục lục.

Các dòng trong phụ lục thì không nhất thiết là hàng đơn hay hàng đôi, mà tùy thuộc vào cách trình bày của tài liệu gốc. Khoảng cách hàng có thể không giống nhau giữa phụ lục này với phụ lục khác. Những tài liệu hay là tình huống nghiên cứu thì nên viết các dòng cách nhau hàng đơn. Còn nếu trình bày một tiến trình thí nghiệm hay là giải thích thì khoảng cách giữa các dòng giống như trong bài viết.

Những tài liệu photo, chẳng hạn như tạp chí đã công bố, bảng in thử, hoặc bảng câu hỏi mà chúng được trình bày riêng biệt với phần phụ lục thì chúng phải được đánh số bên gốc phải trang giấy và chữ số nằm trong ngoặc. Chữ số chỉ số tiếp tục trong bài viết, còn ngoặc kép chỉ chữ số ấy không phải là chữ số gốc của tạp chí [tài liệu photo này có thể có những chữ số gốc của tạp chí hay không]. Còn tài liệu photo nằm trong phần phụ lục thì nó phải được đánh số liên tục và giống như trong bài viết. Trường hợp này thì khi photo phải che đi phần chữ số của tạp chí gốc. Sau đó, đánh số lại từng trang tiếp theo cách đánh số trang trong bài viết.

Chủ Đề