Người Hoa kiều là gì

  • Home »
  • Các bài nổi bật »
  • ĐCSTQ và Cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài

ĐCSTQ và Cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài

Tháng Năm 17, 2021 Các bài nổi bật 0 Comment

Sự cai trị độc đoán ngoài lãnh thổ của Bắc Kinh

Tiến sĩ Oscar Almen/CƠ QUAN NGHIÊN CỨU QUỐC PHÒNG THỤY ĐIỂN

Lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế đã tăng lên trong những năm gần đây. Một phần mối lo ngại này liên quan đến khả năng của Trung Quốc trong việc huy động cộng đồng người Trung Quốc ở bên ngoài Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [Trung Quốc]. Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] tìm cách vươn rộng sự cai trị độc tài của mình tới cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài như một cách để giành được sự ủng hộ cho các chính sách của mình và giảm bớt tầm ảnh hưởng của các đối thủ. Một khía cạnh vô cùng quan trọng là câu hỏi đảng-nhà nước Trung Quốc coi ai là người Trung Quốc và theo đó ai là mục tiêu chính đáng cho các hoạt động gây ảnh hưởng của đảng này. Những thành viên của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài mà đảng cho là đáng tin cậy đôi khi được sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính trị ở quốc gia nơi mà họ sinh sống để phục vụ cho lợi ích của ĐCSTQ. Ngược lại, những người phản đối thì có nguy cơ bị đe dọa hoặc trong trường hợp xấu nhất là bị bắt cóc. Các hoạt động ngoại giao ở nước ngoài của Trung Quốc có nhiều hậu quả khác nhau về an ninh bao gồm ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc trong chính trị nội bộ của các quốc gia nước ngoài, các mối đe dọa an ninh nhằm vào công dân nước ngoài gốc Trung Quốc và làm suy yếu các nguyên tắc về quốc tịch trong luật pháp quốc tế.

Cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài rất đa dạng và bao gồm công dân Trung Quốc ở nước ngoài cũng như công dân nước ngoài gốc Trung Quốc. ĐCSTQ coi trọng vai trò của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đối với sự phát triển của Trung Quốc và cái gọi là sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc được khởi xướng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Tham vọng của ông Tập là Trung Quốc sẽ chiếm vị trí trung tâm trong chính trị toàn cầu.

Người bán sách Lam Wing-kee ở Hồng Kông, cho biết ông đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong nhiều tháng, đứng trước cửa hàng của mình vào tháng 6 năm 2016. Các tấm biển phía sau ông có chữ hãy thả bằng tiếng Trung Quốc và chứa tên cũng như hình ảnh của các người xuất bản bị giam giữ khác, bao gồm cả công dân Thụy Điển Gui Minhai, bên trái. THE ASSOCIATED PRESS

Các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm huy động người Trung Quốc ở nước ngoài ủng hộ các chính sách của mình cũng như gây áp lực và đe dọa đối với những người chống đối đảng đã dẫn đến sự lên án công khai từ các chính phủ nước ngoài. Khỏi cần phải nói, không phải tất cả các thành viên của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đều trân trọng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa họ vào dự án hồi sinh do ĐCSTQ lãnh đạo.

Những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc gây ảnh hưởng và kiểm soát cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài tạo thành các hoạt động bên ngoài lãnh thổ mà trong một số trường hợp đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ví dụ như vụ bắt cóc công dân Thụy Điển Gui Minhai ở Thái Lan và đồng nghiệp của ông Gui, công dân Anh Lee Bo, ở Hồng Kông, cũng như các lời đe dọa nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng lưu vong. Để hiểu tham vọng về chính sách đối ngoại cũng như các hoạt động bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, điều quan trọng là phải tìm hiểu về các quan điểm cơ bản của lãnh đạo ĐCSTQ về cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài.

Quan điểm của ĐCSTQ về quốc tịch Trung Quốc

Trung Quốc không công nhận quốc tịch kép. Do đó, những người Trung Quốc có quốc tịch nước ngoài không còn được Trung Quốc coi là công dân Trung Quốc nữa. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến sắc tộc và chủng tộc khi nói về người Trung Quốc và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng dõi và gốc gác. Theo quan điểm này, tất cả các công dân nước ngoài có nguồn gốc Trung Quốc, bất kể gia đình của họ đã rời khỏi Trung Quốc trước đó bao nhiêu thế hệ, đều có khả năng được đưa vào quan niệm của ĐCSTQ về dân tộc Trung Quốc. Tại Hội nghị về Tình Hữu nghị của các Hiệp hội Trung Quốc ở Nước ngoài lần thứ bảy vào năm 2014, ông Tập Cận Bình nói, Có hàng chục triệu người Hoa kiều trên khắp thế giới, và tất cả mọi người đều là thành viên của gia đình Trung Quốc. Trong một thời gian dài, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Hoa kiều đã duy trì truyền thống quý báu của dân tộc Trung Quốc và không quên đất mẹ, quê cha đất tổ của họ, hay dòng máu của dân tộc Trung Quốc chảy trong cơ thể họ.

Quan điểm này làm lu mờ sự phân biệt giữa công dân Trung Quốc ở nước ngoài [Hoa kiều huaqiao] và công dân nước ngoài gốc Trung Quốc [Hoa nhân huaren] được quy định theo luật pháp Trung Quốc. ĐCSTQ kỳ vọng rằng người Hoa kiều phải yêu nước và trung thành với những gì mà đảng này coi là quê cha đất tổ của họ.

Gladys Liu, nhà lập pháp được sinh ra ở Trung Quốc đầu tiên được bầu vào Quốc hội Úc, phát biểu tại Hạ viện ở Canberra,
Úc vào tháng 7 năm 2019. Bà đã bị chỉ trích vì mối quan hệ của bà với mạng lưới gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc. THE ASSOCIATED PRESS

ĐCSTQ, cũng giống như các chế độ độc tài khác, hạn chế không gian cho người đối đầu với đảng. Điều này dẫn đến sự kìm hãm các quan điểm về hàng loạt các vấn đề đi ngược lại đường lối chính thức. Việc không chấp nhận sự khác biệt này cũng áp dụng với sự bất đồng từ cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài trên khắp thế giới, một phần đông trong số đó có thể không ủng hộ ĐCSTQ. Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự ủng hộ dành cho Trung Quốc đồng nghĩa với sự ủng hộ dành cho đảng và ngược lại. Tuy rằng sự kết hợp của chủ nghĩa dân tộc và một hệ thống độc tài không phải chỉ có ở Trung Quốc, tầm ảnh hưởng toàn cầu của nước này, quy mô của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài trên khắp thế giới, cũng như mức độ tổ chức mà bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ hướng đến người Hoa kiều làm cho Trung Quốc trở thành một trường hợp độc nhất vô nhị.

Quan hệ với cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài dưới thời ông Tập

Trong thời cầm quyền của ông Tập, Trung Quốc đã xoay chuyển sang một chính sách đối ngoại hung hãn hơn. Cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đã được tuyên bố là một phần quan trọng trong quá trình hồi sinh dân tộc Trung Quốc. Công tác về các vấn đề người Trung Quốc ở nước ngoài, dưới sự chỉ đạo của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất [United Front Work Department, UFWD], đã đẩy mạnh nỗ lực huy động người Trung Quốc ở nước ngoài, bất kể quốc tịch nào, để phục vụ cho mục đích của ĐCSTQ.

Những thành viên của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài mà đảng cho là đáng tin cậy đôi khi được sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính trị của quốc gia nơi mà họ sinh sống theo chiều hướng tốt cho những lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Các nhân tố Trung Quốc với mức độ tham gia khác nhau trong ĐCSTQ đã tích cực gây ảnh hưởng đến chính trị ở các nền dân chủ phương Tây như Úc. Tại Malaysia, nơi cộng đồng Hoa kiều chiếm một phần đáng kể trong dân số, đã có một vài lần các đại sứ Trung Quốc bị chỉ trích vì can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Malaysia thông qua các tuyên bố của họ nhằm ủng hộ cộng đồng người Hoa. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, đại sứ Trung Quốc đã công khai ủng hộ việc ứng cử của chủ tịch Hiệp hội người Malaysia gốc Hoa.

Một người biểu tình phản đối luật dẫn độ được đề xuất ở Hồng Kông tại Đài Bắc, Đài Loan, vào tháng 6 năm 2019. THE ASSOCIATED PRESS

Ngược lại, các thành viên của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài mà đảng nhìn nhận là thành phần đối lập thì có nguy cơ bị đe dọa. Trường hợp của công dân Thụy Điển Gui Minhai là ví dụ về một hình thức hành động ngoài lãnh thổ của nhà nước Trung Quốc mà rõ ràng là đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Gui, người sở hữu một công ty ở Hồng Kông đã xuất bản những cuốn sách chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Ông này đã bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015 và ba tháng sau đó xuất hiện trong một lời thú tội bị cưỡng ép trên kênh truyền hình của nhà nước Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2020, một tòa án Trung Quốc đã kết án ông Gui 10 năm tù vì cung cấp thông tin tình báo bất hợp pháp cho các chính phủ nước ngoài. Trước khi tuyên án, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố rằng quốc tịch Trung Quốc của ông này đã được khôi phục. Theo luật pháp Trung Quốc, ông ta không còn là công dân Thụy Điển nữa. Tương tự, kể từ năm 2016, Trung Quốc đã thành công trong việc yêu cầu dẫn độ những công dân Đài Loan bị nghi ngờ là có hành vi lừa đảo ở các quốc gia như Kenya, Campuchia và Tây Ban Nha. Việc dẫn độ cắt đứt một thông lệ trước đây là cho phép những người Đài Loan bị kết tội ở nước ngoài được dẫn độ về Đài Loan. Cách làm này đã thôi thúc sự lên án mạnh mẽ từ chính phủ Đài Loan, vốn coi việc dẫn độ này là những vụ bắt cóc không đúng pháp luật.

Các Hậu quả về an ninh

Các hoạt động ngoài lãnh thổ hướng tới cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài có thể có nhiều hậu quả khác nhau về an ninh. Thứ nhất, ĐCSTQ có thể gây ảnh hưởng đến chính trị trong nước và các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia khác thông qua việc gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài. Một số người Hoa kiều là những nhà hoạch định chính sách, còn những người khác đã giành được tầm ảnh hưởng đối với các nhà hoạch định chính sách quan trọng. Trong trường hợp lợi ích của ĐCSTQ mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của nước sở tại, các nhà hoạch định chính sách đó có thể làm suy yếu an ninh quốc gia của đất nước này.

Thứ hai, bởi vì ĐCSTQ đang nhắm cụ thể đến cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài cho các hoạt động tạo tầm ảnh hưởng của đảng này, các nước không thể đảm bảo rằng công dân gốc Trung Quốc được an toàn để không phải chịu các hành động cưỡng ép của ĐCSTQ như giám sát và đe dọa. Những người này không thể tin tưởng rằng quyền công dân của họ sẽ cung cấp cho họ sự bảo vệ tương tự mà các công dân khác của cùng đất nước đó được hưởng. ĐCSTQ đã thể hiện rằng nước này có khả năng và ý muốn trừng phạt những công dân nước ngoài gốc Trung Quốc sống rất xa biên giới lãnh thổ của mình.

Thứ ba, người gốc Trung Quốc có thể phải hứng chịu cảm giác thù ghét người Trung Quốc trong xã hội. Chính sách của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng đến cộng đồng Hoa kiều có nguy cơ làm gia tăng sự nghi kỵ nhằm vào họ ở nước sở tại, bất kể họ có ủng hộ ĐCSTQ hay không. Sự thù ghét người Trung Quốc và nạn phân biệt chủng tộc tạo thành một mối đe dọa an ninh đối với các thành viên của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài và dẫn đến những hậu quả xã hội tiêu cực. Lịch sử gần đây, đặc biệt là ở Đông Nam Á, cho thấy điều này có thể biến thành bạo lực gây chết người.

Thứ tư, các hành động ngoài lãnh thổ của chính phủ Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và đặt ra câu hỏi về sự cam kết của chính phủ này đối với các quy tắc và quy chuẩn quốc tế. Khi dân tộc và gốc gác được xếp cao hơn các nguyên tắc về quốc tịch công dân dựa trên quyền công dân hợp pháp, các hoạt động ngoài lãnh thổ của Trung Quốc đe dọa sẽ làm suy yếu luật pháp quốc tế.

Thứ năm, việc cảnh sát Trung Quốc bắt cóc ông Lee Bo một công dân Anh làm nghề bán sách ở Hồng Kông vào tháng 12 năm 2015 và dẫn độ những công dân Đài Loan từ các nước thứ ba cho thấy Bắc Kinh không tôn trọng nền độc lập tư pháp của Hồng Kông và Đài Loan. Những hoạt động như vậy thể hiện ý định của đảng trong việc tăng quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ này.

Các Biện pháp đối phó

Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế khước từ việc chấp nhận cách diễn giải của ĐCSTQ về đảng như là đại diện của tất cả người dân Trung Quốc. Ngược lại, các quốc gia nên làm rõ rằng những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc sử dụng và gây áp lực lên cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài khiến sự ngờ vực đối với Bắc Kinh ngày càng tăng cao.

Việc xem xét kỹ lưỡng và hiểu rõ mối quan hệ của ĐCSTQ với cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm các hoạt động của UFWD ở nước ngoài, đóng vai trò quan trọng. Khi việc xác định như thế được hoàn tất, cần đặc biệt chú ý để tránh làm trầm trọng thêm sự nghi ngờ nhắm vào đa số cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, những người không làm việc cho đảng.

Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các hoạt động ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, như Thụy Điển, sẽ có lợi từ việc chia sẻ kinh nghiệm của họ và phối hợp hành động với các quốc gia khác. Để đối phó với các hoạt động ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, Liên minh châu Âu nên điều phối chính sách của mình giữa các quốc gia thành viên.

TOPICS

Share

Video liên quan

Chủ Đề