Nguyễn thị lộ là ai

   Bà Nguyễn Thị Lộ là một danh sĩ có tiếng, là một trong số các ái thiếp của đại công thần nhà Hậu Lê, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi. Cho đến nay, trải qua gần 600 năm kể từ ngày xảy ra vụ đại án Lệ Chi viên, dù vua Lê Thánh tông sau đó đã minh oan cho Nguyễn Trãi qua câu nói “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” thì bà Nguyễn Thị Lộ vẫn bị coi là nhân vật chủ mưu của vụ án. Lật lại các nguồn chính sử thì đại loại đều chép rằng: “Hôm ấy vua thức suốt đêm rồi băng”. Vậy sự việc quả thật như thế, hay còn có điều gì mờ ám đằng sau câu chuyện bi thảm này.

   Trở lại bối cảnh của vụ án Lệ Chi viên năm xưa dưới triều Lê Thái tông – vị hoàng đế thứ hai của nhà nước Hậu Lê. Bấy giờ muôn dân nước Đại Việt vừa trải qua hơn 10 năm độc lập kể từ ngày vua cha, tức Thái tổ Lê Lợi cùng anh hùng hào kiệt đứng lên đánh đuổi quân thù xâm lược Đại Minh; nên nhìn chung, toàn cõi đất nước đang trong thời kỳ thái bình, thịnh trị.

Tháng Bảy âm lịch năm Nhâm Tuất [1442], nhà vua đi tuần ở miền Đông, duyệt quân tại thành Chí Linh tỉnh Hải Dương. Trên đường trở về kinh, vua Thái tông ghé thăm nơi ở của danh thần Nguyễn Trãi bấy giờ đang cáo quan ở ẩn tại chùa Côn Sơn, Bắc Ninh. Theo hầu nhà vua có bà Nguyễn Thị Lộ, một ái thiếp của Nguyễn Trãi được vua Thái tông yêu quý trước đó vì tài sắc mà ban chức Lễ nghi học sĩ phụng sự dạy dỗ các cung nhân trong triều. Đêm hôm ấy tại Lệ Chi viên [vườn Lệ Chi], vua Lê Thái tông đột ngột qua đời khi mới 19 tuổi. Sự kiện này, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Khi về đến Lệ Chi viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất.” Ngay sau đó triều đình đã quy bà Nguyễn Thị Lộ là thủ phạm giết vua và khép tội gia đình Nguyễn Trãi phải chịu án Tru di Tam tộc.

   Bà Nguyễn Thị Lộ sinh vào khoảng những năm 1390 – 1400 cuối thời nhà Trần trong một gia đình có cha làm nghề thầy thuốc. Vốn tư chất thông minh cùng việc xuất thân trong gia đình nề nếp nên bà sớm tỏ ra là con người tinh thông, tài sắc vẹn toàn. Có tài liệu nói rằng bà gặp và trở thành vợ Nguyễn Trãi ở thời nhà Hồ [ 1400 – 1407] và lúc xảy ra vụ án Lệ Chi Viên năm 1442 thì bà Nguyễn Thị Lộ đã ngoài 40 tuổi.

Tượng đài Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại Khu di tích Lệ Chi Viên [Ảnh sưu tầm].

   Vua Lê Thái tông trước lúc lâm chung tuy còn trẻ nhưng đã kịp có bốn người con trai do mỗi bà vợ khác nhau sinh ra. Trong đó người con trai trưởng lúc đầu được lập làm Thái tử nhưng sau vì mẹ bị thất sủng nên ngôi Thái tử cũng bị phế truất theo; người con trai thứ Ba thì cả mẹ và con đều không được nhà vua sủng ái. Như vậy ngôi Thái tử bây giờ là việc lựa chọn ai giữa hai người con còn lại, hoặc là người thứ Hai do bà Nguyễn Thị Anh sinh ra hoặc là người con thứ Tư con của bà Ngô Thị Ngọc Dao…

   Đánh giá về vụ án Lệ Chi viên thì các nhà nghiên cứu gần đây nêu quan điểm rằng người con thứ Hai đang nói ở trên tức là Lê Bang Cơ không phải con của vua Thái tông mà là con của bà Nguyễn Thị Anh đã có mang với người khác ngay trước khi bà được đưa về làm vợ vua Lê Thái tông. Sau khi bà Nguyễn Thị Anh sinh ra Bang Cơ thì bà Ngọc Dao cũng sinh ra người con thứ Tư nói trên tức Lê Tư Thành. Mặc dù hoàng tử Bang Cơ đã được phong làm thái tử nhưng vì hoàng tử Tư Thành từ lúc mới sinh được nhiều người khen ngợi khôi ngô, tuấn tú mang phong thái của một bậc đế vương; cùng với việc thân phận “bất minh”, sợ bị đàm tiếu dẫn đến phế ngôi nên bà Nguyễn Thị Anh đã ra tay trước bằng cách sai người hạ độc vua rồi vu oan gia đình Nguyễn Trãi. Vậy tại sao lại là gia đình Nguyễn Trãi? Ấy bởi vì bà Ngọc Dao trước vì làm mất lòng vua nên cả hai mẹ con phải dời ra ngoài kinh thành sống nương nhờ gia đình Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Trãi bấy giờ không còn nắm giữ vai trò quan trọng trong triều đình nữa vì bất mãn với một nhóm quyền thần mà cáo quan ở ẩn. Bà Nguyễn Thị Anh lo sợ việc vua Thái tông khi gặp Nguyễn Trãi thì sẽ bị bất lợi về phía mình nên tìm cách hãm hại. Khi vụ án Lệ Chi viên xảy ra thì cả hai hoàng tử Bang Cơ và Tư Thành cũng chỉ vừa 1 – 2 tuổi. Lê Bang Cơ được đưa lên nối ngôi với niên hiệu Nhân tông, giữ ngôi được 17 năm thì cả hai mẹ con bị Thái tử mất ngôi trước đó là Lê Nghi Dân nửa đêm trèo tường vào cung sát hại vì cho rằng Nhân tông không mang dòng máu của vua Thái tông. Lê Nghi Dân “làm phản” chưa tròn một năm thì bị hạ bệ bởi những cựu thần một thời từng là anh hùng kháng chiến bên cạnh Thái tổ Lê Lợi như là Đinh Liệt, là Nguyễn Xí… rồi lập hoàng tử Lê Tư Thành, cậu bé năm xưa phải lay lắt sống nhờ gia đình Nguyễn Trãi, lên ngôi vua với niên hiệu Lê Thánh tông [còn gọi Lê Thánh Tôn], đưa đất nước Đại Việt bước lên một tầm vóc mới và cũng chính ông là người minh oan cho Nguyễn Trãi qua câu nói nổi tiếng “Ức trai tâm thượng quang khuê tảo.”

   Vụ thảm án Lệ Chi viên mang quá nhiều đau đớn, là nỗi đau không riêng gì gia đình đại công thần Nguyễn Trãi mà còn là nỗi đau của cả những ai yêu quý sự chân thiện. Lời minh oan của Lê Thánh tông dẫu muộn màng nhưng dù sao cũng an ủi được phần nào oan hồn của ba họ nhà Nguyễn Trãi. Điều mà ngày nay chúng ta cần ấy là một góc nhìn mới công bằng hơn dành cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người vẫn bị coi là chủ mưu của vụ đại án Lệ Chi viên gần 600 năm nay… 

Blog Kể chuyện Võ thuật – Võ khí – Nhân vật – Lịch sử

Triều đình đã quy tội cho Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi giết vua và bị xử tru di tam tộc. Sau này, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Ức Trai Nguyễn Trãi nhưng không đề cập tới việc điều tra cái chết và nguyên nhân tử vong của vua Lê Thái Tông. Đến nay, vụ án Lê Chi Viên nổi tiếng ấy còn nhiều bí ẩn và tranh cãi.

Đền thờ vua Lê Thái Tông

Tài nhân gặp họa

Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về vua Lê Thái Tông: “Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ, song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.

Ngày 27/7/1442 [năm Nhâm Tuất], vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4/8 cùng năm, vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định [nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh]. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, là vợ thứ của Ức Trai Nguyễn Trãi. Tương truyền, năm 1406 khi Nguyễn Trãi [26 tuổi] đang làm quan nhà Hồ, gặp Thị Lộ đang ở tuổi trăng tròn -16 tuổi ở Vũ Lăng. Mới gặp lần đầu sau cuộc mạn đàm thi ca, cả hai nhanh chóng đã tở thành tri kỷ. Tuy nhiên về làm bạn thơ thiếp với Nguyễn Trãi nhiều năm, Thị Lộ vẫn không có con. Họ nhận một người cháu của Ngô Từ là Ngô Chi Lan làm con nuôi.

Trong thời gian Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa, Nguyễn Trãi cùng em họ Trần Nguyên Hãn đồng tâm ra giúp sức tụ nghĩa chống quân Minh. Mỗi khi Nguyễn Trãi thảo thư từ, chiếu hịch đều có Thị Lộ ở bên giúp việc sửa chép. Lúc nào, Thị Lộ cũng cần mẫn tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính làm việc thông thái nên được mọi người yêu mến, kính nể. Họ sống với nhau hòa thuận đến khi ấy đã vào tuổi 40. Vốn Nguyễn Thị Lộ rất được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn hay, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa xác vua về, ngày 6/8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Và mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.

Mổ xẻ bi kịch Lệ Chi Viên

Dựa vào truyền thuyết trên, các nhà sử học đã mổ xẻ, phân tích chi tiết mọi hành động, động cơ dẫn tới cái chết của vua Lê Thái Tông. Nhiều câu hỏi được đặt ra: vua chết ở đâu? Ai chứng kiến? Có bắt được hung thủ ở ngay hiện trường không?…

Nơi vua chết là ở chùa Côn sơn như lời mời của Nguyễn Trải, hay tại nhà riêng của Nguyễn Trãi – Thị Lộ? Theo nghi lễ của bậc thiên tử khi ra khỏi cung, vua không bao giờ ở nhà dân, cho dù đó là nhà cha mẹ vợ mà chỉ ở hành cung là nơi đã được sửa soạn trước trong các chuyến vi hành, hoặc ở một nơi tôn nghiêm như đình, chùa. Do vậy, thông thường khi muốn thăm một ai, vua sẽ cho triệu người ấy đến chỗ vua ở, chứ không bao giờ vua đến nhà của họ, trừ trường hợp đi thăm viếng để tìm hiểu dân tình làm ăn sinh sống hoặc các vị đại công thần đau yếu sắp chết không đi được vua mới đến nhà. Vì vậy, có thể loại trừ giả thuyết vua chết ở bên ngoài, tức nơi ở không do triều đình sắp đặt.

Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ

“Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua nhưng trên thực tế, lại chẳng hề có người nào chứng kiến lúc vua hấp hối, băng hà; và đồng nghĩa, cũng chẳng có ai dám khẳng định nhìn tận mắt Nguyễn Thị Lộ giết vua.

Vậy, mọi người ở đây phải chăng là ám chỉ những người có thù hằn với Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ? Chưa kể, cùng thời điểm đấy, trong dân gian lan truyền rằng, bà Nguyễn Thị Lộ là một con rắn biến thành người, dụ dỗ Nguyễn Trãi và hại ba đời nhà ông. Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy…, Lịch triều hiến chương loại chí viết.

Theo nhiều sử gia, mặc dù câu chuyện được nhiều sách cũ chép lại, nhưng tất cả chỉ nhằm giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi, xoa dịu lòng tiếc thương Nguyễn Trãi và chán ghét nhà Lê nhỏ mọn đối với công thần. Đây là thuật tuyên truyền của tầng lớp thống trị hồi đó lợi dụng lòng mê tín của nhân dân, là mô phỏng từ các truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc, nên ngày nay truyền thuyết bị bác bỏ và không được xác chứng.

“Lộ diện” hung thủ

Trong cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, các nhà sử học và một số nhà khoa học đã chỉ rõ, chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông. Về động cơ, thứ nhất là do bà rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ – hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông, thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng, bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ [Lê Nhân Tông] không phải là con vua Thái Tông, nên nhân lúc vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha và nói tốt cho Tư Thành [Lê Thánh Tông], nên bà Nguyễn Thị Anh đã sai người sát hại vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.

Theo sử sách, vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình thực ra chính là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con, ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì trước khi chết Nguyễn Trãi có nói: “Ta hối không nghe lời Thắng, Phúc”. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính Đinh Phúc, Đinh Thắng là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo Nguyễn Thị Anh với vua Thái Tông. Do đó, để diệt khẩu, bà sai giết hai người này. Sâu xa hơn, thảm án Lệ Chi Viên còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi – được cho là luôn cản trở những việc làm mờ ám của họ.

Như vậy, oan khuất của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trong nghi án đột tử của vua Lê Thái Tông đã trải qua mấy trăm năm, mới được các nhà sử học minh oan. Đánh giá về bà, GS Vũ Khiêu khẳng định: “Ít nhất, bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Bà đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông ại Việt”. GS Đinh Xuân Lâm cũng cho rằng, cần có sự công khai chiêu tuyết cho bà Nguyễn Thị Lộ. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được.

[Nguồn : //www.nguoiduatin.vn/mo-xe-vu-an-dau-doc-vua-le-o-le-chi-vien-a29233.html]

Video liên quan

Chủ Đề