Những yếu tố của môi trường gây hại cho sức khỏe con người

Theo báo cáo tổng quan của ngành Y tế vào năm 2014 cho thấy yếu tố nguy cơ từ ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm và ô nhiễm rác thải đang gia tăng nhanh, với bệnh tim mạch và ung thư chiếm phần trăm cao nhất, ở ngưỡng 31% và 22%, trong những nguyên nhân làm mất đi số năm sống khỏe mạnh của con người.

Tác hại của ô nhiễm không khí

Để cung cấp nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất và đời sống hằng ngày, con người thải ra môi trường một lượng lớn các loại hóa chất trong quá trình đốt nhiên liệu. Oái ăm thay là chính chúng ta lại sẽ tiếp tục hít những hóa chất độc hại, do chính con người tạo ra, và chúng có ảnh hưởng trực tiếp và đồng thời cũng gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến cơ thể như sau:

  • Hệ hô hấp
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
  • Gây mệt mỏi, đau đầu, và lo lắng
  • Gây khó chịu và ngứa mắt, mũi, và các cơ quan nội tạng do dị ứng khói bụi
  • Ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản
  • Gây hại cho gan, lá lách và máu
  • Tác động không mong muốn đến não, làm suy giảm nhận thức và mất trí nhớ.

Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong những năm gần đây, số người mắc các bệnh về hô hấp tăng nhanh đến mức báo động ở Việt Nam. Khí thải từ các loại phương tiện đi lại trong các khu đô thị lớn gây ra các chất gây hại cho phổi, nhất là sự sản sinh của bụi mịn PM2.5, một trong các tác nhân gây bệnh ung thư phổi, trong không khí. Ngoải ra, khi các hạ carbon nhỏ xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là vào trực tiếp phổi, sẽ gây ra phản ứng viêm, làm thu hẹp động mạch và dẫn đến hiện tượng hình thành các cục máu đông, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các cơn đau tim.

Khi thải từ các loại phương tiện sản sinh bụi mịn PM2.5, một trong các tác nhân gây bệnh ung thư phổi, trong không khí.

Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em và người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời là các nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.Các hóa chất độc hại thải vào môi trường sẽ được hấp thụ bởi cây cối. Động vật sẽ tiêu thụ các loại thực vật bị ô nhiễm và con người lại tiêu thụ những động vật mang những chất độc hại này.  Một bầu không khí không sạch sẽ ảnh hưởng không mong muốn đến hệ miễn dịch và sinh sản, làm tăng nguy cơ sinh con mang dị tật.

Đối với trẻ em, tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ em. Trung bình hằng năm, mỗi trẻ sẽ mắc nhiễm khuẩn hô hấp từ 4 – 5 làn, với loại vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn chiếm 30 -50% trường hợp [bệnh viện Bạch Mai, 2014]. Tầng lớp lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm không khí, với 7455 trường hợp mắc các bệnh hô hấp liên quan đến nghề nghiệp, bao gồm bệnh bụi phổi silic, viêm phếquản mạn tính, nhiễm độc benzene,…

Ngoài những tác hại thường thấy của ô nhiễm không khí, sóng nhiệt, tiếng ồn… cũng gây ra những tác hại đến sức khỏe người dân. Tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn có thể khiến nguy cơ bị cao huyết áp tăng gần 90%, lâu dần có thể biến chứng thành bệnh kinh niên, gây căng thẳng thần kinh và dễ bị kích động. Tình trạng biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường gia tăng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, với số ngày nóng trong màu hè và các đợt rét cóng trong mùa đông có xu hướng tăng, gây ra các bệnh như đột quỵ vì nhiệt, sốc nhiệt và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

200,000 ca ung thư mới mỗi năm do ô nhiễm nguồn nước

Ngoài ô nhiễm không khí, một nguồn nước bị nhiễm bẩn cũng gây nhiều tác hại đến sức khỏe con người. Các vi sinh vật gây bệnh, các hợp chất hữu cơ, hóa chất độc hại và các kim loại nặng thải vào nguồn nước là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Con người chịu sự ảnh hưởng của nguồn nước không sạch qua hai đường chính: do ăn phải thực phẩm được nuôi trồng từ nguồn nước bị nhiễm bẩn và do tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước bị ô nhiễm do quá trình thải chất thải từ quá trình sinh hoạt và sản xuất của con người gây ra.

Hằng năm có đến khoảng 200000 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư mới do ô nhiễm nguồn nước

Ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh truyền nhiễm, bao gồm các bệnh như “tiêu chảy do vi rút Rota, dịch tả, thương hàn và phó thương hàn, viêm gan, viêm dạ dày ruột tiêu chảy, viêm não, giun sán, đau mắt hột, các bệnh do muỗi truyền [sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản]”. Ngoài ra, tiêu thụ nguồn nước không vệ sinh còn dẫn đến bệnh thiếu máu và các bệnh liên quan đến da. Ước tính của Bộ Y tế và Bộ TN&MT Việt Nam cho thấy mỗi năm có khoảng 9000 người chết vì điều kiện nguồn nước không hợp vệ sinh. Đáng lo hơn là hằng năm có đến khoảng 200000 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư mới mà nguyên do chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Ô nhiễm đất và chất rắn

Đất là tài sản thiết yếu phục vụ cho đời sống của con người. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp từ đất cung cấp nguồn lương thực và nuôi sống chúng ta. Vì vậy, ô nhiễm đất gắn liền với ô nhiễm thực phẩm. Ngoài ra, quá trình xây dựng nhà cửa, nhà máy xí nghiệp phục vụ cho nhu cầu của con người cũng góp phần tạo ra các loại chất thải bỏ vào đất như nước thải sản xuất, sinh hoạt, xác súc vật và cả con người, gây ô nhiễm nguồn đất.

Quá trình xây dựng nhà cửa, nhà máy xí nghiệp phục vụ cho nhu cầu của con người

Con người vô tình đã tạo nên các chất độc hại từ sinh hoạt hằng ngày, dẫn đến ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sau đó, con người lại tiếp tục hấp thu các chất ô nhiễm qua chuỗi thức ăn [chất độc tích lũy trong nguồn nước dưới lòng đất, con người trồng cây và nuôi gia cầm gia súc trên đất bị nhiễm khuẩn] dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra các bệnh nghiêm trọng về tim mạch, thần kinh, xương khớp, hô hấp, và đặc biệt là ung thư.

Các bãi rác, chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất không được xử lý đúng quy trình và tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật thâm nhập và gây ô nhiễm đất. Đất có thể bị ô nhiễm trực khuẩn lỵ, thương hàn, phẩy khuẩn hoặc amip khi con người sử dụng phân bón lấy từ các loại hố xí hoặc bùn.

Ngoài ra, tiêu thụ thực phẩm được nuôi trồng trên đất bị nhiễm khuẩn là con đường dễ dàng để các vi rút đường ruột nguy hại như vi rút bại liệt ECHO và Coxsackie xâm nhập vào cơ thể con người, gây các bệnh nghiêm trọng như viêm màng não, sốt phát ban, viêm cơ tim, viêm não trẻ sơ sinh,…Sử dụng thực phẩm từ nguồn đất bị nhiễm phóng xạ cũng là mối nguy hại cần quan tâm. Tiếp xúc trực tiếp với chất thải độc hại còn gây ra bệnh xung huyết niêm mạc miệng, viêm họng, lợi, và các rối loạn về tiêu hóa.

Bảo vệ sức khỏe khỏi ô nhiễm môi trường

Để không là nạn nhân của ô nhiễm môi trường, chúng ta cần phải chú ý những biện pháp đơn giản để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường.

Cố gắng không đi bộ hoặc tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc, nhiều rác thải có thể giúp bạn tránh khỏi không khí ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông. Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết và cố gắng sử dụng các phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân. Các phụ kiện bảo vệ như mũ, kính mắt, khẩu trang phải luôn luôn được mặc vào mỗi khi ra ngoài. Cân nhắc môi trường sinh sống và tránh những khu công nghiệp nặng hoặc những khu vực có nhiều nhà máy xí nghiệp. Ngoài ra, tránh đốt bỏ giấy báo và các vật dụng không cần thiết. Tránh sử dụng bếp đốt và lò sưởi bằng than hoặc củi.

Các phụ kiện bảo vệ như mũ, kính mắt, khẩu trang phải luôn luôn được mặc vào mỗi khi ra ngoài.

Không khí bên trong nhà cũng là một phần cần lưu ý. Không hút thuốc lá và luôn giữ cho nhà được thông thoáng. Khi nấu nướng, nên mở cửa để khói bếp được thoát ra ngoài, hoặc sử dụng máy hút khỏi khi vào bếp. Cân nhắc sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, phân loại rác thải cũng là những việc chúng ta có thể làm để giảm ô nhiễm môi trường.

Kiểm tra nguồn gốc của tất cả các loại thực phẩm và không nên mua thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Cần ăn chín uống sôi, bảo đảm vệ sinh trong tất cả các khâu nấu nướng. Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và tránh để rác thải, nấm mốc xuất hiện trong nhà.

Chung tay Ngày Trái Đất 22/4

Tóm lại, vấn đề môi trường là một vấn đề phức tạp và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tuy chúng ta có thể tránh ô nhiễm môi trường trên khuôn diện cá nhân bằng những cách nêu trên, việc chủ động và tích cực bảo vệ môi trường chung là điều thiết yếu. Hôm nay, ngày 22/4/2018, là Ngày Trái đất. Ý tưởng về một ngày tập trung vào các vấn đề môi trường xuất phát từ thượng nghị sĩ Gaylord Nelson ở bang Wisconsin sau vụ việc tràn dầu ở Santa Barbara, California. Ngài Gaylord được truyền cảm hứng từ các cuộc vận động chống chiến tranh của học sinh và cho rằng, nếu một số đông dân số nhất định có thể đồng tâm hướng về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí hoặc/và nguồn nước, chúng ta có thể buộc các nhà chức trách trở nên quan tâm đến vấn đề môi trường hơn.

Ngày Trái Đất 22/4 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm ảnh hưởng của các vấn đề môi trường đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.

Vào ngày 22 tháng 4 năm 1970, 20 triệu người Mỹ đã tập trung trên các con phố, công viên, khán phòng để thể hiện mối quan tâm của họ về một môi trường lành mạnh và bền vững hơn. Cuộc biểu tình về môi trường này đã tạo nên một làn sóng hiếm có trong giới chính trị ở cả Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Mỹ. Đến cuối năm của Ngày Trái Đất đầu tiên đó, Cơ quan bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ [United States Environmental Protection Agency] được thành lập, cùng với các đạo luật như Đạo Luật Bầu Không Khí Sạch [Clean Air], Đạo Luật Nguồn Nước Sạch [Clean Water], và Đạo Luật Bảo Vệ Các Loài Có Nguy Cơ Bị Tuyệt Chủng [Endangered Species], với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe con người và giữ gìn  môi trường sống.

Một tổ chức đã được thành lập bởi Denis Hayes, nguyên là điều phối viên toàn quốc năm 1970, đã đưa Ngày Trái Đất lên tầm quốc tế vào năm 1990 và tổ chức các sự kiện ở 141 quốc gia. Hiện nay, Ngày Trái Đất được điều phối toàn cầu bởi Mạng Lưới Ngày Trái Đất [Earth Day Network]. và được tổ chức hàng năm tại hơn 192 nước Năm 2020 sắp đến đây sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Ngày Trái Đất.

Nguồn: Wikipedia , Earth Day Network , Cổng Thông Tin Quan Trắc Môi Trường , Health Line , United Sates Environmental Protection Agency , Active Sustainability

Video liên quan

Chủ Đề