Quy trình bảo quản thuốc tại bệnh viện

Thuốc là một loại hang hóa đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông, phân phối và bảo quản thuốc đều cần tuân thủ các qui trình kỹ thuật và các qui định nghiêm ngặt. Trong quá trình lưu thông phân phối thuốc, công tác bảo quản thuốc tại cơ sở y tế giữ vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định chất lượng thuốc. Theo qui định tại Thông tư 22/2011/TT-BYT về tổ chức và hoạt động của khoa dược bệnh viện, bảo quản thuốc là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác dược bệnh viện. Vì vậy, khoa dược Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông đã tổ chức hoạt động bảo quản thuốc theo nguyên tắc “ Thực hành tốt bảo quản thuốc”.

      Chất lượng thuốc trong quá trình bảo quản chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng …. Đặc biệt ở huyện Tân Phú Đông khí hậu rất nóng, mưa gió thất thường dễ làm ảnh hưởng đến công tác bảo quản thuốc. Tuy nhiên để đảm bảo tốt công tác bảo quản thuốc trong bệnh viện , lãnh đạo Trung tâm Y tế và khoa dược đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện tốt các qui định và quy trình kỹ thuật  trong công tác bảo quản thuốc.

      Điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản thuốc:

1. Về kho thuốc:

a] Vị trí, thiết kế:

– Kho thuốc được bố trí ở nơi cao ráo, an toàn, thuận tiện cho việc xuất, nhập, vận chuyển và bảo vệ;

– Đảm bảo vệ sinh chống nhiễm khuẩn;

– Diện tích kho  đủ rộng để bảo đảm việc bảo quản thuốc đáp ứng với yêu cầu của từng mặt hàng thuốc;

– Kho hóa chất được bố trí ở khu vực riêng;

b] Trang thiết bị:

– Trang bị tủ lạnh để bảo quản thuốc có yêu cầu nhiệt độ thấp

– Kho có điều hòa nhiệt độ, nhiệt kế, ẩm kế;

– Các thiết bị dùng để theo dõi điều kiện bảo quản được hiệu chuẩn định kỳ;

– Có đủ giá, kệ, tủ để xếp thuốc; khoảng cách giữa các giá, kệ đủ rộng để vệ sinh và xếp dễ dàng;

– Có trang thiết bị cho phòng cháy, chữa cháy [bình cứu hỏa, thùng cát, vòi nước].

 2.Về bảo quản:

a] Có sổ theo dõi công tác bảo quản, kiểm soát, sổ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tối thiểu 2 lần [sáng, chiều] trong ngày và theo dõi xuất, nhập thuốc, vật tư.

b] Che chắn tránh ánh sáng trực tiếp và các tác động khác từ bên ngoài.

c] Thuốc, hoá chất, vắc xin, sinh phẩm được bảo quản đúng yêu cầu điều kiện bảo quản do nhà sản xuất ghi trên nhãn hoặc theo yêu cầu của hoạt chất [với các nhà sản xuất không ghi trên nhãn] để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

d] Thuốc cần kiểm soát đặc biệt [thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc] và thuốc bảo quản ở điều kiện nhiệt độ đặc biệt thì bảo quản theo quy định hiện hành và yêu cầu của nhà sản xuất.

đ] Theo dõi hạn dùng của thuốc thường xuyên. Khi phát hiện thuốc gần hết hạn sử dụng hoặc thuốc còn hạn sử dụng nhưng có dấu hiệu nứt, vỡ, biến màu, vẩn đục phải để khu vực riêng chờ xử lý.

e] Thuốc, hoá chất dễ cháy nổ, vắc xin, sinh phẩm bảo quản tại kho riêng.

g] Kiểm tra sức khỏe đối với thủ kho thuốc, hóa chất: 6 tháng/lần.

     Các nhân viên khoa dược thường xuyên cập nhật kiến thức mới và được lãnh đạo cử đi tập huấn ở bệnh viện đạt chuẩn  GSP để tăng hiệu quả trong công tác bảo quản thuốc.

     Công tác bảo quản thuốc tốt góp phần đảm bảo chất lượng thuốc nhằm làm tăng khả năng điều trị và sự tin cậy của bệnh nhân đối với cơ sở y tế./.

                                                                                     Trần Thiện Phượng Cát- Khoa Dược

Video liên quan

Chủ Đề