Sản xuất lương thực của Trung Quốc hiện nay như thế nào

Chỉ thị được bộ Thương Mại công bố ngày 01/11/2021 đã khiến người dân đổ xô mua sắm, gây hoang mang dư luận và gây xáo trộn ở một số địa phương, buộc truyền thông nhà nước phải tìm cách trấn an, còn chính quyền trung ương khuyến cáo người dân không mua quá nhu cầu. Ngày 04/11, bộ Nông Nghiệp tiếp tục trấn an người dân và bảo đảm mức sản xuất và kho lương thực đủ để loại mọi nguy cơ khan hiếm. Theo trang Nhân dân Nhật báo, được AP trích dẫn, chỉ thị này vẫn được bộ Thương Mại Trung Quốc ra hàng năm trước dịp lễ tết cuối năm. Nhưng tại sao lần này văn bản lại được công bố sớm hơn ?

Bảo toàn « chiến thắng virus corona »

Thứ nhất là đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới tăng trở lại trong thời gian gần đây, đang phá hủy « chiến thắng » từng được chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố. Chỉ thị về tích trữ nhu yếu phẩm cho thấy Trung Quốc tiếp tục duy trì chiến lược « Zero Covid » và « nhằm cảnh báo người dân chuẩn bị cho đợt phong tỏa, nếu số ca nhiễm Covid-19 tăng trong cộng đồng », theo nhận định của ông Pan Chenjun, chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc ngân hàng Hà Lan Rabobank và được New York Times trích dẫn ngày 02/11. Ngoài ra, chính quyền trung ương buộc phải bảo đảm kiểm soát được dịch trong khi chỉ còn hơn ba tháng nữa sẽ diễn ra Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Thứ hai là chính quyền Bắc Kinh ngày càng lo chuỗi cung ứng tiếp tục bị xáo trộn, mà trước tiên phải kể đến nguy cơ thiếu lương thực. Thiên tai, do tác động biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng nặng nề đến những vùng nông nghiệp trọng điểm của Trung Quốc.

Tỉnh Sơn Đông [Shandong, đông bắc], vùng trồng rau lớn nhất Trung Quốc, đã bị mất mùa vì lốc xoáy vào tháng 10/2021. Nhưng nghiêm trọng hơn là trận mưa lũ gây lụt lội chưa từng có từ 40 năm qua vào mùa hè ở tỉnh Hà Nam [Henan] lân cận, nơi được coi là vựa lúa của Trung Quốc. Chính quyền tỉnh Hà Nam thống kê khoảng 1,2 triệu ha đất nông nghiệp [tương đương với diện tích Bắc Ireland] đã bị ngập nước, gây thiệt hại khoảng 18 tỉ đô la. Hậu quả hiện vẫn chưa được giải quyết hết, đặc biệt là không cấy được lúa mì vụ đông do đất vẫn còn quá ẩm, theo một số nông dân địa phương được Daily Mail trích dẫn. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã kêu gọi các địa phương khẩn trương trồng những giống rau ngắn ngày, tăng trưởng nhanh, thu hoạch sớm để bổ sung cho chuỗi cung ứng.

Tình trạng thiếu điện

Tiếp theo là tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều địa phương đã ngừng phê duyệt những dự án sử dụng nhiều năng lượng từ giờ đến cuối năm 2021. Lý do là Trung Quốc hạn chế sản xuất điện than nhằm giảm lượng khí thải carbon, theo cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21/09. Trong khi đó, hoạt động sản xuất lại tăng mạnh trở lại, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện cao hơn, như ở 9 tỉnh, trong đó có Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Giang Tô. Nhu cầu về điện tăng kéo theo giá than tăng gây đội phí cho các nhà máy điện than, trong khi giá điện không thay đổi. Nhiều nhà máy điện than ngừng hoạt động, lấy lý do « bảo trì », nhưng thực tế là để tránh lỗ.

Cuối cùng, vận tải là một khó khăn khác mà các địa phương phải đối mặt. Trong trường hợp dịch tái bùng phát, có nhiều khả năng giao thông sẽ bị gián đoạn vì các biện pháp phong tỏa. Trường hợp này đã xảy ra vào lúc đỉnh dịch năm 2020. Do đó, Bắc Kinh yêu cầu các địa phương mua nông phẩm có thể tích trữ được, tăng cường chuỗi giao hàng và ổn định giá cả.

Tránh mọi nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội

Giá cả tăng vì mất mùa do thiên tai và khó khăn vận chuyển đã khiến nhiều người dân bày tỏ bất bình trên mạng xã hội. Đây là điểm lo lắng của chính quyền trung ương. Trên trang Bloomberg, ông Rosalind Mathieson nhận định « đảng Cộng Sảng chú ý theo dõi mọi chuyện có thể gây bất ổn xã hội », chỉ vài ngày trước hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc từ ngày 08-11/11 tại Bắc Kinh.

Thủ đô của Trung Quốc hiện được coi là ổ dịch và đang áp dụng biện pháp phong tỏa cục bộ, dù chỉ có một ca. Tại những nơi này, chính quyền địa phương phải bảo đảm tiếp tế thực phẩm cho các gia đình, một biện pháp nhằm để trấn an người dân.

Chỉ đạo của Tập Cận Bình về bảo đảm an ninh lương thực

Chủ tịch Tập Cận Bình đã hối thúc các chính quyền địa phương của Trung Quốc hãy tối ưu hóa các nguồn đất đai để bảo đảm tự cung tự cấp về lương thực và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc trong các năm tới đây – dấu hiệu mới nhất về việc nước này có thể đang gồng mình cho khả năng xung đột với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trăn trở với việc Trung Quốc cần đảm bảo được tự túc lương thực. Ảnh: CGTN.

Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 8/12/2021, ông Tập cho biết Trung Quốc phải bảo đảm an ninh ngũ cốc cho 1,4 tỷ dân.

Chủ tịch Tập nói: “Chúng ta càng có thêm lương thực thì chúng ta càng phải nghĩ tới lúc không có lương thực. Tôi đã nhiều lần nói rằng người dân Trung Quốc phải giữ chặt bát cơm của mình bằng chính đôi tay mình trong mọi thời điểm và không được để cho người khác nắm lấy cổ của mình trong vấn đề cung cấp lương thực – một vấn đề sống còn căn bản”.

Ông Tập nói tiếp: “Trong quá khứ, lương thực được chuyển từ phương Nam lên phương Bắc, nhưng giờ đây lại dịch chuyển theo hướng từ Bắc xuống Nam. Tại một số nơi, nhiều cánh đồng phì nhiêu được sử dụng để làm nông trang và trồng hoa, quả, và cây cối. Thế còn vụ mùa thì sao?”.

“Đối với một đất nước rộng lớn như chúng ta, bảo đảm nguồn cung các sản phẩm chủ yếu là vấn đề chiến lược lớn. Đậu tương, quặng sắt, dầu thô, khí tự nhiên, quặng đồng và nhôm… tất cả đều liên quan đến số phận của dân tộc chúng ta”.

Ông Tập cho biết, Trung Quốc phải bảo đảm tự túc đối với tất cả các vật liệu chiến lược này và xây dựng các hệ thống dự trữ để phòng khi phải sử dụng các mặt hàng đó trong những dịp đặc biệt”.

Tình trạng phụ thuộc nguồn cung lương thực từ bên ngoài

Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra sau khi Cục Thống kê Quốc gia [NBS] của Trung Quốc thông báo vào ngày 6/12/2021 rằng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc tăng thêm 13,4 triệu tấn [tức 2%] so với năm 2020, lên mức 685 triệu tấn vào năm 2021.

NBS cho biết, thời tiết cực đoan và lũ lụt đã làm sản lượng ngũ cốc của tỉnh Hà Nam giảm 2,8 triệu tấn vào năm nay [2021].

Đồng thời, Trung Quốc đã nhập 130 triệu tấn lương thực trong 10 tháng đầu năm 2021. Theo Trung tâm thương mại ngũ cốc Nam Hoa Quảng Đông, Trung Quốc nhập 2,94 triệu tấn gạo vào năm 2020, tăng 15,6% so với năm 2019, trong đó có 911.400 tấn nhập từ Myanmar, 786.700 tấn nhập từ Việt Nam, 459.200 tấn nhập từ Pakistan, 324.600 tấn từ Thái Lan, 232.800 tấn từ Campuchia, và 75.000 tấn từ Lào.

Trong cùng kỳ, xuất khẩu gạo của Trung Quốc [chủ yếu là sang các nước châu Phi] giảm 16,1% xuống còn 2,3 triệu tấn.

Các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc nói rằng quốc gia này hiện không còn nguy cơ thiếu đói do có thể bù đắp tình trạng thiếu hụt lương thực của nước này bằng việc khuyến khích nông dân trồng thêm các vụ mùa chính như gạo và giảm trồng các mặt hàng như hoa, quả, và cây cối.

Các chuyên gia khác thì cho rằng mặc dù khả năng tự túc lương thực của Trung Quốc là tương đối ổn [ở mức 80%], nước này vẫn có thể đối mặt tình trạng thiếu lương thực nếu môi trường địa chính trị đột ngột thay đổi, chẳng hạn trong tình huống Mỹ tìm cách phong tỏa đường nhập khẩu lương thực của Trung Quốc trên biển.

Đối sách của Trung Quốc

Giới hoạch định chính sách của Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách giảm nhẹ rủi ro như vậy. Vào tháng 7/2020, chính quyền địa phương ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên [Trung Quốc] cho biết, nông dân có thể nhận trợ cấp hàng năm lên tới 200 nhân dân tệ [tương đương 31,4 USD] mỗi hecta nếu họ ngừng trồng hoa, quả, và cây để chuyển sang trồng lúa. Các thành phố khác ở Tứ Xuyên, bao gồm Quảng Nguyên, Sùng Châu, và Cung Lai, đều đã làm tương tự.

Vào năm 2019, Trung Quốc ghi nhận thặng dư nhỏ về thương mại gạo. Chính phủ Trung Quốc nói rằng nước này vào năm 2020 nhập nhiều gạo hơn vì gạo Nam Á trung bình rẻ hơn gạo Trung Quốc tới 2%. Vào cuối năm 2020, Trung Quốc bắt đầu cho phép nhập gạo non-basmati từ Ấn Độ, mà giờ đã trở thành nguồn cung gạo chính cho Trung Quốc.

Do hạn hán ở Mỹ và Canada cũng như thời tiết bất lợi ở Nga, giá lúa mì toàn cầu tăng lên mức 294 USD vào tháng 10/2021 – mức cao nhất tính từ năm 2013.

Trung Quốc gần đây đã giành được cả nguồn cung lúa mì từ Australia mặc dù Bắc Kinh đã áp thuế chống phá giá lên rượu vang và lúa mạch Australia, và giảm mua than đá trong bối cảnh gia tăng tranh cãi liên quan đến việc Canberra kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19.

Tổng diện tích trồng ngũ cốc của Trung Quốc năm nay tăng 0,7% lên thành 106 triệu hecta, còn diện tích gieo trồng ngô và lúa mì tăng lần lượt là 5% và 0,8%. Diện tích trồng lúa giảm 0,5% trong khi đậu tương giảm tới 14,8%. NBS cho biết nông dân lưỡng lự trồng đậu tương do tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với ngô.

Trung Quốc tiêu thụ khoảng 110 triệu tấn đậu tương mỗi năm nhưng chỉ tự cung cấp được 10-20 triệu tấn. Brazil hiện đóng góp tới 60% lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu, còn Mỹ cung cấp 30% lượng đậu tương nhập vào Trung Quốc. Trung Quốc đang tìm cách nhập đậu tương từ Nga và vài nước Đông Nam Á nữa để hạn chế phụ thuộc vào Mỹ.

VOV.VN - Trước sức ép cạnh tranh khốc liệt về công nghệ và thương mại từ Trung Quốc, Hàn Quốc buộc phải điều chỉnh lại chiến lược thương mại với quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trung Quốc vẫn ở thế bấp bênh

Li Guoxiang – một nhà nghiên cứu thuộc Viện phát triển nông thôn, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng giá lúa mì toàn cầu đã tăng 50% trong năm 2021, ảnh hưởng đến giá thực phẩm trong nước của Trung Quốc.

Li cho biết Trung Quốc phải theo dõi chặt chẽ tình trạng dao động của giá cả ngũ cốc toàn cầu vì việc tiêu thụ lương thực của họ sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Ông này nói rằng nước ông sẽ vẫn kiên định theo đuổi an ninh lương thực.

Li cũng cho hay, Trung Quốc nên cải thiện hệ thống bảo hiểm để bảo đảm nông dân có thể kiếm thu nhập ngay cả khi gặp phải thời tiết bất lợi.

Jiang Wenlai – một nhà nghiên cứu tại Viện nguồn lực nông nghiệp và kế hoạch khu vực thuộc Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc, tin rằng trợ cấp của chính phủ cho nông dân – phao cứu trợ để duy trì đất nông nghiệp và bảo đảm giá nông sản, sẽ giúp Trung Quốc duy trì an ninh lương thực.

Jiang cho biết, tổng sản lượng ngũ cốc Trung Quốc có thể lên tới 700 triệu tấn vào năm 2022, tăng 2,2% so với năm 2021.

Một báo cáo nghiên cứu của Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 8/2020 chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đối diện mức thiếu hụt lương thực khoảng 130 triệu tấn mỗi năm trong thời kỳ từ năm 2021-2025. Cơ quan này cho biết, nguồn cung lúa mì và gạo sẽ vẫn ổn định nhưng ngô – nguồn thức ăn chính cho chăn nuôi, đã bộc lộ dấu hiệu thiếu hụt.

Một báo cáo khác do Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc xuất bản cho biết, tỷ lệ tự túc lương thực của Trung Quốc có thể ở mức khoảng 80% cho đến năm 2025.

Lo Chu-ping – một giáo sư tại Khoa kinh tế nông nghiệp, Đại học Đài Loan, nói rằng tỷ lệ tự túc lương thực của Trung Quốc vẫn ở mức lành mạnh, so với Nhật Bản chỉ có 40%.

Tuy nhiên, Lo cho biết, với dân số lớn thì an ninh lương thực sẽ vẫn là điểm yếu của Trung Quốc do quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, giá thực phẩm toàn cầu tiếp tục tăng, và tình trạng thiếu dự trữ lương thực./.

Video liên quan

Chủ Đề