So sánh thống luật Anh và thống luật Hoa Kỳ

1. Hệ thống pháp luật lục địa, hệ thống Luật dân sự:

Đây là hệ thống pháp luật có nền tảng bắt nguồn từ hệ thống pháp luật của Pháp và pháp luật của một số nước lục địa Châu Âu. Trong đó pháp luật của Pháp là quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn tới pháp luật của các nước khác trong hệ thống pháp luật này. Hệ thống pháp luật của các nước này nhìn chung đều chịu ảnh hưởng của Luật La Mã. Ngày nay, phạm vi ảnh hưởng của hệ thống Civil Law tương đối rộng bao gồm các nước Châu Âu lục địa [Pháp, Đức, Italia…], Quebec [Canada], Louisiana [Mỹ], Nhật Bản và một số nước Châu Mỹ Latinh [Brazin, Vênêduêla…].

Về mặt lịch sử hình thành,Khi những bộ tộc Đức [Germanic] xâm lăng các đế quốc Tây Âu, một số qui định của luật La Mã đã được thay thế bằng luật bộ tộc Đức. Tuy nhiên, vì tinh thần của luật Đức là căn cứ vào yếu tố cá nhân, không căn cứ vào yếu tố lãnh thổ, nên dân chúng của đế quốc La Mã cũ cùng con cháu họ vẫn được phép sử dụng luật La Mã. Giáo hội Công giáo La Mã cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì luật pháp La Mã cũ vì giáo luật, tức là luật dùng trong các Toà án của giáo hội, đã được xây dựng theo luật La Mã. Vào thế kỷ thứ 11 và 12, khi tìm được nguyên văn Bộ Dân luật Corpus Juris Civilis, các học giả bắt đầu nghiên cứu và giải thích, hiện đại hóa những nội dung luật cũ cho phù hợp với tình hình xã hội thời đó . Họ mở trường luật ở Paris, Oxford, Prague, Heidelburg, Copenhague; họ làm luật sư cho giáo hội, cho các vua chúa, và cho các vùng lãnh thổ khắp Châu Âu. Nhờ cùng được đào tạo chung theo một nội dung , luật gia của các nước Châu Âu đã tạo nên những Bộ Dân Luật của nước họ xây dựng trên nền tảng chung là luật La Mã.

Ngày nay, các học giả luật so sánh cho rằng hê thống Civil law phải được chia nhỏ thành 3 nhóm khác nhau:

+ Civil Law của Pháp: ở Pháp, Tây Ban Nha, và những nước thuộc địa cũ của Pháp;

+ Civil Law của Đức: ở Đức, Aó, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Trung Hoa [Lưu ý: Luật Trung Hoa và Luật Việt Nam hiện nay theo truyền thống học thuật, thì được xếp vào hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế nhiều qui định về dân sự, về tố tụng, về hệ thống Toà án lại mang nhiều đặc điểm của Civil Law];

+ Civil Law của những nước Scandinavian: Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Ailen.

Luật của Bồ Đào Nha và Italia cũng chịu ảnh hưởng của Pháp, Đức, nhưng những bộ luật dân sự thế kỷ 19 thì gần hơn với Bộ luật Napoleon và những bộ luật dân sự thế kỷ 20 thì lại giống với luật dân sự của Đức. Về đào tạo luật, thì những nước này lại giống với hệ thống pháp luật của Đức hơn. Luật ở những nước này thường được gọi là hệ thống luật có tính chất pha tạp [hybrid nature].

Luật ở Hà Lan hay dân luật ở Hà Lan thì rất khó để xếp vào một nhóm nào, nhưng cũng phải thừa nhận rằng Luật dân sự của Hà Lan có ảnh hưởng không nhỏ đến luật tư hiện đại của nhiều quốc gia. Điển hình là pháp luật dân sự của Nga hiện hành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ luật của Hà Lan.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.6162

2. Hệ thống pháp luật Ănglô – xắcxông, hệ thống Thông luật:

Pháp luật Anh – Mỹ là pháp luật ra đời ở Anh, sau này phát triển ở Mĩ và những nước là thuộc địa của Anh, Mĩ trước đây. Đây là hệ thống pháp luật phát triển từ những tập quán [custom], hay còn được gọi là hệ thống pháp luật tập quán, hay hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ [precedents/ judge made law].

Common Law hiện nay cần phải được hiểu theo 3 nghĩa khác nhau:

- Thứ nhất, đó là một hệ thống pháp luật lớn trên thế giới dựa trên truyền thống hệ thống pháp luật của Anh;

- Thứ hai, trên phương diện nguồn luật, án lệ [Case law] của Common Law được tạo ra bởi tòa án, phân biệt với đạo luật của Nghị viên;

- Thứ ba, trên phương diện hệ thống Tòa án, Tòa án và các án lệ của Common Law cũng khác biệt với Tòa án và các án lệ của Equity Law.

Về lịch sử hình thành,nguồn gốc của hệ thống luật này bắt đầu từ năm 1066 khi người Normans xâm chiếm Anh quốc và Hoàng Đế William bắt đầu tập trung quyền lực vào tay triều đình mới. Thuật ngữ luật chung [ Common Law ] xuất phát từ quan điểm cho rằng các tòa án do nhà vua lập ra, áp dụng các tập quán chung [ Common Custom] của vương quốc, trái ngược với những tập tục luật pháp địa phương áp dụng ở các miền hay ở các tòa án của điền trang, thái ấp phong kiến.

Các nguyên tắc bền vững của luật chung đã được tạo ra bởi ba tòa án được vua Henry II [1133 – 1189] thành lập là Tòa án Tài chính [Court of Exchequer] để xét xử các tranh chấp về thuế; Tòa án thỉnh cầu Phổ thông [ Court of Common Pleas] đối với những vấn đề không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhà vua; và Tòa án Hoàng Đế [ Court of the King’s Bench] để giải quyết những vụ việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Hoàng gia.

Thực chất, trước đó dưới thời của Hoàng đế William, những tập quán của Anh ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Đức ở Châu Âu lục địa. Tòa án lúc đó là những người dân được triệu tập để cùng giải quyết tranh chấp và nếu không xử được người ta dùng phương pháp thử tội [ordeal] bằng việc bắt bị cáo cầm vào một miếng sắt nung đỏ, hoặc cầm một viên đá đã được ngâm trong nước sôi, hoặc hình thức thề độc. Nếu vết thương đó lành sau một thời gian xác định, anh ta sẽ bị tuyên là vô tội và ngược lại.

Năm 1154, Vua Henry II đã tạo ra một hệ thống luật chung và sáng tạo ra một hệ thống tòa án thống nhất đầy quyền năng, ông đưa các thẩm phán từ tòa án Hoàng gia đi khắp nơi trong nước và sưu tầm, chọn lọc cách thức giải quyết các tranh chấp. Sau đó những thẩm phán này sẽ trở về thành Luân đôn và thảo luận về những vụ tranh chấp đó với các thẩm phán khác. Những phán quyết này sẽ được ghi lại và dần trở thành án lệ [precedent], hay theo Tiếng Latin là stare decisis. Theo đó, khi xét xử thẩm phán sẽ chịu sự ràng buộc bởi những phán quyết đã có từ trước đó. Thuật ngữ “Common Law” bắt đầu xuất hiện từ thời điểm đó. Như vậy trước khi Nghị viện ra đời trong lịch sử pháp luật của Anh, Common Law đã được áp dụng trên toàn bộ vương quốc trong vài thế kỉ.

Đến thế kỷ thứ 15, khi đó xuất hiện một thực tiễn pháp lý là khi luật “Common Law” không đủ sức để giải quyết một vụ việc, và người đi kiện cho rằng cách giải quyết của Common Law là chưa thỏa đáng. Thí dụ, trong một vụ kiện về đất đai, người đi kiện cho rằng khoản tiền bồi thường mà theo cách giải quyết của Common law là không đủ bồi thường cho hành vi mà người xâm phạm đã cướp không của họ, họ yêu cầu rằng người vi phạm này còn phải bị đuổi và phải trả lại phần đất lấn chiếm đó. Chính điều này là cơ sở để xuất hiện hệ thống mới là hệ thống pháp luật công bình [system of equity], đồng thời xuất hiện thiết chế Tòa công bình, do viên Tổng chưởng lý [Lord Chancellor] đứng đầu. Về bản chất thì luật công bình vẫn chiếm ưu thế hơn so với luật Common Law trong trường hợp có sự xung đột. Điều này đã được nêu trong Đạo luật hệ thống tư pháp [Judicature Acts] năm 1873 và 1875.

Ngày nay bên cạnh án lệ với tư cách là một loại nguồn pháp luật đặc thù của hệ thống Common Law, luật thành văn và các loại qui tắc khác cũng được coi là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật này. Khi xét xử những nước theo hệ thống pháp luật Common Law thường căn cứ vào hai câu hỏi lớn, đó là câu hỏi sự thật khách quan [question of fact] và câu hỏi về luật – theo nghĩa rộng[question of law]. Trong bất cứ vụ việc nào, ngày nay khi xét xử các thẩm phán của Common Law vẫn dựa cả vào án lệ, luật viết và những căn cứ thực tế để xét xử.

3. Những khác biệt:

Những đặc điểm khác nhau cơ bản của hai hệ thống này được thể hiện rõ nét nhất ở 4 tiêu chí: nguồn gốc của luật [origin of law]; tính chất pháp điển hóa [codification]; thủ tục tố tụng [Procedure]; Vai trò của thẩm phán và luật sư [Role of the Jurists]

3.1. Về nguồn gốc của luật:

Trong pháp luật lục địa, các quan hệ tài sản gắn liền với những nguyên tắc của Luật dân sự La Mã – Tập hợp những qui định pháp luật làm nền tảng cho Luật dân sự La Mã của Hoàng đế Justinian [Justinian’s Corpus Juris Civilis]. Nói đến sự ảnh hưởng của Luật La Mã, Mác đã từng nhận xét rằng pháp luật các nước Châu Âu không thể đem lại những hoàn thiện đáng kể cho Luật La Mã cổ đại mà chỉ sao nó lại một cách cơ bản. Pháp luật Anh – Mỹ không ảnh hưởng sâu sắc và gắn bó mật thiết với những nguyên tắc của luật dân sự La Mã như pháp luật lục địa. Tuy nhiên cả hai hệ thống pháp luật này đều ít nhiều đều thừa hưởng sự giàu có và tính chuẩn mực của thuật ngữ pháp lý La Mã. Ví dụ : stare decisis [Phán quyết của Tòa án trước đó phải được công nhận như tiền lệ]; pacta sunt servandas [Hợp đồng phải được tôn trọng].

Sự ảnh hưởng của các học thuyết pháp lý, với tư cách là một nguồn luật thì ở Common Law có xu hướng áp dụng nhiều hơn so với các nước theo truyền thống Civil law.

3.2.Về tính chất pháp điển hóa
Quan niệm tiếp cận pháp luật của hai hệ thống pháp luật này là khác nhau. Hệ thống Civil law quan niệm luật pháp là phải từ các chế định cụ thể [All law resides in institutions], còn hệ thống Common law lại quan niệm luật pháp được hình thành từ tập quán [All law is custom].

Ưu điểm rõ nét của các Bộ luật trong Civil Law là tính khái quát hóa, tính ổn định cao [certainty of law]. Pháp luật Common Law dựa chủ yếu trên nguồn luật là tiền lệ pháp [Stare decisis. Thẩm phán vừa là người xét xử vừa là người sáng tạo ra pháp luật một cách gián tiếp. Ưu điểm rõ nét nhất của các tập quán là tính cụ thể, linh hoạt và phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Pháp luật lục địa chia thành công pháp [public law] và tư pháp [private law], còn pháp luật Anh – Mỹ khó phân chia. Công pháp bao gồm các ngành luật, các chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, những quan hệ mà một bên tham gia là các cơ quan nhà nước. Còn tư pháp bao gồm các ngành luật, các chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến các cá nhân, tổ chức khác.

3.3. Về thủ tục tố tụng:

Hệ thống pháp luật lục địa phát triển hình thức tố tụng thẩm vấn, tố tụng viết [inquisitorial system/ written argument],còn Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ phát triển hình thức tố tụng tranh tụng [Case system/ oral argument]. Tuy nhiên cũng không hoàn toàn đúng nếu khẳng định rằng hệ thống Civil Law không hề áp dụng việc suy đoán vô tội [presumption of innocence].

Khi xét xử, các nước theo hệ thống Common Law rất coi trọng nguyên tắc Due process. Đây là nguyên tắc được nhắc đến trong tu chính án thứ 5 và 14 của Hoa Kỳ. Nội dung chính của nguyên tắc này nói đến ba yêu cầu chính: yêu cầu bình đẳng của các đương sự trong việc đưa ra chứng cứ trước Toà [equal footing]; yêu cầu qui trình xét xử phải được tiến hành bởi một Thẩm phán độc lập có chuyên môn, cùng một bồi thẩm đoàn vô tư, khách quan [fair trial and impartial jury]; yêu cầu luật pháp phải được qui định sao cho một người dân bình thường có thể hiểu được hành vi phạm tội[Laws must be written so that a reasonable person can understand what is criminal behavior].Hệ thống Civil Law dựa trên qui trình tố tụng thẩm vấn [inquisitorial system] nên trong các vụ án hình sự, thẩm phán căn cứ chủ yếu vào Luật thành văn, kết quả của cơ quan điều tra, và quá trình xét xử tại Toà để ra phán quyết.

Toà án ở các nước theo truyền thống Common Law được coi là cơ quan làm luật lần thứ hai, hay cơ quan sáng tạo ra án lệ [The second Legislation]. Ngược lại ở các nước theo truyền thống Civil Law, chỉ có Nghị viện mới có quyền làm luật, còn Toà án chỉ là cơ quan áp dụng pháp luật.

Ở các nước theo truyền thống Common Law đa phần các hiệp định quốc tế không phải là một phần của luật quốc nội/ luật quốc gia [domestic law]. Chúng chỉ có thể được toà án áp dụng khi các hiệp định quốc tế đã được nội luật hoá bởi cơ quan lập pháp. Các nước theo truyền thống Civil Law thì khác, ví dụ như ở Thụy Sĩ, các điều ước quốc tế được áp dụng trực tiếp như là một phần của luật quốc nội, vì vậy các Toà án có thể trực tiếp áp dụng các điều ước quốc tế khi xét xử.

3.4. Về vai trò của luật sư và thẩm phán, chứng cứ:

Pháp luật Anh – Mỹ do án lệ là nguồn cơ bản, đặc biệt với truyền thống coi trọng chứng cứ nên luật sư, thẩm phán rất được coi trọng. Pháp luật lục địa do văn bản qui phạm pháp luật là nguồn chủ yếu, đồng thời do thông lệ "án tại hồ sơ" – quá trình điều tra phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cơ quan điều tra do vậy luật sư ban đầu ít được coi trọng như các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ. Thẩm phán ở các nước Civil Law chỉ tiến hành hoạt động xét xử mà không được tham gia hoạt động lập pháp, họ không được tạo ra các chế định, các qui phạm pháp luật.

Thẩm phán của Civil law được đào tạo theo một qui trình riêng, họ thường trước đó không phải là các luật sư. Nhưng ở Common Law thì khác, thẩm phán hầu hết đều được lựa chọn từ những luật sư rất danh tiếng;

Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau của hai hệ thống pháp luật này có rất nhiều, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng cơ bản vẫn là do tiến trình phát triển của cách mạng tư sản khác nhau quyết định. Cách mạng tư sản ở các nước đã diễn ra với tính chất, mức độ triệt để là khác nhau, có nước cách mạng chống phong kiến diễn ra triệt để, có nước không triệt để. [1].

Nói đến hệ thống pháp luật tư sản thì hai hệ thống pháp luật trên là hai hệ thống pháp luật lớn, tuy nhiên bên cạnh hai hệ thống pháp luật này còn có sự tồn tại của hệ thống pháp luật các nước Hồi giáo, hệ thống pháp luật Bắc Âu …

Từ cuối thế kỷ thứ 20, các nước theo hệ thống Civil Law đã có nhiều thay đổi. Ví dụ không còn chỉ dựa đơn thuần vào Bộ Dân luật , mà ở các nước này, các án lệ, các văn bản dưới luật, các nghiên cứu học lý tư pháp cũng đã được xem là những nguồn luật quan trọng. Các bộ dân luật cũng được bổ sung, sửa đổi, nhất là ở Đức [còn gọi tắt là BGB].

4. Dòng họ Civil Law ở các nước ASEAN

Civil law được tiếp nhận ở nhiều nước ASEAN chủ yếu gắn liền với quá trình xâm chiếm thuộc địa của các nước châu âu lục địa đối với các quốc gia này. Trừ Thái Lan, luật chịu ảnh hưởng của dòng họ Civil law là Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines đều đã từng là thuộc địa của các nước thuộc lục địa châu âu là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha.

Việt Nam, Lào và Campuchia là những nước thuộc địa của Pháp trong thời gian dài trước khi giành được độc lập. Chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đã làm cho hệ thống pháp luật của ba nước này tiếp nhận pháp luật của Pháp theo cách thức bắt buộc. Chẳng hạn, ở Việt Nam trong thời kì Pháp thuộc, bên cạnh hệ thống pháp luật của các hoàng đế Nam triều, các toà án của Pháp vẫn áp dụng pháp luật của Pháp đối với "người Pháp và những ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp, người Việt Nam sinh ra ở vùng đất thuộc địa dù đang sống ở đâu trên đất Việt Nam".[2] Ngay cả sau khi đã giành được độc lập và thậm chí đã xây dựng hệ thống pháp luật theo mô hình pháp luật XHCN như ở Việt Nam và Lào, những nhân tố của hệ thống pháp luật Pháp về kỹ thuật pháp lí, hệ thống khái niệm cơ bản và cấu trúc của pháp luật vẫn tiếp tục được duy trì. Indonesia là quốc gia trong khu vực nằm dưới sự cai trị của Hà Lan hơn 300 năm [từ cuối thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII]. Người Hà Lan tiến hành thuộc địa hoá quần đảo Indonesia lần đầu trong khoảng 200 năm. Sau đó vùng đất này được chuyển giao cho người Pháp khi quân đội của Napoleọn Bonaparte lật đổ chính phủ Hà Lan. Sau gần 10 năm dưới sự cai trị của người Pháp và 4 năm dưới sự cai trị của người Anh đầu thế kỉ XIX, Indonesia lại chịu sự kiểm soát của Hà Lan lần thứ hai trong suốt hơn 100 năm [1816- 1942] đến khi quân đội Nhật Bản xâm chiếm vùng đất này trong Đại chiến thế giới lần thứ II. Quá trình thuộc địa hoá của các nước này đã làm cho pháp luật lndonesia bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi pháp luật Châu Âu lục địa, đặc biệt là pháp luật của Hà Lan. Nhiều đạo luật của Indonesia được xây dựng dựa vào luật của Hà Lan, chẳng hạn pháp luật thương mại của Indonesia chịu ảnh hưởng rất lớn từ Bộ luật thương mại năm 1847 của Hà Lan.[3]

Gần 4 thế kỉ [từ năm 1521 đến 1898 là thuộc địa của người Tây Ban Nha đã làm cho hệ thống pháp luật Philippines chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi civil law của hệ thống pháp luật châu âu lục địa. Pháp luật của Tây Ban Nha đã được áp dụng ở Philippines thông qua các sắc lệnh của Hoàng gia Tây Ban Nha hoặc thông qua việc ban hành các đạo luật dành riêng cho quần đảo này hoặc các đạo luật được áp dụng chúng cho tất cả các vùng thuộc địa của Tây Ban Nha. Nhiều bộ luật của Tây Ban Nha có hiệu lực ở Philippines như Bộ luật hình sự năm 1870, Bộ luật thương mại năm 1886 , Luật về hôn nhân năm 1870... Thái Lan là quốc gia duy nhất trong các nước ASEAN không trải qua chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, trong suốt thế kỉ XIX, để duy trì chủ quyền lãnh thổ của mình, Thái Lan đã kí kết hàng loạt các hiệp định song phương với các quốc gia phương Tây nhằm phát triển quan hệ thương mại. Các hiệp định song phương này đã giúp cho Thái Lan mở cửa thị trường với các nước phương Tây. Sự thay đổi về thương mại đã kéo theo sự thay đổi về xã hội và pháp luật. Vì thế, hệ thống pháp luật Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi pháp luật các nước phương Tây, đặc biệt là pháp luật của Châu Âu lục địa. Đầu thế kỉ XX, Thái Lan tiến hành cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp. Người Thái đã tiếp nhận hệ thống triết lí pháp luật, tổ chức toà án và tố tụng của pháp luật Châu Âu và xem pháp luật của Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Ý và Nhật Bản là những mô hình cho việc xây dựng pháp luật của mình. Hàng loạt các bộ luật của Thái Lan đã được ban hành theo mô hình pháp luật của các nước này như Bộ luật hình sự năm 1908, Bộ luật dân sự và thương mại năm 1925; Bộ luật tố tụng dân sự năm 1933, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1935.

5. Dòng họ Common 1aw ở các nước ASEAN

Các nước ASEAN có hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của dòng họ Common law bao gồm: Malaysia, Singapore, Brunei, Myanmar, Philippines. Giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, sự ảnh hưởng của Common law ở các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu gắn liền với quá trình thuộc địa hoá của Anh hoặc sự ảnh hưởng của Mỹ.

Quá trình thuộc địa hoá của Anh đối với các vùng lãnh thổ của Malaysia đã tạo điều kiện cho pháp luật Anh được áp dụng ở đây. Năm 1786 người Anh thiết lập được sự kiểm soát đầu tiên ở Penang - vùng lãnh thổ khá rộng lớn của Malaysia. Sau đó, người Anh đã từng bước thực hiện sự kiểm soát đối với các vùng đất khác. Các hiệp ước được ki kết giữa Anh và Hà Lan [năm 1824 và năm 1891] cùng với những hiệp ước được Anh kí với các vương quốc Hồi giáo khác ở vùng đất này đã giúp cho người Anh dần kiểm soát được toàn bộ các vùng lãnh thổ của Malaysia. Gắn liền với quá trình kiểm soát các vùng lãnh thổ của Malaysia, pháp luật của Anh được tiếp nhận vào Malaysia bằng nhiều hình thức khác nhau mà chủ yếu là thông qua các thẩm phán và các nhà lập pháp. Theo đó, các thẩm phán áp dụng các nguyên tắc pháp luật của Anh trong quá trình xét xử vụ việc, các nhà làm luật khi soạn thảo và ban hành các đạo luật đã đưa các nguyên tắc pháp luật đã được các thẩm phán áp dụng vào trong các đạo luật.[4] Ngoài ra, việc các luật gia được đào tạo theo truyền thống của Anh và tiếng Anh được xem là ngôn ngữ phổ biến trong hoạt động của bộ máy nhà nước cũng là những nhân tố làm cho Malaysia dễ dàng tiếp nhận pháp luật Anh. Hệ thống pháp luật của Singaporẹ, mang những đặc điểm của hệ thống pháp luật Common law bắt nguồn từ lịch sử của quốc gia này. Từ năm 1919, Singapore bắt đầu chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh. Trước khi Văn phòng thuộc địa của Anh ở London kiểm soát hoàn toàn vùng lãnh thổ Singapore năm 1867, quốc đảo này đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh ở vùng Bengal[5] và chính quyền Ấn Độ [lãnh thổ thuộc địa của Anh]. Vì thế, hệ thống pháp luật Anh đã được tiếp nhận bằng cả 2 cách trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống pháp luật singapore. Mặc dù, trong Tuyên bố thứ hai về nền tư pháp của Hoàng gia Anh ngày 27/11/1826 liên quan đến việc giải tán các toà án có thẩm quyền xét xử ở Penang và thành lập toà án mới có thẩm quyền xét xử đối với toàn bộ Vùng thuộc địa eo biển trong đó có Singapore, không có điều khoản xác định pháp luật nào sẽ được Toà án của Vùng thuộc địa eo biển áp dụng nhưng dựa vào các phán quyết của Toà án này, từ năm 1835 đến năm 1890, các luật gia của Singapore đã xác định rằng tất cả các luật của Anh bao gồm common law, luật công bình và luật thành văn có hiệu lực ở Anh ngày 27/11/1826 sẽ được áp dụng ở Singapore. Ngay cả khi đã trở thành quốc gia độc lập năm 1963, Singapore vẫn tiếp nhận pháp luật của Anh theo cách riêng của mình. Ngoài common law, nhiều đạo luật của Anh vẫn được áp dụng ở Singapore với những điều kiện nhất định. Điều 5 Luật dân sự Singapore ban hành năm 1970 thay thế cho Sắc lệnh năm 1809 đã xác định một số lĩnh vực thương mại như công ti, ngân hàng, bảo hiểm hàng hải... của Singapore sẽ áp dụng pháp luật của Anh; Bộ luật tố tụng hình sự của Singapore cũng xác định pháp luật của Anh trong những trường hợp nhất định vẫn tiếp tục được áp dụng ở Singapore. Ngày 12/11/1993, Nghị viện Singapore đã ban hành Luật về áp dụng pháp luật Anh. Luật này quy định cụ thể những đạo luật của Anh, common law và các nguyên tắc công bình của Anh sẽ được áp dụng ở Singapore với điều kiện các luật đó phù hợp với hoàn cảnh của Singapore.

Brunei bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hệ thống pháp luật Anh từ năm 1888 khi Quốc vương của Brunei lúc đó là Hashim Jalilul Alam Aqamaddin kí hiệp ước với chính quyền Anh đặt Brunei dưới sự bảo trợ của Anh mặc dù trước đó, Anh và Brunei đã có nhiều hiệp ước khác nhau. Đến năm 1908, một văn bản được Anh ban hành để sửa đồi các quy định liên quan đến tổ chức và thẩm quyền của các toà án dân sự và hình sự cũng như luật về tố tụng được áp dụng ở Brunei. Điều này đã làm cho hệ thống pháp luật Anh có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến Brunei. Ngày nay, theo Luật áp dụng của Brunei được ban hành năm 1951, sửa đổi năm 1984 và 2009 vẫn xác định Brunei tiếp tục áp dụng common law, luật công bình và các luật thành văn được áp dụng chung của Anh nếu chúng không trái với điều kiện và hoàn cảnh của Brunei.[7] Như vậy, cả trong lịch sử và hiện tại, hệ thống pháp luật Brunei chịu ảnh hưởng rất lớn của hệ thống pháp luật Anh.

Hệ thống pháp luật Myanmar bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi common law của Anh từ năm 1824 khi kết thúc cuộc chiến tranh lần thứ nhất giữa Anh và Myanmar [khi đó quốc gia này có tên là Burma]. Sau cuộc chiến tranh này, hai vùng lãnh thổ của Myanmar là Rakhine và Taninthayi bị người Anh thôn tính và nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Sau cuộc chiến tranh lần thứ hai với Myanmar năm 1852, người Anh kiểm soát thêm hai vùng lãnh thổ khác là Bang và Moat-ta-ma. Để cai quản vùng đất đã chiếm được người Anh xây dựng hệ thống quản lí của Anh và các quy định của pháp luật Anh được áp dụng trong việc quản lí thành phố nơi có cung điện triều đại vua cuối cùng của Myanmar.[8] Đến năm 1886 , toàn bộ các vùng lãnh thổ của Myanmar nằm trong sự kiểm soát của người Anh và để cai quản vùng đất này, người Anh đã xác lập Myanmar thành một tỉnh của Ấn Độ [khi đó là vùng thuộc địa của Anh] dưới sự kiểm soát của Toàn quyền Ấn Độ. Pháp luật Anh ở Ấn Độ đã được áp dụng đối với "tỉnh" Myanmar. Tình trạng này kéo dài đến năm 1935 khi Myanmar được tách khỏi án Độ và chính quyền thuộc địa Anh thiết lập Myanmar trở thành vùng lãnh thổ thuộc quyền cai tư trực tiếp của Anh thông qua Toàn quyền ở Myanmar. Myanmar là thuộc địa của Anh cho đến khi giành được độc lập năm 1948. Trong thời kì này, giống như nhiều vùng thuộc địa khác của Anh, Hội đồng cơ mật [Privy Council] được xem là cơ quan xét xử cao nhất của Myanmar. Vì thế, các phán quyết của cơ quan này ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật của Myanmar. Sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh trong suốt thời kì từ nửa đầu thế kỉ XIX đã làm cho các nhân tố của common law thẩm thấu vào hệ thống pháp luật của Myanmar trong quá trình phát triển lịch sử của nó cho đến ngày nay.

Sự kiểm soát của Mỹ đối với quần đảo Philippines theo hiệp ước Tây Ban Nha và Mỹ được kí kết tại Paris ngày 10/12/1898 đã từng bước làm thay đổi hệ thống pháp luật của Philippines cho dù trước đó, hệ thống pháp luật của Tây Ban Nha đã có ảnh hưởng khá sâu sắc với hệ thống pháp luật của nước này. Các luật lệ của người Philippines dần dần bị bãi bỏ, pháp luật của Tây Ban Nha đối với vùng lãnh thổ này cùng với các tập quán ở đây cũng bị thay thế nếu các quy định của nó trái với Hiến pháp Mỹ, các nguyên tắc pháp luật và các thể chế của Mỹ. Hàng loạt các đạo luật về tổ chức nhà nước được ban hành... Sự kiểm soát của Mỹ đối với Philippines đã làm cho hệ thống pháp luật của nước này chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Mỹ. Những nhân tố cơ bản của dòng họ Common law đã từng bước được tiếp nhận vào hệ thống pháp luật Philipines. Việc áp dụng án lệ, vai trò của Hiến pháp Philippínes có những điểm rất tương đồng với hệ thống pháp luật Mỹ ngoài những đặc tính của hệ thống pháp luật Tây Ban Nha đã được tiếp nhận ở nước này trong suốt gần 400 năm trước đó năm dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha.

———————————————————

[1] Ví dụ cách mạng tư sản Anh không triệt để, nên pháp luật Anh khác với pháp luật Pháp. Ngoài ra ta cũng thấy nhà nước tư sản Mỹ cách xa Châu Âu nên không chịu ảnh hưởng của cách mạng tư sản ở Châu Âu, nên pháp luật của Mỹ cũng khác với pháp luật Châu Âu nói chung

SOURCE://tuanhsl.blogspot.com/

NGUYỄN MINH TUẤN – NCS. Đại học Tổng hợp Saarland, Cộng hoà Liên bang Đức

[MKLAW FIRM:Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.]

Video liên quan

Chủ Đề