Tại sao việt nam không nhập khẩu vàng

12 tháng 6 2022

Chụp lại hình ảnh,

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Chênh lệch giá vàng của Việt Nam so với thế giới và thực trạng độc quyền kinh doanh vàng là các chủ đề được chất vấn tại Quốc hội trong tuần qua.

'Hỏi khó và hay'

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đã đặt câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng như sau:

"Chênh lệch về giá vàng tại Việt Nam so với giá vàng trên thế giới, có lúc lên tới hơn 20 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng trang sức SJC với giá vàng có thương hiệu khác. Đó là các vấn đề gây tâm lý lo lắng bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.

Chụp lại hình ảnh,

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy [Đoàn Hà Nội]

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [NHNN] đã tiến hành thanh tra kiểm tra với thực trạng giá biến động hay chưa? Liệu có sự bắt tay thao túng giá vàng SJC trên thị trường hiện nay hay không và đến thời điểm nào thì NHNN sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP để xử lý lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập về kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua?" bà Thủy nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người điều hành phiên chất vấn mô tả điều ông gọi là "Câu hỏi này vừa khó lại vừa hay".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong phần trả lời giải thích giá vàng biến động khó lường liên quan tới đô la, căng thẳng chính trị Nga-Ukraine…

"Giá vàng tại Việt Nam biến động cùng xu hướng với thế giới nhưng tốc độ chiều chỉnh lên nhanh hơn và xuống thì chậm hơn so với thế giới," bà Hồng nói.

Thống đốc Hồng cũng xác nhận giá vàng thương hiệu SJC tăng ở mức lớn so với các nhãn hiệu vàng khác và mô tả rằng "SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng hơn cả nên họ niêm yết giá cao, đối với SJC thì mua cao thì bán cao trong khi thương hiệu vàng khác mua giá thấp thì bán thấp".

"Chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế thì NHNN từ 2014 không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, và NHNN cũng đánh giá và sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên số liệu của NHNN có được cho thấy người dân không mua vàng nhiều cho nên chúng tôi chưa tổ chức nhập vàng về để can thiệp giá vàng và vì thấy nhu cầu như vậy nên chưa triển khai giải pháp này".

'Thương hiệu quốc gia'

Được biết nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành với các nội dung chính là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước.

Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn [SJC] là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, được thành lập năm 1988 và tới 2010 chuyển đổi với tên gọi mới Công Ty TNHH Một Thành Viên Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn [SJC], theo phần giới thiệu công ty trên website.

"Thương hiệu SJC đã đi vào tâm trí của khách hàng là sản phẩm của niềm tin, uy tín, chất lượng. Xứng đáng là danh hiệu thương hiệu Quốc gia

"Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều ý kiến nói không nên để độc quyền kinh doanh vàng cho một vài công ty

"Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm," phần giới thiệu này cho biết thêm.

Giá vàng cao kỷ lục vì đại dịch Covid-19

'Độc quyền sẽ sinh tham nhũng'

Phản hồi lại câu hỏi của BBC Tiếng Việt về thực trạng độc quyền kinh doanh vàng tại Việt Nam, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói:

"Tất cả mọi thứ khi có độc quyền là sẽ dẫn đến tham nhũng, anh có quyền cho người ta độc quyền nhập vàng về bán thì người ta sẽ nâng giá vàng lên kiếm lời để ăn chênh lệch. Rồi người ta có lời rồi thì người ta nộp lại cho anh.

"Khi nào có power [quyền lực] thì khi đó có vấn đề power corrupt [tha hóa quyền lực]. Cái độc quyền này nó dẫn tới tới thực trạng tham nhũng, không chỉ có vàng mà còn rất nhiều thứ khác nữa như đất đai khi như tôi đã nói với với BBC gần đây," ông Thành nói từ Hội An qua điện thoại.

Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Bà Lan mô tả rằng "đương nhiên khi đã được trao sự độc quyền thì người ta không dại gì mà không giành lấy lợi ích rất lớn cho mình".

Nguồn hình ảnh, cafebiz.vn/

Chụp lại hình ảnh,

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Không minh bạch thì rất khó tránh được tham nhũng quyền lực"

"Tôi cho là vấn đề này được chất vấn tại Quốc hội là đúng. Tôi nghĩ người dân luôn luôn có quyền nghi ngờ về những việc đó. Diễn biến giá vàng thế nào ở thế giới và ngay các nước láng giềng thì họ cập nhật được cả từng giờ tầng phút.

"Không minh bạch thì rất khó tránh được tham nhũng quyền lực. Khó mà trách được sự móc ngoặc hoặc chỉ định vô lý. Việc chỉ định hoặc hạn chế kinh doanh nhiều khi nó không được rõ là dựa trên tiêu chí nào và nó kéo dài quá lâu và điều này trở thành không hợp lý. Chính phủ mà chỉ định vài đơn vị hay công ty để làm những việc đó thì nó vẫn thấp thoáng bóng dáng thời bao cấp.

"Đã gọi là thị trường có kiểm soát thì phải xem công cụ kiểm soát thị trường đó dùng các tiêu chí gì chứ không thể chỉ định công ty nào, cá nhân nào làm. Tức là phải rà soát liên tục xem đơn vị được giao đó là như thế nào, có đủ năng lực không, có làm ăn minh bạch không. Và các công cụ giám sát đó tại Việt Nam thì không được thể hiện rõ và thường xuyên," bà Phạm Chi Lan nói.

Nhà báo Hoàng Tư Giang trong bài 'Món nợ mang tên độc quyền vàng' đăng trên VietnamNet mô tả "độc quyền vàng luôn là vấn đề nhân dân quan tâm, thể hiện qua chất vấn liên tục, bền bỉ từ các đại biểu khóa 13 đến các đại biểu khóa 15 và câu trả lời của ngành quản lý vẫn chưa thỏa mãn".

"Chỉ hơi tiếc, nhiều câu hỏi khác chưa kịp đặt ra. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đã nhập khẩu về bao nhiêu vàng trong 10 năm qua; lời lãi của việc kinh doanh vàng thế nào, ai hưởng lợi; vì sao Ngân hàng Nhà nước độc quyền mà giá trong nước chỉ cao hơn chứ không bao giờ thấp hơn giá vàng thế giới; vì sao lại đặt cơ quan quản lý vào thế độc quyền để đối lập với lợi ích của người dân; có quốc gia nào trên thế giới mà nhà nước dành quyền độc quyền kinh doanh vàng?", nhà báo Tư Giang hỏi.

Bài báo mô tả các chuyên gia phản ánh, theo quy định hiện hành như luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, pháp lệnh Quản lý ngoại hối…thì "Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng tại nghị định 24 là không còn phù hợp vì vàng miếng cũng là hàng hóa".

"Người dân đổ xô đi mua vàng là do lo ngại lạm phát, kinh tế vĩ mô bất ổn. Hành động đó là hệ lụy chứ không phải là nguyên nhân," tác giả bài báo nhận định.

Video liên quan

Chủ Đề