Tại sao xăng tăng giá

Thứ 6, 22.04.2022 | 00:00:00

Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá xăng quay trở lại đà tăng trong nỗi lo của người tiêu dùng.

Giá xăng dầu trong nước chịu tác động từ giá thế giới

Từ chiều 21/4, giá xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 680 đồng/lít. Còn mỗi lít dầu diesel tăng 970 đồng/lít, dầu hỏa tăng 800 đồng/lít, dầu mazut tăng 880 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 27.130 đồng/lít; RON 95 là 27.990 đồng/lít; dầu diesel 25.350 đồng/lít, dầu hỏa 23.820 đồng/lít, dầu mazut là 21.800 đồng/kg.

Như vậy, sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá xăng quay trở lại đà tăng trong nỗi lo của người tiêu dùng.

Biểu đồ giá xăng dầu từ đầu năm nay đến kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 21/4, đơn vị: đồng/lít [Ảnh: N.M].

Theo lý giải của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới có những diễn biến trái chiều trong 10 ngày qua.

Trước dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm của IMF khiến áp lực về cầu giảm, Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung từ Nga và Libya giảm cùng với việc Thượng Hải chuẩn bị mở cửa trở lại sau thời gian bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nên giá dầu đã tăng trở lại.

"Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới có sự tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng", Bộ Công Thương cho biết. Trong khi đó, giá xăng dầu cơ sở trong nước phụ thuộc vào giá thế giới.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 12-21/4 là: 124,47 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5RON92, tăng 4 % so với kỳ trước; 127,5 USD/thùng xăng RON 95, tăng 3,65%. Dầu diesel là 142,2 USD/thùng, tăng 6,46%.

Ngoài ra, dù kỳ điều hành này, giá xăng dầu có xu hướng tăng song cơ quan điều hành vẫn tiến hành trích lập quỹ bình ổn. Cụ thể, việc trích lập E5 RON 92 ở mức 400 đồng/lít, RON 95 là 500 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa đều ở mức 100 đồng/lít.

Chỉ riêng dầu mazut không trích lập mà thực hiện chi quỹ ở mức 250 đồng/kg, còn các mặt hàng xăng dầu khác không chi.

Áp lực hơn về giá trong thời gian tới?

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lo ngại đà tăng còn tiếp tục trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung thế giới còn nhiều biến động.

Theo vị này, giá dầu chủ yếu phụ thuộc vào cung và cầu. Các lệnh phong tỏa chưa được dỡ bỏ tại Trung Quốc khiến lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm tăng lên. Trong khi đó, chỉ khi những lo ngại của thị trường về xung đột Nga - Ukraine được xoa dịu thì cung dầu toàn cầu mới có thể trở lại bình thường.

Xăng dầu tăng giá gây áp lực lên lạm phát, túi tiền của người tiêu dùng [Ảnh: T.K].

Trước đó, một chuyên gia trong nước đã đưa ra một số kịch bản về xăng dầu trong thời gian tới. Trong đó, ở kịch bản 1: Giá dầu ở quanh 100 USD/thùng. Kịch bản này xảy ra khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Mỹ và EU cấm nhập toàn bộ hoặc một phần dầu của Nga. Mỹ và Iran chưa sớm đạt thỏa thuận. OPEC+ vẫn tăng sản lượng dầu chậm chạp, không đạt mức hạn ngạch cam kết. Mỹ không sử dụng thêm kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá dầu.

Còn kịch bản 2 là giá dầu giảm về 80 USD/thùng. Kịch bản này sẽ thành hiện thực khi Trung Quốc tiếp tục chính sách "zero Covid", phong tỏa các thành phố lớn, làm giảm tăng trưởng kinh tế, từ đó nhu cầu sử dụng dầu giảm, bằng năm 2021.

Kịch bản 2 là Nga và Ukraine đạt thỏa thuận. Mỹ và EU không cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Mỹ và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân, cho phép Iran xuất khẩu dầu trở lại khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, kịch bản 2 được đánh giá là khó khả thi hơn. Một số chuyên gia quốc tế cho rằng thị trường dầu thế giới đang thiên về kịch bản giá dầu ở quanh mức 100 USD/thùng.

Tính từ đầu năm đến nay, thị trường trong nước đã có 10 lần điều chỉnh giá xăng, trong đó, có 7 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Hiện mặt hàng này vẫn ở mức giá rất cao gây áp lực lên lạm phát, tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn

//dantri.com.vn/kinh-doanh/vi-sao-xang-tang-gia-tro-lai-20220422075838597.htm

  • Giá xăng ở Mỹ hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh

Nhằm đánh giá cũng như tìm kiếm giải pháp giúp nền kinh tế giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng kỷ lục, báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã tổ chức tọa đàm "Làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục".

Giá xăng dầu trong nước lên tới gần 30 nghìn đồng/lít.

Xăng Việt Nam “chạy đuổi” theo thế giới

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, diễn biến tình hình kinh tế thế giới đã đẩy giá xăng dầu thế giới lên cao, gây mất cân đối cung cầu và dự trữ của các nước sụt giảm, đặc biệt là do xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 bắt đầu có khởi sắc khiến cho nhu cầu về nhiên liệu tăng lên ở mức rất cao. Trong khi đó, nguồn cung không tăng kịp so với nhu cầu dự báo. Theo đánh giá, nhu cầu sử dụng nhiên liệu xăng dầu năm 2022 khoảng 100,23 – 111 triệu thùng, cao hơn năm 2019 khoảng 0,23 – 1 triệu thùng, cao hơn năm 2021 khoảng 3,5 – 4,27 triệu thùng/ngày.

Với xăng dầu trong nước, ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, còn có nguyên nhân chủ quan là do nguyên tắc điều hành giá xăng dầu. “Trong khi giá xăng dầu thế giới điều chỉnh theo ngày, thì giá xăng trong nước đang điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày, thậm chí lên đến 20 ngày nếu vào dịp lễ, Tết, vì thế, khi điều chỉnh tăng giá xăng dầu, chúng ta phải chạy đuổi để kịp theo nhịp tăng trưởng của thế giới, nên mới gây ra hiện tượng tăng giá xăng dầu quá cao, gây ra bất ổn", ông Thỏa phân tích. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, điều hành về bình ổn giá, quan hệ cung cầu còn bị động, lúng túng, dẫn tới những phản ứng tiêu cực của thị trường như tình trạng găm hàng, giữ hàng để chờ điều chỉnh giá tăng cao mới bán hàng, dẫn đến đứt gãy nguồn cung làm cho tình hình thị trường biến động bất ổn.

"Nếu không sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra câu chuyện bất ổn nếu giá thế giới tăng", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh. Bên cạnh những "nút thắt" nêu trên, theo ông Thỏa, còn có vấn đề là chưa có cạnh tranh giá trong kinh doanh. Nếu thị trường xăng dầu có những "ông lớn" chiếm lĩnh thì họ sẽ chủ động được về giá, thậm chí “làm giá” theo cơ chế thị trường.

Cũng có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm, nguồn cung xăng dầu trong nước bị đứt gãy cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức kỷ lục kể từ đầu năm đến nay. "Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm tới 30 – 35% thị phần. Chỉ cần Nghi Sơn không giảm công suất, tôi nghĩ thị trường không gặp tình trạng khan hiếm nguồn cung", ông Lực nhận định.

Gỡ nút thắt thuế chồng thuế

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chi phí từ xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, với một số ngành, chi phí xăng dầu có thể chiếm đến 30-40%. Vì thế, việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế. Giới chuyên gia nhận định, giá xăng tăng có thể ảnh hưởng tới hiệu ứng của chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang tích cực thực hiện. Trong đó, có những giải pháp như giảm 2% thuế VAT với hầu hết các mặt hàng trong năm 2022 nhằm để kích thích tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát. Bởi vậy, câu chuyện “hạ nhiệt” giá xăng đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Dù mới đây, Bộ Tài chính đã chốt phương án đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu so với hiện tại, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu, thuế chiếm 38% giá bán xăng và 20% đối với giá bán dầu là quá cao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thỏa cho biết ở nhiều nước, mức thuế chiếm tỷ trọng từ 45 – 60% trong giá bán xăng, dầu, ngoại trừ một số nước có lượng dự trữ dầu mỏ lớn. Đơn cử như Hàn Quốc thuế xăng dầu chiếm 49%, Thái Lan chiếm 45%, Malaysia chiếm 29%,… Về ý kiến cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó, xăng dầu là tối cần thiết, không phải hàng xa xỉ, theo ông Thỏa, thuế tiêu thụ đặc biệt là để điều tiết việc tiêu dùng xăng dầu, hạn chế tiêu dùng lãng phí. Có thể nhìn thấy trong chính các loại xăng, xăng sinh học được áp thuế thấp hơn để khuyến khích sử dụng.

Liên quan đến vấn đề lâu nay dư luận xã hội đánh giá rất bất cập là đang có tình trạng thuế chồng thuế với mặt hàng xăng dầu. Ví dụ thuế giá trị gia tăng tính trên thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. TS.Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, tất cả những điều trên đều đúng luật. "Tuy nhiên, luật cũng do con người sinh ra và tính toán. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu lại để vẫn giữ bản chất điều tiết thị trường của thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Qua đó, tránh tình trạng thuế chồng thuế", ông Thỏa nhấn mạnh.

Hà An

Video liên quan

Chủ Đề