Thế chiến lược trong Vovinam là gì

Dẫn nhập:

Trong cuộc sống, mọi vật luôn chuyển động và tiến lên, từng bước hoàn thiện phù hợp với quy tắc mang tính khoa học để tồn tại và phát triển.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự cải tiến luôn mang lại hiệu quả cao hơn.

Ví dụ sau đây minh chứng cho điều này:

Theo nhiều tư liệu cổ, loại hoả tiễn [tên lửa] đầu tiên trên thế giới ra đời từ Thế kỷ thứ Nhất, do người Trung Hoa phát minh ra. Nhưng để ứng dụng được công thức ấy mang lại  hiệu quả cao, thì lại không phải là người Trung Hoa mà là người của Liên Sô cũ.  [Chuyến phi thuyền đầu tiên bay vào vũ trụ của Gagarin ngày 12/4/1961] và sau đó là Mỹ đã lần đầu tiên trên thế giới đưa con người đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20/7/1969 bằng phi thuyền Apollo 11. [Phi hành gia Neil Amstrong]. 

Các cải tiến đưa vào ứng dụng từ công thức chế tạo tên lửa [hỏa tiễn] là như vậy.

Người Việt vốn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo nên thường duy trì và nuôi dưỡng quan niệm “xưa bày sao nay làm vậy” mà ít chịu khó động não để vượt qua bức tường “đạo lý” một cách tiêu cực ấy.

Một VS, Huấn luyện viên giỏi, không chỉ giỏi nhờ thực hiện thuần thục các đòn thế, bài bản mà còn luôn biết nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp và lý giải hợp lý các đòn thế, nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả và  tính thuyết phục, chứ không chỉ học sao dạy vậy một cách thụ động, không nhận ra những điểm chưa phù hợp  về võ lý trong bài bản và đòn thế, hay mục đích về chủ trương, đường lối của bản môn.

Do vậy, từ lâu tôi luôn trăn trở với hệ thống gọi là “Chiến lược” trong Vovinam!

Trước hết thử khái niệm xem Chiến lược là gì?

Chiến lược là cách/phương án giải quyết tổng hợp các vấn đề sau:

-Xác định chính xác mục tiêu cần đạt.

-Xác định con đường, hay phương thức để đạt mục tiêu.

-Và định hướng phân bổ nguồn lực để đạt được mục tiêu lựa chọn.

Khái niệm về chiến lược là như vậy.

Với mục đích của Môn phái Vovinam là dùng võ để tự vệ, hay nói một cách khác, Vovinam là một môn võ tự vệ và chiến đấu.

Vâng, “tự vệ” nghĩa là nằm trong phạm trù “phản ứng có đều kiện”. Tức ta bị người khác khống chế/tấn công trước chứ ta không chủ động tấn công người khác. 

Vậy nếu như không nhìn lại/phối lại hệ thống chiến lược của Vovinam cho phù hợp thì có thể thấy “Đòn chiến lược” của Vovinam không đi theo đúng chủ trương và mục đích của Môn phái, nghĩa là sử dụng đòn chiến lược để chủ động tấn công trước!

Đôi khi những cái lý luận “không giống ai” lại làm bừng tỉnh những “giấc ngủ say” từ nhiều năm qua.

Sau đây tôi xin đưa một đề tài nhằm mục đích tham khảo về  việc phối lại các chiến lược đầu tiên từ số 1 đến số 10, nằm trong chương trình mang ý nghĩa Tự vệ/Nhập môn, để làm phù hợp với mục đích là “tự vệ, chiến đấu”, chứ không phải chủ động tấn công đối phương trước. Tuy phối lại nhưng vẫn giữ nguyên các thức [động tác] của từng chiến lược, chỉ khác nhau là đòn đầu tiên được tách ra cho bên đối phương thực hiện tấn công trước.

Các đòn chiến lược được phối lại theo phương pháp đánh “cài răng lược” tức lợi dụng sức tràn tới tấn công ta của đối phương mà ta phản công ngược chiều, khiến đối phương đang theo đà lao tới không giật lùi được sẽ tạo ra lực xung đột rất lớn, thay vì đánh theo kiểu cũ thì lực xung đột thấp, yếu tố bất ngờ không có, đối phương dễ dàng lùi tránh. Nhưng lại mang tiếng là ta chủ động tấn công, đi ngược lại quan điểm tự vệ của Môn phái.

Quy ước: Bên thực hiện chiến lược là A, Bên còn lại là B, nhưng B chính là người ra đòn tấn công trước, A áp dụng chiến lược theo phương thức phản ứng tự vệ tấn công lại B.

  • Lưu ý: Các chiến lược đều được thực hiện đủ các thức [động tác] của một chiến lược gốc.
  • Hai bên đứng gần vào nhau, khoảng cách vừa tầm một cánh tay bên này trúng mặt bên kia.

Chiến lược số 1:

B: Đinh tấn trái [ĐTT] tay trái chém lối 1 vào mặt A.

A: Đinh tấn Trái [ĐTT] Cong tay trái chém chặn tay chém của B, đồng thời lướt dài tấn trái hơi chếch xéo qua trái một chút [áp sát hơn], thực hiện đấm thấp tay phải vào bụng B, [vị trí huyệt Trung quản tức chấn thủy]. Rồi lập tức bước chân phải lên cài sau queo chân B đánh chỏ vào cổ họng [yết hầu] B.

Chiến lược số 2:

B: [ĐTT]  Đấm thẳng vào mặt A.

A: [ĐTT]  Chớp chân trái lùi một chút tránh đấm thẳng của B và thực hiện chém quét bên phải [lòng bàn chân quét vào phần mắt cá chân trái B, tay chém vào Thái dương [màng tang] B.

Chiến lược số 3

B: [ĐTT] Bước chân phải lên đấm móc, phạt ngang tay phải vào mặt A.

A: [ĐTT] lùi chân trái ra sau lòn đầu tránh ngược chiều với đường đấm móc của B, tránh xong lập tức vươn thẳng người lên chặn phạt ngang và chân phải trụ, chém quét bên trái vào chân phải và Thái dương bên trái của B.

  • Lưu ý: muốn thực hiện động tác quét thì bàn chân trụ phải quay ngang ra ngoài vuông góc với chân trụ để tránh bị lật cổ chân.

Chiến lược số 4:

B: [ĐTT] đạp vào gối A.

A: nhất chân trái lên tránh đòn đạp và đạp cản vào bụng B, đồng thời  lập tức xoay người đạp chân phải vào mặt B

Chiến lược số 5: [riêng chiến lược này, để tạo tình huống phù hợp nên thêm đòn đấm lao của B]

B: bước lên Đinh tấn phải [ĐTP] đấm lao phải vào mặt A

A: lòn đầu từ trong ra ngoài, tránh đấm lao và đứng lên đá quạt cạnh chân phải vào mặt B [trong tư thế B còn chồm người theo cái đấm lao]. Đồng thời đấm thẳng và bật ngược vào mặt B

Chiến lược số 6:

B: [ĐTT] chém trái chém phải lối 2 vào mặt A.

A: cũng chém trái chém phải lối 2 chặn 2 cái chém của B [chém trái chặn trái, chém phải chặn phải].

Lúc tay phải A chặn chém phải B thì tay trái đã thu về sườn, từ vị trí này, A rùn tấn Trung bình đấm thọc ngang tay trái vào bụng B đồng thời xoay người đạp phải vào mặt B.

Chiến lược số 7:

B: [ĐTT] tràn tấn tới chém 2 tay song song vào A [tay trái trên úp vào mặt, tay phải dưới ngữa vào cổ A.

A: [ĐTT]chém 2 tay song song để chặn 2 chém của B. thuận đà hất tung 2 tay B lên đồng thời bước chân phải lên Trung bình tấn [TBT] cài sau 2 chân B rồi giật chỏ số 6 vào ngực và chém ngữa bàn tay vào bụng B hất B ngã ngữa ra sau.

Chiến lược số 8:

B: [ĐTT] quét bằng chân phải vào chân trái A

A: nhất chân trái bỏ ra sau và đạp chân phải vào bụng/ngực B rồi lập tức đá tạt chân trái vào mặt B.

Chiến lược số 9:

B: [ĐTT] bước chân phải lên đá tạt trái

A: [ĐTT] bước  chân phải lên xéo qua phải lòn đầu tránh đá tạt trái của B và lập tức đá tạt phải trả đòn, thuận đà xoay người đạp lái trái vào ngực B.

Chiến lược số 10:

B: [ĐTT] nhích dài tấn lên đấm thẳng trái.

A: [ĐTT] gạt lối 1  đỡ đòn rồi bước chân phải lên đấm lao phải, liên tiếp thực hiện các bước sau như múc trái, móc, bật ngược phải và chỏ số 2 tay trái.

* Lưu ý: khi tập chiến lược rời thì vẫn đánh như cũ, nghĩa là đủ các động tác của một chiến lược gốc

P/S Theo tôi, tất cả các VS, HLV đều có thể hình dung ra cách thực hiện chiến lược theo bản phối lại này.

  • Đòn thị phạm còn nhiều chỗ kỹ thuật chưa đáp ứng đúng theo yêu cầu của bài viết, mong quý vị bỏ qua.

Châu Minh Hay

Sài Gòn, ngày 27/09/2018

Video liên quan

Chủ Đề