Thực thi công vụ trong cải cách hành chính

Hoàn thiện chế độ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ

[ĐCSVN]- Nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý cán bộ, công chức phù hợp với hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Nâng cao tính trách nhiệm, chuyên môn hóa, hiện đại hóa và minh bạch trong quản lý để công tác quản lý nhân lực được thực hiện công tâm, trong sáng, thực chất. Đồng thời tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách...

Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng đã góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hơn 10 năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt trong thực hiện tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng [PCTN]. Các cơ quan vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết phát hiện, xử lý sai phạm; gắn PCTN với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và xác định đây là một trong những nhóm giải pháp PCTN. Hiện nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện đã ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức biên chế và tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với điều kiện mới theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Các cấp, các ngành của tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai nghiêm túc, thực hiện đúng thẩm quyền trong công tác quản lý, sử dụng biên chế công chức. Việc thực hiện công tác bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức phù hợp trình độ và đánh giá theo các tiêu chuẩn cụ thể. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao cả về trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, bảo đảm cơ cấu... Kỷ cương, kỷ luật hành chính được duy trì, đạo đức công vụ được đề cao. Chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng được quan tâm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lập kế hoạch và danh sách cán bộ, công chức phải định kỳ chuyển đổi, đảm bảo có thảo luận thống nhất, công khai cho tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị biết, thực hiện và giám sát thực hiện. Tính đến nay, có 20 sở, ban ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 268 cán bộ, công chức.

[Ảnh minh họa. Ảnh: C.H]

Công tác chấn chỉnh lề lối làm việc và nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ được triển khai thực hiện khá tốt. Một số cơ quan, đơn vị tiến hành cụ thể hóa “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức” gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế văn hóa công sở và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị hầu hết đều thi hành đúng chức trách, nhiệm vụ của mình theo các chuẩn mực pháp luật quy định. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo phải thực hiện nghiêm quy chế về tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Các sở ngành, địa phương không được dùng ngân sách nhà nước mua quà tặng, quà biếu sai quy định; nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức nhận quà tặng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không đúng chế độ, định mức, đối tượng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong PCTN.

Không những vậy, các đơn vị còn chú trọng công khai, minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình tuyển dụng, tiếp nhận công chức, có chính sách đãi ngộ thích hợp để thu hút lao động có chất lượng cao từ nơi khác đến làm việc trong tỉnh. Sở Nội vụ thường xuyên kiểm tra công tác nội vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm hạn chế, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Các cấp, các sở, ban ngành triển khai thực hiện công khai, minh bạch ở hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động của mình và chú trọng công khai, minh bạch trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Đến nay chưa phát hiện cơ quan, đơn vị nào vi phạm quy định về thực hiện công khai, minh bạch. Một trong những nội dung góp phần PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Giai đoạn 2009-2020, tỉnh tổ chức 8 lớp bồi dưỡng về PCTN; 21 lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính, đạo đức công vụ. Ngoài ra, các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý đều được lồng ghép nội dung PCTN và đạo đức liêm chính vào trong quá trình giảng dạy.

Nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ để thực hiện nhiệm vụ PCTN, ông Trần Phước Vĩnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần phải tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý cán bộ, công chức phù hợp với hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Nâng cao tính trách nhiệm, chuyên môn hóa, hiện đại hóa và minh bạch trong quản lý để công tác quản lý nhân lực được thực hiện công tâm, trong sáng, thực chất. Đồng thời tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Khi đó, đổi mới và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ trách nhiệm, trách nhiệm giải trình theo hướng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép; quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc. Hoàn thiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức đảm bảo công khai, minh bạch là một trong các giải pháp thiết yếu nhằm kiềm chế, chống nạn tham nhũng. Thực hiện đạt hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo nguyên tắc, không chỉ giảm về số lượng mà phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, có cơ chế khả thi đưa ra khỏi công vụ những cán bộ, công chức không có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ và tuyển chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với từng vị trí việc làm cụ thể.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và quan tâm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức. Xây dựng môi trường văn hoá công sở và quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu trong hoạt động công vụ. Coi việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi các thủ tục hành chính gắn với hoạt động công vụ phải luôn được thực hiện trên tinh thần cải cách, cần đơn giản hóa, không rườm rà, phức tạp hơn trước, phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, hạn chế tiêu cực, tham nhũng có thể phát sinh.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với cán bộ, công chức. Phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra; tập trung chỉ đạo, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật. Xử lý nghiêm, kịp thời tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả./.

C.H

Thực trạng về trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước đã và đang góp phần đáng kể vào tiến trình cải cách hành chính theo mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Các cấp công đoàn đã triển khai cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu" đến cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức" đã làm chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, năng động; việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã trở thành nhu cầu cần thiết của cán bộ, công chức giúp cho việc tham mưu, giải quyết công việc được chính xác, nhanh chóng đem lại hiệu quả cao hơn trong công việc, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy một thực tế: còn không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa chủ động, tích cực, thể hiện ở chỗ: Một số cán bộ, công chức bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới; cách làm việc quan liêu, hành chính hoá, không thạo việc, tác phong chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hách dịch, nói nhưng không làm, sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả, có tình trạng " đi muộn về sớm", đùn đẩy trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa... dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, chất lượng trong tham mưu ban hành văn bản; tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức trong giải quyết công việc còn gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đến liên hệ công tác, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bộ máy quản lý của nhà nước. Thước đo rõ nhất nói lên kết quả của công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI- chỉ số thể hiện chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp và dân doanh của chính quyền tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn; năm 2013 Ninh Bình đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, 2014 đứng thứ 11/63 đến 2015 tăng lên thứ 30/63 tỉnh, thành phố.

  Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên. Trước tiên phải nói đến là việc chúng ta vẫn chưa có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ cho từng loại hình công việc, nhất là những quy định về tính chịu trách nhiệm cá nhân  [mới chỉ có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu nhưng vẫn chỉ trên văn bản chứ trên thực tế chưa được thực hiện nghiêm].

 Hiện tượng "bình quân chủ nghĩa" còn diễn ra khá phổ biến, chưa có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức ỷ lại dựa dẫm vào cấp trên, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên; cán bộ, công chức bị động, phụ thuộc, trì trệ,  thực hiện công việc theo chiều chỉ đạo từ trên xuống mà chưa có sự chủ động tham mưu, đề xuất từ dưới lên.

Thực hành dân chủ vẫn chưa thường xuyên, đều khắp và chưa trở thành nếp sinh hoạt văn hoá công sở. Vẫn còn tồn tại không ít hiện tượng áp đặt, quan liêu cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, tự do vô tổ chức, tuỳ tiện, coi thường kỷ cương, kỷ luật công vụ. Điều này dẫn tới việc cán bộ, công chức không phát huy được tinh thần sáng tạo, không đề xuất được các sáng kiến, giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Công tác tổ chức cán bộ vẫn có những bất cập từ khâu tuyển dụng đến đề bạt cán bộ, công chức; việc đánh giá cán bộ, công chức có làm nhưng chưa thực chất, người làm nhiều, làm tốt nhưng thường hay va chạm nên chưa được đánh giá cao, người nói mà không làm thường không va chạm lại được đánh giá cao; việc sắp xếp một số vị trí công việc chưa phù hợp chuyên môn, đúng người đúng việc. Hệ quả là gây ra sự chán nản, không khuyến khích được sự cố gắng nỗ lực, tính sáng tạo trong giải quyết công việc của công chức, dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả công việc không cao.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức mới chỉ chú trọng tới lợi ích cá nhân, năng lực hạn chế, không chịu nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, dựa vào máy vi tính, sao chép văn bản khi được giao nhiệm vụ. Nguyên nhân này dẫn tới hiệu quả giải quyết công việc thấp, văn bản triển khai không phù hợp thực tiễn của địa phương, lĩnh vực; hiện tượng "hành dân" để thu lợi ích cá nhân còn diễn ra nhưng phát hiện sử lý chưa nhiều.

Một nguyên nhân rất quan trọng chính là uy tín của người lãnh đạo trong quản lý, điều hành, tính gương mẫu nêu gương chưa nhiều... làm ảnh hưởng tới tính tích cực, hăng say làm việc của công chức. Một môi trường làm việc thiếu tính minh bạch, công khai, văn minh; môi trường mất dân chủ là yếu tố làm thui chột tính tích cực lao động của cán bộ, công chức.

Qua sơ kết một một năm thực hiện Cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức" do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ triển khai, kết quả bước đầu có chuyển biến nhưng chưa tạo được sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp nên hiệu quả chưa cao.

 Một số giải pháp cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ để nang cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức" trong thời gian tới.

 Nội dung của cuộc vận động do LĐLĐ tỉnh và Sở Nội vụ triển khai cũng chính là nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trong 3 khâu đột phá và 7 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 27-TTr/TU ngày 4/8/2015 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Công văn số 317- CT/TU ngày 15/5/2016; UBND tỉnh ban hành công văn số 385/ UBND-VP7 thực hiện Thông tri 27- TTr/ TU. Để việc thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả thiết thực theo chỉ đạo của tỉnh, cần có sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành với những giải pháp cụ thể sau:

  Thứ nhất: Nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo

 Các cấp ủy Đảng tăng cường các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của chính quyền các cấp, các cơ quan HCNN, trong đó tăng cường giám sát, kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị  và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế pháp luật để làm căn cứ xác định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm, xác định các tiêu chí đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng, xử phạt, các điều kiện thực thi công vụ của cán bộ, công chức cũng như làm căn cứ định hướng xây dựng các tiêu chí văn hoá, văn minh, dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật nơi cơ quan, công sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Cần xác định rõ danh mục công việc cho từng vị trí công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước. Tại mỗi vị trí công tác phải có một "bản mô tả công việc" trong đó nêu rõ vị trí công việc là gì, nhiệm vụ chính là gì, chịu trách nhiệm như thế nào. Vì vậy, cần công bằng, khách quan, minh bạch trong tuyển chọn, đánh giá, đề bạt cán bộ, công chức; cần xem xét, xây dựng lại quy trình tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm, bố trí cán bộ để khắc phục những "lỗ hổng" có thể dẫn đến những sai lầm về công tác nhân sự. Việc bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, dân chủ và nhất thiết phải dựa trên các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, đạo đức và uy tín. Cần đổi mới khâu thăm dò uy tín đạo đức và thực hiện phương pháp thi tuyển khách quan. Sử dụng kết hợp phương pháp đánh giá định tính và định lượng, đồng thời công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính; về thực hiện nếp sống văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ. Nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính; sử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera tại bộ phận một cửa để giám sát, theo dõi thái độ, trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ hai: Nhóm giải pháp đối cán bộ công chức.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức đương nhiệm, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, Nhà nước có thể đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng thực thi công vụ để nâng cao khả năng đảm nhiệm công việc của cán bộ, công chức. Có nhiều hình thức để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho cán bộ, công chức. Chẳng hạn như: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các cơ sở đào tạo của Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng thông qua công việc tại cơ quan, thông qua trao đổi kinh nghiệm, tổ chức cuộc thi... tạo cơ hội để cán bộ, công chức  phát triển năng lực. Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; không được đánh bạc dưới mọi hình thức.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Nhất là đối với việc lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Giải quyết tốt chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức.

Thứ ba: Nhóm giải pháp về môi trường làm việc

Xây dựng môi trường văn hoá công sở: Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên ban hành các tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa công sở trong đó chú trọng về tinh thần, tác phong làm việc, lời nói, giao tiếp ứng xử, ăn mặc... có biện pháp giám sát việc thực hiện và đánh giá việc thực hiện của cán bộ, công chức theo tháng hoặc theo quý làm căn cứ đánh giá xếp loại cán bộ và thi đua khen thưởng cuối năm.

Xây dựng môi trường thực hành dân chủ cơ sở: Công khai, minh bạch các nội dung theo đúng Nghị định 04/ CP.

                                                                                               Mai Thủy

Video liên quan

Chủ Đề