Tính hình sử dụng cây thuốc ở nước ta

Khơi dậy tiềm năng lớn từ cây dược liệu tại Việt Nam

[ĐCSVN] – Là một trong những nước có nhu cầu sử dụng cây dược liệu lớn, tuy nhiên Việt Nam hiện đang phải nhập đến từ 70- 80% nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác. Đây là con số đáng phải suy nghĩ bởi ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam còn được đánh giá có nguồn dược liệu phong phú và đa dạng.

Nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu

Nằm tại một vị trí tự nhiên hiếm có, khí hậu có nhiều nét độc đáo và đa dạng, Việt Nam được ưu đãi với hệ thống sinh thái phong phú, đa dạng về chủng loại các cây dược liệu với hơn 12 nghìn loài thực vật, trong đó có gần 4 nghìn loài có công dụng làm thuốc được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: Sâm ngọc linh, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai, Thanh thiên quỳ, Ba gạc Vĩnh Phú…

Bên cạnh đó, người Việt Nam đã có kinh nghiệm và truyền thống sử dụng các loại cây để làm thuốc đã góp phần hình thành nên một nền kho tàng tri thức về y học. Với những thói quen đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu trong nước hiện đang rất lớn.

Nhiều sản phẩm từ cây dược liệu của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị
trường trong nước và quốc tế. [Ảnh: VT]


Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn/năm, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn/năm, phần còn lại phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, Singapore….Nếu tính theo các đơn hàng đã được Cục quản lý Dược cấp phép thì trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 400 loại dược liệu khác nhau với khối lượng trung bình khoảng 17,6 nghìn tấn mỗi năm và giá trị đạt khoảng 12 triệu USD.

Tuy nhiên, trong số 30 dược liệu có nhu cầu lớn để sản xuất thuốc có nhiều dược liệu trong nước có thể tự túc được, không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như: Actisô, Đinh lăng, Biển súc, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu, Hy thiêm, Ích mẫu, Trần bì, Húng Chanh,Mật ong, Thảo quyết minh, Hương phụ, Nhân trần, Chè dây, ….

Theo Tổ chức Y tế thế giới [WHO] có khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển, ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khoẻ và dự báo nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất thuốc trong các năm tới sẽ tiếp tục tăng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng và nhu cầu sử dụng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên trong việc phòng và chữa bệnh ở nhiều nước trên thế giới ngày càng tăng cao.

Phát triển song song với công tác bảo tồn

Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế về cây dược liệu, trong quá trinh bảo tồn và phát triển các cây thuốc Nam cũng đang gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó nổi cộm lên là vấn đề quy hoạch đang bởi tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động.

Việc khai thác quá mức cũng dẫn đến các vấn đề liên quan tới công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen bởi số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít. Cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên, nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cùng với đó, hạn chế về điều kiện kỹ thuật và công nghệ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả của cây dược liệu.

Tại “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” [được ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ], có đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.

Theo đó, để đưa dược liệu trở thành thế mạnh của Ngành Dược Việt Nam, theo TS. Trương Quốc Cường – Cục Trưởng Cục Quản lý Dược cần tập trung quy hoạch các vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thể về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để lựa chọn và tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất dược liệu.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện thực hành tốt trồng cây dược liệu [GAP] và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã [GCP] nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu và tiến tới hòa hợp trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, xây dựng các Hồ sơ về dược liệu. Hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo kết quả nghiên cứu, điều tra của Viện Dược liệu [Bộ Y tế], nước ta có một hệ thực vật, nấm, động vật, khoáng vật làm thuốc lớn là nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh của Việt Nam. Phần lớn những loại cây này đều mọc tự nhiên, phân bổ khắp nơi, song tập trung nhiều nhất trong những khu rừng.

Nhưng, do khai thác tự phát liên tục, khai thác quá mức mà không chú ý đến bảo vệ, tái sinh; cùng với những thảm họa, thiên tai [cháy rừng, lũ lụt, sạt lở...] đã làm cho nguồn tài nguyên cây thuốc giảm đi nhanh chóng. Nếu như năm 1945, Việt Nam có 80% diện tích đất lâm nghiệp có rừng che phủ thì đến năm 1990 con số này chỉ còn 20%. Tới nay,  do việc trồng mới rừng, nên diện tích che phủ đã tăng lên,  tuy nhiên không vì thế mà số cây thuốc nhiều hơn lên.

Việt Nam có một hệ thống thực vật làm thuốc phong phú. [Ảnh sưu tầm]

Theo các nhà chuyên môn, hiện nhiều loài cây thuốc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hoặc ít nhất số lượng cá thể, quần thể cũng đang bị thu hẹp, giảm bớt dần do con người khai thác quá mức mà không có kế hoạch bảo tồn và phát triển. Người ta dẫn chứng việc này qua cây vàng đắng.  Nếu giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1990 có thể khai thác từ 1.000 đến 2.500 tấn/năm, thì đến năm 1995 cơ bản đã không còn để khai thác. Hay như cây ba kích, đẳng sâm… vốn có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, thì  đến nay đã cạn kiệt, đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Các cây thuốc quý hiếm họ nhân sâm [trong tự nhiên] như sâm Ngọc Linh, tam thất hoa… hiện cũng ít dần.

Chính vì vậy, việc bảo tồn cây thuốc, trước hết là bảo tồn những loài có nguy cơ tuyệt chủng là một vấn đề cấp bách trong chiến lược hành động bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta. Từ năm 1988, Viện Dược liệu được  giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện “Ðề án bảo tồn gien và giống cây thuốc”. Và cũng nhờ đó mà một số loại cây thuốc đang hồi phục dần.

Tới nay, một mạng lưới bảo tồn đại diện cho các vùng sinh thái đã được xây dựng. Tại vùng núi cao phía Bắc, địa điểm bảo tồn là Trạm cây thuốc Sa Pa [Lào Cai]. Vùng núi và trung du phía bắc, địa điểm bảo tồn là Tam Ðảo [Vĩnh Phúc]. Vùng đồng bằng Bắc Bộ, địa điểm bảo tồn là Viện Dược liệu, Ðại học Dược Hà Nội, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật. Vùng Bắc miền Trung, địa điểm bảo tồn là Thanh Hóa. Vùng Tây Nguyên, địa điểm bảo tồn là Ðà Lạt [Lâm Ðồng, Kon Tum, Quảng Nam]. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, địa điểm bảo tồn là Mộc Hóa [Long An]. Tại các địa điểm đó, hơn 700 loài và giống cây thuốc đã được bảo tồn an toàn theo các phương thức thích hợp. Đáng chú ý,  3 loài đã trở thành dự án sản xuất và phát triển ở quy mô hàng hóa, là sâm Ngọc Linh phát triển trồng hàng chục hec ta ở Quảng Nam và Kon Tum. Cây ngũ gia bì hương đã phát triển trên nương của các gia đình nông dân Phó Bảng và Quản Bạ [Hà Giang]. Cây chóc máu được lập dự án phát triển để khai thác dược liệu và đang chuẩn bị đề xuất các dự án phát triển ở quy mô lớn.

Dù đã đạt được một số kết quả, nhưng giới chuyên môn cho rằng để bảo tồn, phát triển cây thuốc thì cần thiết phải hình thành vườn quốc gia bảo tồn cây thuốc, đi đôi với nó là có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ [giữ quỹ gen giống, công nghệ tế bào, sinh học]... Có như vậy mới bảo tồn và nhân rộng những cây thuốc quý của đất nước.

Từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng cây thuốc để chữa bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới [WHO], có đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn còn chữa bệnh bằng những loại cây có sẵn trong tự nhiên. Và hiện nay, xu thế chung của toàn cầu là dùng những loại thuốc điều trị bệnh có nguồn gốc thảo dược, thành phần từ tự nhiên để đảm bảo tính an toàn.

Một con số của Bộ Y tế cho biết, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã phát hiện mới 3.984 loại nấm và thực vật có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, trong số 730 giống thuốc đang được bảo tồn thì có đến 600 loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo thống kê, cả nước có khoảng 6000 loài thảo dược, có thể phục vụ chữa nhiều bệnh khác nhau. Nhưng do khai thác liên tục và không chú ý đến việc tái sinh, cho nên nguồn dược liệu trong nước hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 10 - 20% nhu cầu sử dụng của người dân, số còn lại chủ yếu phải nhập khẩu.

Để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc được chế biến từ thảo dược của đông đảo người dân, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, cả nước sẽ có 8 vùng dược liệu trọng điểm lần lượt là: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Cả 8 vùng này sẽ phấn đấu quy hoạch và phát triển 54 loài dược liệu. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, và phấn đấu đến năm 2030 là 80%.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo tồn và phát triển cây thuốc, thì bên cạnh việc trồng đại trà, rất cần phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác quá mức cây thuốc trong tựu nhiên. Đặc biệt, đối với vùng miền núi, cây thuốc vốn dồi dào và việc khai thác cây thuốc cũng là một nguồn sống của đồng bào, thì việc hướng dẫn khai thác, tạo sinh kế mới cho bà con là rất cần thiết. Trong chủ trương phát triển diện tích trồng rừng, thì cũng cần nghiên cứu để trồng cây thuốc trong chính những cánh rừng mới đó.

Phương Nga

ad syt ad

Video liên quan

Chủ Đề