Uy tín sư phạm là gì

1. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của người cán bộ giảng dạy Cao đẳng - Đại học

Nghề nghiệp là một dạng công việc đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn nhất định hay nói một cách khác đó là một việc làm theo sự phân công lao động của xã hội [21, tr. 676]. Như vậy lao động nghề nghiệp là một lĩnh vực hoạt động, trong đó con người dùng sức lao động của mình để tạo ra những sản phẩm cần thiết đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nghề nghiệp trong xã hội rất đa dạng. Hiện nay ở nước ta có khoảng trên 30 nhóm nghề khác nhau. Dựa trên cách phân chia của tác giả E. A. Klimov [53] có thể phân chia các nghề trong xã hội thành năm nhóm: người - tự nhiên"; người - kỹ thuật": người - hệ thống kỹ thuật"; người - người"; "người - nghệ thuật".

Nghề dạy học là một công việc được xã hội phân công và ủy thác cho nhà giáo. Nhà giáo là những người là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và các cơ sở giáo dục. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng gọi là giảng viên [16, Điều 70]. Cơ sở giáo dục đại học đảm nhận đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ. [5. Điều 38].

Dạy học ở bậc Đại học là một dạng hoạt động có sự tương tác giữa người dạy và người học, trong đó có sự truyền thụ và lĩnh hội những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đáp ứng mục tiêu giáo dục Đại học đã đề ra. Trong quá trình dạy học người giảng viên là chủ thể của hoạt động dạy sẽ giữ vai trò chủ đạo. Giảng viên có chức năng tổ chức, điều khiển hoạt động học của sinh viên, để họ phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập, phù hợp với mục tiêu giáo dục ở đại học [11, tr. 25]. Mục tiêu giáo dục Đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [16, Điều 37].

Hoạt động nghề nghiệp thường có những đặc trưng cơ bản như đối tượng, mục đích, phương tiện và tính chất của hoạt động. Dựa trên những đặc trưng này, nghề dạy học của giảng viên có những điểm đặc biệt sau:

1.1. Đối tương hoạt động của giảng viên là người trưởng thành

Nghề nào cũng có đối tượng hoạt động. Nghề dạy học thuộc nhóm nghề người - người" có đối tượng hoạt động trực tiếp là những con người nên đòi hỏi người hoạt động trong nghề đó phải có được một số nét tính cách như ân cần, lịch sự, tế nhị... đáp ứng được những yêu cầu nhất định về giao tiếp như biết tôn trọng, đồng cảm... đồng thời có được một số kỹ năng trong giao tiếp ứng xử sư phạm như quan sát, lắng nghe, thấu hiểu, biết cách thuyết phục và xử lý tình huống...

Nhiều nghề nghiệp khác cũng có đối tượng quan hệ là con người nhưng con người trong hoạt động nghề nghiệp của giảng viên là những con người đã trưởng thành đang dốc sức học tập, rèn luyện cho mình những phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của một loại hình nghề nghiệp nào đó, xã hội mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào nội dung và chất lượng của loại hình đào tạo này: Người trưởng thành đã có những suy nghĩ độc lập, tình cảm khá ổn định, tự ý thức phát triển cao nên họ cũng có những yêu cầu và đòi hỏi rất lớn về phẩm chất và năng lực của người giảng viên. Giảng viên, với tư cách là người quyết định trực tiếp chất lượng đào tạo phải hội tụ đủ năm tiêu chuẩn: [1] có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt, [2] có bằng tốt nghiệp Đại học trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết ở chương trình đào tạo đại học; có bằng tiến sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, [3] có trình độ ngoại ngữ tin học đáp ứng yêu cầu công việc, [4] đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp, [5] có lý lịch bản thân rõ ràng [5].

1.2. Nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội - cộng đồng

Hoạt động của giảng viên là quá trình giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến việc giảng dạy, giáo dục và chuẩn bị nghề nghiệp cho sinh viên. Phạm vi hoạt động của giảng viên chủ yếu là phụ trách giảng dạy một số môn học phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo. Song song với hoạt động giảng dạy, giảng viên còn phải tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, tham gia quản lý đào tạo, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ. Giảng viên cũng phải tham gia quản lý trường học, tham gia các công tác xã hội và các hoạt động đoàn thể khi được tín nhiệm và các công tác khác do nhà trường, khoa và tổ bộ môn giao phó.

Ngoài ra, giảng viên cũng có nhiệm vụ giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học [5].

1.3. Nghề mà công cụ lao động chủ yếu là nhân cách của giảng viên

Khi giảng dạy, người giảng viên dùng chính nhân cách của mình để tác động đến sinh viên. Đó là những phẩm chất nhân cách như thế giới quan, niềm tin, lý tưởng, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp... Đó là những năng lực như năng lực dạy học, năng lực giao tiếp sư phạm, năng lực giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học... Giảng viên không dạy sinh viên theo những khuôn mẫu có sẵn mà họ dạy sinh viên bằng tất cả trí tuệ và tâm hồn của mình. K. D. Usinxki đã từng nhấn mạnh rằng ảnh hưởng nhân cách của người làm công tác dạy học và giáo dục đối với người học là một sức mạnh không có sách giáo khoa nào, không có châm ngôn đạo đức nào, không có hệ thống trừng phạt, khuyến khích nào có thể thay thế được. Đó là lý do mà K. D. Usinxki khẳng định: "Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách.

Với công cụ lao động chủ yếu là toàn bộ nhân cách của bản thân, cho nên nghề dạy học đòi hỏi những yêu cầu về phẩm chất và năng lực rất cao đối với từng giảng viên, buộc họ phải luôn phấn đấu học tập không ngừng, tích cực trau dồi tri thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp thì mới đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Một nhân cách giảng viên phong phú về tâm hồn, giàu có và độc đáo về trí tuệ, trong sáng về đạo đức sẽ có ảnh hưởng rất lớn và tích cực đến nhân cách người học.

1.4. Nghề đòi hỏi tính khoa học, tính sáng tạo và tính nghệ thuật cao

Tính khoa học được thể hiện trước tiên ở việc người giảng viên phải nắm vững khoa học bộ môn mình phụ trách và khi truyền đạt nó người giảng viên cần nắm vững cả khoa học giáo dục, khoa học sư phạm. Ngoài ra, người giảng viên còn tham gia nghiên cứu khoa học với tư cách như một nhà khoa học thực thụ.

Tính khoa học thường đi kèm với tính sáng tạo. Sáng tạo là phải biết làm ra cái mới. Công việc của giảng viên không phải là một công việc rập khuôn máy móc mà nó đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Sáng tạo trong cách chế biến tài liệu học tập, sáng tạo trong các phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong giao tiếp ứng xử với từng đối tượng sinh viên khác nhau... Dạy sinh viên không chỉ là truyền thụ kiến thức mà dạy sao cho sinh viên nắm được con đường đi tới chân lý, tích cực chủ động, sáng tạo trong học tập đó mới là công việc đích thực của người giảng viên giỏi, đúng như Dieterweg, nhà sư phạm học người Đức đã nhấn mạnh: Người Thầy giáo tồi là người mang chân lý đến sẵn, người Thầy giáo giỏi là người biết dạy học sinh đi tìm chân lý".

Xét cho cùng dạy học là một công việc đầy sáng tạo: nó không giống như những loại hình hoạt động khác mà ở đó nếu áp dụng đúng công nghệ sẽ mang lại những kết quả giống nhau và kết quả có thể dự đoán trước. Việc dạy học mang lại cho ta những bất ngờ vô tận - những thú vui vô tận - từng giờ từng phút một. Chúng ta có thể biết hoặc học được một phương pháp nào đó có thể áp dụng vào việc dạy học, nhưng áp dụng chúng như thế nào, với đối tượng nào thì phải do chính ta suy nghĩ, hình dung, tưởng tượng và vận dụng vào thực tế [3. tr. 20 - 21].

Chúng ta vẫn thường nói: Dạy học là cả một nghệ thuật. Trong nghệ thuật người ta thường dùng những hình tượng sinh động, cụ thể để phản ánh hiện thực và thông qua các hình tượng đó truyền đạt tư tưởng tình cảm của mình. Nghệ thuật cũng thể hiện ở những phương thức làm việc đầy tính sáng tạo [21, tr. 676]. Người giảng viên khi giảng dạy cũng áp dụng những phương pháp dạy học một cách sáng tạo, họ khiến cho những kiến thức và kỹ năng còn đang bất động trở nên sinh động hẳn lên bằng chính trí tuệ và tâm hồn của mình nhằm truyền tải những tri thức và kỹ năng đó cho sinh viên. Công việc dạy học đòi hỏi những yêu cầu cao như vậy nên người giảng viên cũng phải chuẩn bị trước mọi thứ thật kỹ để khi thể hiện nó, chúng ta có thể ví giảng viên như một người thợ cả lành nghề, một nghệ sĩ của quá trình sư phạm.

Công việc của giảng viên giống nghệ sĩ ở chỗ họ cũng phải làm việc theo những vở diễn" nhất định và biểu diễn trước những khán giả; họ phải có giọng nói tốt, có khả năng thể hiện và biểu cảm bằng ngôn ngữ. Khán giả" của giảng viên là sinh viên. Để có được vở diễn hay và trọn vẹn người giảng viên phải tự mình tự biên tự diễn, thiết kế từng giáo án hay kế hoạch bài dạy dựa theo nội dung chương trình đào tạo được quy định sẵn, phải tập dượt và luyện tập thật kỹ càng trước khi đứng lớp để có thể tái hiện lại những tri thức một cách sống động trước sinh viên, đáp ứng nhu cầu của người học. Khán giả trong rạp hát hay rạp phim có thể chỉ thưởng thức nghệ thuật và không can thiệp trực tiếp vào vở diễn, nhưng "khán giả" sinh viên thì sẽ tham gia trực tiếp một cách tích cực và chủ động vào quá trình hoạt động sư phạm của giảng viên. Giảng viên cũng không biểu diễn trước sinh viên một cách đơn thuần mà đó là cả một quá trình tổ chức và điều khiển hoạt động học của sinh viên một cách tích cực và khoa học.

1.5. Nghề lao động trí óc chuyên nghiệp

Lao động trí óc thường có hai đặc điểm nổi bật:

Một là, phải có một thời kỳ khởi động để cho lao động đi vào nề nếp, tạo ra hiệu quả. Trước khi lên lớp người giảng viên phải mất một lượng thời gian nhất định để chuẩn bị bài giảng của mình, rồi khi đi giảng cũng chưa chắc đã giảng trôi chảy và nhuần nhuyễn. Ngay cả những người giảng viên đã được đào tạo rất tốt về chuyên môn khi bắt đầu đi dạy cũng phải đối mặt với những thách thức lớn nhất của việc dạy học đó là việc họ phải tùy cơ ứng biến trong nhiều tình huống khác nhau. Không phải ai cũng có thể làm tốt được điều này ngay lần đầu tiên đi dạy. Thường phải sau một thời gian hành nghề nhất định, lâu lâu lại mất bình tĩnh, lâu lâu lại căng thẳng, và nói chung, phải sau vài lần rút kinh nghiệm thì họ mới bắt đầu quen dần với công việc, và chất lượng giảng dạy của họ mới dần đi vào nền nếp và ổn định.

Hai là, có quán tính trí tuệ. Người giảng viên sau khi bước ra khỏi giảng đường vẫn còn suy nghĩ miên man, đôi khi là một câu hỏi của sinh viên đôi khi là một thái độ chưa thật hợp lý của mình trong lúc giảng dạy, đôi khi là một trường hợp chậm hiểu nào đó của sinh viên...

Do tính chất công việc như trên nên lao động của người giảng viên không đóng khung trong không gian [lớp học], thời gian [8h lao động mỗi ngày] nhất định, mà ở khối lượng, chất lượng và tính sáng tạo của công việc.

Tóm lại, thông qua những đặc điểm lao động của nghề dạy học, dễ dàng nhận thấy xã hội đặt ra nhiều yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với một giảng viên. Mặt khác, nghề dạy học là một nghề cao quý, nó cũng đặt ra cho xã hội một yêu cầu chính đáng là phải dành một vị trí xã hội với những ưu đãi về tinh thần và vật chất xứng đáng để giảng viên có thể yên tâm giảng dạy và cống hiến hết mình cho xã hội. Nắm vững đặc điểm của nghễ sẽ giúp người hành nghề xác định được mục tiêu, phương hướng hoạt động, lường trước được những khó khăn và thuận lợi của nghề, từ đó có sự chuẩn bị, trau dồi những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của nghề.

2. Cấu trúc nhân cách của người cán bộ giảng dạy Đại học

Nói đến nhân cách là nói đến một tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, thể hiện giá trị bản sắc và giá trị xã hội của người đó [32, tr. 167].

Cấu trúc là sự thống nhất toàn vẹn của các phần tử tạo thành là mối liên hệ giữa chúng. Nhân cách cũng bao gồm các phần tử cấu tạo và những phần tử ấy có sự liên hệ chặt chẽ với nhau theo nhiều phương thức tạo nên sự ổn định, thống nhất và toàn vẹn của một nhân cách nhất định. Nhân cách cũng có ảnh hưởng ngược trở lại các phần tử và các mối liên hệ giữa chúng. Từ đó, có thể nói rằng cấu trúc tâm lý của nhân cách là sự sắp xếp các thuộc tính hay các thành phần của nhân cách thành một chỉnh thể trọn vẹn, tương đối ổn định trong mối liên hệ và quan hệ nhất định.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về sự phân chia cấu trúc của nhân cách tùy thuộc vào quan niệm của mỗi nhà khoa học về bản chất của nhân cách. Có thể nêu một số cách phân chia cấu trúc của nhân cách khá nổi bật đó là cấu trúc hai thành phần bao gồm: Phẩm chất [đức] và năng lực [tài]; cấu trúc ba thành phần bao gồm: nhận thức [tri thức và năng lực trí tuệ], tình cảm [thái độ, rung cảm], ý chí [phẩm chất ý chí, hành động ý chí, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen]; cấu trúc bốn thành phần gồm: xu hướng, tính cách, khí chất, năng lực. Ngoài ra, cũng còn nhiều cách phân chia khác về nhân cách [28, tr 216 - 220].

Trong các tài liệu Tâm lý học Việt Nam quan điểm cấu trúc nhân cách gồm hai mặt phẩm chất [đức] và năng lực [tài] được phổ cập khá rộng rãi. Các phẩm chất và năng lực thống nhất với nhau thể hiện đặc trưng nhân cách cá nhân. Vì vậy, nên xem xét cấu trúc nhân cách của giảng viên theo quan điểm này.

Nói đến phẩm chất là nói đến thái độ của người đó đối với hiện thực [tự nhiên, xã hội, người khác và cả bản thân]. Phẩm chất là hệ thống những thuộc tính tâm lý biểu hiện các mối quan hệ xã hội cụ thể của người đó. Những mối quan hệ cụ thể đó thường được thể hiện ra bằng thái độ và hành vi, cung cách ứng xử đối với con người, công việc, tổ chức... [14, tr. 123] và có ảnh hưởng một cách gián tiếp đến hiệu quả của hoạt động.

Phẩm chất có thể chia làm bốn nhóm cơ bản sau [28, tr. 220]:

- Phẩm chất xã hội [hay đạo đức - chính trị] như: thế giới quan, niềm tin, lý tưởng, lập trường chính trị, thái độ lao động...

- Phẩm chất cá nhân [hay đạo đức - tư cách]: tính cách, các nết, các thói quen, các "thú [ham muốn]...

- Phẩm chất ý chí: tính mục đích, tính tự chủ, tính kỷ luật, tính kiên cường...

- Cung cách ứng xử: tác phong, lễ tiết, tính khí...

Nói đến năng lực là nói đến mặt hiệu quả của những tác động một cách trực tiếp. Năng lực là tổng hợp những thuộc tính tâm lý độc đáo của cá nhân, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đó đạt kết quả cao [28, tr. 237].

Năng lực cũng có thể phân thành bốn nhóm cơ bản sau:

- Năng lực xã hội hóa: là khả năng thích ứng, năng lực sáng tạo, cơ động, mềm dẻo, linh hoạt trong toàn bộ cuộc sống xã hội.

- Năng lực chủ thể hóa: là khả năng biểu hiện tính độc đáo, đặc sắc khả năng biểu hiện cái riêng, cái bản lĩnh của cá nhân.

- Năng lực hành động: là khả năng hành động có mục đích, có điều khiển, chủ động, tích cực, hiệu quả.

- Năng lực giao tiếp: là khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ với người khác.

Như vậy, những phẩm chất và năng lực tạo nên nhân cách của con người. Trong mỗi loại hình hoạt động khác nhau sẽ có những yêu cầu về phẩm chất và năng lực khác nhau, đặc trưng cho loại hình hoạt động đó. Hoạt động giảng dạy cũng đòi hỏi người giảng viên một số phẩm chất và năng lực nhất định. Vì vậy, cần phân tích cụ thể từng phẩm chất và năng lực của người giảng viên.

3. Những phẩm chất tâm lý cần thiết đối với người cán bộ giảng dạy Cao đẳng - Đại học

Nghề dạy học đòi hỏi nhiều phẩm chất tâm lý cần thiết, trong đó có những phẩm chất cơ bản, không có nó thì giảng viên không thể thành công với nghề, không thể trở thành những giảng viên có uy tín, được sự tín nhiệm của sinh viên và đồng nghiệp, nhưng cũng có những phẩm chất chỉ là thứ yếu, giảng viên không nhất định phải có, nhưng nếu có nó thì nhân cách của giảng viên sẽ trở nên hoàn chỉnh, trở thành một hình mẫu cho sinh viên noi gương. Trong số những phẩm chất cơ bản cũng có những phẩm chất luôn cần thiết và bền vững với thời gian mà giảng viên thời đại nào cũng cần phải có, nhưng cũng có những phẩm chất không bền vững và có thể thay đổi cùng với sự thay đổi của xã hội. Dưới đây là một số những phẩm chất cụ thể.

3.1. Những phẩm chất đạo đức xã hội - chính trị

Đối với một giảng viên, quan trọng nhất là người ấy phải có thế giới quan khoa học. Thế giới quan là hệ thống những quan niệm về tự nhiên và xã hội. Dựa trên những quan điểm duy vật biện chứng về các quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy, người giảng viên phải có cách nhìn nhận thế giới một cách khoa học, nắm vững khoa học bộ môn và khoa học giáo dục, truyền bá những tri thức và kỹ năng mang tính khoa học, được xã hội nhìn nhận và đánh giá. Giảng viên phải truyền thụ kiến thức trong giáo trình sao tho chính xác, rõ ràng, giúp sinh viên hiểu được bài, khơi gợi ở sinh viên tư duy khoa học, tích cực và sáng tạo, biết vận dụng kiến thức để giải quyết các bài tập, thực hành và vận dụng vào cuộc sống... Thế giới quan chi phối nhiều mặt của hoạt động giảng dạy, cũng như thái độ của giảng viên đối với hoạt động đó, như việc lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy, việc kết hợp giữa dạy học, giáo dục với các nhiệm vụ chính trị xã hội, gắn nội dung giảng dạy lý thuyết với thực hành... Thế giới quan khoa học là kim chỉ nam giúp cho người giảng viên xây dựng niềm tin cho thế hệ trẻ vững bước đi lên xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Lý tưởng nghề nghiệp được ví như ngôi sao dẫn đường" giúp người giảng viên luôn tiến lên phía trước. Lý tưởng là một mục tiêu cao đẹp có tác dụng lôi cuốn mạnh mẽ toàn bộ cuộc sống của cá nhân trong một thời gian tương đối dài vào hoạt động, để vươn tới nhằm đạt được mục tiêu đó [32, tr. 220]. Mục tiêu mà người giảng viên cần hướng tới là đào tạo người học trở thành những công dân hữu ích cho xã hội đáp ứng mục tiêu của giáo dục đại học. Lý tưởng nghề nghiệp của giảng viên được bộc lộ ở lòng khát khao, sự mong muốn tột cùng là làm sao cho người học có đủ kiến thức và kỹ năng tương xứng với trình độ được đào tạo từ ước muốn đó người giảng viên thể hiện tinh thần trách nhiệm và tự ý thức cao trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Lý tưởng nghề nghiệp còn được biểu hiện ở lòng yêu nghề và sự tận tụy, nhiệt tình giúp đỡ sinh viên cũng như các đồng nghiệp trẻ. Vì tác dụng to lớn của lý tưởng nghề nghiệp đối với hoạt động của giảng viên nên nhà trường sư phạm cần giáo dục lý tưởng nghề nghiệp cho người học, cần xác định rõ ràng mục tiêu của giáo dục từng hệ Cao đẳng - Đại học phù hợp với chuyên ngành được đào tạo của người học và công việc tương lai..

Lòng yêu nghề là phẩm chất tâm lý quan trọng và luôn cần thiết đối với giảng viên. Lòng yêu nghề không tự nhiên có sẵn, cũng không phải cứ muốn là được. Lòng yêu nghề chỉ có thể được hun đúc, hình thành và phát triển trong quá trình tích cực hoạt động sư phạm. Những ai thành công trong nghề, gặt hái được nhiều thành quả trong công tác, giảng dạy được sinh viên yêu quý đồng nghiệp tôn vinh, xã hội nhìn nhận và ghi ơn thì người ấy càng càng gắn bó với nghề hơn, tình cảm nghề nghiệp cũng từ đó mà phát triển mạnh mẽ hơn. Có yêu nghề, giảng viên mới cảm nhận được hết giá trị của nghề, nhất là trong thời buổi hiện nay. Lòng yêu nghề được thể hiện ngay trong niềm đam mê hoạt động sư phạm, hứng thú với bộ môn mình phụ trách, nhiệt tình trong giảng dạy, tích cực cải tiến nội dung và phương pháp, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của giáo dục Đại học và nhu cầu người học.

Càng yêu nghề bao nhiêu con người càng làm việc hăng say, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp. Những người giảng viên yêu nghề thường làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức công dân tốt. Ý thức trách nhiệm cao đối với công việc, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có ý thức và trách nhiệm công dân tốt cũng là những phẩm chất tâm lý xã hội cần thiết đối với giảng viên. Giảng viên phải có ý thức hoàn thành tốt các công việc được giao, sống và làm việc theo pháp luật, tuân thủ các điều luật được quy định trong luật giáo dục và các quy chế của ngành, quy định của nhà trường, kỷ luật lao động...

3.2. Phẩm chất đạo đức, lối sống, cung cách ứng xử

Người ta thường nói, làm Thầy phải có cái Tâm. Tâm của người Thầy được tỏa sáng bằng những tình cảm trong sáng, nhất là tình người. Để khẳng định ý nghĩa của tình người đối với nhân cách người Thầy, V. A. Xukhomlinxki [nhà giáo công huân người Nga [1918 - 1970] đã viết: Tôi nghĩ rằng đối với một nhà giáo dục điều chủ yếu là tình người, đó là nhu cầu sâu sắc trong con người. Có lẽ những mầm mống của hứng thú sư phạm là ở chỗ hoạt động sáng tạo đầy tình người để tạo ra hạnh phúc cho con người. Đó là một điều vô cùng quan trọng. Vì khi tạo ra niềm vui cho người khác, cho trẻ thơ thì ở họ sẽ có một tài sản vô giá: đó là tình người, mà tập trung là sự nhiệt tâm, thái độ ân cần và chu đáo, lòng vị tha" [14, tr. 126].

Giảng viên thấm đượm tình người trong đạo đức và lối sống thường thể hiện thái độ quan tâm đầy thiện chí đối với sinh viên, khoan dung và vị tha trước những lầm lỗi của sinh viên, công bằng trong đối xử với sinh viên, không thành kiến, trù dập sinh viên, biết gần gũi và cảm thông với sinh viên, biết khuyến khích, nâng đỡ sinh viên học tập và rèn luyện, không tính toán so đo hơn thiệt, sung sướng khi thấy sinh viên của mình trưởng thành, hạnh phúc khi họ thành đạt. Đó cũng là những phẩm chất đạo đức được sinh viên đặc biệt ưa thích ở người giảng viên đại học. Thương yêu sinh viên không có nghĩa là ủy mị, yếu đuối, đáp ứng cả những yêu cầu vô lý của sinh viên, mà thương yêu họ có nghĩa là luôn yêu cầu cao và nghiêm khắc với chính bản thân mình và với sinh viên.

Tình người của giảng viên còn được thể hiện trong quan hệ, ứng xử với đồng nghiệp nhất là với những giảng viên trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề hơn mình. Đội ngũ giảng viên trẻ mới vào nghề đôi khi còn nhiều bỡ ngỡ, dễ va vấp trong giảng dạy và trong giao tế. Họ rất cần sự giúp đỡ, sự cảm thông, lòng khoan dung, sự chỉ dẫn tận tình của các giảng viên thế hệ đàn anh, đàn chị.

Đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, tính tình chân chất, ngay thẳng, liêm khiết, sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, sự tín nhiệm của đồng nghiệp và sinh viên... là những phẩm chất tâm lý luôn cần thiết đối với giảng viên để họ có thể trở thành những tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Dạy học là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, nhưng xã hội cũng có những đòi hỏi rất cao về các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cũng như lối sống của giảng viên. Tuy nhiên, giảng viên cũng là những con người bình dị, họ cũng có thể có lúc mắc sai lầm trong giảng dạy và trong lối sống, quan trọng là những sai lầm đó chỉ là những sai lầm nhỏ, những va vấp đời thường cũng cần được xã hội khoan dung và tha thứ. Giảng viên không thể biết hết tất cả mọi điều, tuy nhiên việc truyền tải những kiến thức xác thực một cách khoa học là yêu cầu thiết yếu của việc dạy học, nên bất cứ những sai sót nào về mặt kiến thức trong bài giảng, giảng viên cần sớm nhận ra, thú nhận một cách thành thực và sửa chữa càng sớm càng tốt. Như thế, chất lượng học tập sẽ được cải thiện và tấm gương về sự phục thiện ấy cũng có ảnh hưởng tích cực đến sinh viên. Mỗi lần không thành công là một lần giảng viên phải biết rút ra những bài học bổ ích, tích cực thay đổi và dũng cảm đứng lên bước tiếp trên con đường khá chông gai mà mình đã chọn.

Tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán là những phẩm chất ý chí mà sinh viên luôn mong đợi ở giảng viên. Tính mục đích giúp giảng viên xác lập mục tiêu dạy học một cách cụ thể, rõ ràng trong từng bài giảng. Tính độc lập giúp giảng viên có thể tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc chế biến tài liệu học tập và lựa chọn các phương pháp giảng dạy một cách phù hợp và hiệu quả nhất mà không lệ thuộc cứng nhắc vào giáo trình cũng như vào người khác. Điều đáng lưu ý là độc lập khác với tính bảo thủ, người có tính độc lập vẫn có thể phục tùng ý kiến của người khác và ý kiến của tập thể nếu ý kiến của họ nêu ra là đúng. Tính quyết đoán giúp giảng viên đưa ra được những quyết định kịp thời một cách có căn cứ, phản ứng nhanh chóng, đúng lúc và kịp thời trong mọi tình huống.

Sự kiên trì và nhẫn nại là một phẩm chất ý chí cũng không kém phần quan trọng đối với giảng viên. Tính kiên trì sẽ giúp giảng viên bền bỉ vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại trong giảng dạy và giao tiếp với sinh viên. Sự nhẫn nại giúp giảng viện có thể tạm quên đi nhiều nỗi bực bội và thất vọng khi gặp phải những sinh viên chậm hiểu và hay quên. Những giảng viên trẻ thường ít kiên nhẫn và hay bốc đồng thì giảng viên có kinh nghiệm cần bình tĩnh và sáng suốt, hành xử đúng đắn và quân bình hơn, chẳng hạn giảng viên sẽ cưỡng lại ước muốn dạy thật nhanh những gì mình đã biết quá rõ, mà họ vẫn sẽ từ tốn, chậm rãi giảng dạy phần đó một cách tỉ mỉ, bởi vì đối với sinh viên phần lớn những bài học đều mới lạ và khó cho nên họ cần có thời gian để tiếp thu và hiểu bài. Lòng kiên nhẫn giúp giảng viên sẵn sàng chấp nhận những hạn chế của sinh viên, chịu đựng" được những lỗi lầm của sinh viên, đem lại cho sinh viên những cơ hội học tập và sửa chữa lỗi lầm và như thế sinh viên cảm thấy trong học tập luôn có người bạn đồng hành, tất nhiên sinh viên sẽ nảy sinh những tình cảm gắn bó và sự tin tưởng đối với giảng viên.

Sự kiên nhẫn cần nhiều đến khả năng kiềm chế những cảm xúc, chứ không phải buông thả cảm xúc. Nói như thế, tính tự kiềm chế, tự chủ cũng là một phẩm chất ý chí cần thiết đối với giảng viên. Tính tự chủ là khả năng và thói quen kiểm soát bản thân, kìm hãm những cảm xúc tiêu cực và những hành động không cần thiết hoặc có hại trong quá trình giảng dạy. Tính tự chủ sẽ giúp giảng viên khắc phục được tính cục cằn cũng như những làm chủ được những xúc cảm tiêu cực thường nảy sinh trong giảng dạy và giao tiếp với sinh viên. Mặc dù đòi hỏi giảng viên lúc nào cũng phải kiểm soát bản thân là điều rất khó nhưng đó là một đòi hỏi hoàn toàn hợp lý. Sinh viên sẽ cảm thấy yên tâm trong học tập khi tính cách của giảng viên luôn ổn định. Cũng có thể trong cuộc sống riêng tư những cảm xúc tiêu cực như nóng giận, ưu tư, thậm chí tuyệt vọng là điều khó tránh khỏi nhưng tất cả những điều đó cần phải để ngoài lớp học, nó không giúp ích gì cho sinh viên và chúng cũng không liên quan gì đến nội dung môn học. Đây không phải là biểu hiện của thói đạo đức giả mà nó là sự cần thiết để giảng viên luôn làm chủ được những cảm xúc của bản thân.

Như vậy, những phẩm chất đạo đức chính trị sẽ chỉ hướng hoạt động, thắp sáng con đường đi tới trong mọi hoạt động của giảng viên. Những phẩm chất đạo đức sẽ tạo ra sự cân bằng theo quan điểm sư phạm trong các mối quan hệ cụ thể giữa giảng viên - sinh viên. Những phẩm chất ý chí tạo nên sức mạnh tinh thần giúp người giảng viên vượt qua mọi khó khăn gian khổ đi đến tận cùng mục tiêu đã đề ra.

4. Những năng lực cần thiết đối với người cán bộ giảng dạy Cao đẳng - Đại học

Muốn phân chia năng lực của giảng viên cần phải dựa vào các tiêu chí xác định. Do cách lựa chọn các tiêu chí khác nhau mà có thể có nhiều cách phân chia khác nhau, chẳng hạn, V. A. Krutexki dựa vào chức năng chính của hoạt động sư phạm là dạy học và giáo dục mà ông phân thành ba nhóm năng lực đó là năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực tổ chức các hoạt động sư phạm [52, tr. 155].

Tuy nhiên, mọi cách phân chia cũng chỉ là tương đối bởi vì có những năng lực chung cần thiết cho mọi lĩnh vực hoạt động của giảng viên, nhưng cũng có những năng lực riêng biệt đặc trưng và cần thiết cho một lĩnh vực hoạt động chuyên biệt nào đó của giảng viên. Dưới đây là cách phân chia chủ yếu dựa vào các nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên là: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội, cộng đồng. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đó người giảng viên cần có những năng lực tương ứng, ta có thể tạm phân chia năng lực của giảng viên thành các nhóm cơ bản

Năng lực dạy học là khả năng truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cho sinh viên, hình thành ở sinh viên khả năng tư duy tích cực độc lập và sáng tạo. Năng lực dạy học có thể xếp thành một nhóm, với nhiều năng lực tạo thành.

4.1.1. Hiểu sinh viên của mình

Dạy học là một quá trình tương tác giữa người dạy - người học, vì vậy trước khi dạy, giảng viên cần tìm hiểu về sinh viên của mình. Hiểu sinh viên là khả năng xâm nhập vào thế giới bên trong của họ, hiểu biết tường tận những đặc điểm tâm lý lứa tuổi về nhận thức, tình cảm, ý chí và những hành động của họ, những thuận lợi và khó khăn, những biểu hiện tâm lý của sinh viên trong quá trình dạy học.

Năng lực hiểu sinh viên được biểu hiện trước hết ở việc giảng viên phải xác định được những gì mà sinh viên mong đợi, khối lượng kiến thức đã có và mức độ, phạm vi lĩnh hội của sinh viên, dự đoán từ đó xác định mức độ và khối lượng kiến thức mới cần trình bày. Tiếp theo trong quá trình giảng dạy cần phải có sự quan sát tinh tế những biểu hiện của sinh viên xem họ hiểu bài mới ra sao, dự đoán được cả mức độ hiểu bài và có khi còn phát hiện cả mức độ hiểu sai lệch của họ, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Vì vậy, năng lực hiểu sinh viên được xem như là chỉ số cơ bản của năng lực sư phạm.

Để có được năng lực này, giảng viên có thể phát những phiếu điều tra nhanh vào đầu khóa học xem sinh viên mong đợi gì về mặt học thuật ở môn học, qua đó giảng viên sẽ nắm được động cơ và dự đoán thái độ học tập của sinh viên sẽ như thế nào, thói quen ứng xử nào mà giảng viên phải đối mặt? Nơi đây sẽ là một môi trường học thuật thực sự hay chỉ là môi trường tiệc tùng mà ở đó sinh viên đến trường từ những sở làm, rồi cố gắng "đi học cho có mặt", thực hiện các nhiệm vụ học tập nhanh nhanh cho xong môn học". Để tìm hiểu về khối lượng kiến thức mà họ đã có giảng viên có thể thêm những câu hỏi như họ đã được học qua những môn học nào, đã đọc qua những cuốn sách hoặc tài liệu nào có liên quan đến môn học. Muốn tìm hiểu sâu hơn về các đặc điểm nhận thức cách thức mà họ sẽ tiếp nhận tri thức, khuôn mẫu tư duy đã có giảng viên có thể làm một phiếu lượng giá nhanh cuối buổi học với yêu cầu sinh viên điền thông tin vào phiếu như: ý chính của bài học hôm nay là... Điều làm tôi hứng thú nhất là gì... Điều tôi không hiểu là... Tên [nếu có thể]... Giảng viên cũng cần để ý đến phương pháp học tập của sinh viên, họ thích học nhóm hay thích học một mình, với những sinh viên thích hình thức học nhóm, họ sẽ thấy thoải mái và học hiệu quả hơn trong lúc thảo luận hơn là nghe giảng, họ cũng dễ dàng nắm bắt được các sự kiện cụ thể hơn là những khái niệm và lý thuyết trừu tượng, nhưng sinh viên như vậy sẽ học một cách dễ dàng hơn khi được giao các bài tập cụ thể và có cấu trúc định sẵn: như nêu được định nghĩa, đưa ra các lý do...hơn là hãy giải thích ý nghĩa... [19, tr. 39 - 45].

Với các môn khoa học xã hội, giảng viên cần ý thức về các giai đoạn phát triển nhận thức của sinh viên, bởi lẽ với phương pháp dạy học tích cực thì những câu hỏi thú vị luôn có nhiều câu trả lời và chân lý được thừa nhận thường do tranh luận mà có, nhưng sinh viên năm nhất thường không hiểu được điều đó, họ sẽ cảm thấy bối rối và sự khẳng định của giảng viên luôn là điều cần thiết đối với họ. Theo William G. Perry, tác giả công trình nghiên cứu những hình thức phát triển tri thức và đạo đức ở những năm đại học được xuất bản 1970, nhận thức của sinh viên thường trải qua bốn giai đoạn: [1] Nhị cực luận [dualism]: sinh viên nhìn thế giới theo hai cực đúng và sai. [2] Tương đối luận [relativism]: sinh viên tiếp cận với nhiều quan niệm khác nhau và họ nhìn chân lý một cách hoài nghi khoa học, nếu có nhiều hơn một câu trả lời cho một vấn đề nào đó thì kiến thức khi đó trở thành chỉ là ý kiến cá nhân của tôi và cách lý giải của ai cũng đúng như nhau. [3] Đa dạng luận [multiplicity]: sau khi giảng viên yêu cầu cung cấp bằng chứng và những lý do khiến họ lý giải vấn đề như thế, thì sinh viên nhận ra rằng có một số quan điểm đúng đắn hơn một số khác, sinh viên sẽ thừa nhận tính phức tạp của vấn đề và chấp nhận nó. [4] Cam kết luận [commitment]: sinh viên tiếp nhận kiến thức và vận dụng chúng vào cuộc sống dựa trên kinh nghiệm của mình.

Năng lực hiểu sinh viên là kết quả của một quá trình lao động sư phạm nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và sự quan tâm, sâu sát đối với sinh viên. Mức độ am hiểu về sinh viên cũng thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng quan sát, sự nhạy cảm, tình cảm và những nét nhân cách khác của giảng viên.

4.1.2. Năng lực trí trệ phát triển [Giàu trí tuệ]

Lao động của giảng viên là lao động trí óc chuyên nghiệp nên đòi hỏi giảng viên phải có năng lực trí tuệ vượt trội, hay nói một cách khác giảng viên ưu tú phải là người có trí tuệ phát triển cao. Sự phát triển trí tuệ của giảng viên được thể hiện qua các chỉ số: [1] Sự nhanh trí: khả năng giải quyết nhanh cả những nhiệm vụ không giống mẫu; [2] Tốc độ khái quát hóa: khả năng nhanh hiểu, nhanh biết, nhanh nắm được bản chất vấn đề; [3] Tiết kiệm tư duy: khả năng tìm nhanh phương án giải quyết tối ưu; [4] Trí tuệ mềm dẻo: dễ dàng xây dựng lại hoạt động cho phù hợp với những biến đổi của điều kiện, có khả năng xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ; [5] Tư duy phê phán: không suy nghĩ rập khuôn máy móc nhưng sự phê phán luôn dựa trên cơ sở khoa học; [6] Có bề rộng và chiều sâu của sự hiểu biết: có sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, có khả năng phân biệt được cái bản chất và nhưng bản chất, cái tổng quát và cái bộ phận... [14, tr.87].

Năng lực trí tuệ của giảng viên thể hiện rất rõ qua tri thức và tầm hiểu biết. Hiểu sâu biết rộng là năng lực cơ bản của năng lực dạy học. Giảng viên không thể dạy sinh viên một điều gì, trừ khi họ biết điều gì đó để dạy. Giảng viên có nhiệm vụ truyền thụ lại hệ thống tri thức kỹ năng, kỹ xảo cho sinh viên, và tất nhiên, muốn làm tốt được điều đó trước tiên họ phải nắm được nội dung và phương pháp truyền tải. Giảng viên không thể trở thành một giảng viên giỏi nếu họ không hiểu sâu, biết rộng về lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách. Nhưng không phải ai hiểu sâu, biết rộng cũng có thể trở thành một giảng viên giỏi, vì nếu vậy tất cả các nhà khoa học ưu tú đều có thể trở thành giảng viên giỏi, giảng viên giỏi còn đòi hỏi nhiều năng lực khác bổ trợ mà đặc biệt là năng lực nghiệp vụ sư phạm giảng dạy Cao đẳng - Đại học.

Mức độ sâu sắc của trí tuệ và tầm hiểu biết rộng của người giảng viên được thể hiện thông qua việc họ hiểu và biết rất rõ về lĩnh vực chuyên môn, thường xuyên theo dõi những thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học mà mình phụ trách, thực hiện những nghiên cứu khoa học, đưa ra những nhận định sắc nét về những chủ đề mà họ quan tâm, thường xuyên theo dõi và đọc thêm tài liệu thuộc những chuyên ngành gần gũi khác, có hiểu biết xã hội...

Để có được năng lực trí tuệ phát triển đòi hỏi người giảng viên phải tích cực tự học, tự bồi dưỡng để bổ túc và hoàn thiện tri thức của mình.

4.1.3. Năng lực thiết kế bài dạy

Năng lực thiết kế bài dạy là sự gia công trí tuệ của giảng viên đối với tài liệu học tập, thay đổi hình thức và nội dung, lựa chọn phương pháp giảng dạy sao cho nó phù hợp tối đa với trình độ, đặc điểm nhân cách của sinh viên mà vẫn đảm bảo chuẩn về mặt kiến thức, kỹ năng, và logic sư phạm.

Năng lực thiết kế bài dạy được thể hiện trước tiên ở việc giảng viên xác định được mối quan hệ giữa yêu cầu chuẩn về mặt kiến thức và kỹ năng của môn học với trình độ nhận thức của sinh viên, trên cơ sở đó thiết kế nội dung bài giảng sao cho bài giảng có sức lôi cuốn và sinh viên dễ tiếp thu nhất, mà vẫn đảm bảo được logic nhận thức, logic sư phạm. Hiện nay giảng viên thường dạy học theo hình thức tổ chức các hoạt động trên lớp, vì vậy, công việc thiết kế bài dạy đòi hỏi sự gia công trí tuệ rất lớn ở giảng viên. Trước tiên về nội dung bài giảng, giảng viên cần bổ sung kiến thức ở sách giáo khoa bằng những dẫn chứng sinh động lấy từ cuộc sống, đồng thời phải chế biến, nhào nặn nó sao cho phù hợp với các hình thức tổ chức, điều khiển các hành động học tập của sinh viên mà giảng viên sẽ thực hiện trên lớp.

Muốn làm được điều đó đòi hỏi giảng viên phải có mức độ trí tuệ cao, tư duy độc lập, sáng tạo, có nền tảng tri thức vững chắc. Một là, giảng viên phải rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức. Khi trình bày một tài liệu mới, phải xác định được phần kiến thức trọng tâm, cơ bản nhất, phản ánh thuộc tính bản chất nhất của vấn đề và tập trung điểm nhấn vào nội dung này. Hai là, tích cực rèn luyện để phát triển khả năng tư duy sáng tạo của bản thân, bởi việc xây dựng lại cấu trúc của tài liệu và chọn lựa các phương pháp giảng dạy thích hợp là một quá trình lao động nghiêm túc, đầy sáng tạo. Đó là công việc khó khăn và đầy thử thách đối với nhà giáo nói chung và giảng viên nói riêng.

4.1.4. Năng lực tổ chức và điều khiển hoạt động học của sinh viên

Dạy học theo phương pháp hiện đại, giảng viên cũng giống như nhà tổ chức, người đặt ra các mục tiêu, đề ra các hành động, hướng dẫn sinh viên chuẩn bị, khích lệ, động viên, truyền cảm hứng và dẫn dắt sinh viên tham gia vào các hành động đó. Giảng viên cũng là người dẫn đường, người khơi gợi những gì tốt đẹp nhất của từng cá nhân và của cả tập thể lớp học, gắn kết nhu cầu, kỹ năng từng thành viên thành một khối tổng thể có tổ chức.

Năng lực tổ chức và điều khiển hoạt động học của sinh viên được thể hiện ở chỗ:

Giảng viên nắm vững kỹ thuật dạy học mới. Đặc điểm nổi bật của kỹ thuật dạy học mới là thầy tổ chức và điều khiển hoạt động học, còn trò thì tích cực, chủ động, sáng tạo lĩnh hội tri thức và kỹ năng.

Biết tạo cho sinh viên những tâm thế học tập có lợi, xây dựng một môi trường học tập tự nhiên có tính phê phán, biết thu hút và duy trì sự chú ý của sinh viên.

Có khả năng dẫn dắt sinh viên vào đi sâu giải quyết những vấn đề có tính chất chuyên môn chẳng hạn theo mô hình: vấn đề - giải pháp - vấn đề - giải pháp - vấn đề... [20, tr. 159].

Biết tạo ra những kinh nghiệm học tập phong phú, giúp sinh viên học được cả ở bên ngoài lớp học.

Biết khuyến khích sinh viên bày tỏ ý kiến, nhiệt tình giải thích, khả năng ngôn ngữ khá lưu loát.

Biết tổ chức các hành động học tập một cách đa dạng và hiệu quả, đặt sinh viên ở vị trí người phát minh trong quá trình học. Biết dự kiến trước các hành động, tổ chức và điều khiển sinh viên thực hiện, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả.

Để có được năng lực tổ chức, và điều khiển các hoạt động của sinh viên một cách hiệu quả nhất đòi hỏi người giảng viên: Một là, nắm vững các phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay. Hai là, nắm vững các kỹ thuật dạy học thuộc nhóm phương pháp tổ chức hành động học cho sinh viên [6]. Ba là, nắm vững cơ sở Tâm lý học của các phương pháp dạy học tích cực đó. Bốn là, vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn giảng dạy. Năm là, học hỏi kinh nghiệm của những nhà giáo thành công và vận dụng chúng vào công tác một cách hiệu quả.

Mức độ phát triển năng lực tổ chức và điều khiển hoạt động học cho sinh viên còn phụ thuộc vào chính bản thân sinh viên. Andrew D. White nói rằng sinh viên đến lớp không phải để nhận sự giáo dục mà sinh viên đến lớp để là để tự giáo dục mình [20, tr. 171]. Tinh thần này đặc biệt đúng với sự đòi hỏi về cách dạy và học ở các trường đại học hiện nay. Bản thân sinh viên phải tích cực chủ động và sáng tạo trong chính hoạt động học tập của mình, có như vậy sự tổ chức và điều khiển, lãnh đạo của giảng viên mới dễ gặt hái những thành công.

Năng lực ngôn ngữ là năng lực biểu đạt rõ ràng và mạch lạc ý nghĩ và tình cảm của mình bằng lời nói cũng như nét mặt và điệu bộ [4, tr. 135 - 137].

Năng lực ngôn ngữ được thể hiện cả ở hình thức và nội dung.

4.1.5.1. Về hình thức của ngôn ngữ

Giảng viên có năng lực ngôn ngữ thường sử dụng hình thức ngôn ngữ giản dị, sinh động, lời nói giàu hình ảnh, cách phát âm to và rõ, tránh nói ngọng, cách diễn đạt khúc chiết và mạch lạc, tránh những câu phức tạp và rườm rà. Để được như vậy, giảng viên phải lựa chọn từ ngữ và cách trình bày sao cho sinh viên dễ hiểu và dễ tiếp thu. Nếu có được một giọng nói truyền cảm, cộng với cách diễn đạt gãy gọn sẽ có tác dụng đi sâu vào tâm hồn và trí tuệ của sinh viên, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng sinh viên.

Tốc độ và cường độ của ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến sinh viên. Nếu giảng viên nói với tốc độ nhanh quá sẽ gây mệt mỏi, ức chế và căng thẳng cho sinh viên, ngược lại tốc độ diễn đạt cứ đều đều khiến người nghe dễ nhàm chán. Ngoài ra, chúng ta còn thấy nếu giảng viên nói với cường độ quá to, quá mạnh, giọng the thé, hoặc quá yếu ớt cũng gây ảnh hưởng tương tự. Vì vậy, giảng viên phải điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, không nhanh quá không chậm quá, nhất là phải có ngắt câu một cách rõ ràng, có sự nhấn mạnh vào những câu những chữ được cho là những khái niệm cơ bản của môn học.

4.1.5.2. Về nội dung của ngôn ngữ

Xét về nội dung, giảng viên có năng lực ngôn ngữ thường chứa đựng nội dung rõ ràng, hoàn chỉnh, ngắn gọn, súc tích, chính xác và lịch sự trong ngôn ngữ. Cụ thể như sau [23, tr.62 - 63]:

Nội dung thông tin cần rõ ràng, phù hợp với trình độ và tâm thế tiếp nhận của sinh viên, giúp họ hiểu nhanh, hiểu đúng thông tin.

Mỗi đơn vị biểu đạt đến toàn bài giảng cần chứa đầy đủ lượng thông tin đầy đủ và cần thiết để sinh viên tiếp thu kiến thức được hoàn chỉnh.

Nội dung thông điệp cần ngắn gọn, cô đọng, đi thẳng vào vấn đề, nêu bật trọng tâm của vấn đề khiến sinh viên sáng tỏ thông tin một cách nhanh chóng.

Nội dung thông điệp cần sự chính xác về hình thức và nội dung, không sai lỗi chính tả, con số, ngày tháng, sự kiện... để sinh viên tiếp nhận một cách dễ dàng, đồng thời họ cảm thấy yên tâm và tin tưởng vào giảng viên.

Nội dung thông điệp chứa đựng nội dung cần thiết, văn phong lịch thiệp, lời lẽ nhã nhặn, phương pháp truyền tải thông tin lịch sự khiến sinh viên cảm thấy được tôn trọng.

Dạy học thật khó thành công nếu như giảng viên thiếu năng lực này. Đây là một trong những năng lực quan trọng của người giảng viên, vì vậy giảng viên cần phải chú ý phát triển ngôn ngữ và rèn luyện những cách thức truyền tải thông tin đến với người học sao cho hiệu quả nhất.

4.1.6. Năng lực giao tiếp sư phạm

Năng lực giao tiếp sư phạm là năng lực thấu hiểu những diễn biến tâm lý của sinh viên và bản thân, đồng thời biết sử dụng hợp lý những phương tiện giao tiếp, biết cách tổ chức và điều chỉnh quá trình giao tiếp nhằm tạo ra các tiếp xúc tâm lý, xây dựng bầu không khí tâm lý thuận lợi để tạo ra kết quả tối ưu trong quan hệ giảng viên - sinh viên, đáp ứng mục tiêu giáo dục Đại học.

Năng lực giao tiếp sư phạm của giảng viên thường được biểu hiện ở các mặt sau:

- Giảng viên nắm vững các nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp sư phạm và vận dụng chúng vào thực tiễn một cách linh hoạt. Đó là các nguyên tắc: tính mô phạm trong giao tiếp, tôn trọng nhân cách sinh viên, có thiện chí với sinh viên và biết đồng cảm trong giao tiếp với sinh viên [1, tr 18 - 27].

- Giảng viên nắm vững kỹ năng giao tiếp sư phạm và biết thực hành chúng một cách thành thạo. Đó là ba nhóm kỹ năng chính như: kỹ năng định hướng giao tiếp, kỹ năng định vị, kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp [1, tr. 36 - 46].

+ Kỹ năng định hướng giao tiếp là giảng viên có khả năng phán đoán chính xác về nhân cách cũng như về những vấn đề mà sinh viên muốn bày tỏ.

+ Kỹ năng định vị trong giao tiếp là giảng viên có khả năng xác định vị trí của mình và đối tượng trong giao tiếp, biết đặt vị trí của vào vị trí của sinh viên để thấu hiểu họ.

+ Kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp là khả năng giảng viên biết thu hút đối tượng, tìm ra đề tài giao tiếp, duy trì nó, xác định được nguyện vọng, hứng thú của đối tượng, biết làm chủ các xúc cảm của bản thân và sử dụng hợp lý các phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

Hiểu biết và rèn luyện những kỹ năng trên sẽ phát triển được năng lực giao tiếp sư phạm, đạt đến mức độ khéo léo trong ứng xử với sinh viên, luôn làm chủ được mọi tình huống, đó cũng là kỳ vọng của nhiều giảng viên đại học.

Dạy học không tách rời khỏi quá trình giáo dục đạo đức cho sinh viên, Năng lực giáo dục của giảng viên được biểu hiện ở những khả năng sau [54, tr. 533]:

Có khả năng hiểu được "thế giới bên trong của sinh viên, đồng cảm được với họ, cùng trăn trở với họ.

Có khả năng trở thành một tấm gương sáng có sức lôi cuốn mạnh mẽ về trí tuệ, tình cảm và hành vi khiến sinh viên muốn học tập, bắt chước và noi gương.

Có khả năng khơi gợi ở sinh viên những tình cảm tốt đẹp, những khát vọng và mong muốn phấn đấu trở nên hoàn thiện hơn, làm những điều tốt cho mọi người, vươn tới những giá trị đạo đức cấp cao.

Có khả năng ảnh hưởng đặc biệt đến quá trình hình thành những phẩm chất và năng lực đặc biệt ở sinh viên.

Có khả năng khơi dậy sự tự tin, làm họ yên lòng, thúc đẩy sự phát triển quá trình hoàn thiện nhân cách của sinh viên.

Có khả năng giao tiếp và ứng xử sư phạm một cách khéo léo, tìm ra những cách thức giao tiếp và ứng xử phù hợp với từng đối tượng sinh viên, thiết lập được mối quan hệ liên nhân cách giảng viên - sinh viên trên cơ sở tôn trọng, thiện cảm và hiểu biết lẫn nhau.

Có khả năng tạo được uy tín đối với sinh viên, được sinh viên yêu quý kính trọng và tín nhiệm cao.

Quá trình hình thành và phát triển năng lực giáo dục có thể nói là khó hơn so với quá trình hình thành và phát triển năng lực dạy học. Đó là quá trình rèn luyện và phấn đấu đầy khó khăn và phức tạp. Trở thành một nhà giáo dục giỏi khó hơn so với việc trở thành một giảng viên dạy giỏi, điều đó gắn liền với việc trong số những năng lực của một nhà giáo dục ưu tú, có nhiều năng lực có nguồn gốc từ những năng khiếu bẩm sinh hơn, so với những năng lực của một giảng viên dạy giỏi. Trong số giảng viên ta gặp không ít những giảng viên dạy giỏi nhưng lại là những nhà giáo dục tồi. Ngược lại, cũng có thể gặp những giảng viên có khả năng giáo dục sinh viên rất tốt nhưng trong lĩnh vực giảng dạy họ lại thể hiện kém hơn. Và tuy hiếm, nhưng cũng có thể gặp được những giảng viên phát triển được cả hai nhóm năng lực đó. Thực tế đó không phải là cơ sở chính để kết luận rằng, giảng viên dạy giỏi không thể trở thành những nhà giáo dục tốt, chẳng qua lĩnh vực mà họ chọn để thể hiện tay nghề sư phạm có thể sẽ khác nhau: trở thành nhà giáo giỏi lợi thế hơn, hay trở thành nhà giáo dục giỏi quan trọng hơn.

4.3. Năng lực nghiên cứu khoa học

Một giảng viên dạy giỏi phải là người biết kích thích tính tò mò ham hiểu biết của sinh viên bằng cách hướng sinh viên đến những nghiên cứu khoa học mới nhất, dẫn dắt sinh viên tranh luận sâu về chuyên ngành của họ. Muốn đạt được điều này, người giảng viên phải vừa dạy học, vừa kết hợp với nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học được xem là một lĩnh vực hoạt động đặc trưng của giáo dục đại học. Với hoạt động này, các trường Đại học không chỉ là trung tâm đào tạo mà đã thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ mới hiện đại.

Nghiên cứu khoa học thực sự là nhiệm vụ đầy thách thức đối với giảng viên. Để nghiên cứu khoa học hiệu quả người giảng viên cần phải nắm vững phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học, biết cách viết đề cương nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu biết cách trình bày và phân tích kết quả nghiên cứu, sau nữa cần phổ cập kết quả nghiên cứu đến với cộng đồng.

Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên được thể hiện ở những thành quả nổi bật như sau [30]:

Số lượng và chất lượng các công trình khoa học được công bố, được xuất bản, được ứng dụng vào thực tiễn.

Số lượng và chất lượng sách và tài liệu tham khảo được xuất bản, được sử dụng.

Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

4.4. Bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ

Tích cực tham gia các hội nghị hội thảo trong và ngoài nước.

Có các giải thưởng về nghiên cứu khoa học.

Do vừa nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy nên có thể tạo nên bốn mẫu hình người cán bộ giảng dạy như sau [8, tr. 179]:

- Loại thứ nhất là những người vừa có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu, vừa có khả năng giảng dạy tốt: Đây là những giảng viên biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa hai loại hình hoạt động này, họ thực sự là những người có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao, và còn chưa có nhiều trong đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện nay.

- Loại thứ hai là những người nghiên cứu khoa học tốt nhưng năng lực giảng dạy yếu, không hấp dẫn đối với sinh viên trên giảng đường. Những cán bộ như vậy rất có ích cho công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

- Loại thứ ba bao gồm phần lớn cán bộ giảng dạy chỉ tập trung giảng dạy mà không thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học.

- Loại thứ tư là những cán bộ yếu cả về hoạt động khoa học và hoạt động giảng dạy chuyên môn. Những cán bộ này thường khó tồn tại lâu trên bục giảng ở các trường đại học và họ thường được luân chuyển công tác sang một vị trí khác thích hợp hơn.

Những năm gần đây do nhu cầu hội nhập thúc đẩy, các trường đại học ở nước ta bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, dù tất cả đều nhất trí về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học nhưng lại nảy sinh những quan điểm trái ngược nhau gây nên nhiều trở ngại. Một là, quan niệm dễ dãi về nghiên cứu khoa học, mở rộng nghiên cứu khoa học theo nghĩa thông thường mà trên thế giới các nhà khoa học thực thụ không xem là nghiên cứu khoa học. Hai là, nghiên cứu khoa học theo kiểu chạy theo công bố quốc tế để đi nước ngoài, sao nhãng giảng dạy... Ba là, quan niệm chẳng cần có công trình nghiên cứu khoa học, chẳng cần công bố quốc tế vẫn có thể là nhà khoa học lớn... Bốn là, quan niệm cực đoan tuyệt đối hóa và vận dụng máy móc các chỉ số đánh giá định lượng về nghiên cứu khoa học gần đây đã được phổ biến trên quốc tế vào Việt Nam. Các chỉ số này cho những thông tin bổ ích có thể làm tư liệu tham khoa học quan trọng khi đánh giá ở các cộng đồng lớn, nhưng không thể có ý nghĩa tuyệt đối và thay thế sự đánh giá của chuyên gia am hiểu khi đánh giá từng cá nhân riêng lẻ. Và như thế, sử dụng máy móc các chỉ số định lượng có thể gây ra những xu hướng không lành mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Như vậy, tình hình nghiên cứu khoa học ở nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, và trên thực tế theo phản ánh của báo chí thì tình trạng "bận giảng dạy quên nghiên cứu vẫn còn trầm trọng ở ngay những trường Đại học lớn [29, tr. 491- 493].

Năng lực nghiên cứu khoa học luôn gắn liền với năng lực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Để có những công trình nghiên cứu khoa học chất lượng đòi hỏi người giảng viên phải có khả năng tự học, học mãi không ngừng. Với phương châm "học tập suốt đời, giảng viên cần rèn luyện cho mình các kỹ năng tự học, học từ xa, vừa học, vừa làm... Tự học sẽ tạo điều kiện cho tư duy độc lập, sáng tạo phát triển. Tự học vừa là quá trình tự hoàn thiện mình, vừa là để nêu gương cho sinh viên.

Năng lực học tập không ngừng nghỉ của giảng viên được thể hiện qua những hành động cụ thể như:

Thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, các phương pháp giảng dạy và nâng cao hiểu biết.

Học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Có khả năng sử dụng ngoại ngữ vào dịch, đọc tài liệu chuyên môn và giao tiếp, có khả năng sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào nghiên cứu giảng dạy và quản lý...

Tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ

4.5. Năng lực hoạt động xã hội

Tích cực tham gia đóng góp để phục vụ xã hội, phát triển cộng đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên. Năng lực hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng được thể hiện trong nhiều hoạt động đa dạng của giảng viên như:

- Tích cực tham gia vào các hoạt động của các tổ chức chính quyền, đoàn thể ở các cấp độ khác nhau; tổ bộ môn, khoa, trường, ngoài xã hội như công tác tuyển sinh, công tác quản lý đào tạo, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, các công tác kiêm nhiệm khác...

- Tích cực tham gia vào các công tác truyền thụ kiến thức khoa học cho cộng đồng thông qua các bài trả lời phỏng vấn, các bài báo trên các phương tiện truyền thông.

- Tích cực tham gia đóng góp các chương trình giáo dục đặc biệt cho cộng đồng thông qua việc làm tư vấn, cố vấn cho một số hội đồng khoa học và học thuật.

- Tích cực tham gia vào các hội đồng chuyên môn: chấm giải sinh viên nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị hội thảo, tham gia vào các hội đồng thẩm định các bài báo khoa học, các tài liệu, sách giáo khoa, tham gia vào các hội đồng xem xét lựa chọn các giải thưởng

- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện... Đầu tư thời gian và trí tuệ cho các hoạt động của các tổ chức xã hội ở các địa phương. Giúp đỡ các nhà khoa học của các địa phương thực hiện các đề tài, dự án, hướng dẫn các nhà khoa học trẻ ở các địa phương tiếp cận với các thành tựu mới của ngành...

Muốn đóng góp hữu ích cho xã hội đòi hỏi người giảng viên phải được trang bị những kỹ năng sống, đặc biệt là những kỹ năng xã hội như kỹ năng hợp tác, kỹ năng gây thiện cảm, kỹ năng giao tiếp và truyền thông, kỹ năng thích ứng xã hội... Những kỹ năng này giúp cá nhân nhanh chóng hội nhập, thích nghi với những điều kiện sống và hoạt động của xã hội hiện đại và phát triển bản thân.

5. Tay nghề sư phạm và sự hình thành uy tín của người cán bộ giảng dạy Cao đẳng - Đại học

Tay nghề sư phạm là trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao của người giảng viên, nói một cách khác đó là mức độ thành thạo tay nghề trong hoạt động sư phạm. Trình độ nghiệp vụ hoạt động sư phạm của giảng viên có thể tương ứng với các mức độ sau [81 tr.186]:

Mức độ tối thiểu [mức độ tái tạo]: ở mức độ này, giảng viên biết nói lại cho sinh viên nghe về những gì mình đã biết.

Mức độ thấp [mức độ thích ứng]: ở mức độ này, giảng viên không chỉ truyền đạt thông tin mà còn biết cải biến chúng cho phù hợp với trình độ người học.

Mức độ trung bình: [mức độ mô hình hóa - cục bộ]: ở mức độ này, giảng viên đã biết hình thành cho người học những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo theo từng phần của giáo trình hay từng chuyên đề của bộ môn.

Mức độ cao [mức độ mô hình hóa hệ thống các tri thức]: ở mức độ này, giảng viên hình thành ở người học hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo vững chắc theo toàn bộ chương trình khung của bộ môn mình phụ trách.

Mức độ cao nhất [mức độ mô hình hóa hệ thống hoạt động]: ở mức độ này, thông qua các dạng hoạt động khác nhau, giảng viên hình thành hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo tương ứng ở người học và đặc biệt là hình thành ở họ khả năng tư duy tích cực, chủ động và sáng tạo, biết cách vận dụng hiệu quả những tri thức đã học vào cuộc sống.

Hiệu quả của hoạt động sư phạm không chỉ phụ thuộc vào trình độ tay nghề của giảng viên mà còn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của giảng viên. Uy tín là sự kết hợp giữa quyền uy và sự tín nhiệm. Đó là sự tín nhiệm, tin yêu, mến phục của mọi người đối với một người có đủ đức, tài, hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân giao phó. Người giảng viên có uy tín là người có khả năng tác động, ảnh hưởng, cảm hóa sinh viên khiến họ tin, yêu, phục tùng và tuân theo một cách tự giác.

Uy tín thực sự phải được xây dựng dựa trên tấm lòng và tài năng đích thực của giảng viên. Vì có tấm lòng, giảng viên có tình thương đối với sinh viên, tận tụy, nhiệt thành với công việc, đạo đức trong sáng. Vì có tài năng trong giảng dạy, giảng viên sẽ có tay nghề cao được sinh viên tín nhiệm và nể phục. Giảng viên có uy tín sẽ được đồng nghiệp và sinh viên chia sẻ mọi thông tin liên quan đến công việc và cuộc sống. Những công việc nhờ cậy đồng nghiệp hoặc những nhiệm vụ giao cho sinh viên sẽ được triển khai và thực thi một cách kịp thời và hiệu quả, nếu gặp khó khăn sẽ nhận được những thông tin phản hồi để cùng nhau trao đổi, bàn bạc tìm biện pháp khắc phục. Giảng viên có uy tín không chỉ được đồng nghiệp yêu quý, sinh viên tín nhiệm và phục tùng, lãnh đạo đánh giá cao, mà cả những người có quan điểm đối lập cũng phải vì nể. Tất cả những điều đó sẽ giúp giảng viên có cảm giác mình được sống trong môi trường tập thể thân ái, tràn đầy tình yêu thương.

Khác với uy tín thực là uy tín giả, được xây dựng dựa trên địa vị, quyền uy, ô dù, thủ thuật mị dân hay sự tô vẽ thành tích cá nhân. Chẳng hạn, dùng quyền lực của giảng viên để trấn áp khiến sinh viên sợ hãi phục tùng, dùng điểm số thưởng, phạt không công minh nhằm sai khiến sinh viên... Có thể nói rằng, uy tín giả được xây dựng bằng các thủ thuật theo thời gian sẽ bị chọn lọc tự nhiên, chọn lọc xã hội lên án và đào thải.

Như vậy, uy tín thực sự được toát lên từ toàn bộ cuộc sống và nhân cách tốt đẹp của người giảng viên. Đó là sự kết tinh của những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với giảng viên. Sự hình thành uy tín là cả một quá trình tu dưỡng và rèn luyện tay nghề trong chính môi trường hoạt động thực tiễn của nghề nghiệp. Mỗi giảng viên phải tích cực học tập và rèn luyện cho bản thân những phẩm chất và năng lực đáp ứng những yêu cầu của hoạt động sư phạm.

Video liên quan

Chủ Đề