Nhân sinh quan cách mạng là gì năm 2024

Nhân sinh là đời người, QUAN là cái nhìn, quan điểm hay quan niệm của người đời. Nhà Phật gọi chung những thứ này là KIẾN. Như vậy NHÂN SINH QUAN là cái nhìn hay quan niệm của mỗi người về con người ở mọi phương diện.

Từ xưa đến nay, thế giới và nhân sinh là vấn đề luôn được các triết gia Tây phương lẫn Đông phương quan tâm. Các quan điểm này được hình thành tùy theo mức độ phát triển tâm linh, một số lệ thuộc vào nền văn hóa, chính trị, xã hội và sự tiến triển khoa học trong từng thời kỳ. Vì thế có rất nhiều cái nhìn khác nhau về vấn đề này.

Với triết học phương tây, dù khác biệt thế nào chúng vẫn không vượt khỏi hai trường phái là Duy vật và Duy tâm. Duy Tâm là trường phái quyết định ý thức có trước hay ý thức là phần chủ đạo trong sự liên hệ giữa ý thức và vật chất. Duy Vật thì ngược lại, cho vật chất là cái có trước hay cái quyết định trong mối liên hệ đó.

Nền triết học Đông phương mang tính đạo học nhiều hơn triết học. Phần lớn được hình thành từ những thực nghiệm trong quá trình thiền định hơn là được suy tìm thông qua tri thức do suy luận và góp nhặt từ các hiện tượng trong thiên nhiên. Song những cái nhìn này vẫn còn bị hạn chế vì chúng chưa phải là cái nhìn thấu triệt về cội nguồn của pháp.

Những cái nhìn về thế giới và con người khác nhau tạo nên những quan điểm nhân sinh trong các lãnh vực đạo đức, giáo dục, xã hội, chính trị v.v… cũng khác nhau.

Đối với Phật giáo, thế giới quan và nhân sinh quan không phải là những học thuyết mang tính cách giả thuyết nằm trong vòng tri thức như của phương Tây, cũng không mang tính đạo học thiên lệch như ở phương Đông, mà nó là một cái nhìn toàn triệt xuất phát từ sự chứng ngộ của đức Thích ca Mâu Ni. Kinh Thánh Cầu ghi sự chứng ngộ ấy như sau: “Này các Tỳ khoe, Pháp này do ta chứng đắc sâu xa, là khó thấy, khó hiểu, tịch lặng, tuyệt vời, suy lý luận, vi diệu, chỉ những người trí mơi hiểu thấu. Nhưng chúng sanh thì thích thú trong dục lạc, ưa thích dục lạc, ham thích dục lạc, nên thật sự khó thấy được sự thật của các pháp là do duyên mà khởi sinh” và “Này các Tỳ kheo, Duyên khởi là gì? Do duyên sanh, lão tử có mặt. Này các Tỳ Kheo! Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời này hay không xuất hiện ở đời, bản chất này của các pháp vẫn thế, vẫn quyết định tánh ấy, vẫ theo duyên như thế. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng Lý Duyên Khởi”. Như vậy, với cái nhìn của nhà Phật thì Duyên khởi chính là thực lý chi phối toàn bộ thế gian, trong đó có con người.

Lý Duyên khởi

Theo cách diễn giải của đức Phật về Duyên khởi trong hai đoạn kinh trên, ta có thể định nghĩa Duyên khởi một cách tổng quát như sau: “Duyên khởi là do duyên mà khởi. Nghĩa là vạn pháp ở thế gian không pháp nào có thể xuất hiện một cách riêng lẻ độc lập mà phải nhờ vào duyên pháp mới sanh khởi. Pháp ở đây là chỉ cho tất cả mọi hiện tượng, mọi sự vật trên thế gian, dù đó là một ý tưởng, một nét chữ, một hơi thở, một cọng cỏ hay một con người... Vì Duyên Khởi là thực lý chi phối vạn pháp nên không một pháp nào ở thế gian không là pháp Duyên Khởi. Pháp nhờ duyên mới khởi chứng tỏ pháp không có tự tánh. Vì nếu có một tự tánh thì không cần đến Duyên Pháp vẫn có thể tự khởi. Từ đó ta có các hệ quả sau:

1/ Vì không có tự tánh nên một khí pháp xuất hiện thì phải xuất hiện cùng với duyên của nó. Duyên và pháp đồng hiện trong quan hệ nhân duyên.

Khi Đức Phật nói: “Duyên khởi là gì? Do duyên sanh, lão tử có mặt” tức sanh và lão tử là pháp Duyên Khởi – Không Tánh thì sanh và lão tử phải xuất hiện đồng thời. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải, ngài Hám Sơn nói: “Nếu được vô niệm thì thấy tứ tướng đồng thời”. Tứ tướng là Sanh, trụ, dị và diệt.. Vô niệm hay vô sanh hay tánh không… là chỉ cho thực tánh và vạn pháp. Khi ta thể nhập được tánh không của vạn pháp thì ta sẽ thấy bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt xuất hiện đồng thời. Tánh không chính là pháp trong “pháp này do ta chứng đắc sâu xa, là khó thấy, khó hiểu, khó dịch, tịch lặng, tuyệt vời, siêu lý luận, vi diệu, chỉ những người trí mới hiểu thấu”. Chúng xuất hiện đồng thời vì sanh, trụ, dị, diệt là nhân duyên của nhau. Vì duyên của nhau nên có thì đồng có, không thì đồng không. Chính vì vậy, Đức Phật đã nói các pháp ở thế gian chỉ do tự tâm bất giác vọng hiện không có thực thể. Vì có thực thể thì Sanh và Diệt không thể đồng thời. Thấy có sanh diệt trước sau như hiện nay là do cái mê lầm từ vô thủy mà ra.

Tương tự với các cặp Nhân – quả, sanh – tử, sắc – không, thời gian – không gian v.v… khi xuất hiện thì cũng phải xuất hiện đồng thời.

2/ Vì không tự tánh nên pháp không có một tướng cố định nào mà luôn dời đổi, chuyển biến trong từng sát na. Đây là cắt nghĩa cho luật Vô Thường ở thế gian.

Từ Duyên khởi triển khai thành Nhân duyên và Nhân quả.

Nhân Duyên, là lý chi phối tất cả vạn pháp ở thế gian. Tất cả pháp hữu vi đều do nhân duyên sinh. Ngài Long Thọ định nghĩa nhân duyên tổng quát như sau: “Nhân Duyên là cái mà pháp từ đó sinh ra trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai”. Trong đó, Nhân là duyên chính trong các Duyên dùng để tạo ra một Pháp mới. Pháp này gọi là Quả. So với Quả này thì tất cả các Duyên tạo ra quả ấy gọi là Nhân, ta có Lý Nhân Quả. Như vậy, Duyên khởi, Nhân duyên và Nhân quả không phải khác nhau nhưng không phải một.

Với một chúng sinh hữu tình thì Nhân duyên được triển khai theo vòng Thập nhị nhân duyên là: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái,thủ, hữu, sanh, lão tử. Vô mình là nhân, hành là quả. Hành là nhân, thức là quả v.v…

Tất cả phiền não đời quá khứ gọi là Vô Minh. Kinh Đại Bửu Tích nói: “Chẳng biết chẳng thấy Tứ Đế và Thập nhị nhân duyên gọi là vô minh”. Từ Vô Minh sanh nghiệp có thể tạo thành quả một thế giới gọi là Hành. Ngoài ra, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới nghiệp hay thân, khẩu, ý nghiệp đều gọi là Hành. Trong đời hiện tại lúc sơ khởi thọ thai gọi là Thức. Có tâm, ý, ý thức cũng gọi là Thức. Thức này cùng sinh với bốn uẩn vô sắc và sắc gọi là Danh Sắc. Kinh Đại Bửu Tích nói: “Nếu có thọ, tưởng, tư xúc, tư duy thì gọi là danh. Nếu có tứ đại năng tạo, có sắc sở tạo từ Ca-la-lã đến hóa sanh, hoặc tác sắc hoặc chẳng phải tắc sắc thì gọi là Sắc. Vì Danh, Sắc hiệp nhau nên gọi là Danh Sắc”.

Từ Danh sắc có sáu căn mắt, tai, mũi… gọi là lục nhập. Căn, trần, thức hòa hiệp gọi là Xúc. Từ Xúc có Thọ. Trong Thọ có tâm đắm trước gọi là Ái. Do Nhân duyên khát Ái nên tìm cầu gọi là Thủ. Từ Thủ mà có nghiệp làm nhân cho đời sau gọi là Hữu. Kinh Đại bát Niết-bàn nói: “Vì sự trong ngoài mà khởi thân, khẩu, ý gọi là Hữu”. Từ Hữu lại chịu ngũ ấm của đời sau gọi là Sinh. Từ Sinh cho đến khi ngũ uẩn chín muồi rồi diệt gọi là Lão Tử.

Nói về nguồn cuội đầu tiên của chúng sinh thì Vô minh là một niệm Bất giác tối sơ của tâm. Do Bất giác tâm động. Ngay khi tâm động này, chân tâm thanh tịnh liền biến thành thức Alaida. Thức Alaida do niệm huân tập thành chủng tử nghiệp lực làm chuyển biến thức Alaida thành Dị thục thức. Thức đây chính là Dị thục thức. Khi đã có năng là cái biết, sở là thế giới và thân căn thì căn lại làm nhân, trần làm duyên cho ra quả là Xúc… Cứ như bậy mà vòng nhân duyên được tiếp nối.

Đây là chu kỳ sinh hóa của một chúng sinh, trong đó nói về con người là chính. Thập nhị nhân duyên cho thấy mặt vô thường của pháp. Từ nhân đến quả là một quá trình sinh diệt nối tiếp không dừng nghỉ. Nhân trước tạo ra quả sau rồi chính quả này lại làm nhân cho quả sau nữa…

Nhân Quả, là do tánh các pháp là không, cái không này không thuộc phạm trù có – không, nên bất kỳ một tướng trạng biểu hiện cho một pháp nào đó đều phải do tạo tác mới thành. Vì lý do này, tất cả các pháp có tướng, gọi là pháp hữu vi. Với một chúng sinh hữu tình thì lý Nhân quả vận hành như sau: Một tác động nào đó của ta – gọi là nhân – đủ duyên sẽ sinh ra một quả tương ứng. Nó được chia ra làm hai loại chính:

1/ Nhân quả thế gian: Nhân và quả luôn đồng tính. Nghĩa là nhân lành thì gặp quả lành. Nhân ác thì gặp quả xấu.

2/ Nhân quả xuất thế: Được trình bày qua Tứ Đế là Khổ - Tập – Diệt – Đạo. Trong đó Tập là nhân, Khổ là quả, Đạo là nhân, Diệt là quả.

Tập hay còn gọi là tập nghiệp, là thói quen được huân tập từ đời này qua đời khác. Đó là những kinh nghiệp được lặp đi lặp lại. Có thói quen về hành động, có thói quen về cách suy nghĩ. Thế giới quan và nhân sinh quan cũng là một loại tập về suy nghĩ. Tập nghiệp là nguyên nhân sinh ra khổ cũng là nguồn gốc đẩy con người luân hồi trong sinh tử. Vì tập mà bị trói buộc, hết Tập thì giải thoát.

Con người, thần thánh, ma quỷ hay loài vật… gọi chung là chúng sinh trong lục đạo, đều là kết quả của tập nghiệp đã được huân tập. Từ người thành súc vật hay thành một vị thánh là do tập nghiệp của chính mình. Tập uất giận là nhân đẩy chúng sanh vào đường ngạ quỷ. Tập buông xả thanh tịnh… là nhân làm thành một vị thánh v.v… Hết tập nghiệp thì giải thoát. Tùy mức độ hết tập (từ thô tới tế) mà có các quả giải thoát khác nhau: A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát và cuối cùng là A-La-Hán chánh đẳng chánh giác tức thành Phật.

Đạo chính là tiến trình loại trừ các tập nghiệp. Với Đại thừa, Niết-bàn rốt ráo là “Pháp này do ta chứng đắc sâu xa, là khó thấy, khó hiểu, khó dịch, tịch lặng, tuyệt vời, siêu lý luận, vi diệu, chỉ những người trí mới hiểu thấu” hay như ngài Long Thọ nói “Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn…”, nghĩa là không những phải vượt qua những tập nghiệp thuộc bất thiện mà còn phải vượt cả những tập nghiệp thuộc thiện thì mới có thể nhập được loại Niết-bàn này.

Tóm lại, thế gian và con người dưới cái nhìn của Đức Phật chỉ là những thứ huyễn ảo không thực. Nhưng dù là huyễn ảo, nó vẫn có tác dụng “như thực” nếu chúng ta chưa nhận ra được chúng là huyễn ảo. Một khi chúng ta còn chấp thủ vào chúng thì khổ sẽ như thực, hạnh phúc sẽ như thực v.v…. Ta lả chủ nhân của nghiệp và thừa tự quả của nghiệp ấy.

Do tánh của pháp là không nên hiện tướng của nó luôn chuyển biến, chuyển biến nên vô thường, vô thường nên khổ. Do các pháp là pháp Duyên khởi nên hạnh phúc và đau khổ không bao giờ lìa nhau. Vì vậy, khi còn chấp vào hạnh phúc thì cũng có nghĩa là đau khổ vẫn còn lẫn vẫn quanh đó. Chỉ khi ta sống được với cái mà từ đó ta có thể nhận thấy đau khổ và hạnh phúc chỉ là những thứ huyễn ảo không thực, cuộc đời chỉ là một giấc mộng không hơn không kém, thì ta mới có thể đạt được thứ hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc này không thuộc phạm trù hạnh phúc và đau khổ đối đãi của thế gian. Đó chính là lúc ta thể nhập được hoàn toàn với Tánh không của vạn pháp. Lúc ấy “Thế gian cùng niết bàn/ Không một chút phân biệt/…/Không hào ly sai biệt”.

Vì vậy đức Phật dạy: “Này các đệ tử! Ta nói với các ông, nước ngoài biển khơi chỉ có một vị mặn, đạo của ta dạy cũng chỉ có một vị là giải thoát”. Đó là mục đích cuối cùng cũng là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ giáo lý nhà Phật: Giải thoát chúng sanh thoát khỏi kiếp sống huyễn ảo nhưng đầy trầm luân đau khổ.

Nhân tính dưới cái nhìn Duyên khởi

Khi đề cập đến nhân sinh quan, không thể không đề cập đến vấn đề nhân tính. Dưới cái nhìn Duyên khởi thì tất cả các pháp, trong đó có con người, là không tự tánh. Vì thế, Nhân tính qua lý Duyên khởi chỉ có giá trị tương đối trên mặt hiện tượng. Nhân tính này có được, là do so sanh với các loài khác và có khả năng thay đổi được, nó không có giá trị trên mặt bản thể phổ quát và bất biến. Như vậy, nhân tính chỉ có nghĩa là những tính chất nổi trội nơi một con người, được tìm thấy qua sự so sánh giữa con người và con vật, giữa con người và con người, giữa con người và các vị thánh mà thôi. Và thứ mà chúng ta vẫn cho là tôi, còn được gọi là ngã, được biểu trưng bằng những mặt nổi trội ấy hay bằng những thứ như vui buồn, đau khổ, suy nghĩ v.v… chẳng qua chỉ là những sản phẩm của tập nghiệp. Không tập nghiệp thì Tôi cũng không. Vì thế đức Phật nói: “Ngũ ấm là vô ngã”.

Con người là một chúng sinh ở trên súc vật và ở dưới các vị thánh. Đây là những chúng sinh mà bản ngã của nó vừa là thân xác vừa là tâm linh. Sở dĩ có được điều trên vì chúng sinh này đã có khả năng tự giác, tự biết về mình, có thể kiềm chế các ham muốn của thân xác để phần tâm linh có điều kiện phát triển.

Những thứ gọi là tốt hay xấu, lành hay dữ… nói chung là những biểu trưng cho tính cách riêng của một con người, chỉ là mặt hiện tượng do so sánh với cái ngược lại mà nên và chúng là những thứ do huân tập mà có, chớ không phải là những thứ có sẵn cố định như vậy. Do đó, cái nhìn của ta bị hạn buộc trong một kiếp hoặc trong một khoảng thời gian nào đó, nên ta thấy những thứ được huân tập này như những thứ có sẵn và gắn cho chúng một chữ tánh: tánh sân, tánh hiền v.v… chữ tánh ở đây chỉ biểu hiện tính cách nổi trội và mang tính quyết định trong ý nghĩ và hành động của một người, chứ không có nghĩa tánh ấy là một thứ cố định không thể thay đổi và người ấy hoàn toàn không có những mặt ngược lại. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy một người gọi là tốt, lắm lúc lại có những hành động rất xấu, và một người xấu bất chợt lại có hành động như một vị Bồ-tát. Hoàn cảnh và môi trường sống chính là duyên làm khơi dậy những mặt ẩn tàng trong mỗi con người: Đủ duyên tập sẽ sinh khởi. Do đó hoàn cảnh và môi trường sống chung quanh là một trong các duyên ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách sống của một con người. Song với các vị thánh hay các vị đang đi trên con đường hướng về thánh, thì tùy mức độ phát triển tâm linh mà việc lệ thuộc vào cảnh theo đó có khác, vì họ làm chủ được ý nghĩ và hành động của mình, không bị ràng buộc bởi cảnh. Việc làm chủ này cũng là một loại tập nghiệp đã được huân tập trước đây.

Trong một con người bình thường, ta thấy có hai điểm nổi bật. Một là mặt tình cảm thuộc ái dục và một là mặt lý trí thuộc tri thức. Đó là hai mặt có vẻ đối nghịch trong một con người, chúng là một cặp Duyên khởi – không tánh. Khi mặt tình cảm tăng thượng thì mặt lý trí bị hạn hẹp và ngược lại khi mặt lý trí tăng thượng thì mặt tình cảm sẽ lu mờ. Đối với một vị thánh thì mặt tình cảm thuộc ái dục sẽ chuyển thành đại bi khi phần lý trí trở thành đại trí. Tùy mức độ trí mà có mức độ bi. Trí tuệ càng mở rộng thì lòng bi càng bao la rộng lớn. Đây là một trong các lý do khiến cho một vị Bồ-tát, dù biết cảnh giới và chúng sinh là những thứ huyễn hóa không thực, vẫn xả thân làm tất cả các việc công đức không nhàm mỏi với lời nguyện: “Hóa độ tất cả chúng sanh tận đến vị lai chẳng sót một ai” để mong làm vơi đi những đau khổ trầm luân cho những người mà đối với họ, khổ là một thứ hiện thực.

Con người và xã hội dưới cái nhìn Duyên khởi

Theo những gì đã trình bày thì thân căn và thế giới mà một chúng hữu tình đang thọ nhận, chính là do nội thức của chính chúng sanh đó biến ra. Kinh Lăng-già nói: “Đại Huệ! Bất tư nghì huân và bất tư nghì biến là nhân của hiện thức”. Nghĩa là, chân tâm không tánh niệm niệm bất giác huân thành vô minh. Do đây Nghiệp tướng, Năng kiến tướng và Cảnh giới tướng đồng thời biến hiện. Năng kiến chính là cái biết, Cảnh giới chính là căn, thân và thế giới.

Vì không biết do mê chân tâm mà nội thức biến dường như hiện tiền, lại chấp vào cái hiện tiền này mà tiếp tục phát huy hư vọng, huân rồi lại biến, biến rồi lại huân, cứ vậy mà nối tiếp… Do đó con người, gia đình, xã hội và thế giới không tách rời nhau được.

Trên mặt nhân quả, với những suy nghĩ và hành động có khuynh hướng thiện, ta sẽ có một cảnh giới tốt. Tức chánh báo tốt thì y báo tốt. Cảnh giới tốt, là đời sống về vật chất, các mối quan hệ thân thuộc, hoàn cảnh xã hội và thế giới ta đang thọ nhận đều đem lại cho ta sự tốt đẹp như ý. Đương nhiên sự tốt đẹp nói đây phụ thuộc vào quan niệm xã hội và từng kiếp trong hiện tại, không có một tính chất cố định nào ấn định cho sự tốt đẹp ấy, nên chỉ mượn tạm chữ như ý để nói.

Cũng như nói về hành động thiện, bản thân nó cũng không ấn định dứt khoát một tướng nào gọi là thiện, mà tùy hoàn cảnh tùy sự việc mà có thiện hay bất thiện. Chỉ tạm lấy tiêu chuẩn, những việc gì lợi người lợi mình, hoặc lợi người hại mình hoặc hại ở hiện tại mà lợi ở tương lai, hoặc lợi ngàn người mà hại một vài người thì việc ấy gọi là thiện. Còn căn cứ trên một hình tướng cố định nào đó mà cho là thiện thì điều đó không hẳn đúng. Đây là mặt Duyên khởi của pháp.

Với cái hiện tại ta thấy như thực đây, thì mỗi con người là một nền tảng của gia đình và xã hội. Những thành viên tốt sẽ tạo nên một gia đình tốt và một xã hội tốt Như vậy trên mặt nhân quả hay mặt hiện tại thì còn người cũng là tác nhân chính chịu trách nhiệm về mối quan hệ giữa mình với gia đình, xã hội và thế giới. Vì vậy không nên than vãn về những mối quan hệ mình đang gặp, cũng không nên than vãn về đất nước mình đang cư trú mà hãy nhìn lại chính bản thân mình. Muốn thay đổi một hoàn cảnh xấu hay những mối quan hệ không tốt chỉ có một cách là chúng ta phải tự xem xét lại bản thân, điều chỉnh những lệch lạc ngay nơi thân tâm mình theo chiều hướng thiện. Không phải tìm cách thay đổi cảnh giới hiện tại bằng những hành động bất thiện. Điều này dù có thành công trong hiện tại cũng chỉ là nhất thời, nhưng nó là cái nhân chồng chất thêm những oan nghiệt và khổ não về sau.

Để một người bình thương có thể xây dựng nên một gia đình hạnh phúc và góp phần làm thành một xã hội tốt đẹp, Đức Phật đưa ra năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu. Rõ ràng các thứ như giết người, cướp bóc rượu chè, mại dâm… là những thứ làm suy đồi và đảo lộn trật tự của xã hội. Vì vậy, để gìn giữ cho quả báo đời sau được tốt đẹp và ngay hiện tại cũng được lợi ích cho gia đình và xã hội thì Đức Phật khuyên mọi người nên giữ năm giới.

Mặc dù giữ được năm giới đã là lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội, nhưng chỉ với năm giới thôi chư đủ để mình xả thân vì người – là yếu tố để con người đạt được sự an lạc thực sự và hình thành nên một thế giới tốt đẹp như thế giới Hoa Nghiêm – vì khuynh hướng vị ngã được huân tập rất sâu trong mỗi con người. Vì thế có thêm Thập thiện. Mười điều thiện này là nền tảng cho tất cả các quả vị từ Nhân, Thiên thừa cho đến Bồ-tát thừa. Gồm có: không sát sanh, không trộm cướp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không tham dục, không sân nhuế và không tà kiến.

Không tà kiến, không tham dục và không sân nhuế là ba điều tối cần thiết để một con người có thể sống vì người khác không biết nhàm mỏi. Rõ ràng khi chúng ta không có cái nhìn thấu đáo về cuộc đời này thì chúng ta không thể dứt tham dục và sân nhuế. Nếu còn tham dục thì không những ta không thể mang lại lợi ích cho ai mà còn tìm cách thủ lợi, thủ danh cho bản thân và những người thân thuộc. Sân nhuế biểu hiện cho bản ngã bị đụng chạm. Còn bản ngã thì sự lợi ích cho người còn bị hạn buộc. Vì vậy dù đưa ra một học thuyết về một cộng đồng xã hội lý tưởng tốt đẹp chăng nữa, nếu học thuyết ấy đặt nền tảng trên những con người đầy tham dục và sân nhuế thì đó chỉ là một học thuyết không tưởng, không thể thực hiện có kết quả.

Duyên khởi với vấn đề đạo đức và giáo dục

Như đã nói, nhân cách của con người hình thành từ sự huân tập mà có. Ý nghĩ và hành động nào được huân tập lâu, tức được lặp đi lặp lại càng nhiều, thói quen càng mạnh, thì ý nghĩ hành động ấy càng kiên cố vững vàng. Những thứ gọi là định kiến là những thứ không phải chỉ mới huân tập trong một đời mà nên. Nhưng dù kiên cố hay vững bền bao nhiêu bản thân chúng chỉ là một pháp Duyên khởi – không tánh. Nghĩa là, vẫn có thể sửa đổi san bằng được. Tuy nhiên thứ gì kiên cố thì việc sửa đổi cần nhiều thời gian và kiên trì. Vì cái có thể thay đổi ấy mà một chúng sinh mới có thể thành một vị Phật.

Vấn đề đạo đức, văn hóa, nghệ thuật… cũng vậy, tất cả đều do huân tập mà có. Một đứa bé với những đức tính nhẫn nhịn, hiền hòa hay chanh chua, khắc nghiệt là do chúng đã được huân tập từ những kiếp trước. Những đức tính này sẽ nẩy sinh phát triển hay ẩn đi và tàn lụi là do môi trường và hoàn cảnh mà chúng đang và sắp trải qua. Đây cắt nghĩa tại sao có những thần đồng về âm nhac, hội họa, toán học hoặc tình trạng thích xuất gia của những đứa bé mới bảy, tám tuổi. Chẳng qua là chúng đã huân tập “điêu luyện” những thứ đó.

Thói quen là yếu tố chi phối đời sống của con người, thì vấn đề giáo dục cũng bắt nguồn từ thói quen mà đi. Cố gắng tạo những thói quan tốt phát triển và hạn chế dần những thói quen xấu mà chủ yếu là từ ý nghĩ. Vì ý nghĩ là cái chi phối mọi hành động. Ngoài ra môi trường và hoàn cảnh là một duyên làm nảy sinh những chủng tử tốt hoặc xấu trong mỗi con người, nên nó là một duyên rất quan trọng đối với một người chưa làm chủ được bản thân mình. Nên nhớ, không có một con người nào hoàn toàn không có một ý niệm bất thiện, mà chỉ có những con người biết làm chủ những ý niệm ấy khi chúng xuất hiện. Khi những thói quen về thiện được vững vàng có sức mạnh, trở thành tính cách của mỗi con người, thì những ý niệm bất thiện dù có cũng chỉ là những cái bóng lướt qua trong tâm họ, không có gì quan trọng.

Vì vậy, một xã hội dù pháp luật có vững mạnh nghiêm khắc bao nhiêu cũng không ngăn ngừa được tội phạm, mại dâm, rượu chè, cờ bạc… nếu như những bài học về đạo đức đới với bản thân, gia đình, xã hội, gói gọn trong năm giới, không được dạy ngay từ môi trường tiểu học, không được huân tập để trở thành ý thức, bổn phận tối thiểu của một con người ngay khi vừa có sự hiểu biết. Đó là vì thói quen xấu một khi đã được huân tập thì con người chỉ còn là tôi tớ của những thói quen xấu ấy mà thôi. Vì vậy, án tử hình hay tù tội là những cái “để đó tính sau” khi mà thói quen có điều kiện bọc phát mạnh.

Phát triển về tri thức nhiều chừng nào thì nền tảng đạo đức càng phải cũng cố nhiều chừng ấy. Chúng là hai mặt không thể rời nhau. Nếu không, nó sẽ là mối nguy hại cho gia đình và xã hội. Vì thói quen vị ngã và tham dục được huân tập quá sâu trong mỗi con người.

Tổng kết

Các pháp ở thế gian đều là pháp nhân duyên, vì vậy chỉ cần thay đổi một số duyên trong mớ duyên hiện tại thì ta sẽ có một cái quả mới. Điều này được áp dụng cho mọi lãnh vực trong đời sống này, như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giáo dục v.v… khiến hoàn cảnh sống thêm phong phú. Đời người cũng không thoát khỏi quy luật đó. Đây là chỗ khác biệt giữa đạo Phật và các đạo giáo khác: Không chấp nhận một vận mệnh định sẵn do một đấng tối cao an bài rồi buông tay tới đâu thì tới, cũng không nhận mình là “tác nhân và hưởng quả của chính mình” bằng cách tạo ra những hành động bất thiện để thay đổi số phận của mình. Với người con Phật, nhẫn nhịn chịu đựng hay phấn phát tiến bước chỉ vì lấy nhân quả làm gốc, lấy thiện làm nền tảng. Vì vậy, chúng ta phải có cái nhìn trí tuệ. Việc học Phật là cần thiết để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thực chất của cuộc sống con người. Từ đó có thể vận dụng chúng vào cuộc sống của mình.