Bình luận khoa học về tội lạm dụng tín nhiệm

Mục lục bài viết

  • 1. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
  • 2. Tư vấn về hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản theo quy định pháp luật hiện hành
  • 3. Hình phạt đối với tội cưỡng đoạt tài sản ?
  • 4. Giữ tài sản của người khác không trả bị tội gì ?
  • 5. Các hành vi phạm tội liên quan đến tài sản ?

1. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Điều 175 luật hình sự năm 2015 quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tuyến để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp:

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

PHÂN TÍCH TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thành tựu quan trọng mà nước ta đã đạt được trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thì mặt trái của nền kinh thị trường mang lại, đó là tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Trong số này, thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, việc xét xử loại tội phạm này trong thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xác định tội danh, quyết định hình phạt, vấn đề "hình sự hóa" các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế và "phi hình sự hóa" trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan áp dụng pháp luật đôi lúc còn tỏ ra lúng túng trong quá trình áp dụng, do đó, phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được nêu ra một số hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, qua đó, đề xuất một số ý kiến, để góp phần hoàn thiện hơn quy định về tội phạm này.

1. Khái niệm chung về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại phát sinh ngày càng phong phú và đa dạng. Do đó, việc nhận diện đúng ranh giới giữa các quan hệ này với hành vi phạm tội, từ đó mới có thể áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, khách quan, đầy đủ và chính xác. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, từng bước loại bỏ tình trạng được gọi là “hình sự hóa” các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại hay “dân sự hóa” các hành vi phạm tội, cũng như sự nhầm lẫn giữa một số tội phạm có cấu thành giống nhau. Muốn vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu về khái niệm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

2. Một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng

2.1 Về hành vi khách quan của tội phạm

Trong các yếu tố cấu thành cơ bản của của tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 175 BLHS về hành vi khách quan, có những tình tiết khó chứng minh, cụ thể như sau:

Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Tuy nhiên, trường hợp “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn. Trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, nên đã phát sinh nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng, chỉ cần xác định được tình tiết một người nào đó sau khi nhận được tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn; không trả tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đủ cơ sở kết luận người đó phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào lý do bỏ trốn của họ là nhằm mục đích gì. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, không phải tất cả mọi trường hợp bỏ trốn đều có ý thức chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Lê Thanh T, Giám đốc Công ty tư nhân Thuận Thành, chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo. Từ năm 2016 đến 2017, do tình hình kinh tế thế giới biến động, không nắm được giá cả, thị trường dẫn đến Công ty của T làm ăn thua lỗ, không trả được nợ khi đến hạn. Các chủ nợ nhiều lần đến Công ty đòi nợ và đe dọa nếu không trả sẽ hành hung. Do sợ bị đánh, T bỏ trốn sang Campuchia để tìm việc làm, với ý định có tiền sẽ đem về trả nợ. Trường hợp này, nếu kết luận T bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở, vì số tiền vay, mượn, T đã sử dụng hết vào việc kinh doanh, khi bỏ trốn T không còn tiền. Việc không trả được nợ là do làm ăn thua lỗ, chứ T không có ý chiếm đoạt.

Tại điểm b khoản 1 Điều 175 BLHS quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”. Như vậy, chỉ các trường hợp người nhận được tài sản đã sử dụng tài sản đó vào “mục đích bất hợp pháp”, như: buôn lậu, mua bán ma túy, đánh bạc,… dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, mới bị coi là phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Còn đối với các trường hợp vay, mượn tiền với số lượng lớn, sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến không khả năng trả nợ, lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc dùng tiền vay, mượn để ăn chơi, tiêu xài… tuy có trái với đạo đức xã hội nhưng lại không được xem là việc làm “bất hợp pháp”. Thực tế hiện nay, các vụ vỡ nợ, hụi lên đến hàng tỷ đồng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương đã làm cho bao người điêu đứng vì mất tiền, nhưng xử lý hình sự các trường hợp này lại gặp nhiều khó khăn, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí, nếu xử lý sẽ bị quy kết là “Hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”.

2.2 Về tình tiết định tội

Về mức tối thiểu giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản: mức tối thiểu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định từ 4 triệu đồng trở lên. Do định lượng cấu thành cơ bản giữa hai tội không bằng nhau, nên có nhiều trường hợp phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác [có giá trị dưới 4 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự như: gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án chưa được xóa án tích], nhưng cơ quan điều tra không thể khởi tố ngay được, mà phải tốn kém nhiều thời gian để chứng minh ý thức của người chiếm đoạt tài sản có trước hay sau khi đã nhận tài sản. Trong thực tế, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng nại rằng: sau khi nhận được tài sản mới nảy sinh ý thức chiếm đoạt, để trốn tránh trách nhiệm hình sự; bởi vì, tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 4 triệu đồng, chưa đủ định lượng để khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vì không chứng minh được ý thức chiếm đoạt có trước khi nhận tài sản.

Về tình tiết “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản” trong Chương các tội xâm phạm về sở hữu nói chung, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói riêng, cũng nảy sinh bất hợp lý, chưa mang tính răng đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Theo khoản 1 Điều 175 BLHS quy định: Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu, thì phải có thêm dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích, mà còn vi phạm” mới cấu thành tội phạm, nên trong thực tế có người thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu, tuy chưa có lần nào bị kết án về tội chiếm đoạt nhưng lại có nhiều tiền án về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, như: giết người, hiếp dâm trẻ em, mua bán trái phép chất ma túy,… lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu và chỉ có một lần tiền án về tội chiếm đoạt [mặc dù thuộc loại ít nghiêm trọng] vẫn bị coi là tội phạm.

2.3 Về tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất chuyên nghiệp”.

2.4 Những vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện

Ngày 25/12/2001 Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 02/2001/TTLT-TA-VKS-BCA-BTP hướng dẫn thực hiện các quy định tại chương XIV về các tội xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư vẫn còn mang tính chung chung và khó thực hiện, cụ thể:

Tại mục 5 phần II Thông tư hướng dẫn: “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự [gây hậu quả nghiêm trong; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích…], đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:

a] Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

b] Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu… lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính”.

Chính quy định này, mà thực tiễn xét xử ở một số cơ quan, người tiến hành tố tụng, chưa nhận thức đúng và áp dụng thống nhất các điều kiện trên, cụ thể: thế nào là “Hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”. Trong Thông tư liên tịch số 02 có nêu ví dụ: Kẻ phạm tội liên tục lấy cắp tài sản của nhiều người trong cùng một đêm, thì được cộng dồn để xử lý. Nếu đặt trường hợp: Ngày 10/8/2010, Nguyễn Văn A lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của B số tiền một triệu đồng. Ngày 11 và 12/8/2010, A tiếp tục lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của C số tiền hai triệu đồng và D số tiền một triệu đồng. Như vậy, hành vi của A có được xem là thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian để cộng dồn giá trị tài sản bị chiếm đoạt để xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không.

Mặt khác, việc chứng minh người thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu “Lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính” là rất khó khăn, vì họ thường có nghề nghiệp [tuy không ổn định] và không người phạm tội nào lại thừa nhận họ sống từ việc phạm tội.

Tương tự như trên, tại mục 5.1 Nghị quyết 01 ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: Chỉ áp dụng tình tiết “Phạm tội có tình tiết chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b. Người phạm tội đều lấy các phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Thực tế, tại một số Tòa án địa phương, chỉ cần điều kiện thứ nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng tình tiết này. Ví dụ: Lê Thị K, chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc, kim khí đá quý đã huy động tiền, với lãi suất từ 3% đến 5% của 17 hộ dân [thấp nhất là hai mươi triệu đồng, cao nhất là sáu trăm triệu đồng đồng], rồi chiếm đoạt và bỏ trốn.

Trong một số trường hợp cụ thể thì như thế nào là: “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, vẫn chưa được hướng dẫn, nên quá trình áp dụng trong thực tiễn chưa thống nhất nhau.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Từ những vướng mắc, bất cập trong quy định của BLHS về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như phân tích nêu trên, nếu xem xét ở góc độ mức hình phạt thì không bảo đảm tính công bằng, không đạt được mục đích của hình phạt. Do đó, để bảo đảm tính hợp lý, công bằng, nghiêm minh trong chính quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử, chúng tôi đề xuất sửa đổi Điều 140 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cụ thể như sau:

+ Bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 140 BLHS hiện hành nói riêng, cũng như các tội xâm phạm sở hữu nói chung tình tiết định tội “Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” theo hướng: “1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

+ Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất chuyên nghiệp” vào khoản 2 Điều 140 BLHS, cụ thể:

a] Có tổ chức;

b] Có tính chất chuyên nghiệp;



Mặt khác, BLHS quy định tình tiết định khung tăng nặng về giá trị tài sản bị chiếm đoạt và khung hình phạt ở các khoản 2,3,4 của tội “Lừa đảo” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là giống nhau. Do đó, để đảm bảo tính đồng nhất và tính công bằng trong quyết định hình phạt, Bộ Luật hình sự cũng cần được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản của hai tội là bằng nhau, trên cơ sở phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

Phân tích cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a] Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b] Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a] Có tổ chức;
b] Có tính chất chuyên nghiệp;
c] Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d] Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ] Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e] Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g] Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.

2. Tư vấn về hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản theo quy định pháp luật hiện hành

Thưa luật sư tôi muốn hỏi. Tôi làm việc ở nước ngoài có quen người bạn cùng làm bên đấy và chúng tôi có quyết định về vn làm ăn chung. Khi chúng tôi về đến vn tôi đã đưa bạn tôi 200tr mua hàng thì bạn tôi cầm số tiền đó lặn luôn. Giờ tôi phải làm sao để có thể lấy lại số tiền đó khi không bằng chứng gì thuaw luật sư ? Hãy giúp tôi ?

- Trương Thị Thùy

Luật sư trả lời:

Thứ nhất: Từ những thông tin mà bạn chia sẻ luật sư nhận thấy hành vi của người bạn này có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội xâm phạm quyền sở hữu. Cụ thể ở đây người bạn này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật hình sự.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Thứ hai: Trong trường hợp này bạn cần cung cấp các thông tin liên quan đến sự việc này cho cơ quan công an điều tra cấp huyện nơi bạn và người kia thực hiện hoạt động giao dịch đưa tiền để được điều tra làm rõ. Sau khi tiếp nhận và điều tra giải quyết thì bạn sẽ được hoàn trả lại số tiền đó đồng thời người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trước hết bạn cần làm đơn trình báo hoặc đơn tố cáo gửi cơ quan công an điều tra cùng với đó là trình bày về sự việc với cơ quan công an điều tra và cung cấp các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan công an điều tra. Hoặc bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi trực tiếp Tòa án nhân dân huyện nơi hai bạn thực hiện hoạt động giao dịch.

Quy định pháp luật hình sự về điều tra tội phạm thuộc về cơ quan công an điều tra nên bạn chỉ cần cung cấp thông tin về sự việc là được chứ bạn không cần phải có chứng cứ cụ thể nên bạn không cần lo lắng về những chứng cứ của sự việc.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.

3. Hình phạt đối với tội cưỡng đoạt tài sản ?

Thưa luật sư, hàng xóm tôi có người cưỡng đoạt tài sản của công dân. Sau khi người bị hại gửi đơn lên công an thì người đó đã trả lại tài sản cho bị hại [có công an làm chứng] nhưng sau đó vẫn bị bắt giam.

Vậy mong luật sư cho biết:

1. Người đó xẽ bị tòa án xử theo điều bao nhiêu của bộ luật hình sư? Cụ thể là xử bao nhiêu năm tù?

2. Có tình tiết giảm nhẹ không vì người đó đã trả lại tài sản rồi?

3. Người đó có thể tự bào chữa cho mình như thế nào?

Xin cảm ơn!

Người gửi:

Trả lời:

Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015.

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a] Có tổ chức;

b] Có tính chất chuyên nghiệp;

c] Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d] Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ] Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e] Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a] Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b] Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a] Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b] Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Dựa vào quy định trên, bạn có thể xác định mức hình phạt người đó phải chịu.

Về vấn đề tình tiết giảm nhẹ, do người hàng xóm của bạn trả lại tài sản sau khi bị tố cáo lên cơ quan công an nên đây không được coi là tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định tại 51 BLHS về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Về vấn đề tự bào chữa: Theo quy định tại Điều 72 Bộ Luật Hình sự 2015 thì người bào chữa có thể là:

a] Luật sư;

b] Người đại diện của người bị buộc tội;

c] Bào chữa viên nhân dân;

d] Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi. Trân trọng ./.

4. Giữ tài sản của người khác không trả bị tội gì ?

Em chào văn phòng luật sư, em muốn được hỏi một vấn đề như sau ạ. : người nhà em có tham gia giao thông trên đường và bị đâm va với một người phụ nữ đi xe đạp, nhẹ thôi, đúng sai chưa rõ. Nhưng người phụ nữ kia ngã xuống đường rồi kêu đau. Người nhà em có đưa đi bệnh viện, đên viện thì người nhà của phụ nữ kia giũ xe người nhà em lại và chứng minh thư nói là làm tin và không báo chính quyền. Nhưng đã lâu sau sự việc gia đình em có gọi điện hỏi thăm qua người đại diện bên họ và liên lạc nhiều lần xin gặp để giải quyết vụ việc và lấy xe về nhưng đều bị chửi bới và từ chối gặp. Đặc biệt có người gọi điện đến chửi bới đe doạ.

Vp luật sư cho em hỏi từ việc như trên thì gia đình em có quyền và nghĩa vụ như thế nào. Gia đình kia có phải đang giữ xe trái phép của gia đình em không ?

Cảm ơn.

Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Theo như bạn trình bày thì người nhà bạn khi tham gia giao thông trên đường đã đâm phải một người, theo đó, căn cứ Điều 584 BLDS 2015 quy định về việc căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, trong trường hợp người nhà bạn khi đâm phải người phụ nữ kia đã xâm phạm đến sức khỏe hay các lợi ích hợp pháp của người đó và gây ra thiệt hại thì người nhà bạn có nghĩa vụ phải bồi thường cho người phụ nữ đó. Còn nếu việc người nhà bạn đâm phải người phụ nữ đó mà do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người đó thì người nhà bạn sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Người nhà của người phụ nữ kia không có quyền được chiếm giữ xe và CMND của người nhà bạn. Việc chiếm giữ xe và CMND của người nhà bạn là hành vi trái pháp luật, theo đó, khi gia đình bạn gọi tới muốn giải quyết sự việc và xin đòi lại xe thì bị người nhà họ không trả xe, chửi bới, thậm chí là đe dọa. Như vậy, người nhà họ đã thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Chiếm giữ trái phép tài sản, được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 176 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định như sau:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Trong trường hợp tài sản của người nhà bạn bị chiếm giữ có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ số tài sản đó phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Còn trong trường hợp tài sản mà họ chiếm giữ có giá trị dưới 10 triệu đồng thì họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Như vậy, gia đình bạn có thể tố cáo với cơ quan công an đề nghị xử lý người phụ nữ kia và người nhà của người phụ nữ đó về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

5. Các hành vi phạm tội liên quan đến tài sản ?

Em Xin chào luật sư, Em muốn hỏi luật sư về sự việc gia đình em như thế nay em là con một trong gia đình năm 2007 em ra đi nước ngoài và bố mẹ em đã ngon ngọt em gửi tiền về để bố mẹ cất giữ và làm nhà cho em và em đã gửi cho bố mẹ em tổng số tiền là 24800 USD và sau 7 năm em trở về cưới vợ do mâu thuẫn trong gia đình bố mẹ em đã đuổi vợ chồng em ra khỏi nhà mà không cho vợ chồng em tài sản gi cả em . Em muốn hỏi luật sư như vậy bố mẹ em có vi phạm pháp luật không, em có được quyền khỏi kiện bố mẹ em về tọi chiếm đoạt tài sản hay không ?

Xin luật sư tư vấn cho em , em Xin cảm ơn

Trả lời:

Điều 1212 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Như vậy, số tiền bạn đã gửi cho bố mẹ có thể được xác định là tài sản chung của hộ gia đình. Quyền sử dụng tài sản này được quy định như sau:

Điều 217. Sử dụng tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 218. Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này.

Như vậy, việc bố mẹ hạn chế quyền sử dụng tài sản chung của bạn bạn có thể nộp hồ sơ khởi kiện hoặc tố cáo hành vi này tới cơ quan có thẩm quyền

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty Luật Minh khuê

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề