Bộ đội kinh tế là gì

QPTD -Thứ Sáu, 15/10/2021, 09:32 [GMT+7]

Phát huy vai trò của Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong tình hình mới

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Quân đội tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh bằng hình thức, biện pháp phù hợp, đúng mục tiêu, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, những năm qua, các đơn vị, đoàn kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp Quân đội đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, tham gia có hiệu quả vào xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đảm bảo vừa phát triển sản xuất, cung cấp sản phẩm có giá trị kinh tế cao cho xã hội, vừa đầu tư tạo điều kiện phát triển, phân bố lại dân cư, tạo thế bố trí quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Từ khi thực hiện Quyết định số 1391/QĐ-TTg, ngày 9/8/2010 và quyết định số 49/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn vùng dự án các Khu kinh tế quốc phòng đã bước đầu được xây dựng tương đối đồng bộ; các cụm, điểm dân cư mới trên tuyến biên giới gắn với thế trận quốc phòng toàn dân được hình thành, ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Quân đội ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong sự phát triển chung của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, củng cố hậu phương Quân đội và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 hiện nay, lực lượng lao động sản xuất, xây dựng kinh tế Quân đội cũng góp sức cùng Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện nhiều giải pháp chống dịch hiệu quả; đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào quỹ mua vaccine phòng chống Covid theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước. Nhiều đơn vị bằng chính nguồn lực từ các hoạt động lao động, tăng gia sản xuất cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ bà con, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách bị tác động bởi dịch Covid-19.

Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn

Các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội còn tham gia tích cực phát triển một số loại hình kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy - hải sản, khai thác hải sản xa bờ; đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; tham gia xây dựng và phát triển ngành đóng tàu biển, dịch vụ biển, trồng rừng trên đảo [xanh hóa đảo], phủ sóng viễn thông đến toàn bộ các đảo, quần đảo, nhà giàn,… góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh ở các vùng biển, đảo chiến lược.

Những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, giải quyết tranh chấp biển, đảo, đấu tranh trên không gian mạng đặt ra nhiều thách thức; nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động từ bên ngoài và tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế; nguồn lực bảo đảm cho quốc phòng, an ninh còn nhiều khó khăn, v.v. Trong bối cảnh đó, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, Quân đội cần bám sát mục tiêu, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực đột phá trong lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia lao động, sản xuất của Quân đội, làm cho toàn quân, toàn dân thống nhất nhận thức: Quân đội tham gia lao động, sản xuất là sự tiếp nối truyền thống quý báu “ngụ binh ư nông” của dân tộc trong thời kỳ mới. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, Nhà nước và Quân đội, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng “lao động sản xuất” của Quân đội; ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với những kết quả mà Quân đội đã đạt được; những tấm gương điển hình tiên tiến của Quân đội trong lao động sản xuất. Để đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều biện pháp, với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đơn vị, địa bàn. Chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chủ yếu, “chống” là quan trọng; kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch về chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị, đoàn kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp Quân đội cần quán triệt, xác định rõ phải thực hiện tốt đồng thời cả ba chức năng: “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Thời bình là đơn vị lao động sản xuất, nhưng khi có tình hình quốc phòng, an ninh, lực lượng này sẽ chuyển thành các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phục vụ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa. Đội quân lao động, sản xuất kinh doanh - tiềm lực về lực lượng quốc phòng sẵn sàng trở thành thực lực quốc phòng, quân sự khi có tình huống.

Hai là, đổi mới cơ chế điều hành, đầu tư nâng cao hiệu quả xây dựng Khu kinh tế quốc phòng và hoạt động của Đoàn kinh tế quốc phòng ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, Cục tập trung tham mưu đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế quốc phòng trọng điểm trên các địa bàn chiến lược vùng biển, đảo, vành đai biên giới, địa bàn xung yếu phù hợp với quy hoạch thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận khu vực phòng thủ, các khu căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân khu, quân chủng và các khu căn cứ hậu cần chiến lược của Bộ Quốc phòng. Nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động các Đoàn kinh tế quốc phòng theo hướng sắp xếp tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến đấu khi có tình huống; tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương, địa bàn vững mạnh, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn,... trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ba là, xây dựng và phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Quán triệt, thực hiện kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 05 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa XII] về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, Cục Kinh tế tập trung nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh của Quân đội làm nòng cốt phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo. Đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế thế mạnh của Quân đội ở các vùng biển, đảo; xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của ngành nghề, lĩnh vực có tính lưỡng dụng; sửa chữa nhà giàn, công trình biển, cứu hộ, cứu nạn, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác hải sản, v.v. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân “vươn khơi, bám biển”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Tham gia xây dựng chuỗi đảo gần bờ thành các trung tâm kinh tế - khoa học công nghệ - quốc phòng, an ninh theo mô hình đa năng, tự chủ một phần về kinh tế và các hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng trên biển, nhất là vùng biển, đảo xa bờ.

Bốn là, sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội, tập trung phát triển các doanh nghiệp quốc phòng lưỡng dụng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Cục Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tổ chức cơ quan kinh tế cấp chiến lược tham mưu giúp Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp Quân đội theo đúng quy định của Nhà nước. Quá trình sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Quân đội cần phù hợp với Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự. Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội và định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước, Đề án Quy hoạch công nghiệp quốc phòng, Đề án quy hoạch cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân, đảm bảo nhiệm vụ tác chiến theo vùng, miền, địa bàn hoạt động. Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp kinh tế thuần túy, ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tăng cường công tác giám sát của chủ sở hữu; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Kiểm soát, kiểm soát viên tại doanh nghiệp. Duy trì, phát triển các doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, phát triển kinh doanh ổn định, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm quốc phòng, vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng và hoạt động trên các lĩnh vực thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ cao, sân bay, cảng biển,... hình thành thế bố trí cho doanh nghiệp quốc phòng, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Năm là, xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có tổ chức tăng gia, lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, tạo ra của cải vật chất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; đầu tư xây dựng các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật trong khu vực phòng thủ. Tăng cường quản lý, tạo điều kiện tự chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho các đơn vị hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trong Quân đội; đẩy mạnh tự chủ tài chính đối với các bệnh viện, đoàn an dưỡng, viện nghiên cứu, nhà khách Quân đội.

Cùng với đó, Cục Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội, tạo bước đột phá trong thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng

Video liên quan

Chủ Đề