Cân đối ngân sách Việt Nam hiện nay đang ở trạng thái nào

Cân đối ngân sách chật vật hơn

09:51 | 09/09/2020

Tình hình thu - chi ngân sách trong 8 tháng năm 2020 cho thấy cân đối ngân sách đang ngày càng khó khăn hơn, với tốc độ thu chậm lại trong khi chi tăng nhanh. Tình hình này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong các tháng cuối năm, và tốc độ tăng chi giảm thu sẽ còn cao hơn. Song theo các chuyên gia đây là việc cần chấp nhận và nhìn chung mức bội chi của Việt Nam năm nay dù tăng song vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia mới nổi.

Hết tháng 8, có 98,1% doanh nghiệp nộp thuế điện tử
Bội chi ngân sách nhà nước 8 tháng khoảng 106 nghìn tỷ đồng
Khai trương Cổng công khai ngân sách nhà nước

Tiến độ thu chững lại, nợ thuế tăng lên

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương khác trên cả nước gây cản trở sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách Nhà nước [NSNN] trong 15 ngày đầu tháng 8/2020. Trong khi đó, chi NSNN cũng phải gánh nhiều mục tiêu hơn khi tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, tính đến thời điểm 15/8/2020, nền kinh tế đã đi gần hết 2/3 chặng đường của năm 2020, song tổng thu NSNN từ đầu năm mới chỉ đạt hơn 1/2 dự toán năm, ước tính 812.200 tỷ đồng. Trong đó tất cả các khoản thu đều đạt thấp, như thu nội địa bằng 53,3% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 54,2%; thu từ dầu thô gần 70%.

Gói hỗ trợ về giãn, hoãn nộp thuế đạt hiệu quả chưa cao

Còn theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến hết 8 tháng, tổng thu NSNN ước đạt 752.615 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô giảm tới 35,6% so với cùng kỳ năm 2019; thu nội địa giảm 6,7%. Cơ quan Thuế lý giải, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, hỗ trợ gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, nhóm DN chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ, đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong 8 tháng đầu năm, đặc biệt từ tháng 4 đến nay.

Cùng với đó, về công tác quản lý nợ thuế, tổng số nợ thuế tháng 8/2020 có chiều hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Nguyên nhân là do DN nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa nộp vào ngân sách theo quy định; một số đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kê khai phát sinh của tháng 5, tháng 6 vào NSNN, chờ để được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ; tiền chậm nộp tăng lên. Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào NSNN.

Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2020 ước tính đạt 918.200 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán năm. Trên thực tế, hiện nay các gói hỗ trợ tài khoá mới triển khai được khoảng 30%, cùng với đẩy mạnh chi đầu tư công, đã khiến chi NSNN đến ngày 15/8 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Một điểm sáng trong bức tranh ngân sách là cùng với tín hiệu tốt về gia tăng đầu tư công, tỷ lệ chi đầu tư phát triển trên tổng chi NSNN đã đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm, ở mức 22,7%.

Tăng chi: Không thể đặng đừng

Với các diễn biến hiện tại, có thể thấy tốc độ giảm thu nhiều khả năng sẽ còn cao hơn trong các tháng cuối năm. Bởi trong khi tốc độ giảm thu xuất nhập khẩu đã chững lại [giảm 20,9% trong 8 tháng, tương đương với mức giảm của 7 tháng], thì thu từ dầu thô và thu nội địa vẫn đang tiếp tục giảm mạnh hơn [lần lượt giảm 35,6% và 6,7% so với cùng kỳ]. Kéo theo đó, thâm hụt NSNN tiếp tục gia tăng, hết tháng 8/2020 dự tính ở mức 4,1% GDP, tăng 0,2 điểm % so với thời điểm 7 tháng.

Trong khi đó, tốc độ tăng chi chắc chắn cũng sẽ cao hơn trong bối cảnh Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện gói hỗ trợ lần 2 đối với nền kinh tế. Theo nhận định của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, gói hỗ trợ về giãn, hoãn nộp thuế đạt hiệu quả chưa cao. Gói hỗ trợ trực tiếp an sinh xã hội có phạm vi đối tượng được nhận trợ cấp vẫn còn hạn chế, chỉ mới tập trung vào các đối tượng do chính quyền địa phương quản lý, khiến tốc độ giải ngân chậm, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của nhiều người dân, trong đó có tầng lớp lao động phổ thông.

Vì vậy trong các tháng cuối năm, cơ quan này khuyến nghị cần mở rộng sang một số chính sách khác như nghiên cứu giải pháp thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng thiết yếu [có xem xét với khả năng cân đối NSNN]. Nghiên cứu giảm thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ đời sống cho người lao động và DN, góp phần kiểm soát lạm phát và tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ.

Đối với chính sách hỗ trợ tài khoá thực hiện theo Nghị định 41, đề xuất kéo dài đến hết năm 2020; đồng thời rà soát, điều chỉnh lại đối tượng áp dụng theo hướng bổ sung thêm các ngành kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong trung hạn, như vận tải, kho bãi, chế biến chế tạo được gia hạn nộp thuế đến hết tháng 9/2021.

Đối với chính sách an sinh xã hội thực hiện theo Nghị quyết số 42, đề xuất gia hạn đến hết năm 2020 đối với người lao động, và hết tháng 9/2021 đối với người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng bao gồm người lao động phi chính thức, người dân tại các địa phương thực hiện cách ly

Viện Đào tạo và Nghiên cứu, BIDV đề xuất, gói hỗ trợ bổ sung trong giai đoạn 2 cần có quy mô khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% GDP, thực hiện từ quý IV/2020 đến hết năm 2021. Với sự gia tăng các khoản chi NSNN để ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế, cơ quan này dự báo thâm hụt ngân sách cả năm 2020 sẽ ở mức 5,2-5,4% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra hồi đầu năm là dưới 4%. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn mức trung bình các nước mới nổi [khoảng 10,6%].

Ngọc Khanh

Nguồn:

Tags: ngân sách thu chi thuế
Có liên quan
  • Giải bài toán phân bổ để thúc đẩy đầu tư công
  • Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/1
  • Chỉ nên đánh thuế khi giao dịch chứng khoán có lãi?
Bài trước đó
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Động lực cho sự bứt phá trong hệ thống ngân hàng
Bài sau đó
Đưa dịch vụ tài chính lên màn hình điện thoại

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề