Can thiêph đặt stent mạch vành như thế nào

Tim mạch can thiệp là một trong ba lĩnh vực chính thuộc khoa tim mạch. Với sự tiến bộ của công nghệ, lĩnh vực tim mạch can thiệp đã ghi dấu những bước phát triển vượt bậc trong ngành y khoa. Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta biết thêm một số kiến thức về phương pháp tim mạch can thiệp với ví dụ điển hình là kỹ thuật can thiệp động mạch vành.

1. Tim mạch can thiệp là gì?

Chuyên khoa tim mạch bao gồm 3 lĩnh vực chính đó là: nội khoa tim mạch, ngoại khoa tim mạch và tim mạch can thiệp. Trong đó, tim mạch can thiệp là cụm từ được dùng để chỉ chung những thủ thuật ít xâm lấn được ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về tim mạch.

Năm 1929, bác sĩ Forssmann là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật thông tim. Ông đã tự mình luồn một ống thông vào tĩnh mạch cánh tay để đưa đến vị trí xa nhất có thể. Theo ảnh chụp X-quang, ống thông thực sự đã đi vào tâm nhĩ phải của tim. Đây được cho là kỹ thuật nguy hiểm nên đã bị cấm ở thời điểm đó, khiến cho Forssmann bị kỷ luật và ông không thể tiến hành các nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên chính thử nghiệm của ông đã tạo ra tiền đề để lĩnh vực tim mạch can thiệp tiếp tục được phát triển trong tương lai.

Sau đó kỹ thuật này được cải tiến dần với sự hỗ trợ của phương pháp chẩn đoán hình ảnh là chụp X-quang. Đến năm 1977, ca nong mạch vành đầu tiên trên thế giới được bác sĩ Andreas Gruntzig thực hiện đã bước đầu mở ra kỷ nguyên mới của kỹ thuật can thiệp mạch vành nhờ sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật.

Can thiêph đặt stent mạch vành như thế nào

Forssmann và ảnh chụp X-quang ca thông tin đầu tiên do chính ông thực hiện trên cơ thể mình

Tại Việt Nam, những ca can thiệp mạch vành đầu tiên được thực hiện là vào cuối giai đoạn 1990. Từ đó đến nay ngành tim mạch can thiệp ở nước ta cũng ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới. Những hình thức can thiệp đã được triển khai tại Việt Nam cho đến nay bao gồm:

  • Can thiệp mạch vành;
  • Thông tim chẩn đoán;
  • Can thiệp cấu trúc tim;
  • Can thiệp mạch ngoại biên;
  • Điều trị đốt điện;
  • Khảo sát điện sinh lý.

Trong những năm gần đây, một số kỹ thuật tim mạch can thiệp mới được cập nhật và triển khai đã hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh lý.

2. Phương pháp can thiệp động mạch vành

Như đã đề cập, lĩnh vực tim mạch can thiệp bao gồm rất nhiều hình thức can thiệp khác nhau. Trong bài viết này MEDLATEC sẽ phân tích sâu hơn về một trong những kỹ thuật phổ biến nhất của tim mạch can thiệp đó là phương pháp can thiệp động mạch vành.

2.1. Khái niệm can thiệp động mạch vành

Bệnh mạch vành còn được biết đến là tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ. Căn nguyên của hiện tượng này là do thiếu tưới máu cơ tim, dẫn tới sự mất cân bằng cung cầu oxy ở cơ tim và gây hoại tử cơ tim. Đây là bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao ở Việt Nam và trên thế giới.

Một số phương pháp đang được áp dụng hiện nay trong điều trị bệnh mạch vành:

  • Điều trị nội khoa (dùng thuốc) kết hợp thay đổi lối sống;
  • Phẫu thuật cầu nối chủ vành;
  • Can thiệp động mạch vành bằng cách đặt stent giúp tái thông đoạn mạch vành bị tắc, hẹp.

Trong đó, khác với phẫu thuật cầu nối chủ vành, can thiệp động mạch vành là phương pháp ít xâm lấn giúp khắc phục tình trạng tắc, hẹp lòng động mạch bằng stent. Bác sĩ sẽ luồn một loại ống thông nhỏ từ động mạch đùi hoặc động mạch quay vào trong động mạch vành nhằm giúp thông lòng vị trí động mạch bị hẹp bằng một dụng cụ gọi là stent.

Can thiêph đặt stent mạch vành như thế nào

Mô phỏng hình thức can thiệp động mạch vành

Bệnh nhân không cần phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ nên vẫn giữ được sự tỉnh táo và không bị đau đớn trong suốt quá trình làm thủ thuật. Mỗi ca can thiệp mạch vành sẽ được thực hiện trong khoảng 1 giờ, sau đó 2 ngày là có thể xuất viện.

2.2. Những ai cần can thiệp động mạch vành?

Sau đây là những đối tượng bệnh nhân cần tiến hành can thiệp động mạch vành:

  • Đau thắt ngực không thể kiểm soát được mặc dù đã có biện pháp điều trị nội khoa tích cực;
  • Thường xuyên đau thắt ngực, thăm khám phát hiện bị thiếu máu cơ tim và xuất hiện tổn thương ở động mành vành nơi cấp máu chính cho một vùng lớn của cơ tim;
  • Nhồi máu cơ tim cấp (ST chênh lên);
  • Nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên hoặc đau ngực không ổn định nhưng phân độ Killip cao (nguy cơ tử vong lớn);
  • Bệnh nhân bị tái hẹp động mạch vành khi trước đó đã từng can thiệp động mạch vành;
  • Xuất hiện cơn đau thắt ngực khi vừa phẫu thuật bắt cầu nối chủ vành.

2.3. Các bước tiến hành can thiệp

Trước khi đặt Stent động mạch vành bệnh nhân sẽ được bác sĩ phổ biến các thông tin cần thiết về lý do thực hiện, cách tiến hành, nguy cơ biến chứng. Sau khi đã đồng ý thực hiện thủ thuật, bệnh nhân tiếp tục trải qua những bước sau:

  • Bệnh nhân dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu trước khi can thiệp bằng thủ thuật;
  • Bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quan, đánh giá độ ổn định của các bệnh lý đi kèm nếu có (bệnh gan, thận, dạ dày, phổi,...), tiền sử dị ứng thuốc cản quang, rối loạn đông máu hay xuất huyết tiêu hóa,...;
  • Vị trí chụp và can thiệp có thể bắt đầu ở động mạch vùng bẹn hay động mạch cổ tay. Bác sĩ sẽ cạo lông, sát khuẩn sạch sẽ, đồng thời gây tê tại chỗ những vị trí này. Khi thuốc tê đã ngấm, một lỗ nhỏ đi vào lòng động mạch sẽ được bác sĩ dùng kim đâm để mở ra.

Sau đây là các kỹ thuật chính được triển khai trong quá trình can thiệp động mạch vành:

Chụp mạch vành:

Một loại ống thông được đưa vào động mạch vành để đi đến tim. Sau đó bác sĩ bơm thuốc cản quang vào mạch vành thông qua hệ thống ống thông. Toàn bộ hình ảnh của mạch vành sẽ được chụp lại và hiển thị trên màn hình giúp bác sĩ có thể nhìn rõ cấu trúc, đường đi, các tổn thương hiện có như lóc tách, tắc nghẽn, hẹp, huyết khối động mạch vành.

Nong mạch vành:

Một sợi dây dẫn mềm nhỏ gắn bóng nong sẽ được luồn qua ống thông để đến vị trí hẹp mạch vành. Bóng sẽ được bơm lên để giúp mở rộng mạch vành. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, bóng được cho xẹp lại và rút ra ngoài.

Đặt stent:

Stent là một loại giá đỡ được dùng để thế chỗ của bóng nong với tác dụng phòng tránh nguy cơ tái hẹp mạch vành. Stent ban đầu sẽ được gắn bao bọc bên ngoài bóng, theo bóng đi đến đoạn mạch cần nong. Sau khi bóng được bơm căng thì Stent cũng bung ra, áp sát vào lòng mạch máu và duy trì độ mở rộng của mạch. Bóng sau đó được làm xẹp lại, tách khỏi Stent và đi ra ngoài. Nhờ thủ thuật can thiệp, máu khi đi qua đoạn mạch này sẽ lưu thông dễ dàng hơn, giảm bớt các biến chứng nguy hiểm có thể gây ra cho tim mạch.

Can thiêph đặt stent mạch vành như thế nào

Đặt Stent mạch vành giúp “giải cứu” và hồi sinh trái tim

Trên đây là những thông tin khái quát về lĩnh vực tim mạch can thiệp và kỹ thuật can thiệp động mạch vành - một trong những thủ thuật điển hình và phổ biến nhất trong tim mạch can thiệp. Có thể thấy rằng tim mạch can thiệp là một hướng phát triển tiềm năng, đem lại những thành quả tốt đẹp trong y học và cơ hội điều trị cho nhiều người bệnh.

Nếu bạn cần được thăm khám và tư vấn thêm về các bệnh lý tim mạch, hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.