Cơ quan phân tích phân loại hàng hóa năm 2024

(HQ Online) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kiểm định, phân tích phân loại hàng hóa có nhiều thay đổi, đáp ứng nhiệm vụ mới.

Cơ quan phân tích phân loại hàng hóa năm 2024
CBCC Cục Kiểm định hải quan lấy mẫu phân tích. Ảnh: N.Linh

Tổng cục Hải quan tiến hành các hoạt động để thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo lộ trình của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể như: đề xuất cơ chế tuyển dụng nhân lực có tay nghề cao theo hình thức chuyển ngành, thực hiện Đề án thi tuyển công chức kiểm định riêng, Đề án xét tuyển viên chức theo quy định; tổ chức đào tạo chuyên gia đánh giá theo ISO 9001:2015, xây dựng chương trình đào tạo ISO 17065:2013, lấy mẫu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón và đào tạo kỹ thuật phân tích một số chỉ tiêu vi sinh...; xây dựng lộ trình và nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm để đáp ứng tiêu chuẩn là cơ sở kiểm nghiệm/tổ chức chứng nhận sự phù hợp Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ; mở rộng các chỉ tiêu Vilas, lập hồ sơ đăng ký và tham gia thử nghiệm theo lĩnh vực theo mặt hàng, duy trì các chỉ tiêu đã được công nhận…

Đối với công tác kiểm định hải quan, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận 234 vụ; Về công tác phân tích phân loại (PTPL) đã tiếp nhận 2.927 mẫu yêu cầu PTPL (giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 1.312 mẫu, tương đương 31%).

Ban hành thông báo kết quả với 2.782 mẫu, trong đó số mẫu khai báo có thay đổi đạt 41,6%, gồm 13,1% mẫu tăng thuế; 4,9% mẫu giảm thuế; 23,6% mẫu thay đổi mã số nhưng không thay đổi thuế suất, 54,4% số mẫu đúng khai báo và 4% số mẫu phân tích không phân loại.

Đặc biệt, Cục Kiểm định Hải quan đã triển khai thực hiện các quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/02/2021 của Bộ Tài chính với nhiều quy định mới về trình tự, thủ tục phân tích để phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như: thẩm quyền ký ban hành Thông báo kết quả phân loại; mỗi mặt hàng gửi yêu cầu phân tích lập 1 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm biên bản lấy mẫu. Cơ quan Hải quan nơi có yêu cầu phân tích trực tiếp gửi mẫu hoặc gửi mẫu qua đường bưu điện, không ủy quyền cho người khai hải quan.

Xây dựng Quy trình phân tích để phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng gộp Quy trình phân tích để phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Quy trình Kiểm tra, giám sát, kiểm soát Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, Thông báo kết quả phân loại thành một quy trình thống nhất.

Công tác kiểm định, phân tích phân loại hàng hóa trong thời gian qua là cơ sở để phân loại đúng mã số hàng hóa, góp phần thu đúng, thu đủ thuế cho NSNN, chống gian lận thương mại qua mã số, tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến hoạt động kiểm định, phân tích phân loại, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ký ban hành Quyết định 1657/QĐ-TCHQ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 2556/QĐ-TCHQ ngày 15/8/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Chi cục Kiểm định hải quan trực thuộc Cục Kiểm định hải quan và Quyết định 1655/QĐ-TCHQ sửa đổi, bổ sung Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Phòng thuộc Cục Kiểm định hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2558/QĐ-TCHQ ngày 15/8/2016.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Chi cục Kiểm định hải quan trực thuộc Cục Kiểm định hải quan được sửa đổi, bổ sung như sau: “Chi cục Kiểm định hải quan 2, 3, 4, 5, 6 và khu vực Đông Nam Bộ, gọi chung là Chi cục Kiểm định) là đơn vị trực thuộc Cục Kiểm định hải quan quan có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan và trực tiếp tổ chức thực hiện kiểm định, phân tích, phân loại, giám định, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi địa bàn quản lý được giao và phân công của Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 2 như sau: “2. Tổ chức thực hiện kiểm định, phân tích, phân loại, giám định, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn được giao và theo phân công của Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan”.

Khoản 3 điều 2 được sửa đổi theo hướng Chi cục Kiểm định trực thuộc Cục Kiểm định hải quan có các nhiệm vụ, quyền hạn ban hành Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, Thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất, Thông báo kết quả kiểm định, Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định.

Chi cục Kiểm định trực thuộc Cục Kiểm định hải quan thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, vướng mắc liên quan đến kết quả sau khi kiểm định, phân tích, phân loại, giám định và kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Cục Kiểm định hải quan theo quy định của pháp luật (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2).

Bên cạnh đó, quyết định của Tổng cục Hải quan cũng sửa đổi, bổ sung điểm a, c khoản 7 điều 2. Chi cục Kiểm định xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ về kiểm định, phân tích, phân loại, giám định và kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Cục Kiểm định hải quan.

Đồng thời, kiểm tra thực hiện quy chế, quy trình về công tác kiểm định, phân tích, phân loại, giám định và kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với các đơn vị hải quan thuộc phạm vi quản lý của Cục Kiểm định hải quan và phân công của Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan.