Công văn hướng dẫn sáp nhập thôn năm 2024

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 05/2022/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Theo đó, quy trình và hồ sơ sáp nhập thôn, tổ dân phố được áp dụng thực hiện như quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tại Điều 8 Thông tư 04/2012/TT-BNV .

Lưu ý: UBND cấp huyện khi nhận được hồ sơ hợp lệ do UBND xã gửi đến thì trong thời hạn 10 ngày làm việc phải có Tờ trình gửi Sở Nội vụ để thẩm định trình UBND cấp tỉnh. (Hiện hành là 15 ngày làm việc)

Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển thôn thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn.

Trường hợp giải thể thôn, tổ dân phố, sau khi thực hiện Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc Đề án sắp xếp, ổn định dân cư và các trường hợp khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Tờ trình kèm theo Danh sách các hộ gia đình thuộc thôn, tổ dân phố liên quan trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể thôn, tổ dân phố.

Trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm chi ngân sách, thời gian qua, toàn tỉnh đã sáp nhập 38 thôn không đủ điều kiện về quy mô dân số. Trong giai đoạn mới, ngoài sáp nhập 30 thôn, tổ dân phố (T,TDP) không đủ tiêu chí còn lại, thì việc thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt và sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

.jpg)Cán bộ, Nhân dân thôn Đức Phú, xã Đức Hợp trước nhà văn hoá mới được xây dựng

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18), việc sáp nhập các thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi; hầu hết các thôn sau sáp nhập đều đổi thay từ diện mạo đến đời sống của người dân.

Ngày mới ở những thôn sau sáp nhập

Tháng 7/2019, thị xã Mỹ Hào thực hiện sáp nhập 4 thôn của 2 xã Dương Quang và Hưng Long. Đến nay các thôn không chỉ duy trì tốt hoạt động quản lý, điều hành phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự mà còn nâng cao tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể.

Tại xã Dương Quang (thị xã Mỹ Hào), sau khi sáp nhập 2 thôn Vinh Quang và Lê Xá để thành lập thôn mới Lê Xá, con đường nội đồng dài hơn 1km nối 2 thôn cũ đã được đầu tư nâng cấp với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng và nhà văn hóa thôn cũng được xây mới, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Phấn khởi trước sự quan tâm đầu tư đó, thôn tiếp tục huy động Nhân dân đóng góp tiền, ngày công làm sân vận động... Nhờ vậy, thôn Lê Xá giờ khang trang hơn; giao thông cũng thuận tiện hơn, giúp người dân phát huy lợi thế phát triển cả kinh tế nông nghiệp, dịch vụ và góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Ông Bùi Ngọc Quang, người dân thôn Lê Xá (xã Dương Quang) phấn khởi cho biết: Khi địa phương triển khai sáp nhập thôn, tôi nghĩ thôn nhỏ sẽ thiệt thòi, nhưng giờ thì tôi thấy chủ trương sáp nhập là đúng. Trước đây, thôn có khoảng 100 hộ dân, tổ chức hoạt động gì cũng khó thành công vì ít người, không đủ nguồn lực kinh tế và không tạo được phong trào. Nhưng nay, việc tổ chức thực hiện các phong trào, quy ước, hương ước thuận lợi hơn, nhất là việc huy động đóng góp ngày công, kinh phí để thực hiện các công trình phúc lợi; làm kinh tế cũng thuận lợi hơn.

Năm 2019, xã Đức Hợp (Kim Động) sáp nhập 10 thôn để thành lập 5 thôn mới. Do được cung cấp đầy đủ thông tin nên cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương và chính người dân ở những thôn có quy mô nhỏ. Vì vậy, quá trình triển khai thuận lợi; sau sáp nhập, Nhân dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện các mục tiêu chung. Đồng chí Vũ Mạnh Cầm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đức Phú cho biết: Thời điểm sáp nhập 2 thôn Phú Mỹ và Thái Hòa để thành lập thôn Đức Phú, điều kiện kinh tế của người dân khu vực ngoài đê sông Hồng chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng tiêu thụ nông sản gặp khó bởi hệ thống hạ tầng không đồng bộ. Với tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của Nhân dân, sau sáp nhập, nhiều công trình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” được hoàn thành đã tạo động lực phát triển mới cho địa phương như: Nhà văn hoá thôn giá trị đầu tư 1,8 tỷ đồng; hệ thống điện chiếu sáng quanh thôn trị giá 70 triệu đồng; con đường trục chính chạy qua thôn; hệ thống camera giám sát an ninh; sân tập thể thao...

Ông Nguyễn Văn Tâm, 72 tuổi, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đức Phú hồ hởi cho biết: Việc sáp nhập đã giúp thôn thuận lợi hơn trong tham mưu xây dựng các phương án đầu tư kết cấu hạ tầng và huy động sức dân cũng dễ dàng hơn. Hiện nay, không chỉ diện mạo nông thôn thay đổi mà tư duy làm kinh tế của người dân cũng dần bắt nhịp với xu thế hiện đại như mô hình trồng chuối theo hướng VietGAP; mô hình chăn nuôi bò, lợn quy mô trang trại an toàn... Tôi tin, xã Đức Hợp sẽ khắc phục được khó khăn, phát huy sức mạnh đoàn kết, sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Bài học từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố

Nhìn lại quá trình thực hiện việc sáp nhập T,TDP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thị Tươi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của T,TDP, ngày 11/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1543-TB/TU Thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án thực hiện sáp nhập các T,TDP chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ngay sau đó, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát T,TDP theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Kết quả, 45/851 T,TDP có số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình theo quy định (đối với khu vực nông thôn là dưới 300 hộ và khu vực đô thị là 350 hộ) thuộc 27 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tinh thần Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng và Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 5/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, xin ý kiến các cơ quan chức năng; tổ chức họp Nhân dân để lấy ý kiến và lập đề án thành lập thôn mới trên cơ sở sáp nhập các thôn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ngay sau đó, HĐND tỉnh xem xét, ban hành 2 nghị quyết sáp nhập 38 thôn để thành lập 19 thôn mới tại 4 huyện, thị xã, thành phố. Căn cứ nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập T,TDP và các quy định của pháp luật hiện hành, các địa phương đã tiến hành sáp nhập T,TDP; sắp xếp, giải quyết chế độ đối với những người không tiếp tục tham gia công việc ở thôn sau sáp nhập bảo đảm dân chủ, minh bạch, đúng quy định.

Theo quy định của pháp luật, T,TDP không phải là cấp hành chính, mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nhưng lại là nơi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tế. Việc sáp nhập T,TDP ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Vì vậy, các địa phương khi thực hiện sáp nhập đều tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân thông qua việc tổ chức lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Đức Hợp (Kim Động) cho biết: Khi triển khai đề án sáp nhập T,TDP, xã bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; chỉ đạo thực hiện tập trung, đồng bộ từ khâu tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân đến lập hồ sơ theo tiến độ, từng nội dung. Quá trình sáp nhập, sắp xếp người làm việc bảo đảm nguyên tắc dân chủ, phát huy tính chủ động của những người làm việc ở thôn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có phương án tối ưu nhất lợi ích của Nhân dân. Nhờ vậy, tỉ lệ người dân xã Đức Hợp đồng thuận sáp nhập thôn thời điểm đó lên đến hơn 90%.

Câu chuyện sáp nhập thôn tại xã Lương Tài (Văn Lâm) cũng để lại bài học dân vận khéo trong vận động Nhân dân và trong giải quyết vấn đề phát sinh. Đồng chí Nguyễn Trọng Chung, Chủ tịch UBND xã Lương Tài cho biết: Thành công nhất là xã không còn thôn quy mô quá nhỏ, cắt giảm được 45 cán bộ, người làm việc ở thôn. Tuy nhiên, trong số 15 thôn, phố của xã không đủ tiêu chuẩn có tới 4 thôn, phố có quy mô rất nhỏ; khi lấy ý kiến cử tri thì các thôn nhỏ đạt tỉ lệ đồng thuận thấp. Do các thôn sáp nhập chỉ giáp ranh, không giáp cư, lại khác nhau về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và không có nhà văn hóa chung do vướng quy hoạch sử dụng đất nên sau sáp nhập phần lớn hoạt động của người dân 2 thôn cũ vẫn tổ chức độc lập. Mặt khác, do phải đảm nhiệm công việc quản lý thôn mới với đặc điểm khá phức tạp trên, đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn của 2 thôn Nhật Tảo, Nghi Lương (cũ) đã xin nghỉ vì lo ngại không hoàn thành nhiệm vụ. Đảng ủy xã phải điều động cán bộ từ xã về đảm nhiệm công việc này. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của Nhân dân trong việc sáp nhập các thôn ở xã Lương Tài.

Việc sáp nhập T,TDP trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương có T,TDP sáp nhập đều quan tâm thực hiện những điều đã hứa với Nhân dân. Đội ngũ những người làm việc ở thôn sau sáp nhập đã hoạt động ổn định; thôn mới thành lập đã khắc phục được thực trạng thôn có quy mô nhỏ, phân tán, khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tránh dàn trải, lãng phí trong đầu tư. Việc cơ cấu lại ngành nghề ở thôn cũng thuận lợi hơn; hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa.

.jpg)Diện mạo mới khang trang ở thôn Đức Phú, xã Đức Hợp (Kim Động)

Việc tăng quy mô dân số của thôn và tăng số lượng đảng viên trong chi bộ, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội cũng tạo thuận lợi hơn cho việc lựa chọn người hoạt động không chuyên trách ở T,TDP, giảm chi ngân sách và từng bước nâng cao mức đãi ngộ cho người làm việc ở T,TDP. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên. Hoạt động của hệ thống chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Khí thế thi đua ở một số địa phương sau sáp nhập cũng sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.