Cuộc sống vô thường có nghĩa là gì năm 2024

Có lẽ, một lúc nào đó trong cuộc đời ta sẽ thường hỏi: Tại sao cuộc sống này luôn luôn vận hành và biến dịch? Liệu có phút giây nào nó đứng yên không? Tại sao con người sinh ra rồi phải chết? Tại sao bông hoa nở rồi phải tàn? Tại sao lại có ngày đêm luân phiên và biến chuyển, bốn mùa đổi thay? Tại sao có ngày tháng, giờ và phút giây? Tại sao tất cả đều đổi thay mà không là thường tồn và bất biết?...

Thật vậy, cuộc sống là một chuỗi những tháng ngày vô tận hòa lẫn những cung bậc thăng trầm, trong chuỗi ngày ấy có sinh, có tử; có hợp có tan; có niềm vui, nỗi buồn; có khổ đau, hạnh phúc; có khóc, có cười,…Con người dường như cứ bị quay tít trong vòng xoay bất tận ấy. Nếu có ai đó nghiệm ra lẽ sống của cuộc đời mà sống thanh cao, siêu thoát thì khám phá ra được cuộc đời này đầy ý nghĩa, nhiều thi vị và đáng sống; trái lại có những người cả đời chỉ thấy mình bất hạnh, khổ đau, u uẩn và tuyệt vọng… Sở dĩ họ thấy bất hạnh, khổ đau là vì họ cứ neo bám đời mình trong những thứ tạm bợ, những của phù vân tại thế, những thứ mau qua chóng tàn mà không nhận ra rằng mọi thứ hiện hữu trong cuộc trần này đều là “vô thường”.

Vậy vô thường là gì? Vô thường có phải là thứ sinh ra cái khổ cho cuộc đời này không? Và vô thường có ý nghĩa gì trong cuộc sống?... Đó là một trong những những vấn đề cứ thôi thúc tôi phải tìm hiểu khi tiếp xúc và học hiểu về triết học Phật giáo.

Với cái hiểu có ngần có hạn nên trong bài làm này chỉ xin trình bày một vài khía cạnh nhỏ về quan niệm “vô thường” trong triết học Phật giáo, như là một nỗ lực trong việc suy tư, học hỏi và tìm hiểu về các tôn giáo trong quá trình nghiên cứu tại học viện Công Giáo Việt Nam.

II. Nội dung chính

  1. Khái niệm vô thường

Vô thường (tiếng Hán: 無 常; tiếng Phạn - Sanskrit: anitya; tiếng Pali: anicca) nghĩa là không chắc chắn, hay thay đổi; Một trong ba tính chất[1](s: trilakṣaṇa) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại, diệt[2]. Từ tính vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là → Khổ (s: duḥkha) và → Vô ngã (s: anātman).

Vô thường là tính chất cơ bản của cuộc sống, không có vô thường thì không có sự tồn tại; vô thường cũng chính là khả năng dẫn đến giải thoát. Vô thường là gốc của → Khổ vì Sinh, Thành, Hoại, Diệt tự nó là Khổ. Tính Vô thường của → Ngũ uẩn dẫn đến kết luận → Vô ngã, vì không có gì vừa vô thường vừa Khổ lại là một cái Ngã trường tồn được.[3]

Sự chuyển biến vô thường diễn ra rất nhanh, chỉ diễn ra trong một “Sát-na”[4](Ksana: khoảnh khắc của một ý nghĩa), nhanh hơn cái chớp mắt.

  1. Các chiều kích của “Vô Thường”

Vô thường sinh khổ, nhưng nếu không có vô thường thì không có sự tồn tại, sinh sôi, nảy nở, phát triển, tan biến và cứ thế tiếp nối nhau lên mãi làm nên dòng đời với những con người, những văn hóa, những hoàn cảnh, những lịch sử, những thời đại khác nhau…Vô thường là một quy luật tất yếu trong cuộc sống và được biểu lộ dưới các chiều kích khác nhau, bao gồm: thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.

2.1. Thân vô thường

Thân vô thường là sự thay đổi về thể lý, về thân xác trong quá trình sinh ra, lớn lên, bệnh tật, già nua rồi chết đi (sinh – lão – bệnh – tử), ngày hôm nay ta còn là một thẻ thơ, ngày mai ta đã lớn lên; ngày nay ta là một cô gái trẻ trung, nhan sắc đẹp ngời thì ngày mai ta đã về già, nhăn nheo, da mồi, tóc bạc, mắt mờ….trong cơ thể ta mỗi ngày có hàng ngàn tế bào lão hóa và chết đi nhưng đồng thời cũng có hàng ngàn tế báo mới được sinh ra. Và cái chung cuộc cho mọi kiếp người sống trên cõi trần này là cái chết. Đã là người, chẳng có ai thoát khỏi cái chết, bất kể sang hèn, giàu có hay nghèo khổ, người có quyền cao chức trọng hay kẻ túng bần khốn cùng.

Thân phận con người mong manh như sương mai đọng trên cành cây ngọn cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng làm nó tan biến đi, mới thấy đó mà cũng mất đó. Nếu hiểu được thân này là vô thường có lẽ người ta sẽ không quá bận tâm và lệ thuộc vào những thứ bên ngoài như quần áo, son phấn, trang sức, nước hoa, tiền vàng, danh vọng, địa vị, nhà cao cửa rộng…vì tất cả chỉ là vô thường nay còn mai mất, tích lũy làm chi để rồi khi từ biệt cõi trần phải ra đi với hai bàn tay trắng. Ví như bài hát “Cát bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lúc ông nhận ra quy luật của phận người, và ông đã phải ngậm ngùi thốt lên rằng: “…Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày….”

2.2. Tâm vô thường

Tâm của chúng ta luôn thay đổi bởi sự tri giác bên ngoài của các giác quan (lục giác)[5], từ buồn phiền sang vui vẻ, từ chán nản sang hưng phấn, từ đau khổ sang hạnh phúc, từ căm ghét sang yêu thương, từ giận dữ sang hiền hòa…có thể sáng nay ta vui đó nhưng đến chiều ta lại trở nên cáu kỉnh, gắt gỏng; có thể hôm nay ta phấn chấn, hăng say làm việc, nhưng ngày mai ta lại mệt mỏi, uể oải chẳng muốn làm gì… Khi ta vui ta biết rằng ta sẽ không vui mãi, khi ta buồn ta cũng biết rằng ta không buồn mãi.

Vì tâm ta cũng vô thường, nên ta cần tỉnh thức, nuôi dưỡng và giữ cho Tâm thật vững vàng, đừng để ta bị nghiêng theo chiều gió và để người khác hay hoàn cảnh chi phối cái Tâm của ta khiến ta cứ ương ương, dở dở, khi thế này khi thế khác. Ta cũng cần giữ thái độ trung dung, quân bình và một cái Tâm an tịnh trước mọi biến cố, có thể đó là những biến cố vui mừng hay đau thương xảy ra trong đời khiến tâm ta dao động như biến cố người thân ta qua đời, bạn đời ta lâm trọng bệnh hay con cái ta gặp tai nạn,…

2.3. Hoàn cảnh vô thường

Mọi sự vật xung quanh luôn biến đổi, nước chảy đá mòn, dòng sông chảy ra biển lớn, phù sa khi lở khi bồi, vầng trăng khi khuyết khi tròn, bông hoa sớm nở tối tàn…đó là thiên nhiên còn hoàn cảnh xã hội, gia đình ta, hàng xóm láng giềng, con người, xã hội, đất nước, chế độ mà ta sống…cũng mỗi thời mỗi khác. Cuộc đời của ta ngày hôm qua chắc chắn sẽ khác ngày hôm nay, và ngày hôm nay cũng sẽ không giống ngày mai, mọi thứ đều đổi thay, liên tục vận hành, liên tục trôi chảy.

Vì biết rằng mọi sự đều thay đổi và luôn biến chuyển không ngừng nên ta cần giữ cho mình cái Tâm bình an và thấu hiểu lẽ sống trong đời: cha mẹ ta rồi sẽ mất, anh em ta rồi sẽ già, con cháu ta rồi sẽ lớn, hàng xóm láng giềng người dễ người khó; cái áo, cái xe, cái laptop, Iphone… ta ưa thích rồi cũng sẽ cũ, hư nát và phế thải; hôm nay, ta có tiền, ngày mai ta tay trắng; hôm nay ta sống trong đất nước này, chế độ này, biết đâu ngày mai ta sống trong một chế độ khác; Những con người thời Cổ đại khác với con người thời Trung cổ, thời Trung cổ khác với thời Cận đại, thời Cận đại khác với thời Hiện đại và thời hiện đại càng khác hơn so với thế hệ hôm nay; đất nước trước và sau “giải phóng” cũng có những biến đổi rõ rệt, chế độ này xuống thì chế độ khác lên ngôi trị vì …. Tất cả và tất cả, vạn vật đều đổi thay chẳng có gì thường tồn mãi mãi. Thay vì nuối tiếc cho những gì đã mất sao ta không thay đổi chính mình, trân trọng từng phút giây, hoàn cảnh, thời thế mà ta đang sống để yêu thương, biết ơn, tôn trọng những con người đang sống xung quanh ta, chăm sóc, quan tâm, đối xử chân thành, dịu dàng với họ hơn là chua cay gắt gỏng, nóng nảy, thóa mạ, giận hờn, ganh ghét, lẩm bẩm, kêu ca, oán Trời, trách đời, trách phận, trách người…

  1. Thực hành “Vô Thường”

Khi nhận biết đời là vô thường và vô thường đóng một vai trò khá quan trọng trong cuộc sống, người ta tìm ra nhiều cách thức khác nhau để tập luyện, để thực hành vô thường. Trong đó “Quán thân vô thường” là một trong những phương thức phổ biến nhất. Vậy “Quán thân vô thường là gì?

Quán thân (Thân quán: 身 觀); P: kāyagata-sati): chỉ sự tỉnh giác, chú tâm vào thân thể. Một phần tu tập được ghi lại trong kinh → Bốn niệm xứ (p: satipaṭṭhāna), bao gồm: tỉnh giác trong lúc thở ra, thở vào cũng như trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm (→ Hành, trụ, toạ, ngọa); tỉnh giác trong mọi hành động; quán 32 thân phần.[6]

Vậy, “Quán thân vô thường” là để tâm suy nghĩ về những gì ta đã thấy trong cuộc đời, rút ra bài học, phản tỉnh cho đời để rồi cải biến con người, tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ, luyện lọc lòng thanh hầu mong tâm tịnh lòng an, sống an nhiên tự tại không chút vướng bận vào vật chất thế gian này.

Như vậy, quán thân vô thường thực sự là một việc làm rất cần thiết và quan trọng. Bởi vì, thứ nhất, nó nhắc nhớ chúng ta về những giá trị trong đời sống để chúng ta biết trân quý, gìn giữ và phát triển nó không những cho ta mà còn cho cả những người xung quanh ta. Thứ hai, khi nhận thức đời là vô thường ta sẽ không quá bận tâm vào những gì không hợp ý ta khiến ta chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng, đồng thời khơi lên một niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Thứ ba, thấy vô thường trong mọi sự để rồi ta giữ lòng mình tránh khỏi những tham, sân, si trong đời mà sống thanh tịnh, điềm nhiên.

III. Phản tỉnh

Vô thường sinh ra khổ, làm cho vạn vật đều đổi thay, đã bước vào cõi đời này thì không ai thoát khỏi quy luật vô thường. Nhưng nếu không có vô thường thì hạt lúa rơi xuống đất sẽ không trổ sinh bông hạt, con người sinh ra mà không chết đi thì thế giới này chật ních người với người, mọi sự cứ đứng lì tại chỗ thì làm gì có lịch sử, quá khứ, hiện tại hay tương lai, và tôi tự hỏi: thế giới này sẽ như thế nào nếu không có vô thường? Một khihiểu rõ thế gian vô thường thì ta sẽsống năng động, tích cực, và lạc quan hơn.

Là một nữ tu, khi cảm nghiệm được cái hay cái sáng trong quan niệm vô thường của Phật giáo, tôi thấy chính mình cũng được phản tỉnh nhiều điều:

Nếu thân này là vô thường thì tôi nhắc nhớ mình đừng quá lo chăm chút cho cái dáng vẻ bề ngoài của thể xác, nhưng tiên vàn hãy đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài còn những thứ khác Ngài sẽ ban cho, như Người từng nhắc: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…”[7] hay “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”[8]

Nếu Tâm này là vô thường thì tôi đừng quá bận tâm đến những hiểu lầm, hoài nghi, đố kị ghanh ghét, bất công, thiên vị, những yêu thương thái quá, những vui buồn, hờn giận trong đời tu từ những người khác, từ chị em hay từ các vị hữu trách gây nên cho tôi khiến tôi có lúc phiền lòng, chán nản, mệt mỏi, bất an, dày vò, thậm chí là tuyệt vọng và có khi còn muốn từ bỏ ơn gọi cao quý này. Nhưng, thay vào đó là thái độ tin tưởng, yêu thương chân thành, dấn thân hăng say phục vụ và tươi vui theo Chúa vì tin rằng phần thưởng là Nước Trời mai hậu.

Nếu hoàn cảnh này là vô thường thì tôi cần nhắc nhở mình nơi tôi đang ở, Hội Dòng tôi đang định cư, Giáo Hội tôi đang hiện diện, sứ mạng tôi đang phục vụ… tất cả vẫn đang phát triển và tôi có bổn phận chung tay, góp sức, cộng tác sức lực nhỏ bé của mình để cùng với mọi người xây dựng, kiến thiết, tiếp bước người đi trước trong công cuộc loan truyền và mở mang Nước Chúa ngay tại trần gian này.

Bên cạnh đó, vô thường cũng cần được áp dụng trong đời sống cộng đoàn, trong giáo dục nhân bản để nhìn thấy điều tốt, lòng thiện chí nơi Tâm hồn mỗi người và khả năng cải biến, sám hối, tu sửa để nên hoàn trọn trong nhân cách, thăng tiến bản thân hay trên hành trình theo Chúa.

Cuối cùng, vô thường còn là lời nhắc nhở tôi về niềm tin của chính mình. Đang khi Phật giáo nghiệm ra lẽ vô thường để “giác ngộ” để đạt đến “niết bàn”, thì tôi – một nữ tu Công giáo phải nghiệm ra vô thường trong vạn vật và trong chính tôi để hướng vọng đời mình vươn lên một chiều kích siêu việt, vượt trên hết mọi thực tại, thường tồn, bất biến đó là chính Thiên Chúa – là niềm tin, là tình yêu và là niềm hy vọng của chính tôi, Đấng đem lại cho tôi ơn cứu độ và sự sống vĩnh hằng, Đấng là khởi nguyên và tận cùng của thế giới, là Anpha và Omega.

Xin cám ơn lẽ “vô thường”, để tôi biết trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua trong cuộc trần này, để tôi biết “nhìn về quá khứ với niềm tri ân, hướng đến tương lai với niềm hy vọng và sống giây phút hiện tại này cách say mê.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đạo Uyển, Từ điển Phật học, Lưu hành nội bộ, 2001.
  1. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Nbx. Hồng Đức, 2014.

WEBSIDE

  1. https://thuvienhoasen.org/a12721/28-vo-thuong-vo-nga (8:00 pm, 22/12/2019).
  1. https://thuvienhoasen.org/a25971/nguyen-ly-vo-thuong-trong-triet-hoc-phat-giao (8:33- pm, 22/12/2019).
  1. https://chienluocsong.com/triet-hoc-phat-giao-p2-vo-thuong/ (8:18 am, 23/12/2019).
  1. http://vuonhoaphatgiao.com/phat-phap/giao-phap/vo-thuong-kho-vo-nga/hieu-cho-dung-nghia-vo-thuong-cua-dao-phat/ (8:43 pm, 22/12/2019).
  1. https://thuvienhoasen.org/p22a16241/ba-phap-an (8:29 pm, 26/12/2019).
  1. https://thuvienhoasen.org/a13295/tam-phap-an-giao-ly-trong-dao-phat (8:35pm, ngày 26/12/2019).
  1. http://tuhanhdungchanhphatphap.net/tra-loi-cho-doc-gia/quan-vo-thuong-quan-bat-tinh-la-sao-629.html (8:56 pm, 26/12/2019).
  1. http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/15885-phan-1-cuoc-doi-vo-thuong.html (8:54 pm, 29/12/2019).


[1] Ba tướng (ba tánh) của vạn vật gồm:

- Vô thường: không thường hằng, hay thay đổi, không vĩnh viễn.

- Vô thân: tự mỗi sự vật là giả hợp.

- Vô thỏa: không được mãn nguyện, không được thỏa lòng.

[2] Sự biến đổi của vạn vật trải qua bốn giai đoạn: Sinh, thành, dị, diệt hay còn gọi là thành, trụ, hoại, không:

- Sinh là sự xuất hiện trong không gian, thời gian.

- Thành là sự phát triển, lớn lên.

- Dị là sự suy thoái, tàn lụi.

- Diệt là sự chấm dứt sinh mệnh.

Tuy nhiên, Diệt không phải là chấm dứt hẳn để trở thành hư vô, nhưng là khởi sự cho một cái sinh mới. Bốn giai đoạn trong một chu kỳ trên được gọi là “Nhất kỳ vô thường”. (x. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, Nbx. Hồng Đức, 2014, p.550).

[3] Đạo Uyển, Từ điển Phật học, Lưu hành nội bộ, 2001, p.543.

[4] Sát-na: 剎 那; C: chànà; J: setsuna; S: kṣaṇa; Một khoảng thời gian rất ngắn, một đơn vị thời gian của một niệm, một ý nghĩ. (

Cuộc đời vô thường nghĩa là gì?

Đời vô thường là gì? Đời vô thường ta có thể dễ dàng hiểu, đó là cuộc sống luôn có sự thiên biến vạn hóa, thay đổi không ngừng nghỉ. Cũng bởi vậy, mà con người không thể nào dự đoán trước được tương lai, sự việc nào đến sẽ đến và không thể thay đổi.

Chú vô thường có nghĩa là gì?

Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là Thành, Trụ, Hoại, Không (sinh, trụ, dị, diệt). Có thể nói, Vô thường là phép quán chiếu, hay nói một cách khác, vô thường là một đối tượng trong tu tập quán chiếu. Từ đó, Vô Thường là một phép thực tập Định trên Vô Thường.

Vô thường là gì ví dụ?

Rồi cách hiểu vô thường, thí dụ như người bình thường nói rằng cái bàn này bây giờ có đây nhưng chắc 5-7 năm nữa nó hư hỏng rồi, người ta đưa nó làm phế liệu, vứt nó đi, không còn tồn tại cái bàn này nữa. Như vậy cái bàn này là vô thường, lúc này có đây nhưng 7 năm nữa nó mất cho nên gọi là vô thường.

Quán vô thường có nghĩa là gì?

Quán tưởng vô thường là một trong những nội dung tu tập quan trọng của giáo pháp Thế Tôn. Với người bình thường, chỉ cần bình tâm quan sát chính thân tâm của mình và cuộc sống xung quanh cũng dễ dàng nhận ra sự vận động, chuyển dịch, không thường hằng của vạn sự vạn vật.