Đại học Ngoại thương có ký túc xá không

YMCONLINE.COM – Vào mỗi dịp nhập học khóa mới, ký túc xá luôn là một trong những chủ đề được tân sinh viên quan tâm. Chắc hẳn các em sẽ thắc mắc làm thế nào để đăng ký được ký túc xá hay ở ký túc xá có ưu nhược điểm gì? Hi vọng 1001 chuyện-chưa-kể dưới đây sẽ giải đáp được tất tần tật thắc mắc đó. 

Đăng ký KTX – dễ hay khó?

Thời gian nhập học chính là lúc mở đơn đăng ký KTX. Những bạn muốn ở tầng thấp thì nên đăng ký sớm. Đầu tiên, tân sinh viên hãy đến phòng đăng kí ở KTX 7 tầng [lúc nhập học em sẽ được chỉ dẫn], vào đó xuất trình giấy tờ và chứng minh diện ưu tiên [nếu em có]. Khi ấy, em sẽ được phát 1 tờ đơn đăng kí KTX rồi nộp lại cho các cô chú quản lý chờ xét duyệt từ thầy trưởng phòng thiết bị. Nếu đơn được duyệt thì sinh viên sẽ được gọi lên kí hợp đồng và 1 số thủ tục khác nữa… Sau đó sẽ là thủ tục xét phòng, sinh viên phải đi nộp tiền ở phòng quản lý hành chính nhà A [tiền cọc 200k, thêm 3 triệu đóng cả năm nữa]. Nếu sinh viên thuộc diện ưu tiên, em hãy cứ yên tâm rằng slot ở KTX luôn dành cho mình nhé.

Không phải cứ càng đông sẽ càng vui

“Ở KTX cho an toàn”, “ở KTX càng đông càng vui”, “ở KTX chả bao giờ phải lo nghĩ tiền điện nước”, …

“Người ta” nói là thế, nhưng có thật ở KTX chỉ toàn những “màu hồng” như thế? Câu trả lời là cái gì cũng có hai mặt của nó và việc sống trong KTX cũng vậy. Sống trong môi trường tập thể, cảnh “ăn chung ở chung” đôi khi cũng gây ra những phiền toái. Thử tưởng tượng mà xem, khi còn ở nhà với bố mẹ, “chiến tranh lạnh” giữa em với bố mẹ vẫn thi thoảng xảy ra vì đôi điều bất đồng quan điểm. Vậy thì bước vào KTX, phải sống với 7 người xa lạ, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi.

Gần chục người sống ở một căn phòng – làm sao đây???

Sự đông đúc của KTX cũng khiến FTUers nhiều phen “điêu đứng”. Phòng 7-8 người mà chỉ có một nhà vệ sinh, biết ai chờ ai mỗi khi tất cả cùng đi học ca 1 buổi sáng hay mỗi chiều đến giờ tắm giặt???

Ở KTX cũng không đồng nghĩa với việc em sẽ chẳng phải lo lắng gì về an ninh. Ngược lại, một nơi đông đúc như KTX, vấn đề an ninh trở thành nỗi “nhức nhối” hơn cả. Ở KTX, người ra vào thì nhiều, người em quen lại chả bao nhiêu. Đừng để 1 phút lơ là, không chú ý bảo quản tài sản của mình biến em thành “nạn nhân” của một vài tật xấu của ai đó nhé.

Tình yêu nấu nướng – Mình chia tay từ đây

Vì quy định KTX không cho tự nấu ăn, FTUers phải tìm kiếm các quán ăn ngoài khiến chi phí thỏa mãn cái dạ dày ngày càng tăng. Tuy nhiên, quy định là cứng nhắc, các cô chú ở KTX lại không phải các quy định. Vì vậy KTX-er vẫn có thể dùng bếp từ, chảo điện,… để nấu ăn miễn là sạch sẽ. Nhưng với những bạn yêu nấu ăn thì nấu ăn trong KTX quả là “cực hình”. Đương nhiên rồi, em không thể quẩy tung cái bếp, sáng tạo đủ món với điều kiện nấu ăn “hạn chế” của KTX được.

Nấu ăn – nỗi ám ảnh bất tận…

Nỗi ám ảnh giờ giới nghiêm

Ở trong KTX, em buộc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về giờ giấc. Giờ giới nghiêm luôn luôn là 11h, về sau giờ đấy các bác bảo vệ đã khóa cổng, em sẽ phải “lạc trôi” đi đâu đó. Bởi vậy nỗi khổ thường trực của dân KTX là bỏ lỡ những kèo bonding “overnight” đầy thú vị.

Nhưng chắc gì ở KTX đã là không hay…

Nhất cự ly, nhì tốc độ

Cái lợi đầu tiên của KTX chính là gần trường. Chẳng phải có câu “Nhất cự ly, nhì tốc độ” đó hay sao. Với cái thời tiết như cô gái đang yêu của Hà Nội, thoáng mưa thoáng nắng thì cư dân KTX chả bao giờ lo trễ điểm danh cả. Cũng bởi ưu thế này, các KTX-ers thường “tự thưởng” cho mình một buổi sáng ngủ dài hơn so với các bạn khác.

Không cần dậy sớm vẫn đến lớp đúng giờ!

Bài toán kinh tế siêu lợi nhuận

Ở KTX còn là lựa chọn siêu tiết kiệm. Cứ làm thử một phép toán đơn giản thì biết. Phí ở KTX 1 năm là 300k/tháng x 10 tháng = 3.000.000 đồng. Trong khi đó thuê nhà 1 tháng ở trọ đã là 3.000.000 đồng. Bất ngờ nhỉ?

Góc ôn thi lý tưởng

Mỗi dịp thi cử cư dân KTX sẽ có hàng loạt địa điểm ôn thi lý tưởng, đảm bảo “không đụng hàng”. Mỗi tầng KTX đều có 1 phòng học chung, có bàn ghế đèn điện cho FTUers thoải mái học bài, ôn thi. FTUers ở KTX cũng rất trọng dụng thư viện trường, đây là địa điểm lui tới khá thường xuyên của dân kí túc.

Kết bạn thật dễ dàng

Cuối cùng đừng bỏ qua cơ hội làm quen các bạn du học sinh vô cùng đáng yêu khi ở KTX nhé. Một K55 chia sẻ: “Đầu năm ngoái, lúc đi dạo hành lang các tầng, mình có bắt gặp một anh và bắt chuyện cùng. Tiếng Việt của anh ấy khá quá khiến mãi về sau mình mới phát hiện ra anh là người Lào. Sau này hai anh em vẫn chơi rất thân, hè vừa rồi mình còn được anh ấy mời về Lào chơi một tuần.”

Tạm kết

Ở ký túc xá hay không, tất cả là do em lựa chọn. Hãy suy nghĩ thật kỹ, xem xét khả năng kinh tế cũng như sở thích cá nhân để đưa ra quyết định đúng đắn nhất nhé. Chúc các em sẽ thuận buồm xuôi gió để “an cư lập nghiệp”!

Ngân Giang – Minh Quiry

Nguồn ảnh: Internet

  • Ký túc xá, Ngoại thương và bọn tớ
  • 31/07/2020
  • In "F-Tour"
  • Sức trẻ 69 - Hành trình tạo nên những kỷ lục
  • 14/09/2021
  • In "Nội san Sức trẻ"

Video liên quan

Chủ Đề