Đánh giá truyền thống hiếu học của dân tộc việt nam

[HNM] -Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Những phong trào học tập do Người phát động lan tỏa rộng khắp và trở thành nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo. Trong lĩnh vực mỹ thuật, có hàng nghìn tác phẩm của các thế hệ nghệ sĩ thể hiện sinh động truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc cũng như sự tiếp nối đến ngày nay.

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” thu hút nhiều lượt khách tham quan. Ảnh: Thụy Du

Mang giá trị giáo dục tốt đẹp

Ngày 15-9-1945, trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Vào những năm đầu giành độc lập, phong trào “Bình dân học vụ” và các hoạt động cổ vũ, động viên học tập do Người phát động lan tỏa và được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện, trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ tạo hình. Nhiều tác phẩm vừa có giá trị ghi lại sinh động những giai đoạn lịch sử của dân tộc, vừa có giá trị giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông học tập, rèn luyện, phấn đấu đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có mặt tại Triển lãm “Truyền thống hiếu học” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân dịp Quốc khánh 2-9 và chào đón năm học mới 2022-2023, nhà điêu khắc Vương Học Báo say sưa ngắm tác phẩm thạch cao “Chữ A đầu tiên”, được ông sáng tác năm 1950. Ông kể, trong một lần đi thực tế về vùng nông thôn, gặp cảnh một bà mẹ đang dạy con những nét chữ đầu đời, ông đã tái hiện hình ảnh đó với ý nghĩa, mẹ chính là người thầy đầu tiên của bất cứ trẻ em nào. Đã hơn 40 năm kể từ khi được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm, ông lại có dịp ngắm tác phẩm của mình và những tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ khác.

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” gồm 50 tác phẩm của 44 tác giả được sáng tác từ sau năm 1945 đến gần đây, trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang. Đây là một phần trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về chủ đề này, trong đó, có nhiều tác phẩm lần đầu được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Ở đây, người xem có thể gặp lại những tác phẩm sinh động về phong trào “Bình dân học vụ”, như: “Lớp trung học đầu tiên” [Diệp Minh Châu], “Lớp học bình dân làng Bền” [Trần Văn Cẩn], “Bủ Đường biết đọc” [Tô Ngọc Vân], “Đi học bình dân” [Lê Công Thành]…; hay các lớp học thời chiến: “Lớp học miền núi” [Hoàng Đạo Khánh], “Lớp 5 dưới lòng đất” [Ngô Tôn Đệ], “Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên” [Nguyễn Thế Vinh], “Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi” [Đào Hữu Phước], “Giúp đỡ bạn” [Đào Văn Can], “Đi học đêm” [Nguyễn Thế Minh]…

Triển lãm còn có những tác phẩm được sáng tác sau khi đất nước thống nhất, thể hiện những góc nhìn khác nhau về chủ đề học tập, như: Tác phẩm điêu khắc “Học nhóm” [Hứa Tử Hoài], tranh sơn mài “Nhà trẻ” [Nguyễn Kim Đồng], tranh khắc gỗ “Học thêu” [Vi Kiến Thành]…

Tiếp nối truyền thống

Trần Linh - sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Đại Nam [Hà Nội] tham gia hoạt động tình nguyện hướng dẫn khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Những tác phẩm gợi cho em nhớ về thầy cô, mái trường xưa, giúp em hiểu thêm về sự hiếu học của các thế hệ ông bà, cha mẹ, dù khó khăn, gian khổ vẫn ham học. Em rất tự hào và sẽ tích cực giới thiệu đến khách nước ngoài về truyền thống hiếu học của dân tộc”.

Ngày nay, việc học tập được mở rộng, không chỉ ở trường, lớp mà còn qua các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, truyền kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhau. Do đó, đề tài này vẫn luôn hấp dẫn các thế hệ nghệ sĩ. Giới thiệu về tác phẩm “Học thêu” sáng tác năm 2004, có trong triển lãm lần này, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, bức tranh được thể hiện trên chất liệu khắc gỗ, về một nhóm những người phụ nữ dân tộc thiểu số đang hướng dẫn nhau thêu thổ cẩm - một nét văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Tác phẩm còn thể hiện tình đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, truyền thống hiếu học là một chủ đề luôn cập nhật, thú vị, không chỉ có giá trị phản ánh tinh thần hiếu học được tiếp nối qua các thế hệ đến ngày nay, mà còn truyền tải được nhiều thông điệp giáo dục ý nghĩa trong cuộc sống.

Nghệ sĩ nhân dân, họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam cho rằng, văn học, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng luôn đồng hành với đời sống, những vấn đề mà xã hội quan tâm. Đối với chủ đề học tập, các thế hệ đi trước sáng tác chủ yếu theo trường phái hiện thực, dung dị, gần gũi, dễ tiếp cận với công chúng. Trong khi đó, các nghệ sĩ hiện nay có thể chọn nhiều góc nhìn, hình thức học khác nhau trong đời sống đương đại để phản ánh, bằng những khuynh hướng, cách thức thể hiện mới mẻ, hiện đại hơn...

Chủ Đề