Đoàn văn công trung quốc chết ở hồ tây

Hồ Tây được xem như lá phổi của thủ đô Hà Nội, đồng thời cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của mảnh đất nghìn năm văn vật, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.

Chính vì thế, xung quanh Hồ Tây [còn có tên gọi Dâm Đàm, Lãng Bạt] cũng chứa đựng nhiều truyền thuyết li kỳ, liên quan đến những trận cuồng phong. Một trong số đó đã gây ra cái chết cho 4 nghệ sĩ trong đoàn văn công Trung Quốc sang biểu diễn tại nước ta cách đây hơn nửa thế kỷ.

Theo Đời sống pháp luật, vụ tai nạn thảm khốc tại Hồ Tây có được nhắc tới trong cuốn sách Tướng Nguyễn Sơn, do Nhà xuất bản Lao động in tại Hà Nội năm 1994. Cụ thể, vụ tai nạn được đề cập trong bài viết “Nhớ bác Sơn” của Giáo sư Vũ Tuấn.

Trong bài viết này, Giáo sư Vũ Tuấn nhắc, năm 1955 ông nhận được lá thư của Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn từ Bắc Kinh gửi về và chia sẻ tâm trạng tiếc thương vì đoàn văn công sang biểu diễn ở Hà Nội đi thuyền ngắm cảnh Hồ Tây, chẳng may bị gió xoáy, có mấy người chết.

Từ đó, dân gian thêu dệt lên một số giả thuyết cho rằng nhóm văn công Trung Quốc định trấn yểm, nhưng đụng đến long mạch của đất Việt nên đã bị các thế lực bí ấn nổi trận cuồng phong nhấn chìm.

Theo một số nguồn chưa được kiểm chứng, vào ngày 11/9/1955, chính quyền Trung Quốc cử một đoàn văn công sang Việt Nam biểu diễn tại Hà Nội. Nhân dịp này, một số người của đoàn văn công xin “vãn cảnh” Hồ Tây bằng thuyền. Họ đi đến vị trí có thể đã được xác định ở trên Hồ Tây, rồi một trong số những người trên đấy định thả mấy lá bùa màu vàng hay một thứ gì tương đương xuống dưới hồ. Nhưng lúc họ đang làm thì bất ngờ một thác nước lớn từ dưới hồ bật lên và nhấn chìm con thuyền. Trong số những nghệ sĩ Trung Quốc không may tử nạn có ca sĩ Khương Nãi Tuệ và cây sáo nổi tiếng Phùng Tử Tồn.

Trong cuốn Dư địa chí cũng có nhắc tới sự kiện một tướng của Mã Viện là Bình Lạc hầu Hàn Vũ, khi sang đây đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng [năm 40-43] thì có đi thuyền trên Hồ Tây và bị lốc xoáy nhấn chìm. Vì vậy, Mã Viện – danh tướng gắn liền với giai thoại “cột đồng Mã Viện” để trấn yểm Giao Chỉ – đã đặt tên cho Hồ Tây là Lãng Bạt. Tên gọi này mang ý nghĩa, hồ đầy sóng dữ mặc dù Hồ Tây không phải lúc nào cũng nổi sóng.

Đương nhiên, những giả thuyết này đều bị giới khoa học cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử bác bỏ. Nhưng với một hồ nước ngọt lớn rộng tới 5,3km2 thì nếu có gió to thì cũng sẽ hình thành những gợn sóng lớn đủ sức nhấn chìm thuyền bè, dù hiện tượng này không thường xuyên xảy ra.

Kỳ án Thái sư Lê Văn Thịnh

Tuy vậy, điều đó không xóa tan đi những giai thoại được thêu dệt từ cả ngàn năm qua, ẩn sau màn sương mù đã trở thành “đặc sản” của Hồ Tây, nhất là khi lịch sử nước Việt từng ghi lại một đại án gây chấn động. Vụ án Hồ Dâm Đàm gắn liền với Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam vào thế kỷ thứ 11.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại vụ án như sau: “Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua [Lý Nhân Tông] ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném.

Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận [nay được thờ ở đình Võng Thị] quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thích nghịch”.

Thái sư Lê Văn Thịnh giờ được thờ tại Bắc Ninh

Giới sử học sau này đã minh oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh, dù chưa thống nhất được nguyên nhân khiến ông bị Vua xử phạt. Có thuyết cho rằng có sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo [quốc giáo thời đó] với Nho giáo mà Lê Văn Thịnh là đại diện.

Truyền thuyết về Hồ Tây

Cũng phải nói thêm rằng nguồn gốc Hồ Tây cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết mang màu sắc hoang đường.

Tên gọi cổ xưa nhất của Hồ Tây là Đầm Xác Cáo, gắn liền với sự tích hồ ly tinh chín đuôi trong sách Lĩnh Nam Chích Quái [1492].

Theo đó ở phía tây thành Long Biên có hòn núi đá nhỏ, có con Hồ Tinh [yêu quái cáo, con quái sau Ngư Tinh, trước Mộc Tinh] chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể biến hóa vạn trạng, khi thành người khi thành quỷ ở khắp dân gian. Lạc Long Quân bèn ra lệnh cho sáu đạo quân của thủy phủ dâng nước lên công phá bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu. Hồ Tây chính là hang con cáo chín đuôi phá hoại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá. Do đó, hồ có tên là đầm Xác Cáo.

Những địa danh xung quanh Hồ Tây cũng gắn liền với tên gọi Xác Cáo như Hồ Khẩu, Cáo Đỉnh, Lạc Long Quân, Âu Cơ…

Một số tài liệu khác lại ghi chép rằng, người trừ con cáo chín đuôi ở Tây Hồ khi ấy là Huyền Thiên Chấn Vũ, vị thánh sau này được thờ tại đến Quán Thánh, ven Hồ Tây.

Một tên gọi khác của Hồ Tây là Hồ Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng. Truyện kể về thiền sư Minh Không, có sức khỏe phi thường, muôn người không địch nổi.

Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy tất cả đồng đen trong kho bỏ vào tay nải và thả nón tu lờ làm thuyền, bơi về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật, tức An Nam Tứ Đại Khí, gồm có: Tượng Phật cao 6 trượng, chóp đỉnh tháp Báo Thiên chín tầng, đỉnh đồng có đường kính 10 sải tay và một quả chuông đồng cực lớn.

Đình Ngũ Xã thờ hòa thượng Minh Không

Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh “Đồng đen là mẹ của vàng” ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh. Trâu vàng quần quanh mãi mà vẫn không thấy, khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu. Quả chuông sau một hồi cũng đổ sụp xuống hố sâu. Trâu vàng cũng theo đó nhảy xuống và nằm bên cạnh, chẳng bao lâu sau vùng đất bị trâu vàng dẫm sụt, nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông. Từ đó, quả chuông cứ nằm mãi dưới lòng hồ không ai vớt lên nổi và trâu vàng vẫn cứ nằm mãi bên cạnh quả chuông dưới đáy nước sâu mà không quay về phương Bắc nữa. Do vậy người ta bèn đặt tên cho hồ là hồ Kim Ngưu.

Thiền sư Minh Không về sau được thợ đúc đồng vùng Ngũ Xã [ven Hồ Trúc Bạch cạnh Hồ Tây] thờ làm tổ sư nghề đúc đồng. Trong đình có tượng tổ sư bằng gỗ cao 1m70, trong chùa có pho tượng đồng A Di Đà cao 3m95, chu vi 11m60, nặng 10 tấn. Đây là pho tượng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Chủ Đề