Ggiao1duc5 giới tính ở độ tuổi nào là thích hợp năm 2024

Công tác giáo dục giới tính (GDGT) cho lứa tuổi học sinh và sinh viên tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ và cần được cải thiện. Theo báo Tuổi Trẻ online, mỗi năm Việt Nam có gần 300.000 – 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19. Đây là con số đáng báo động và cho thấy sự cấp thiết cũng như quan trọng của việc GDGT cho trẻ em và thế hệ trẻ.

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH LÀ GÌ?

Trong bản thảo chính sách số 2 về giáo dục giới tính của Tổ chức y tế thế giới WHO, Trung tâm liên bang về giáo dục sức khỏe của Đức (BZgA) và Quỹ dân số Hoa Kỳ có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ (2016), GDGT được định nghĩa là:

“Quá trình giảng dạy về nhiều khía cạnh xoay quanh tình dục bao gồm: tư duy, cảm xúc, tính xã hội, tính tương tác và mặt thể xác”.

GDGT không nên được hiểu là cổ xúy hoặc khuyến khích người trẻ quan hệ tình dục.

Trong tài liệu Các tiêu chuẩn về GDGT tại Châu Âu (trích trong BZgA, UNPFA & WHO, 2016), các chuyên gia đã nói rằng:

“GDGT bắt đầu sớm ở thời thơ ấu và phát triển xuyên suốt độ tuổi vị thành viên và trưởng thành. Đối với trẻ em và thế hệ trẻ, GDGT hướng đến việc hỗ trợ và bảo vệ sự phát triển về thể chất. Từ đó trao quyền và trang bị cho các em những thông tin, kỹ năng và giá trị tích cực để hiểu và tận hưởng hoạt động tình dục, có mối quan hệ an toàn và đủ đầy, có trách nhiệm với sức khỏe tình dục và sự hạnh phúc của chính các em và người khác”.

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC GIỚI TÍNH HIỆU QUẢ LÊN SỨC KHỎE THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA TRẺ EM VÀ THẾ HỆ TRẺ.

Có thể nói, GDGT sớm sẽ xây dựng nên một nền tảng vững chắc và an toàn cho quá trình trưởng thành. Vì các chủ đề được giảng dạy gồm có: hiểu về cảm xúc, quá trình sinh sản, hiểu về gia đình, mối liên hệ giữa con người với nhau, quan hệ an toàn, xây dựng sự tự tin và kỹ năng giao tiếp.

Với một chương trình GDGT hiệu quả, các lợi ích sau đã được một số nước Châu Âu và Châu Á công nhận và có số liệu thống kê (BZgA, UNPFA & WHO, 2016):

  • Giảm tỷ lệ trẻ em gái vị thành niên (15-24 tuổi) mang thai và phá thai.
  • Giảm tỷ lệ mắc phải các căn bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
  • Giảm tỷ lệ mắc HIV.
  • Giảm tỷ lệ bạo hành tình dục và tỷ lệ kỳ thị người đồng tính.

Ngoài ra, các lợi ích khác về mặt tinh tinh thần có thể kể đến:

  • Tăng độ nhận biết về quyền con người.
  • Tăng sự tôn trọng, chấp nhận, khoan dung và cảm thông với người khác.
  • Thúc đẩy bình đẳng giới.
  • Tăng sự tự tin và lòng tự trọng.
  • Có kỹ năng sử dụng các biện pháp tránh thai.
  • Trao quyền và đoàn kết.
  • Phát triển tư duy phản biện.
  • Có kỹ năng đàm phán, ra quyết định và quyết đoán.
  • Tăng sự giao tiếp giữa ba mẹ và con cái.
  • Có mối quan hệ hạnh phúc, hai bên tôn trọng lẫn nhau.

CHA MẸ KHÔNG BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU TRONG HÀNH TRÌNH GDGT CHO CON?

Khi sự cởi mở về chủ đề GDGT trong gia đình xuất hiện từ sớm, con cái sẽ cảm thấy đây là chủ đề bình thường và sẽ hỏi cha mẹ ngay khi chúng có thắc mắc. Hãy đọc qua một số lời khuyên từ bệnh viện Mayo tại Mỹ (2020) nếu bạn vẫn còn bỡ ngỡ khi nói về GDGT với con:

  • Hãy nhớ rằng cha mẹ sẽ nhận được những câu hỏi rất chi tiết về cách mà em bé được tạo ra, quan hệ tình dục diễn ra như thế nào, thế nào là kinh nguyệt hoặc cương dương…
  • Cha mẹ không cần giải thích tất cả cùng một lúc, hãy chọn thông tin phù hợp với tuổi của con.
  • Đừng tỏ ra không thoải mái vì con có thể sẽ ngại ngùng khi chia sẻ với cha mẹ. Hãy nghĩ thử xem, ai là người có thể giáo dục con tốt hơn? TV, Internet, bạn của con, hay là cha mẹ của chúng?
  • Đừng sử dụng những từ lóng hay hình ảnh ẩn dụ để chỉ những bộ phận trên cơ thể, vì như thế sẽ tạo ra cảm giác những bộ phận đó không nên được nói ra hoặc xuất hiện trong các buổi thảo luận. Hãy trung thực.
  • Hãy chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ chính bản thân cha mẹ.
  • Đừng chỉ chia sẻ về những hệ quả tiêu cực của tình dục, mà hãy nói cho con về cả mặt tích cực của hoạt động tự nhiên này.

DẠY GÌ CHO CON TRẺ VỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH THEO TỪNG ĐỘ TUỔI?

Dưới đây là các thông tin được dịch lại trong bài viết “Hướng dẫn giáo dục giới tính theo độ tuổi cụ thể” của tác giả Cath Hakason – người có 25 năm kinh nghiệm trong ngành y tế và giáo dục giới tính/tình dục.

Trẻ từ 1 – 2 tuổi.

Ở độ tuổi này, cha mẹ hãy:

  • Gọi tên các bộ phận sinh dục cho con.
  • Cho phép con được chạm vào dương vật/âm đạo trong lúc tắm hoặc lúc thay tã.
  • Chỉ ra sự khác nhau trên cơ thể giữa con gái (có âm đạo) và con trai (có dương vật).
  • Nói về chức năng của các bộ phận khác trên cơ thể (miệng dùng để ăn, mũi để ngửi, môi để hôn, âm đạo/dương vật để đi vệ sinh…).
  • Đưa ra quy tắc về việc không bận quần áo, ở nhà thì có thể nhưng không phải nơi công cộng.

Khi con gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể, chúng sẽ giao tiếp với người lớn tốt hơn khi những bộ phận đó bị thương, hoặc bị xâm hại, và con cũng hiểu rằng những bộ phận nhạy cảm cũng là những bộ phận bình thường như các bộ phận khác. Điều này sẽ tăng sự tự tin và hình ảnh tích cực về cơ thể cho các con.

Các con cũng nên biết rằng cơ thể của các con thuộc về các con, và việc khám phá cơ thể là bình thường, nhưng các con phải biết thời điểm và nơi chốn thích hợp để làm việc này.

Trẻ từ 2 – 5 tuổi.

Ở độ tuổi này, cha mẹ hãy:

  • Gọi tên các bộ phận sinh dục cho con và nói về chức năng của các bộ phận này.
  • Chỉ ra sự khác nhau trên cơ thể giữa con gái (có âm đạo) và con trai (có dương vật).
  • Nói về quy tắc của việc cầm nắm, sờ vào bộ phận sinh dục trong gia đình.
  • Giải thích về sự khác biệt của cơ thể và nhấn mạnh ‘sự khác biệt đó là bình thường’.
  • Nhấn mạnh khi con lớn cơ thể con cũng sẽ lớn và điều này là bình thường.
  • Nói về sự khác biệt giữa gia đình bạn và những gia đình khác.
  • Nói về tình bạn – làm sao để trở thành một người bạn tốt, tại sao không nên chọc ghẹo người khác, con thích gì ở một người bạn,…
  • Nói về cảm xúc và nơi mà chúng xuất hiện trên cơ thể khi ta có cảm xúc đó – khi sợ, ta thường cảm thấy khó chịu ở bụng…
  • Nói về sự riêng tư và công khai của các bộ phận trên cơ thể, nơi chốn và thời gian.
    • Các bộ phận riêng tư: dương vật, âm đạo, núm vú, phần mông và miệng.
    • Nơi riêng tư: phòng ngủ…
    • Thời gian riêng tư: khi ở trong phòng ngủ và không có ai ở đó…
  • Tôn trọng khoảng riêng tư của con, hãy để con đóng cửa toilet và gõ cửa trước khi vào phòng con.
  • Giải thích rằng những cuộc nói chuyện về cơ thể (hoặc em bé tới từ đâu) là riêng tư và không nên được nói ra ở trường học.
  • Dạy con rằng cơ thể là của riêng con và ai là người có thể đụng vào hoặc không được đụng vào cơ thể của con.
  • Nói với con rằng con nên xin phép người khác trước khi chạm vào cơ thể của họ, việc hôn, ôm hoặc chạm vào ai đó khi họ không thích là không nên.
  • Giải thích rằng chúng ta không giấu bí mật về cơ thể. Bí mật là dành cho sự bất ngờ hoặc những món quà.
  • Hãy nói với con rằng con sẽ không gặp vấn đề gì cả khi con chia sẻ với bố mẹ về những điều làm con buồn hay vui.
  • Hãy nói về nhiều ví dụ của sự sinh sản: cây mọc lên từ hạt, chó có con là cún con, và con người có con là em bé.
  • Hãy trả lời câu hỏi về cách mà em bé được sinh ra.
  • Giải thích cho con biết rằng chúng có thể gặp phải các hình ảnh/phim khỏa thân trên mạng và con hãy tắt/dừng xem ngay, sau đó nói với cha mẹ. Hãy đảm bảo rằng bạn không la mắng con mình vì nếu lo sợ, con sẽ không nói ra.

Trẻ từ 6 – 8 tuổi.

Ở độ tuổi này, cha mẹ hãy:

  • Gọi đúng tên các bộ phận sinh dục cho con và nói về các bộ phận khác.
  • Nói về các cơ quan nội tạng liên quan đến quá trình sinh sản (tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột…).
  • Thảo luận về hình dáng và kích thước của cơ thể, nhấn mạnh rằng mỗi người có một hình dáng và kích thước khác nhau và đây là điều bình thường.
  • Nói về sự phát triển và thay đổi của thời kỳ dậy thì. Có người sẽ dậy thì sớm hơn hoặc muộn hơn. Và cơ thể của nam và nữ sẽ thay đổi khác nhau như thế nào.
  • Giải thích tại sao cảm xúc của con cũng thay đổi khi con lớn lên.
  • Cùng con khám phá về sự cảm nhận của con khi con dậy thì và trưởng thành.
  • Giải thích tại sao có những bộ phận trên cơ thể khi ta chạm vào lại có cảm giác thoải mái/hưng phấn.
  • Nói về quy tắc trong gia đình về việc thủ dâm.
  • Khuyến khích con tự chăm sóc cơ thể của mình (da, tóc, răng, các bộ phận sinh dục…).
  • Dạy con về kỹ năng từ chối, xin phép và bảo vệ cơ thể.
  • Thảo luận cùng con về các cảm xúc mà con cảm nhận được (vui/tiêu cực), và làm cách nào để nhận ra cảm xúc của người khác và cách phản ứng với những cảm xúc mạnh mẽ.
  • Nói về tình bạn và sự thay đổi trong tình bạn khi con lớn lên, bao gồm việc tình bạn tốt là gì, làm sao để trở thành 1 người bạn tốt, tại sao nên có những người bạn khác biệt với mình, làm sao nhận biết nạn bắt nạt, làm gì sau đó và làm sao để sửa chữa những tình bạn bị ‘hỏng’…
  • Thảo luận và giải thích về việc tại sao nhiều bậc cha mẹ kết hôn và số khác thì không, và về mối quan hệ đồng tính, nhấn mạnh với con rằng tình yêu tồn tại ở nhiều dạng khác nhau và sự khác biệt này là bình thường.
  • Thảo luận về hành vi quan hệ tình dục, điều này là bình thường và là một phần của cuộc sống.
    • Quan hệ tình dục là dành cho người lớn, không phải trẻ em.
    • Người lớn hay hôn, ôm và chạm vào nhau để thể hiện sự quan tâm và yêu thương.
    • Người lớn có thể lựa chọn việc có em bé hoặc không.
  • Giải thích rằng hành vi quan hệ tình dục hoặc thủ dâm là riêng tư.
  • Giải thích cho con biết rằng chúng có thể gặp phải các hình ảnh/phim khỏa thân trên mạng và con hãy tắt/dừng xem ngay, sau đó nói với cha mẹ. Hãy đảm bảo rằng bạn không la mắng con mình vì nếu lo sợ, con sẽ không nói.
  • Nói về tình yêu, bao gồm tình yêu dị tính, đồng tính và các cách thể hiện tình yêu trong cuộc sống.
  • Giải thích rằng hẹn hò là khi 2 người bị hấp dẫn bởi nhau và bắt đầu dành thời gian cho nhau. Mối quan hệ này thường sẽ bắt đầu vào độ tuổi vị thành niên.

Trẻ từ 9 – 12 tuổi.

Ở độ tuổi này, cha mẹ hãy:

  • Tiếp tục nói với con về các chủ đề cũ nhưng chi tiết hơn một tí.
  • Nói về sự thay đổi thể chất, xã hội và cảm xúc trong thời kỳ dậy thì, ở cả nam và nữ.
  • Hãy chuẩn bị cho con khi con bắt đầu có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, hay sự cương cứng ở dương vật lần đầu tiên và xuất tinh khi ngủ (wet dreams).
  • Giải thích rằng khi kinh nguyệt và sự cương cứng ở dương vật xuất hiện, đó là dấu hiệu của quá trình thụ tinh, nghĩa là lúc đó nữ giới có thể có con với nam giới.
  • Nói rõ và chi tiết về các hành vi tình dục và quan hệ.
  • Cung cấp cho con các thông tin cơ bản về các căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và làm sao để có mối quan hệ an toàn. Đôi khi con có thể mắc phải các căn bệnh tình dục nhưng nếu có sự bảo vệ và chuẩn bị thì sẽ không sao cả.
  • Cung cấp thông tin về các cách tránh thai cho cả nam và nữ.
  • Chia sẻ giá trị tích cực mà cha mẹ có về tình yêu, hẹn hò, sử dụng các biện pháp quan hệ an toàn, tránh thai, và khi nào thì con sẵn sàng cho việc quan hệ tình dục…
  • Giải thích rằng sau khi dậy thì, con sẽ dần dần cảm thấy bị thu hút và phát triển sự yêu mến với bạn bè đồng trang lứa.
  • Nói về những phim ảnh đồi trụy và nhấn mạnh đó không phải là cách tốt nhất để tìm hiểu về giới tính/tình dục. Và hành vi quan hệ tình dục thường được thổi phồng qua các phim ảnh khiêu dâm đó.
  • Thảo luận về an toàn trên mạng và cách sử dụng điện thoại có trách nhiệm.
  • Nói về đặc điểm của những mối quan hệ tích cực, tôn trọng và có ích cho 2 bên.

Khi cha mẹ bắt đầu nói với con về tình dục/GDGT, cha mẹ đang cho con biết rằng điều này là bình thường và con hãy cứ đến hỏi cha mẹ khi con có bất kỳ thắc mắc.

Trẻ từ 13 – 18 tuổi.

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ bắt đầu giai đoạn dậy thì và thích thú, hoặc căng thẳng, trước những sự thay đổi trên cơ thể, cũng như các chủ đề về kinh nguyệt, sự cương cứng ở dương vật, xuất tinh khi ngủ, quá trình thụ thai, mang thai và quan hệ tình dục an toàn. Hãy nhấn mạnh với con rằng những điều này là bình thường.

Con có thể cũng muốn biết về sự khác nhau giữa tình yêu và sự hấp dẫn tình dục, và liệu có bình thường không khi con cảm thấy thích ai đó đồng giới.

Các bạn bè đồng lứa vị thành niên của con có thể đã thử quan hệ và con sẽ tò mò về cách bắt chuyện cũng như những kỳ vọng mà con nên có với nửa kia của mình. Hãy cung cấp cho con nhiều thông tin hữu ích về phòng tránh thai, sức khỏe tình dục và các dịch vụ tư vấn phù hợp.

Ngoài ra, con sẽ thắc mắc về những thứ có sức ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục như luật pháp, sự khác biệt về văn hóa và niềm tin tôn giáo, các sách ảnh khiêu dâm, truyền thông và ảnh hưởng của chất kích thích hay bia rượu.

Một lợi ích to lớn từ việc nói chuyện với trẻ về GDGT từ sớm là cha mẹ đã trao cho con những thông tin và giá trị tích cực, giúp con đưa ra quyết định an toàn trong tình dục và xuyên suốt quá trình phát triển. Sẽ có lúc cha mẹ sẽ phải chia sẻ hết với con và hãy tiếp tục chia sẻ về những thông tin này khi có dịp. Vì cuối cùng thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con là quan trọng nhất. Và hãy nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cuộc nói chuyện về GDGT.

Bài viết đã được trao quyền dịch bởi tác giả Cath Hakason.

Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh ([email protected]) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT

*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.

Nguồn:

About Kids Health, (6 tháng 06, 2019). Trích từ: https://www.aboutkidshealth.ca/Article?contentid=716&language=English

Federal center for health education (BZgA), United Nations population fund (UNPFA) & World health organization (WHO), (2016). Sexuality education: what is its impact? Trích từ: www.euro.who.int/en/health-topics/Life-stages/sexual-and-reproductive-health/areas-of-work/young-people/sexuality-education/sexuality-education-policy-briefs/sexuality-education-what-is-its-impact-sexuality-education-policy-brief-no.-2-2016

Hakanson, C. (n.d.). Age-specific guide to sex education. Trích từ: www.sexedrescue.com/explaining-sex-education/

Mayo Clinic, (13 tháng 10, 2020). Sex education: talking to your school-age child about sex. Trích từ: