Hoàng thành thăng long nằm trên phố nào

Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội là di sản thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận, sau Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng [di sản thiên nhiên], Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn [di sản văn hóa]. Không kỳ vĩ lớn lao, không đẹp đẽ rực rỡ, song di sản Hoàng Thành Thăng Long có một giá trị đặc biệt mà những di sản khác ở Việt Nam không có – Đó là giá trị văn hoá – lịch sử của chiều dài ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Đoan Môn nhìn từ phía trước

Kinh thành ngàn năm

Năm 1010, Thái Tổ Lý Công Uẩn, vị vua đầu triều nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La và bắt đầu công cuộc xây dựng một kinh đô mới với tên gọi Thăng Long. Thành Thăng Long đã là kinh đô của Đại Việt suốt từ thế kỷ 11 cho tới thế kỷ 18 qua các triều đại Lý – Trần – Lê. Nhưng trước đó, từ thế kỷ thứ 9, vùng đất Thăng Long, trước đó có tên là Tống Bình, rồi Đại La, đã là thủ phủ của An Nam dưới sự đô hộ của nhà Đường. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi giữa thời Trần và thời Lê, kinh đô Đại Việt được dời về Thanh Hóa bởi nhà Hồ [1400-1407]. Từ triều đại Tây Sơn đến hết triều đại nhà Nguyễn, Thăng Long không còn là kinh đô nữa; kinh đô Đại Việt [Việt Nam] khi đó ở Phú Xuân [Huế]. Từ năm 1945 đến nay, Thăng Long – Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam. Như vậy, dù có gián đoạn và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử; song suốt chiều dài lịch sử 13 thế kỷ, Thăng Long – Hà Nội vẫn ghi dấu ấn là mảnh đất trung tâm chính trị – văn hóa của Việt Nam.

Đoan Môn nhìn từ trong Cấm thành

Thành Thăng Long qua các triều đại Lý – Trần – Lê được liên tục được xây dựng và phát triển. Đó cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của những triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Từ xưa, trong dân gian có lưu truyền câu: “Thăng Long phi chiến địa”, nghĩa là: Thăng Long không phải đất của chiến sự. Nhưng trong thực tế Kinh thành Thăng Long đã trải qua bao binh biến phù trầm, là chiến trường ác liệt của cả nội chiến và ngoại xâm, nhiều lần bị giặc chiếm đóng. Trong suốt thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, Thăng Long trải qua nhiều cuộc chiến, kinh thành đã bị phá hủy rất nhiều.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và lập nên nhà Nguyễn [1802], vua Gia Long định đô ở Phú Xuân như thời Tây Sơn. Lúc này, Thăng Long vẫn có tên là Thăng Long nhưng chữ “Long” nghĩa là Rồng [biểu tượng cho Vua] bị đổi thành chữ “Long” mang nghĩa khác là thịnh vượng, với ý rằng Vua không còn ở đó. Đồng thời, những gì còn lại của Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại rực rỡ Lý – Trần – Lê đã bị chuyển vào Phú Xuân phục vụ cho việc xây dựng kinh đô của triều đại mới. Chỉ có một số ít kiến trúc như Điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho vua Nguyễn khi ngự giá Bắc Thành. Năm 1805, nhà vua cho phá thành Thăng Long để xây dựng Bắc Thành theo kiểu thành Vauban – một kiểu thành quân sự đương thời của phương Tây, có quy mô nhỏ hơn thành Thăng Long nhiều lần. Năm 1831, vua thứ 2 nhà Nguyễn là Minh Mạng cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội, Bắc Thành có tên là thành Hà Nội.

Sân nền đá và gạch vồ thời Lê, con đường gạch hoa chanh thời Trần từ Đoan Môn tới Điện Kính Thiên được phát lộ năm 1999

Sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa của triều đình nhà Nguyễn cho Pháp [1888], người Pháp đã tiến hành xây dựng Hà Nội theo quy hoạch đô thị hiện đại. Tới năm 1897, thành Hà Nội bị phá gần hết, chỉ còn lại một số ít kiến trúc ở khu vực trung tâm.

Dẫu vậy, thì những kiến trúc và di vật ít ỏi còn lại vẫn chứng minh mạnh mẽ về những giá trị trường tồn của kinh thành Thăng Long suốt nghìn năm. Cũng vì sự giao thoa và chồng lấp của kiến trúc cùng các tầng văn hóa, sau này cái tên “Thành cổ Hà Nội”, hay “Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long” được hiểu là Thành Thăng Long dưới các thời Lý – Trần – Lê và Thành Hà Nội thời Nguyễn.

Những di sản quý báu còn lại hôm nay

Hiện nay, khu vực di sản Hoàng Thành Thăng Long đang được nghiên cứu, bảo tồn bao gồm khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ Hà Nội.

Cửa Bắc thành Hà Nội, kiến trúc cuối cùng trên trục thần đạo nam – bắc

Khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu được phát lộ năm 2002, với nhiều tầng di vật phong phú, liên tục; thể hiện rõ nét các giá trị văn hóa – lịch sử qua thời gian các triều đại; từ thời tiền Thăng Long, qua các thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn về sau. Tại đây những nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều nền móng kiến trúc, các chi tiết kiến trúc, điêu khắc bị chôn vùi dưới đất.

Tất cả phản ánh cả một quần thể thống nhất, đa dạng và có giá trị cao về nghệ thuật. Tuy nhiên, do vẫn còn đang trong thời gian nghiên cứu thực địa và đưa ra giải pháp bảo tồn lâu dài; nên khu vực này chưa thể trở thành một trung tâm tham quan phổ biến.

Khu vực Thành cổ Hà Nội: Là khu trung tâm thành Hà Nội thời Nguyễn, trải dài theo trục Nam – Bắc của thành. Hiện nay, khu vực này còn có các di tích lộ thiên sau:

  • Cột cờ [Kỳ đài]: Được xây dựng cùng thành Hà Nội thời Nguyễn. Cột cờ nằm phía trước thành trên trục thần đạo, giữa 2 cửa Đông Nam và Tây Nam.

Cột cờ – được xây dựng năm 1812 cùng thành Hà Nội. Cột cờ nằm trên trục Bắc – Nam phía trước thành

  • Đoan Môn: Là cổng chính ra vào Cấm thành của Hoàng Thành Thăng Long. Đoan Môn được xây dựng từ thời Lý, nhưng kiến trúc Đoan Môn hiện nay là của thời Lê và sau này được tu sửa thêm vào thời Nguyễn.
  • Thềm điện Kính Thiên: Điện Kính Thiên là cung điện trung tâm. Điện Kính Thiên được xây dựng thời Lê, trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần. Điện Kính Thiên đã bị phá hủy, chỉ còn lại thềm điện và đôi rồng đá.
  • Hậu Lâu [Lầu công chúa]: Thời Lê có tên gọi là Tĩnh Bắc lâu, đến thời Nguyễn gọi là Hậu điện. Đây là nơi ở của cung tần mỹ nữ theo vua từ Phú Xuân ra ngự giá Bắc Thành. Hậu Lâu đã bị hư hỏng nặng khi Pháp chiếm thành Hà Nội, và được người Pháp tu sửa như hiện nay.

Hậu Lâu [lầu công chúa] – kiến trúc đã bị tu sửa nhiều lần

  • Cửa Bắc [Bắc Môn, Chính Bắc Môn]: Là cổng thành Hà Nội phía Bắc. Cửa Bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng trên chính Cửa Bắc Thành Thăng Long thời Lê. Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ đã giữ lại Cửa Bắc để làm đài quan sát, cùng với ý đồ phô trương sức mạnh quân sự với hai vết đạn đại bác bắn trên cổng khi chiếm thành Hà Nội.

Cửa Bắc thành Hà Nội, kiến trúc cuối cùng trên trục thần đạo nam – bắc

Ngày 28/12/2007, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã ra quyết định [số 16/2007/QĐ/BVHTTDL] công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long [bao gồm khu Thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu] là Di tích Lịch sử Kiến trúc – Nghệ thuật Quốc gia.

Những di vật trong khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định [Số 1272/QĐ-TTg] xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt [đợt 1] đối với 10 di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước – trong đó có Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long [Hà Nội]

Và tới ngưỡng cửa của đại lễ 1000 năm Thăng Long, vào ngày 01/8/2010, Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là niềm tự hào chung của Việt Nam cũng như của đất Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Và những giá trị của di sản đã tỏa sáng cùng sự trường tồn của dân tộc.

Chủ Đề