Icc là viết tắt của từ gì năm 2024

Trong xã hội hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, những giá trị cao quý nhất - các quyền con người - ngày càng được các nhà nước và xã hội quan tâm và bảo vệ. Do đó, các thiết chế quốc tế được thành lập ra nhằm bảo vệ các quyền con người (CQCN) ngày càng phong phú, đa dạng. Lời nói đầu Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10/12/1948) đã khẳng định: “Việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới... Điều cốt yếu là quyền con người cần phải được pháp luật bảo vệ để con người không buộc phải nổi dậy như là một biện pháp cuối cùng nhằm chống lại sự độc tài và áp bức... Các quốc gia thành viên đã cam kết, cùng với Liên hiệp quốc, phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản của con người”. Do đó, một trong các thiết chế của luật hình sự quốc tế (LHSQT) là Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court, gọi tắt là ICC) được thành lập dựa trên Quy chế Rome ngày 17/7/1998[1]. ICC không chỉ là hiện thân của công lý, lẽ phải, dân chủ và lương tri toàn cầu, nó còn là tượng trưng cho sức mạnh của các dân tộc, của cộng đồng quốc tế và xã hội loài ngoài bằng một thiết chế tố tụng của LHSQT do chính nhân loại đặt ra - Tòa án quốc tế có thẩm quyền xét xử các tội ác nghiêm trọng nhất trong xã hội chống lại loại người, xâm phạm đến CQCN. Đặc biệt, điều này còn “ngăn chặn việc trốn tội và đồng thời cũng thiết lập hệ thống thường xuyên nhằm ngăn chặn những người có nguy cơ phạm tội trên toàn thế giới, đặc biệt liên quan đến những người chịu trách nhiệm chính đang cố ẩn trốn sau hệ thống thứ bậc và những mạng lưới ảnh hưởng lớn”[2].

Ý tưởng thành lập nền tư pháp hình sự quốc tế hình thành từ rất sớm, từ những năm 20[3] đầu thế kỷ 20, trước khi Liên hiệp quốc (LHQ) ra đời, xuất hiện ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhằm trừng phạt những nhà lãnh đạo Chính phủ lạm dụng quyền lực để phát động chiến tranh, đàn áp và sát hại hàng loạt dân thường. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các tòa án đặc biệt (Nuremberg, Tokyo) đã xét xử các nhân vật cầm đầu Đức quốc xã và nước Nhật quân phiệt. Từ cuối thập niên 1940 đến thập niên 1990, chiến tranh lạnh làm ngưng trệ tiến trình, cho đến khi đối đầu Đông-Tây chấm dứt. Trên cơ sở Chương VII Hiến chương LHQ, Hội đồng Bảo an đã thành lập hai tòa án hình sự quốc tế: một về Nam Tư (theo Nghị quyết số 808 ngày 22/2/1993) và một về Ruanđa (theo nghị quyết số 955 ngày 8/11/1994). Năm 1998, hội nghị quốc tế có 120 nước tham dự đã thông qua dự thảo hiệp ước thành lập ICC. Gần bốn năm sau, ICC chính thức được thành lập. Mặc dù sự ra đời của ICC là kết quả của một thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia, tuy nhiên không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của Ủy ban pháp luật quốc tế của LHQ. Ngay từ khi thành lập vào năm 1948, Ủy ban pháp luật quốc tế đã tiến hành nghiên cứu, xem xét về một thiết chế tư pháp quốc tế – ICC thường trực – theo yêu cầu của LHQ. Kết quả làm việc của Ủy ban này chính là phần quan trọng của Quy chế Rome về ICC.

Tóm lại, ICC được hiểu là Tòa án quốc tế thường trực được thành lập trên cơ sở hiệp ước - Quy chế Rome - để xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân phạm các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất như tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội xâm lược. Đây là những tội ảnh hưởng lớn đến những giá trị chung của cộng đồng quốc tế nên cần phải bị trừng trị nhằm ngăn ngừa tội phạm, hạn chế đến mức tối đa sự bỏ lọt tội phạm và trốn tội, củng cố an ninh và trật tự trên thế giới, và đặc biệt là bảo vệ những giá trị của xã hội văn minh - CQCN. Có thể nhận thấy rõ rằng ICC theo Quy chế Rome là thiết chế được thừa hưởng và hoàn thiện trên cơ sở các thành tựu của lịch sử loài người trong việc bảo vệ CQCN như Luật quốc tế về nhân quyền, Luật nhân đạo quốc tế, Luật xung đột vũ trang. Để đảm bảo cho việc hình thành Tòa án, ngoài quy chế Rome còn có một số văn bản khác hỗ trợ như Quy tắc về thủ tục và chứng cứ (Rules of Procedure and Evidence) và các yếu tố cấu thành tội phạm (Elements of Crimes); Thỏa thuận về các quyền ưu đãi và miễn trừ của ICC (Agreement on Privileges and Immunities of ICC – Apic).

2. Nội dung của việc bảo vệ các quyền con người bằng Toà án hình sự quốc tế

2.1. Những nguyên tắc quy định trong Quy chế Rome về ICC - cơ sở quan trọng cho việc bảo vệ các quyền con người

Các nguyên tắc của luật hình sự được ghi nhận trong Quy chế Rome về ICC đã thể hiện quyết tâm bảo vệ những giá trị xã hội cao quý nhất - CQCN. Theo Quy chế Rome về ICC, những nguyên tắc của luật hình sự được quy định tập trung tại Phần 3 (các điều 22-33) với những nguyên tắc: i) Nguyên tắc pháp chế (khoản 1 Điều 22 và Điều 23); ii) Nguyên tắc nhân đạo (Điều 24); iii) Nguyên tắc trách nhiệm cá nhân (Điều 25); iv) Nguyên tắc loại trừ quyền tài phán đối với người dưới 18 tuổi (Điều 26); v) Nguyên tắc bình đẳng trước luật hình sự (Điều 27); vi) Nguyên tắc công minh (Điều 28); vii) Nguyên tắc không áp dụng thời hiệu đối với những tội xâm phạm sự tồn tại hòa bình và an ninh của nhân loại (Điều 29) và 8) Nguyên tắc trách nhiệm do lỗi (Điều 30).

Trong số những nguyên tắc của luật hình sự, nguyên tắc pháp chế, nhân đạo, loại trừ quyền tài phán đối với người dưới 18 tuổi và nguyên tắc không áp dụng thời hiệu đối với những tội xâm phạm sự tồn tại hòa bình và an ninh của nhân loại phản ánh trực tiếp tư tưởng bảo vệ CQCN bằng luật hình sự. Theo đó, với pháp chế, không ai phải chịu trách nhiệm hình sự trừ khi hành vi của người đó cấu thành một tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án vào thời điểm thực hiện hành vi đó, và tội phạm cần phải được giải thích chính xác và không được áp dụng tương tự. Với nhân đạo, trong trường hợp có nội dung không rõ ràng, định nghĩa đó phải được giải thích theo hướng có lợi cho người đang bị điều tra, truy tố hoặc kết tội, tức là trong trường hợp có sự thay đổi về luật áp dụng đối với một vụ việc trước khi có phán quyết cuối cùng, luật nào có lợi hơn cho người đang bị điều tra, truy tố hoặc kết tội sẽ được áp dụng. Ngược lại, nếu người nào gây ra tội ác chống loài người, thì không tránh khỏi trách nhiệm hình sự quốc tế vì thực hiện hành vi mà theo pháp luật quốc tế là thuộc loại những tội xâm phạm sự tồn tại hòa bình và an ninh của nhân loại (mặc dù trong pháp luật hình sự quốc gia không quy định việc trừng phạt đối với các hành vi đó, hay nói cách khác là những hành vi này không được tội phạm hóa trong pháp luật quốc gia); v.v... Điều này có nghĩa, một mặt, những nguyên tắc của luật hình sự thể hiện việc tôn trọng và bảo vệ CQCN, nhưng mặt khác, cũng bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh quốc tế và CQCN, nếu như chủ thể nào đó xâm phạm đến, gây thiệt hại cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

2.2. ICC bảo vệ các quyền con người thông qua thẩm quyền tài phán của mình

Lời nói đầu của Quy chế Rome viết rất rõ về mục đích của việc thành lập ICC: “Nhận thấy rằng trong thế kỷ này, hàng triệu trẻ em, đàn bà, đàn ông đã trở thành nạn nhân của những hành động tàn ác chưa từng thấy, làm sửng sốt lương tri nhân loại. Nhận thấy rằng tội ác dã man đó đe dọa hòa bình, an ninh và hạnh phúc trên thế giới. Khẳng định rằng các tội ác nghiêm trọng nhất gây nên sự lo ngại của toàn thể cộng đồng quốc tế phải bị truy tố và trừng trị bằng các biện pháp tầm quốc gia và bằng việc tăng cường hợp tác quốc tế”. Theo đó thì ICC chỉ có quyền tài phán đối với các tội phạm nghiêm trọng nhất gây sự lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế, mà cụ thể là tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội phạm chiến tranh, tội xâm lược. Trong bốn loại tội ác thuộc thẩm quyền xét xử của ICC thì tội xâm lược chưa có định nghĩa, mà theo Điều 5.2 Quy chế Rome thì “Tòa án sẽ thực thi thẩm quyền đối với các tội xâm lược khi một quy định về định nghĩa tội xâm lược và các điều kiện để Tòa án thực hiện quyền tài phán đối với tội này được thông qua theo các điều 121 và 123…”. Để đưa ra được sự thống nhất về thẩm quyền tài phán của ICC, các quốc gia thành viên đã cố gắng chắt lọc những gì tốt nhất ở các hiệp ước sẵn có. Tuy nhiên không phải lúc nào sự nỗ lực này cũng đi đến sự đồng thuận. Chẳng hạn khi xem xét về định nghĩa để xét xử về tội xâm lược có thể viện dẫn tương tự như các tội ác về hòa bình được định nghĩa trong Quy chế Nremberg là “Lập kế hoạch, chuẩn bị, khởi sự hay bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược hay chiến tranh phá hoại các hiệp ước, các thỏa thuận, các bảo đảm quốc tế; Tham gia vào một kế hoạch hay âm mưu chung để thực hiện bất kỳ trong số hành động nào kể trên”. Định nghĩa về tội xâm lược cần phải được Hội đồng bảo an LHQ thông qua[4] và cho đến nay dù tội này được quy định trong Điều 5 của Quy chế Rome nhưng nó vẫn chưa được thực thi trên thực tế. Như vậy ICC chưa thể bảo vệ CQCN và mang lại công lý cho các nạn nhân trước hành vi tội ác này.

Đối với ba tội phạm còn lại là tội diệt chủng, tội chống loài người và tội ác chiến tranh thì đã có định nghĩa và quy định các yếu tố cụ thể của các tội phạm này trong Quy chế Rome. Cụ thể như sau: Điều 6 quy định 5 loại hành vi cụ thể cấu thành tội diệt chủng; Điều 7 quy định 11 loại hành vi cấu thành tội chống loài người cùng với giải thích cụ thể về mỗi hành vi; Điều 8 quy định trên 50 hành vi cấu thành tội phạm chiến tranh[5].

Điểm b khoản 2 Điều 8 Quy chế Rome quy định ICC có thẩm quyền tài phán đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tập quán được áp dụng trong xung đột vũ trang quốc tế, trong đó có hành vi: “Cố ý tấn công vào nhân viên, thiết bị vật chất, các đơn vị hoặc phương tiện tham gia trợ giúp nhân đạo hoặc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình phù hợp với Hiến chương LHQ, trong điều kiện họ được hưởng sự bảo hộ dành cho dân thường và các mục tiêu dân sự theo pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang”.

Khoản 1 Điều 5 Quy chế Rome quy định ICC có thẩm quyền xét xử đối với các cá nhân phạm các tội ác nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế. Đó là: tội diệt chủng; tội chống loài người; tội ác chiến tranh; tội xâm lược. Những cá nhân này có thể là công dân của các quốc gia thành viên hoặc công dân của các quốc gia phi thành viên Quy chế (Điều 12 và Điều 13) khi:

- Họ thực hiện tội phạm trên lãnh thổ quốc gia thành viên hoặc trên tàu bay, tàu thuyền được đăng ký tại quốc gia thành viên;

- Họ thực hiện tội phạm tại quốc gia mà họ mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi họ thực hiện tội phạm đã chấp nhận quyền tài phán của ICC;

- Vụ việc do Hội đồng bảo an LHQ thông báo cho ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ.

Theo Điều 27 Quy chế Rome về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật thì ICC có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự với bất kỳ cá nhân nào, không phụ thuộc vào việc họ có được hưởng quyền miễn trừ theo pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế.

2.3. Các hoạt động tố tụng theo Quy chế Rome do ICC thực hiện cũng chính là việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người

Bảo vệ CQCN thông qua các hoạt động tố tụng được thể hiện trên hai bình diện: Thứ nhất, hoạt động này mang lại công lý cho các nạn nhân và thứ hai, đồng thời, cũng bảo đảm tối đa và đầy đủ CQCN của chính những người bị đưa ra xem xét trách nhiệm hình sự. Các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của ICC (Tội diệt chủng, tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược) là những hành động của con người cụ thể nhưng thường là sự thể hiện ý chí của không chỉ một cá nhân mà của một tổ chức, thậm chí một Chính phủ. Do đó khi xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân phạm tội thì thường liên quan đến nhiều người. Chính vì vậy các hoạt động tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử đến việc thu thập chứng cứ, bảo vệ nhân chứng v.v.. cần phải được quy định chặt chẽ cũng như việc thực thi phải được tiến hành hết sức nghiêm túc vì nó ảnh hưởng đến CQCN được pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế bảo vệ.

Theo Điều 17 và 20 “nguyên tắc không xét xử hai lần” và theo tinh thần chung xuyên suốt Quy chế Rome về ICC – thẩm quyền của ICC có tính chất bổ sung, hỗ trợ các quốc gia – thì ICC sẽ không thể tham gia vào trường hợp nào đó nếu trường hợp này đang được xem xét trách nhiệm hình sự bởi một quốc gia. Những trường hợp được liệt kê ở Điều 17 có ý nghĩa trong việc bảo vệ CQCN mà cụ thể ở đây là bảo vệ những người có liên quan đến trách nhiệm hình sự khi quy trình tố tụng không được thực hiện do quốc gia không mong muốn hoặc không có khả năng.

Cho nên, để bảo đảm việc xử lý các cá nhân thực hiện tội ác nghiêm trọng xâm phạm đến CQCN, nhưng cũng tránh làm oan, sai cho người vô tội, Quy chế Rome đã quy định chặt chẽ về thủ tục tố tụng như sau: 1) Thực hiện quyền tài phán (Điều 13 Quy chế). Tòa án có thể thực hiện quyền tài phán khi xảy ra một hay nhiều tội phạm thuộc thẩm quyền tài phán của ICC được quốc gia thành viên hoặc Hội đồng bảo an LHQ thông báo cho Trưởng công tố; Trưởng công tố cũng có thể tự mình mở điều tra căn cứ vào những thông tin thuộc quyền tài phán của ICC; 2) Tiến hành điều tra, truy tố: để tiến hành hoạt động này thì Trưởng công tố phải xác định thông tin nhận được có đủ căn cứ để xác định tội phạm thuộc quyền tài phán của ICC hay không, có đúng theo quy định của Điều 17 của Quy chế hay không. Sau đó Trưởng công tố được áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ cũng như các biện pháp khác theo quy định của Quy chế; 3) Giai đoạn tiền xét xử - trong một số trường hợp (thu thập hoặc xác minh những chứng cứ có thể mất), theo yêu cầu của Công tố viên, Hội đồng tiền xét xử có thể áp dụng các biện pháp cần thiết như chỉ thị việc lập biên bản liên quan đến điều tra…; 4) Giai đoạn xét xử - việc này tiến hành bởi một hội với sự có mặt bị cáo trong suốt quá trình theo trình tự tố tụng đảm bảo được những nguyên tắc của luật tố tụng hình sự văn minh; 5) Kháng cáo - các bên có liên quan sau khi có quyết định của Hội đồng xét xử có thể kháng cáo đối với quyết định tha bổng hoặc kết tội hoặc đối với bản án theo quy định tại Điều 81 hoặc kháng cáo đối với các quyết định khác quy định tại Điều 82 Quy chế. Để bảo đảm cho các quyền của những bên liên quan, Hội đồng kháng cáo có tất cả những quyền của Hội đồng xét xử. Theo đó, Hội đồng kháng cáo có thể hủy bỏ hoặc sửa đổi quyết định hoặc bản án bị kháng cáo hay quyết định xét xử lại bởi một Hội đồng xét xử khác; 6) Thi hành án - Quy chế quy định rõ ràng vai trò của quốc gia trong việc thi hành án (Điều 103) cũng như các vấn đề khác từ Điều 103 đến Điều 111.

2.4. ICC - thiết chế hỗ trợ Liên hiệp quốc trong việc bảo vệ các quyền con người

Mặc dù là hai thiết chế độc lập với nhau nhưng cả ICC và LHQ đều có chung mục đích là bảo vệ CQCN. Mối liên hệ giữa ICC và LHQ thể hiện ở chỗ các quốc gia thành viên của ICC hầu hết cũng chính là thành viên của LHQ, sự thống nhất giữa các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và Quy chế Rome, sự tôn trọng về thẩm quyền và tư cách của hai thiết chế, hỗ trợ và hợp tác về thể chế, hoạt động và tương trợ tư pháp. Về phương diện thể chế và hành động, hai bên thường mời các đại diện đến tham dự các cuộc họp, trao đổi thông tin và gửi báo cáo hàng năm, hợp tác trong các vấn đề như tuyển dụng nhân sự, hành chính, ngân sách. Về hợp tác và tương trợ tư pháp thì các nhân viên của LHQ có thể ra làm chứng trước tòa, LHQ cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của ICC (Khoản 6 Điều 87 Quy chế Rome). Hội đồng bảo an LHQ xác định căn cứ để ICC thực hiện quyền tài phán, hoãn hoạt động điều tra, truy tố của ICC và định nghĩa tội xâm lược. Thêm vào đó, ICC còn là thiết chế hỗ trợ bảo vệ nhân chứng của LHQ, do LHQ không có nhiệm vụ bảo vệ nhân chứng nên ICC cung cấp cơ chế về nhà ở và cơ chế bảo vệ khẩn cấp mang tính lâm thời. Một số văn bản pháp luật quốc tế, như: Luật quốc tế về nhân quyền, Luật nhân đạo quốc tế, Luật xung đột vũ trang đã trở thành cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ nhằm bảo vệ CQCN. Những luật này là đã tạo cơ sở cho việc ra đời Quy chế Rome sau này.

LHQ đã thông qua một loạt các văn bản mà những văn bản này hợp thành Luật quốc tế về nhân quyền như Tuyên ngôn nhân quyền tháng 12/1948; Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua ngày 16/12/1966; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, thông qua ngày 16/12/1966 và Nghị định thư liên quan; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng (thông qua ngày 9/12/1948); Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (thông qua ngày 18/12/1979); Công ước năm 1984 chống tra tấn, đánh đập và chống đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc chà đạp nhân phẩm; Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em do Đại hội đồng LHQ (thông qua ngày 20/11/1989). Ngoài ra, để cung cấp cho các nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình, cảnh sát dân sự của LHQ những tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá tình hình thực hiện nhân quyền ở nơi họ được phái đến, một loạt các văn bản khác do LHQ và các tổ chức do LHQ bảo trợ ban hành như: Các luật lệ về đối xử với tù nhân; Các nguyên tắc bảo vệ những người bị giam giữ hay bị bỏ tù dưới bất kỳ hình thức nào; Các nguyên tắc cơ bản về sử dụng vũ lực và vũ khí nhỏ của các quan chức thi hành pháp luật; Các nguyên tắc ngăn chặn và thanh tra có hiệu quả các cuộc hành hình độc đoán; Các tiêu chí về hình sự đối với cảnh sát gìn giữ hòa bình; Sổ tay cảnh sát dân sự LHQ; Sổ tay quan sát viên quân sự LHQ; Các nguyên tắc hợp tác quốc tế về phát hiện, bắt giữ, dẫn độ và xử phạt đối với những tội ác chiến tranh và tội chống nhân loại.

Theo điểm b khoản 2 Điều 8 Quy chế Rome thì ICC có thể truy tố và xét xử những hành vi nhằm cố ý tấn công vào nhân viên cũng như cơ sở vật chất, phương tiện… của lực lượng gìn giữ hòa bình trong các cuộc xung đột vũ trang mang tính quốc tế. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ CQCN, vừa bảo vệ chính những người làm đảm đương nhiệm vụ gìn giữ hòa bình lại vừa góp phần đảm bảo cho chính hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Về phương diện ngược lại thì chính những cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cũng có thể bị ICC truy tố, xét xử nếu như họ thực hiện tội phạm quy định tại Điều 5 Quy chế Rome và thuộc các đối tượng quy định tại Điều 12 và 13 Quy chế Rome. Điều này không những không cản trở hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ mà còn góp phần làm tăng hiệu quả của lực lượng đặc biệt với sứ mệnh cao cả này, hạn chế tiến tới loại bỏ việc các nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình lợi dụng vị trí của họ để trục lợi chính trị hoặc gây tội ác. Chính điều này như một biện pháp phòng chống những tội ác nghiêm trọng xâm phạm đến CQCN.

2.5. ICC bảo vệ các quyền con người thông qua việc nâng cao vị thế của các quốc gia thành viên, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia

Nếu như trước đây, luật quốc tế chỉ điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia thì xu thế ngày nay chủ thể của ngành luật này đã được mở rộng với cả các cá nhân. Điều này thể hiện việc CQCN được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn cũng như nâng cao trách nhiệm của cá nhân. Trước khi ICC xuất hiện thì các cá nhân đã trở thành đối tượng của luật quốc tế, bắt đầu từ việc Tòa án Nuremberg xem xét trách nhiệm cá nhân vào thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tiếp theo là sự ra đời và phát triển của hàng loạt các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người và một số cơ quan tư pháp quốc tế như Tòa án hình sự ở Nam Tư cũ, Tòa án hình sự Ruanđa. Đến khi ICC được thành lập thì cá nhân không những là đối tượng mà còn trở thành chủ thể của luật quốc tế.

ICC không phải là cơ quan siêu quốc gia mà là một cơ quan tương tự như các thể chế quốc tế hiện hành… ICC không làm gì vượt ra ngoài những gì mà mỗi quốc gia có thể làm theo pháp luật quốc tế. Vì vậy, ICC là sự mở rộng thẩm quyền pháp lý hình sự của quốc gia… ICC theo đó không xâm hại đến chủ quyền quốc gia…[6]. ICC là kết quả của sự đồng thuận quốc tế, thể hiện chủ quyền của quốc gia khi tham gia giải quyết những vấn đề quan tâm chung của các quốc gia. Vị thế của quốc gia sẽ được nâng cao, chủ quyền quốc gia sẽ thêm vững chắc, CQCN sẽ thêm cơ chế bảo vệ khi trở thành thành viên của Quy chế Rome về ICC. Lý do của sự khẳng định này là: 1) trở thành thành viên của ICC chính là sự tuyên bố hoàn thiện pháp luật quốc gia; 2) thể hiện quyết tâm của quốc gia chống lại những tội phạm nguy hiểm nhất và đưa chúng ra trước ánh sáng của công lý bằng việc truy tố, xét xử những cá nhân phạm tội thuộc thẩm quyền của ICC; 3) sự cam kết của các quốc gia thành viên về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, trong đó có Quy chế Rome. Theo đó những người lãnh đạo quốc gia trong mỗi hành động của mình đều phải cân nhắc trước nguy cơ bị xem xét trách nhiệm hình sự nếu thực hiện những tội phạm thuộc thẩm quyền của ICC (tội diệt chủng, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh, tội xâm lược); 4) Quy chế Rome không phải là thiết chế đầu tiên và duy nhất lên án những tội phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới mà trước đó còn có nhiều công ước như Công ước Geneve, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng cũng đã có quy định về việc ngăn chặn những hành vi này; 5) ICC là sự bổ sung cần thiết cho những thiếu hụt của hệ thống pháp luật quốc tế hiện hành, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn công lý, chấm dứt tình trạng miễn trừ đối với người phạm tội, giải quyết xung đột ở một số quốc gia…Trong thời đại toàn cầu hóa, đòi hỏi phải có những bộ luật và cơ chế pháp lý mang tính “toàn cầu”. Các quốc gia sẽ không thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với công dân nếu như chỉ đơn thuần lưu ý đến luật quốc gia mà không tuân thủ pháp luật quốc tế. Bởi vậy, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia không đồng nghĩa với việc tách biệt khỏi các mối quan hệ quốc tế mà ngược lại chính sự hội nhập và hợp tác quốc tế (chẳng hạn như việc tham gia ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế) cũng là một cách để quốc gia khẳng định chủ quyền của mình[7]; 6) phòng ngừa và chống các tội ác nghiêm trọng nhất, duy trì trật tự pháp luật quốc tế và an ninh thế giới, góp phần củng cố chủ quyền cho các quốc gia nhằm bảo vệ CQCN.

2.6. ICC bảo vệ các quyền con người bằng việc hỗ trợ hệ thống pháp luật quốc gia trong việc đấu tranh phòng và chống các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm

Nếu như hệ thống Tòa án trong một quốc gia là một trong những thiết chế quan trọng của quốc gia để bảo vệ CQCN thì đây cũng là mục đích của ICC. Điều quan trọng là hai thiết chế này hỗ trợ nhau thế nào trong việc đạt được mục đích chung – bảo vệ CQCN. Điều 17 Quy chế Rome quy định về nguyên tắc bổ sung chính là nền tảng quyết định của toàn bộ hệ thống ICC trong mối liên hệ với hệ thống tòa án quốc gia. Như vậy phát sinh việc ICC hỗ trợ chỉ khi một quốc gia không muốn hoặc không thể điều tra, truy tố một trường hợp cụ thể. Sự bổ sung của ICC bao gồm hai mức:

Mức một: được thiết lập bởi các quốc gia và hệ thống luật hình sự quốc gia. Theo nguyên tắc bổ sung của Quy chế Rome, các quốc gia sẽ tiếp tục thực thi công lý đối với các tội phạm quốc tế;

Mức hai: được thiết lập bởi ICC. Theo nguyên tắc bổ sung, ICC sẽ hành động như giải pháp sau cùng trên cơ sở xem xét có phải do hệ thống tư pháp quốc gia bị sụp đổ hoàn toàn hay phần lớn hoặc do không có hệ thống tư pháp mà quốc gia đó không thể bắt giữ được người bị buộc tội hoặc thu thập được các chứng cứ và lời khai cần thiết hoặc không thể tiến hành tố tụng được hay không. Một ý nghĩa nữa của Điều 17 Quy chế Rome là tòa án đầu tiên giải quyết các vụ án có liên quan đến thẩm quyền của ICC không phải là ICC mà là hệ thống tư pháp ở các quốc gia. ICC chỉ có thẩm quyền trong những trường hợp đã phân tích ở trên (quy định tại Điều 17 Quy chế Rome).

Trong mối liên hệ với Tòa án quốc gia thì ICC không có chức năng như một tòa kháng án, cũng không có thẩm quyền đối với các tội diệt chủng, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh, tội xâm lược nếu như thuộc trường hợp mà Tòa án quốc gia điều tra, truy tố. ICC có thẩm quyền thấp hơn và trợ giúp cho việc xét xử của những Tòa án quốc gia. Từ sự phân tích trên cho thấy ICC là một thiết chế hỗ trợ cho hệ thống tư pháp của quốc gia trong việc đấu tranh phòng và chống các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm nhằm bảo vệ CQCN. Sự hỗ trợ này thể hiện trên hai phương diện: 1) Nguyên tắc bổ sung của ICC cho hệ thống tư pháp quốc gia và 2) Giống các toàn án quốc tế khác, ICC có thẩm quyền xem xét tính hiệu quả của hệ thống tư pháp của các quốc gia. Như vậy để ICC không thực hiện được thẩm quyền của mình thì các quốc gia cần phải hoàn thiện hệ thống tư pháp của mình sao cho hoạt động đạt hiệu quả, cũng như là thể hiện quyết tâm của quốc gia đấu tranh chống lại những tội ác quốc tế, bảo đảm công lý và bảo vệ CQCN.

(Kỳ sau đăng tiếp)


[1]Tội phạm khi thực hiện đều gây nguy hại cho xã hội, cho hòa bình và an ninh của nhân loại và xâm phạm đến quyền con người. Người thực hiện chúng đều bị xét xử theo các cấp độ khác nhau và công việc này do Tòa án quốc gia và quốc tế thực hiện. Ở tầm quốc tế, công việc này do Tòa án nhân danh cộng đồng quốc tế xét xử như: Tòa án quốc tế Nurrumbe, Tòa án quốc tế Tôkyo, Tòa án hình sự Ruanđa và Nam Tư cũ, Tòa án hình sự quốc tế theo Quy chế Rome năm 1998. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét riêng vai trò của Tòa án hình sự quốc tế theo Quy chế Rome năm 1998.

[2] Xem: Hans-Peter Kaul, The International Criminal Court - Key Features and current challenges, International Criminal Court and Vietnam’s Accession, Science Workshop, Hanoi, 25-26 October, 2006, p.39.

[3]Resolution of the Assembly of the League of Nations of September 22, 1924.

[4]Về Tội xâm lược, Nghị quyết 3314 năm 1974 của Đại hội đồng LHQ tuy chỉ là sơ lược nhưng cũng đã liệt kê một số hành vi cụ thể và việc xác định những hành vi nào cấu thành tội xâm lược do Hội đồng bảo an xem xét.

[5]Hội Luật gia Việt Nam: Những văn bản pháp lý về Tòa án hình sự quốc tế (Bản dịch theo tài liệu đã xuất bản), NXB Tư pháp, Hà Nội, 2006.

[6]Xem: Robert Cryer, International Criminal Law vs State Sovereignty: Another Round?, The European Journal of International Law Vol. 16 no. 5 c EJIL 2006.

[7]Xem: Nguyễn Thị Thanh Hải, Tòa án hình sự quốc tế và việc gia nhập của Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học. NXB Tư pháp. Hà Nội. 2007, tr.161.