Kinh doanh bóng cười cần có chế tài xử lý

(HNM) - Thời gian qua, chế tài xử lý những vi phạm của cơ sở kinh doanh “bóng cười” mới dừng ở mức độ xử lý hành chính, không xử lý hình sự nên chưa đủ sức răn đe. Từ những nguy hại của việc sử dụng “bóng cười”, cần thiết phải có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở vi phạm về sử dụng, kinh doanh loại khí có tác động như chất gây nghiện này.
 

Gọi đồ uống tại quán cà phê D. ở phường Văn Quán (quận Hà Đông), chúng tôi được một nhân viên mời chào: “Các anh sử dụng “bóng cười” nhé?”. Theo lời giới thiệu, quán bán 49 nghìn đồng/quả, chưa kể trong tuần còn có một ngày cố định khuyến mãi mua 2 bóng tặng 1 bóng. Trong khi đó, trang Facebook “Bóng cười Hà Nội” quảng cáo cung cấp, giao hàng đến tận nhà bình “khí cười” các loại chỉ với 550 nghìn đồng/bình 5kg (bình 5kg có thể bơm được khoảng 200 quả bóng).

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương), "bóng cười" thực chất là một quả bóng bay được bơm khí N2O (Nitrous oxide). Khi hít loại khí này có khả năng gây cười cho người sử dụng liên tục trong thời gian ngắn, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên có thể gây các rối loạn cơ thể, như: Mất cảm giác đau, hoa mắt, chóng mặt, trạng thái phấn khích, ảo giác nhẹ... Nếu sử dụng nhiều hoặc quá liều lượng có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh, thậm chí dẫn đến trầm cảm hoặc tử vong. Chưa kể, khi đã quen cảm giác ảo giác, người dùng rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc… Điển hình là vụ việc xảy ra tối 16-9-2018 tại chương trình “Đêm nhạc mùa thu” ở Công viên nước Hồ Tây (quận Tây Hồ) khiến 7 người tử vong, 5 người bị hôn mê sâu nghi do sử dụng “bóng cười”. Tại hiện trường, Công an TP Hà Nội phát hiện và thu giữ 37 bình khí N2O, 656 quả “bóng cười” đã qua sử dụng và 450 quả chưa sử dụng.

Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) cho biết, kinh doanh “bóng cười” mang lại lợi nhuận rất cao. Vì vậy, những cá nhân, cơ sở kinh doanh, tàng trữ, sử dụng trái phép “bóng cười” luôn thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, hiện chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm sử dụng “bóng cười”, chỉ xử lý hành chính với mức độ nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 6-5-2017 của UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười”, shisha, cỏ Mỹ, “tem giấy”, Công an thành phố phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 2 bình chứa N2O, 600 quả bóng để bơm “khí cười” và nhiều dụng cụ hút shisha tại quán Max Bar (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm); tạm giữ tại quán Hero Bar (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) 6 bình khí N2O và 6.100 quả bóng chờ bơm “khí cười”. Liên quan đến lĩnh vực này, tính từ tháng 4-2017 đến nay, Công an thành phố đã xử phạt hành chính 156 vụ, 156 đối tượng, với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hà Nội) cũng kiểm tra 129 vụ, xử phạt hành chính gần 1,6 tỷ đồng, tịch thu 424 bình đựng khí N2O và hơn 13.700 quả bóng cao su.

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã kiến nghị UBND thành phố đưa việc kinh doanh khí N2O vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện để quản lý, áp dụng các chế tài xử lý phù hợp, rút giấy phép kinh doanh những cơ sở tái vi phạm. Công an thành phố cũng đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Y tế khuyến cáo, khi sử dụng khí N2O sai mục đích sẽ có hại cho sức khỏe; xem xét đưa vào danh mục chất cấm kinh doanh và sử dụng vào cơ thể con người sai mục đích. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương quy định quản lý cũng như kiểm tra, giám sát các tổ chức sử dụng khí N2O.

 (CHG) Chất kích thích dạng hít (bóng cười) trở thành trào lưu được giới trẻ yêu thích mấy năm trở lại đây. Bóng cười là loại khí N2O (Dinitơ Monoxit hay nitrous oxide) được bơm vào vỏ bóng bay để người sử dụng hít vào. Khí N2O không màu, không mùi, khi người dùng hít vào phổi thì hợp chất hóa học nói trên làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể, khiến người sử dụng có cảm giác hưng phấn.

Kinh doanh bóng cười cần có chế tài xử lý

Cần có chế tài quản lý chặt chẽ việc kinh doanh khí N2O.

Buôn bán, tàng trữ, sử dụng khí cười trái phép

Khí N2O có tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sỹ, bác sỹ sản khoa, bác sỹ thể thao sử dụng thường xuyên đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, khí này còn được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp để làm kem bông tươi, tăng công suất động cơ xe.

Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng, các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, các lối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12… Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng (nhất là sử dụng đồng thời với ma túy tổng hợp, chất hướng thần). 

Tuy nhiên, nhiều người không biết rõ tác hại của việc lạm dụng khí N2O. Hoặc đã biết, nhưng vẫn cố tình sử dụng nhằm mục đích “chơi”, “theo xu hướng” hoặc “giải trí”. đa phần số người sử dụng là giới trẻ.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện ra nhiều điểm tập kết bình khí cười để cung cấp cho các quán bar, karaoke... Điển hình, ngày 18/3/2022, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Cầu Giấy phối hợp Đội quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại Khu đất dự án đường 50m cuối Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 163 bình khí N2O. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Cũng trên địa bàn TP. Hà Nội, ngày 9/8/2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Công an quận Hai Bà Trưng đã thu giữ 80 bình khí cười tại một cơ sở chuyên cung cấp khí cười cho các quán bar, quán cà phê... trên địa bàn thành phố. Chủ cơ sở là Phạm Khánh T. (SN 1993) không xuất trình được giấy tờ liên quan.

Gần đây, ngày 3/9/2022, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hà Đông phối hợp Công an phường Dương Nội tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh karaoke Dũng Huyền (số 248, đường 423, tổ dân phố Trung Bình, Dương Nội), phát hiện tại phòng VIP 5 có 2 đôi nam nữ đang sử dụng bóng cười. Chủ cơ sở karaoke khai nhận số bình bóng cười bị thu giữ đều mua qua mạng.

Ngày 4/9/2022, Tổ Cảnh sát 141 đã bắt N.V.K (SN 1995, trú tại Bắc Ninh) chở 4 bình bóng cười loại 7kg/bình và một bọc xác bóng chưa sử dụng cho khách trên phố Nghĩa Dũng (quận Hoàn Kiếm) sử dụng. 

Theo khảo sát, rất dễ dàng tìm kiếm và mua được bình khí N2O để sử dụng. Người bán có ở khắp nơi, rao bán trên mạng xã hội hoặc các trang thương mại điện tử, hoặc các tờ rơi dán tường tại các ngõ ngách của thành phố. Thậm chí, bóng cười được bán theo “thực đơn” ở tại các quán nhậu vỉa hè.

Giá đến tay người dùng chỉ vài triệu một bình bóng cười N2O 5kg, có đầy đủ dụng cụ và hướng dẫn thao tác sử dụng, kèm theo cam kết “khí xịn, khí chuẩn” của người bán.

Người sử dụng đa phần là giới trẻ. Có thể mua, giao nhận tại nhà hoặc mua ngay tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ (karaoke, bar, sàn…), hoặc chỉ cần “nổ” địa chỉ là người bán giao đến tận nơi.

Hoạt động buôn bán bóng cười diễn ra công khai như trên đem đến nhiều mối họa về an ninh trật tự xã hội, nhất là nguy hại cho sức khỏe con người.

Kinh doanh bóng cười cần có chế tài xử lý
 

Lực lượng chức năng liên tục phát hiện ra nhiều hộ kinh doanh bóng cười.

Kinh doanh bóng cười bị xử phạt như nào?

Khí N2O chưa được xếp vào danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng ban hành trong Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, cũng như không được xếp vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP và Nghị định 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

N2O được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II, Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành một số điều của Luật Hóa chất).

Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội vẫn được thực hiện, nhưng phải bảo đảm đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật. 

Về pháp lý, điều 33, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Hiện chưa có quy định cụ thể việc xử phạt hành vi sử dụng bóng cười, trong khi đó hành vi sản xuất, kinh doanh bóng cười chỉ được phép, nhưng phải đi cùng Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp).

Cụ thể, khoản 4 điều 5 chương 2 Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 12-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế kinh doanh, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Thiếu tá Phạm Mạnh Hà, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng, nếu vi phạm kinh doanh khí N2O không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt từ 23-25 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, và từ 53-55 triệu đồng đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, lợi nhuận thu từ “bóng cười” có thể lên tới 100-200 triệu đồng mỗi tối. Cho nên, dù liên tiếp bị xử phạt, nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên tái phạm. 

Vì lợi nhuận, các cơ sở kinh doanh đã có hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với mặt hàng khác. 

Thiết nghĩ, cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N2O và ngăn ngừa hành vi sử dụng N2O cho mục đích vui chơi, giải trí.