Mở bài kiểu gián tiếp là gì năm 2024

Mở bài gián tiếp và kết bài mở rộng cho bài văn tả cảnh thiên nhiên gồm 18 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 nắm được các cách viết mở bài, kết bài cho bài văn tả cảnh thật hay.

Mỗi cảnh thiên nhiên mang một nét đẹp riêng, đặc trưng. Với 18 mở bài, kết bài Tả hồ nước, tả con suối, tả núi rừng, tả cánh đồng, tả con đường làng, tả cánh đồng lúa.... các em dễ dàng làm nổi bật lên vẻ đẹp đó. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Đề bài: Viết một đoạn mở bài kiểu gián tiếp và một đoạn kết bài kiểu mở rộng cho bài văn tả cảnh thiên nhiên ở địa phương em.

Tả hồ nước

  1. Mở bài gián tiếp

"Chiều nay ghé Hồ Gươm Ngắm Tháp Rùa rêu phủ Hàng liễu xanh lá rủ Soi bóng hồ… xôn xao"..

Câu thơ trên cứ âm vang mãi trong lòng em. Nó gợi lên niềm tự hào, yêu thương da diết một vùng đất ngàn năm văn hiến: Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất có bao nhiêu di tích lịch sử, cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng gần gũi, thân thương với em nhất chính là Hồ Gươm - viên ngọc xanh long lanh giữa lòng thành phố.

  1. Kết bài mở rộng

Có lẽ cho dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, Hồ Gươm vẫn sẽ mãi là một địa danh nổi tiếng, ở lại trong lòng của mỗi người dân Việt Nam. Em cảm thấy quê hương đất nước mình đẹp quá. Đẹp như một bài thơ, một bản nhạc và một bức tranh chỉ có ở nơi em được sinh ra và lớn lên.

Tả con suối

  1. Mở bài gián tiếp

Quê ngoại em là một xóm làng nhỏ nằm ở dưới chân ngọn núi lớn. Ở đây, bà con sống hòa mình với thiên nhiên, nên nhìn đâu cũng là một màu xanh của cây cỏ. Từ làng đi lên núi, là một con đường mòn nhỏ. Con đường ấy men theo bờ suối chảy từ trên ngọn núi xuống. Suốt bao đời nay, ngọn suối ấy vừa là người dẫn đường, vừa là người bạn đồng hành với cuộc sống của bà con chòm xóm.

  1. Kết bài mở rộng

Suốt bốn mùa, suối cứ róc rách mà chảy mãi. Từ mùa hạ nắng gắt đến mùa đông rét buốt. Lúc nào nước suối cũng trong trẻo, ngọt lành. Nước suối giúp bà con tưới rau, giặt giũ, gội đầu… Còn là nơi thanh niên trong làng hò hẹn, tâm tình. Em yêu lắm dòng suối quê mình. Chỉ mong sao dù bao nhiêu mùa mưa nắng nữa, thì suối vẫn mãi đong đầy như vậy.

Tả cảnh đẹp núi rừng quê em

  1. Mở bài gián tiếp

Trên khắp đất nước nước Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp mà em đã được xem qua những bức tranh, ảnh hay truyền hình và đã được nghỉ mát ở bãi biển Nha Trang, vịnh Hạ Long. Em cũng đã được đến Đà Lạt, ra Hà Nội. Đất nước mình nơi đâu cũng có cảnh đẹp. Dù vậy em vẫn thấy cảnh đẹp gần gũi nhất với em là cảnh núi rừng quê hương em.

  1. Kết bài mở rộng

Cảnh núi rừng là nơi gắn bó tuổi thơ em và đầy ắp những kỉ niệm nơi đây. Em rất yêu cảnh núi rừng quê em. Em mơ ước sau này sẽ trở thành kĩ sư nông nghiệp để giúp bà con trồng rừng và có ý thức bảo vệ rừng để rừng ở quê em ngày càng xanh tốt, tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên và mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Tả cảnh thiên nhiên

  1. Mở bài kiểu gián tiếp

Đất nước Việt Nam có nhiều cảnh đẹp. Mỗi miền của Tổ quốc đều có những bức tranh thiên nhiên kiệt tác. Lạng Sơn với động Tam Thanh, sông Kỳ Cùng. Bắc Kạn có hồ Ba Bể nên thơ, hùng vĩ. Quảng Bình với động Phong Nha – đệ nhất kì quan. Còn Quảng Ngãi có núi Thiên Ấn trầm tư bên dòng sông Trà Khúc. Núi Thiên Ấn đã cùng sông Trà Khúc đã làm nên một cảnh quan tươi đẹp ở quê hương em.

  1. Kết bài kiểu mở rộng

Em rất yêu quý thị xã quê hương em. Em mơ ước lớn lên sẽ theo học nghề kiến trúc, trở thành kiến trúc sư, thiết kế những ngôi nhà xinh xắn, những tòa nhà có vườn cây để thị xã của em trở nên xanh hơn, đàng hoàng, to đẹp hơn.

Tả cảnh biển

  1. Mở bài gián tiếp

Cảnh vật xung quanh em vô cùng thân thuộc: bãi cỏ mượt trên đồi, đường làng đến trường, trạm bơm nước, rặng dừa bên dòng kênh, sân bóng với những ngày hè chơi thả diều thú vị. Mọi cảnh tưởng như chẳng có gì lạ nhưng có lúc em nhận ra bình minh trên biển quê em là đẹp nhất, hình như cảnh biển luôn luôn tươi mới.

  1. Kết bài mở rộng

Bình minh trên biển quê em mỗi ngày luôn đổi mới. Em tự hào về quê em có cảnh biển đẹp. Em mơ ước một ngày không xa trong tương lai, biển quê em trở thành cảng đánh cá của tỉnh, nơi các ngư dân trong làng ngày đêm cần mẫn làm việc để phát triển kinh tế ngành đánh bắt hải sản của quê nhà.

Tả cánh đồng

  1. Mở bài kiểu gián tiếp

Tháng mười nắng vàng hoe. Ban đêm sao lấp lánh bầu trời xanh. Trăng sáng vằng vặc. Mọi người mọi nhà trong làng em đều náo nức sửa soạn. Các mẹ các chị đi chợ về sớm hơn. Liềm hái, xe công nông được sửa sang. Lúa ngoài đồng ửng vàng lên. Sớm nay, tiếng gà gáy sáng vừa râm ran, cả làng Bàng đã tấp nập kéo ra đồng đông vui như ngày hội. Vụ gặt đã bắt đầu.

  1. Kết bài theo kiểu mở rộng

“Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả". Một vụ mùa bội thu. Năm năm liền được mùa. Niềm vui hiện lên từng khuôn mặt rạng rỡ. Cây rơm chất đầy, cao ngất vàng khươm. Lúa vàng óng, khô giòn phơi đầy sân, đóng bao xếp đầy nhà. Tiếng điếu cày của bố rít lên nghe giòn hơn mỗi sáng, mỗi chiều. Mẹ bán thêm lứa lợn, bàn với bố việc sửa nhà.

Cánh đồng làng sau một tuần chỉ còn trơ gốc rạ. Chúng em chuẩn bị thả diều. Sau mùa gặt cả làng vui. Nồi cơm gạo trắng thơm, mẹ xới đầy, giục đàn con mỗi đứa ăn thêm bát nữa.

Tả con sông quê em

  1. Mở bài kiểu gián tiếp

Thời thơ ấu của tôi gắn liền với nhiều kỉ niệm. Con đường thơ mộng ngày hai buổi đưa tôi đến trường. Bãi cỏ ven làng, nơi tôi cùng các bạn nô đùa. Nhưng thân thiết nhất với tôi vẫn là con sông quê đã tắm mát những năm tháng tuổi thơ của tôi.

  1. Kết bài kiểu mở rộng

Ôi dòng sông! Dòng sông của quê hương, của đất nước. Sông làm cho phong cảnh hữu tình. Sông ôm ấp làng quê. Sông lam xanh bãi mía, nương dâu. Sông gắn bó với cả thời thơ ấu của tôi. Tôi yêu tha thiết con sông, yêu bằng tình yêu muôn thuở, tình yêu quê hương.

Tả con đường làng

  1. Mở bài gián tiếp

Tuổi thơ của em có biết bao kỉ niệm gắn với những cảnh vật của quê hương. Đây là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. Kia là triền đê rộn rã tiếng hát của thanh niên nam nữ những đêm sáng trăng. Nhưng gần gũi, thân thiết với em vẫn là con đường từ nhà đến trường- con đường gắn với kỉ niệm suốt những năm tháng học trò của em.

  1. Kết bài mở rộng

Em rất yêu quý con đường từ nhà đến trường. Sáng nào đi học em cũng thấy con đường rất sạch sẽ. Em biết đấy là nhờ công quét dọn ngày đêm của các cô bác công nhân vệ sinh. Em và các bạn bảo nhau không xả rác bừa bãi để con đường luôn sạch đẹp.

Tả cánh đồng lúa của quê em

  1. Mở bài gián tiếp: Em được nghe ba mẹ nói nhiều về các cảnh đẹp của đất nước như: Đà Lạt có Hồ Xuân Hương, vịnh Hạ Long kì ảo, động Phong Nha huyền bí... Nhưng em không thấy nơi đâu đẹp bằng cánh đồng rộng mênh mông ở quê hương em.
  1. Kết bài mở rộng: Năm tháng rồi sẽ qua đi. Em ngày càng khôn lớn. Tầm hiểu biết cũng rộng hơn. Có thể vẻ đẹp của cánh đồng lúa quê em không bằng những cảnh đẹp nơi khác, nhưng ở đó đã ghi sâu những kỉ niệm thời thơ ấu của em.

Mở bài kiểu gián tiếp là như thế nào?

- Mở bài gián tiếp : mở bài không đi trực tiếp vào việc giới thiệu cảnh muốn tả mà là từ một vấn đề khác rồi mới dẫn dắt vào cảnh được tả. - Kết bài mở rộng : mở rộng vấn đề từ cảnh được tả, bộc lộ cảm xúc, tình cảm của mình vào cảnh được tả; liên hệ thực tế những việc cần làm để bảo vệ thiên nhiên.

Mở bài trực tiếp là như thế nào?

Mở bài trực tiếp chính là đi ngay vào đề tài của bài văn nghị luận. Cách mở bài trực tiếp có ưu điểm ngắn gọn, dễ tiếp nhận và có thể đạt được điểm tối đa trong các kì thi nhưng nó lại ít tạo được điểm nhấn và cho người đọc hứng thú tới nội dung tiếp theo bởi: Cách viết này sẽ đi thẳng vào vấn đề chính cần nghị luận.

Kết bài mở rộng như thế nào?

Kết bài mở rộng : nêu ý nghĩa hoặc đưa ra lời bình luận về câu chuyện. 2. Kết bài không mở rộng : chỉ cho biết kết cục của câu chuyện, không bình luận gì thêm.

Giới thiệu gián tiếp là gì?

Không trực tiếp, mà phải thông qua một người hoặc vật làm trung gian để tác động vào người, vật khác.

Chủ Đề