Môi trường gần nhà máy xử lý nước

TN&MTTheo báo cáo của UBND huyện Hưng Hà, trên địa bàn xã Thái Phương [tỉnh Thái Bình] có trên 100 doanh nghiệp và cơ sở đang sản xuất kinh doanh, chủ yếu tập trung tại Làng nghề Phương La. Tuy nhiên, hơn 10 năn nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, tẩy nhuộm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra môi trường.

Xem thêm>>>> Báo động ô nhiễm môi trường ở Làng nghề Phương La - Thái Bình: Nhà máy xử lý nước thải dựng lên cho có

                         Báo động ô nhiễm môi trường ở Làng nghề Phương La - Thái Bình: Xả thải trực tiếp ra môi trường

Xây nhà máy xử lý nước thải để bỏ hoang

Trước tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại xã Thái Phương [huyện Hưng Hà], ngày 18/9/2013, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 2032/QĐ-UBND phê duyệt dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng, công suất 800 m3/ngày đêm. Theo báo cáo số 230/BC-UBND ngày 18/10/2019 của UBND huyện Hưng Hà,  tháng 11/2018 Nhà máy xử xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được hoàn thành, với kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề nước thải của Làng Nghề Phương La.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã hoàn thành 3 năm nay nhưng vẫn ‘đắp chiếu’.

Cũng theo báo cáo số 230/BC-UBND của UBND huyện Hưng Hà, sau khi dự án hoàn thành, ngày 21/11/2018, UBND huyện Hưng Hà đã ban hành kế hoạch số 91/KH-UBND về việc vận hành thử nghiệm Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La. Ngày 13/12/2018, UBND tỉnh Thái Bình cho phép thực hiện tháo gỡ niêm phong máy móc, thiết bị nấu, giặt, tẩy nhuộm đối với 3 doanh nghiệp [trước đó đã bị niêm phong] tại xã Thái Phương gồm: Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Phương Tiến để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Qua vận hành thử nghiệm kết quả phân tích mẫu nước thải nấu, giặt, tẩy, nhuộm của 3 công ty trên có một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt yêu cầu, còn cao hơn rất nhiều so với thông số đầu vào của Dự án.

Ngày 24/4/2019, UBND huyện Hưng Hà đã chỉ đạo và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Hà kiểm tra và đã có Văn bản số 49/CV-BQLDA yêu cầu 03 công ty phải tạm dừng hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm từ ngày 25/4/2019. Tiếp đó, ngày 07/05/2019 UBND huyện Hưng Hà lại có Văn bản số 322/UB-BQLDA yêu cầu 03 công ty trên khẩn trương hoàn thiện và vận hành hạng mục tiền xử lý để đưa chất lượng nước thải phát sinh từ nguồn thải về ngưỡng thiết kế đầu vào của Dự án để vận hành thử nghiệm Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La. Nếu các công ty không thực hiện thì sẽ tiếp tục phải tạm dừng hoạt động.

Đến thời điểm ngày 18/10/2019 các Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Phương Tiến đã hoàn thành xây dựng các hạng mục tiền xử lý tại doanh nghiệp theo yêu cầu thiết kế đầu vào của Dự án, báo cáo số 230/BC-UBND của UBND huyện Hưng Hà cho biết.

Ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Nam Thành giới thiệu với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Hệ thống tiền xử lý nước thải của Công ty đã được đầu tư gần 10 tỉ đồng chỉ chờ đấu nối vào Nhà máy xử lý.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2018, thời điểm hoàn thành đến nay nhưng Nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được đưa vào hoạt động, nên các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm ở làng nghề Phương La vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

Doanh nghiệp và người dân đều mong mỏi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Nam Thành cho biết: Thực hiện yêu cầu của UBND huyện Hưng Hà, công ty chúng tôi đã đầu tư gần chục tỉ đồng để xây dựng xong khu tiền xử lý nước thải. Tuy nhiên công ty của tôi chỉ cách Nhà máy xử lý nước thải có hàng rào mà không được đấu nối để xử lý nước thải. Tôi  chỉ mong muốn nhà máy xử xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Đây là cách thiết thực nhất để cứu dân, cứu doanh nghiệp.

Thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp không được hoạt động

Doanh nghiệp mong muốn được đấu nối nước thải từ công ty ra nhà máy xử lý nhằm đảm bảo môi trường, có như vậy công ty mới được vận hành trở lại. Nếu không được đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp, có nguy cơ khiến doanh nghiệp chúng tôi dẫn đến phá sản, ông Trần Sỹ Nhã, Giám đốc công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Phương Tiến bức xúc cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thịnh, người dân thôn Phương La 3, sau hàng chục năm phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở làng nghề Phương La. Trong khi công trình Nhà máy xử lý nước thải xây dựng xong lại không thể đưa vào sử dụng và bỏ hoang từ khi nghiệm thu cho đến nay. “Công trình xử lý nước thải nhưng lại không xử lý nước thải. Sống bên cạnh công trình xử lý nước thải gần trăm tỉ mà dân lại “sống chung với ô nhiễm”, nghe nó nghịch lý vô cùng?”, ông Thịnh thắc mắc.

Dòng kênh đen kịt, bốc mùi

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Triều, người dân ở thôn Phương La 1 cho hay, người dân rất bức xúc vì công trình xử lý nước thải được đầu tư quy mô, tốn mấy chục tỉ đồng tiền thuế của nhân dân, nhưng chưa hoạt động đã bỏ hoang, trong khi người dân chịu cảnh ô nhiễm môi trường hằng ngày. “Tại các buổi họp thôn hoặc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị sự việc với chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi”, ông Triều nói.

Công trình có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ, sau hơn 3 năm được khánh thành, Nhà máy xử xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La vẫn chưa đi vào hoạt động. Người dân, doanh nghiệp tại xã Thái Phương [huyện Hưng Hà – Thái Bình] và dư luận có quyền đặt ra những câu hỏi liệu đây có phải là một trong những công trình “làm nghèo” đất nước, trong khi tỉnh Thái Bình vẫn là một tỉnh có nguồn lực đầu tư không phải là rồi rào?

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong những kỳ sau!

Xem thêm>>>> Báo động ô nhiễm môi trường ở Làng nghề Phương La - Thái Bình: Nhà máy xử lý nước thải dựng lên cho có

                         Báo động ô nhiễm môi trường ở Làng nghề Phương La - Thái Bình: Xả thải trực tiếp ra môi trường

Đỗ Hùng

Chủ Đề