Môn ngữ văn dịch ra tiếng anh là gì

It is the balance between the dry and warm influence of the subtropical anticyclone, hot and dry summer and orography the responsible for carrying cool wet.

Về tên gọi môn Văn

TS. Nguyễn Thị Kim Ngân

(Bài đăng trên Báo Giáo dục - Thời đại số tháng 10/2014)

Môn văn có một vị trí rất quan trọng trong chương trình phổ thông. Vừa qua có cuộc thảo luận khá sôi nổi về việc các trường đại học Y – Dược có tổ chức thi văn trong kỳ thi tuyển sinh hay không, làm dư luận một lần nữa lại suy nghĩ về vấn đề dạy văn trong nhà trường.

Cho đến nay trong các văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT môn Văn vẫn gọi là môn Ngữ Văn. Tuy nhiên trong thực tế và trên báo chí hầu hết mọi người đều dùng chữ môn Văn. Đó là điều đáng để suy nghĩ.

Chúng ta đều biết ở nước ta môn học này từ lâu có những tên gọi khác nhau. Trước Cách mạng tháng Tám và sau đó ở miền Nam người ta thường dung chữ môn Quốc văn hay Việt văn. Ở miền Bắc trước đây có khi gọi là môn Văn học, có khi gọi là Tiếng Việt và Văn học và gần đây nhất thì gọi là Ngữ văn. Bản thân một chuyên gia về chương trình văn của Bộ GD-ĐT trong một công trình về đề tài này cũng băn khoăn không biết nên chọn tên nào cho môn học trong ba tên: Ngữ văn, Tiếng Việt và Văn học, Tiếng Việt(1). Còn trong thực tế, như chúng ta thấy, mọi người cứ gọi là môn Văn, học Văn, dạy Văn, thi Văn.

Vậy nên chọn tên gọi nào cho thích hợp?

Tiếng Việt và Văn học là tên gọi có lẽ được lấy từ chương trình của Liên Xô cũ có tên là “tiếng Nga và Văn học”. Tên gọi này có ưu điểm là đưa Tiếng Việt thành một nội dung giảng dạy chủ yếu trong chương trình và từ đó nâng cao hiểu biết và rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Tuy nhiên việc tách rời tiếng Việt và Văn học thành hai thành phần một mặt không phản ánh đúng bản chất của mối quan hệ gắn bó giữa Văn và Tiếng, mặt khác dễ dẫn đến tình trạng như đã thấy lâu nay là việc dạy tiếng trở thành một bộ phận quá độc lập, ít gắn với dạy Văn và phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh mà nặng về cung cấp những tri thức mang tính chất ngôn ngữ học.

Nếu gọi môn học này là Tiếng Việt như Chương trình của một số nước (Anh, Pháp, Mỹ) thì điều này đối với Việt Nam có lẽ không quen. Nó có thuận lợi trong việc đề cao khuynh hướng phát triển năng lực giao tiếp của học sinh khi học môn này nhưng đồng thời lại quá đối lập với chương trình truyền thống trước đây là chỉ dạy Văn học (Việt văn, Quốc văn) và cũng đối lập với quan niệm ông cha xưa cho rằng trong Văn có Tiếng, chứ không phải trong Tiếng có Văn. Ở nhiều nước phương Tây, người ta quan niệm văn gắn chặt với tiếng, tất cả những gì viết hay đều là Văn hay Văn học, dạy tiếng là dạy văn. Quan niệm của ông cha ta xưa không hẳn như vậy.

Cuối cùng là tên môn Ngữ văn. Đây có thể hiểu là cách rút gọn của Tiếng Việt và Văn học và có lẽ những người ủng hộ cách gọi này cho rằng ngoài tiện lợi của sự ngắn gọn, tên gọi này phản ánh được sự thống nhất của Ngữ và Văn mà mục tiêu dạy tích hợp đang đặt ra. Tuy nhiên nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Ngữ văn như tên gọi môn học hiện nay sẽ trùng với thuật ngữ “Ngữ văn” vốn có nội dung rất khác. Thuật ngữ “Ngữ văn” theo Từ điển Tiếng Việt chỉ một khoa học hay một ngành nghiên cứu về ngôn ngữ gọi chung là Philology. Bởi vậy nếu dịch tên môn học của chúng ta (Ngữ văn) ra tiếng Anh thì người ta tưởng chúng ta dạy “Philology” ở phổ thông và do đó gây hiểu lầm rất lớn.

Sau khi xem xét từ nhiều phương diện khác nhau, theo chúng tôi tốt nhất nên gọi môn học này là môn Văn. Cách gọi này có nhiều cái lợi.Thứ nhất nó đơn giản, ngắn gọn, phù hợp với cách nói phổ biến hiện nay, giống như chúng ta vẫn gọi Toán học là môn Toán (nhiều SGK hiện nay vẫn dùng chữ Văn 7, Văn 8, Toán 4, Toán 5 để chỉ Văn lớp 7, lớp 8, Toán lớp 4, lớp 5 và trong quyết định mới đây của chính phủ về tuyển sinh cũng dùng chữ môn Toán). Thứ hai, tên môn Văn phù hợp với xu hướng muốn dạy tích hợp đồng thời phản ánh đúng bản chất mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn học, giữa việc dạy tiếng Việt và việc dạy văn học, trong văn có ngữ và trong văn cũng có văn chương. Thứ ba, đây cũng là tên gọi đã có từ lâu (Việt văn, Quốc văn). Phản ánh truyền thống lâu đời của giáo dục Việt Nam vốn coi trọng Văn chương. Và cuối cùngcũng phải thừa nhận rằng đây là tên gọi đã trở thành quen thuộc với mọi người, với phụ huynh, với học sinh và với cả các thầy cô giáo. Thói quen nhiều khi rất có ý nghĩa, huống chi ở đây thói quen không chỉ đơn giản là thói quen mà nó cũng rất hợp lý, có cơ sở khoa học và phù hợp với tâm lý dân tộc. Người Việt hay có cách nói rút gọn. chúng ta hay gọi là học Nhạc, Họa (chứ không phải Âm nhạc, Hội họa) hay gọi là Chèo, Tuồng (chứ không phải sân khấu Chèo, sân khấu Tuồng). Có người sẽ hỏi nếu tên gọi là môn Văn thì dịch ra tiếng nước ngoài sẽ làm sao? Đây là vấn đề thú vị liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam. Dịch chữ Văn ra tiếng Anh thì cũng sẽ khó như dịch chữ “Chèo”, “Tuồng” vậy. Theo chúng tôi gọi là Văn và dạy môn Văn cũng là một nét độc đáo, phản ánh bản sắc của giáo dục Việt Nam.

Như vậy cùng với việc xác định tên môn học, chúng ta cũng đã xác định được nội dung cơ bản của môn học này – đó là dạy Văn. Trong dạy Văn có dạy tiếng Việt, trong dạy Văn cũng có dạy Văn chương, dạy Tiếng và dạy Văn chương gắn với nhau, chứ dạy Văn không có nghĩa là dạy tiếng Việt riêng cộng với dạy Văn chương riêng. Nội dung môn học được hiểu như vậy phù hợp với yêu cầu của giáo dục phổ thông, đáp ứng đòi hỏi bên cạnh việc cung cấp những tri thức về khoa học, hình thành ở trẻ em năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, năng lực thẩm mỹ và phát triển nhân cách. Một môn học với nội dung cơ bản như trên hoàn toàn phù hợp với nhu cầu học tập của trẻ em và nhu cầu giáo dục của gia đình và xã hội đối với thế hệ trẻ, và về phương diện này, môn Văn không chỉ cần cho những học sinh chuyên Văn mà cho tất cả những kỳ thi vào đại học, kể cả vào trường Y hay Bách Khoa. Tên gọi môn Văn vừa phù hợp với tập quán, tâm lý dân tộc, vừa nói lên tính chất độc đáo, sáng tạo của chương trình học của chúng ta. Rất mong nhân đợt biên soạn lại chương trình và SGK sắp tới, những người có trách nhiệm cũng sẽ xem xét lại tên gọi môn học cho hợp lý, hợp tình./.