Na Mèo là cửa khẩu quốc tế tại tỉnh nào của Việt Nam

Trang chủ Xã hội Phóng sự

Đường tới Na Mèo

Văn Thành - Nguyễn Đức
Đánh giá tác giả:
06:36 thứ sáu ngày 24/07/2015
Tăng kích thước font chữ Giảm kích thước font chữ In bài viết Gửi bài viết
[HNM] - Nhiều người nói, vùng núi Quan Sơn - Bá Thước ở miền Tây Thanh Hóa là một trong những khu vực nắng nóng khắc nghiệt của miền Bắc, nhưng khi được rủ đi Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi lập tức nhận lời. Giữa những ngày Hà Nội như "lò nung", ở đó cái nóng có thể khủng khiếp hơn nhiều. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thời tiết không cản được sự tò mò về vùng đất có cái tên Na Mèo đầy ma mị và sự hùng vĩ núi rừng bên dòng Sông Mã huyền thoại

Một góc chợ cửa khẩu vùng cao Nặm Xổi tỉnh Hủa Phăn - Lào.


Đường đi Quan Sơn khá thuận. Từ Hà Nội, mất khoảng 2h đồng hồ trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có mặt ở Cẩm Thủy, nơi có suối cá thần nổi tiếng. Khó khăn chỉ đến khi tiến vào quốc lộ 217, đoạn từ ngã ba Đồng Tâm [Bá Thước] đến Na Mèo [Quan Sơn]. Nhiều đoạn đường đang được đào xới, phá đá, mở rộng... Thi thoảng mới gặp một chiếc xe tải chở quặng hoặc xe chở khách ì ạch. Bụi mù mịt. Cậu lái xe tuổi còn trẻ nhưng có nhiều trải nghiệm ở khu vực này kể: Trước đây, quốc lộ 217 hẹp, rất nhiều ổ gà, ổ trâu. Những hôm trời mưa, chỉ cần một xe chở quặng sa phải ổ gà là tắc đường cả buổi. Thế mới có chuyện, một gia đình đã "mở đường" qua vườn nhà mình để thông tuyến [có thu phí] với ô tô. Chuyện thật mà như đùa. Bù lại, khung cảnh núi rừng hùng vĩ phía Tây Bắc và dòng Sông Mã đã làm bớt đi đáng kể cái nắng, cái mệt. Càng đến gần thị trấn Quan Sơn càng dễ nhận ra nét đặc trưng của núi rừng nơi đây. Rặt một màu xanh mướt của tre, luồng. Chúng không chỉ ở chân núi, gần sông mà "leo" tới cả đỉnh núi. Mải đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên, thoáng cái đã đến thị trấn Quan Sơn. Từ đây đến cửa khẩu Na Mèo - Nặm Xổi còn hơn 50 km nữa. Đang hăng, nhưng mấy anh "thổ địa" khuyên nên nghỉ đêm ở thị trấn Quan Sơn, sáng sớm hôm sau lên đường đến thưởng thức đặc sản chợ phiên Na Mèo, vốn chỉ mở vào sáng thứ bảy hằng tuần là vừa.

Một chiều, một đêm ở Quan Sơn giúp tôi cảm nhận rõ hơn về mảnh đất này. "Danh bất hư truyền", cái nóng ở đây có cảm giác như muốn dứt từng thớ thịt, chứ không chỉ rát ngoài da. Thế nhưng, so với những ngày nắng nóng cao điểm Thủ đô thì vẫn dễ chịu hơn nhiều. Cái nắng tuy khắc nghiệt nhưng có nét phóng khoáng của núi rừng hùng vĩ chứ không hầm hập, bức bối, khó giải tỏa giữa bốn bề bê tông, sắt thép đô thị. Đêm ở thị trấn Quan Sơn đìu hiu, vắng vẻ đặc trưng của một thị tứ miền núi. Ngoài núi rừng hùng vĩ bên dòng Sông Mã là một chòm cơ quan công sở, nhà khách, lèo tèo vài cửa hàng tạp hóa. Vật vờ tại khách sạn Sông Mã, chúng tôi gặp Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Điều hành Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 217 [Ban Quản lý dự án 1 - Bộ GTVT] cùng cộng sự. Họ đã thuê gần như trọn khách sạn này làm văn phòng điều hành và cũng là nơi ăn nghỉ. Câu chuyện với những người thợ cầu đường về dự án, về điều kiện sống và con người nơi đây giúp thời gian trôi nhanh hơn với những thông tin hữu ích.

Theo Đề án chiến lược ngành GTVT, tuyến quốc lộ 217 có vai trò đặc biệt quan trọng trong Chương trình Hợp tác Kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng [GMS], cùng với tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn [Lào] kết nối vùng Đông Bắc Lào với phía Bắc Việt Nam, thông ra cảng Nghi Sơn [Thanh Hóa]. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của hành lang Đông Bắc GMS và để giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng Nghi Sơn. Dự án mở rộng quốc lộ 217 dài khoảng 88km, bắt đầu từ ngã ba Đồng Tâm [Bá Thước] kết thúc tại cửa khẩu Na Mèo - Nặm Xổi, được khởi công từ tháng 3-2014, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2016. Với những đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội, việc thi công dự án gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là thời tiết nắng nóng, mưa nhiều. Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa chiến lược của tuyến đường, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bảo đảm tiến độ. Do điều kiện đi lại, thời tiết khắc nghiệt nên hầu hết cán bộ làm việc gián tiếp tại dự án được tuyển ngay tại địa phương để có khả năng thích ứng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để tránh nắng nóng, các đơn vị có sáng kiến, buổi sáng thì tổ chức thi công sớm, nghỉ sớm, chiều tổ chức thi công muộn và nghỉ muộn. Người địa phương "ngán" điều kiện thời tiết, nhưng Tư vấn - Giám sát trưởng của dự án, ông Seung Bin Im, người Hàn Quốc, đã 66 tuổi lại khá thoải mái. Ông cho biết, đã từng thi công một số dự án ở Châu Phi, Trung Đông với điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều. Điều khiến ông lo lắng là công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc cung cấp đá phục vụ dự án.

Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 40% khối lượng công việc, cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Thế nhưng, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để thông xe vào 31-12-2015, vượt tiến độ 3 tháng. Đây thực sự là một thách thức rất lớn nhưng Giám đốc Nguyễn Quang Thanh cho biết sẽ quyết tâm thực hiện và có thể hoàn thành nếu các điều kiện thi công được đáp ứng đầy đủ. Trên tuyến hiện có khoảng 700 cán bộ, công nhân làm việc. Ở giữa vùng núi đá, nhưng khó khăn lớn nhất đối với việc bảo đảm tiến độ dự án lại là vật liệu đá. Dọc tuyến có 6 mỏ có thể cung cấp đã cho dự án, trong đó có 2 mỏ đá của các nhà thầu, 4 mỏ đá thương mại. Nếu như các nhà thầu có thể tăng công suất, bảo đảm khối lượng để thi công thì tại 4 mỏ thương mại khá khó khăn dù đã đề nghị tăng năng lực, công suất. Giám đốc Nguyễn Quang Thanh cho biết, mỗi ngày toàn dự án sử dụng tới 4.500m3 đá để thi công, nhưng các mỏ thương mại mới đáp ứng được 1/3 khối lượng. Trong tình huống xấu, các nhà thầu phải tính tới phương án vận chuyển đá từ xa về, nhưng đây là tuyến đường độc đạo, đang thi công nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chúng tôi thực sự bất ngờ trước quyết tâm rất cao của họ, bởi khối lượng công việc còn lại khá lớn, thời gian không nhiều...

Tiếng là một cửa khẩu quốc tế, nhưng Na Mèo - Nặm Xổi còn giữ nguyên vẹn nét thuần chất sinh hoạt miền núi. Các phiên chợ, ngoài giao thương, còn là nơi giao lưu văn hóa, nơi cho nam nữ các bản ở vùng sâu, vùng xa hẹn hò. Nhờ đã được thông báo với Bộ đội biên phòng cửa khẩu từ chiều hôm trước nên chúng tôi sang đất Lào khá thuận lợi. Nếu như bên Na Mèo của Việt Nam cho thấy sự phát triển với hàng quán cà phê, karaoke thì phía Nặm Xổi [tỉnh Hủa Phăn - Lào] khá trống trải. Người dân nước bạn họp chợ ngay trên chiếc xe tải chở hàng hoặc đơn giản hơn là tấm ni lông trải dưới đất. Hàng hóa có đồ gia dụng, sản vật địa phương, đặc biệt là thịt bò. Người mua có thể trả bằng tiền kip của Lào hoặc tiền đồng Việt Nam. Lượn một vòng quanh chợ, mua được 2kg dưa một loại giống dưa gang, chúng tôi tạt vào một quán ăn ngay cửa khẩu. Món ăn khá đơn giản chỉ gồm thịt bò, sách bò nướng dành cho dân nhậu, mỳ tôm và cơm Lào. Khách đông, trong điệu nhạc dân tộc Thái dặt dìu quen thuộc [giống như bài Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp] nhưng ca sĩ hát bằng tiếng Lào, một mình ông chủ tất bật ngược xuôi phục vụ khách mà chẳng kịp. Thế là khách tự ra quạt than hoa nướng đồ nhậu. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ cũng đủ hiểu. Khi tính tiền, chỉ cần chiếc máy tính. Thế là xong!

Cửa khẩu quốc tế nhưng khá vắng vẻ. Khác hẳn sự tấp nập bán mua ở Tân Thanh, Hữu Nghị [Lạng Sơn], Lao Bảo [Quảng Trị] Cũng dễ hiểu, khi giao thông chưa thuận lợi. Đó là lý do Ngân hàng Phát triển Châu Á có sáng kiến về Chương trình Hợp tác Kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng [gồm 5 nước: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar], trong đó đề ra 9 lĩnh vực hợp tác quan trọng và hợp tác phát triển hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng nhất. Trong thời gian không xa, khi quốc lộ 217 hoàn thành, giao thương phát triển mạnh hơn, bên cạnh những nét đặc trưng miền núi, Na Mèo - Nặm Xổi sẽ có một bộ mặt mới, bộ mặt của một cửa khẩu quốc tế sầm uất.
Đường tới Na Mèo Đóng Tự trình chiếu Dừng trình chiếu
Chia sẻ Facebook Chia sẻ Google Plus Chia sẻ Twitter Chia sẻ Zalo Tới khu vực bình luận In bài viết Gửi bài viết
Từ khóa: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo

Video liên quan

Chủ Đề