Người lãnh đạo anh minh là người như thế nào năm 2024

Đề bài: Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn với vận mệnh đất nước.

Nhìn lại chặng đường bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta dễ dàng nhận thấy vai trò của những người lãnh đạo ảnh hưởng như thế nào đến vận mệnh của đất nước. Khi đất nước ra đời những người lãnh đạo xuất chúng như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung,… thì đất nước ấy ngày một thái bình, phồn vinh hơn. Và ngược lại thì đất nước sẽ thụt lùi, lâm nguy hơn.

Theo dòng chảy của lịch sử, những quyết sách của những nhà lãnh đạo uyên bác, dốc lòng vì dân vì nước đều là những người có tầm nhìn xa trông rộng, là những người xác định đất nước cần gì và nên thay đổi ra sao để đất nước phát triển theo hướng tốt đẹp nhất. Những quyết sách cùng những hành động chuẩn xác, táo bạo từng làm chấn động lòng người ấy chính là những quyết sách có tầm ảnh hưởng vĩ mô đưa đất nước đến bờ thịnh thế, phồn thịnh. Trong đó, từng có “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn và “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn là những quyết sách, bài hịch sáng suốt mang tầm nhìn của thời đại.

Nhắc đến những vị tướng tài danh giá của nước nhà thì không thể không nhắc đến Trần Quốc Tuấn. Sinh thời, ông là người sở hữu những chiến công hiển hách cùng một ý chí sắt đá trong cái tâm thái yêu nước, hết lòng vì dân vì nước. Qua áng văn hào hùng, bi tráng “Hịch tướng sĩ” thì ta có thể thấy được cái tài hoa, cái tâm thái của một người tướng sĩ lãnh binh nơi sa trường. Khi quân Mông – Nguyên lăm le xâm phạm bờ cõi nước ta thì Trần Quốc Tuấn đã cầm bút viết nên bài “Hịch” kêu gọi từ quân đến dân, cảnh tỉnh họ khỏi cái thái bình giả tạo này. Ông liệt kê hàng loạt tội ác của bọn quân xâm lược như lũ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ; ỷ thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng; mượn danh hiệu Vận Nam vương để thu vàng bạc, vơ vét hết của khó có hạn,… Bọn giặc ấy với lòng tham không đáy nhưng binh sĩ nước nhà thì lại thờ ơ, không biết nhục, không biết cảnh giác trước những nguy cơ tiềm tàng đó. Những sự thật phũ phàng khi “thấy chủ bị nhục mà không biết lo, nhìn quốc sĩ mà không biết thẹn. Làm tướng một nước, phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để thết tiệc sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc chỉ nghĩ kế sinh nhai tư lợi mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát”. Trớ trêu thay, đau đớn thay về tình hình thực tế của những binh sĩ dưới quyền. Bởi vậy nên ông mượn bài hịch để nói về sự thật chắc chắn sẽ xảy ra nếu binh sĩ không chịu thay đổi như việc “giặc Mông Thát tràn sang, thì cựa gà không thể đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý ngàn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bịu con đìu, việc quân cơ trăm sự ích chi; tiền của tuy nhiều không thể mua được đầu giặc; chó săn khỏe, không đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết; tiếng hát hay, không thể làm cho giặc điếc tai.” Ngoài việc chỉ ra tình hình thực tế, ông còn nêu ra kết cục cho bản thân ông và binh sĩ khi thua trận. “Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng nguy khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị phát quật; chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, mà đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận.” Những lời nói tha thiết, chân thành phát xuất từ tình cảm chân thực nhất trong ông đã bừng lên ngọn lửa yêu nước, chỉ rõ cho họ trong con đường sương mù mờ mịt ấy và dẫn dắt họ tiến lên đấu tranh giành lại tự do, dâng cao tinh thần quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước.

Tầm ảnh hưởng của người lãnh đạo trong công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược quan trọng là thế nhưng không dừng lại ở thời loạn thế mà ngay cả trong thời hòa bình của đất nước, vai trò của người lãnh đạo không kém phần quan trọng. Có thể thấy rõ ràng đó là vua Lý Công Uẩn. Ông là người thông minh, xuất chúng với một tấm lòng vị tha, bác ái, yêu nước thương dân. Trong thời thái bình thịnh trị, nhân dân an cư lạc nghiệp ấy, ông đã đưa ra một quyết sách vô cùng táo bạo, dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Bản chiếu thư ấy là bước ngoặt vô cùng quan trọng gắn với vận mệnh của nước nhà. Bằng tài trí của mình, ông nhận ra địa thế núi non hiểm trở ở Hoa Lưu phù hợp với sứ mệnh chống lại quân xâm lược nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ thái bình, phồn vinh thì nơi đây không còn thích hợp nữa. Một đất nước cường thịnh là một đất nước cần có khí vận lớn, một đất nước muốn tụ tập khí vận thì cần phải được đặt ở “nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, là phương hướng “đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây”, là địa thế “rộng mà bàng, đất đai cao mà thoáng", là điều kiện phát triển kinh tế “dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng được phong phú tốt tươi". Vùng đất ấy mới chính là vùng đất phù hợp để phát triển kinh tế, văn hóa, là nơi phù hợp để phát triển giao lộ thương mại. Nơi đây là nơi đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc đại Việt thời bất giờ và là tiền đề cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam ngày nay. Bằng tài trí của chính mình, Lý Công Uẩn đã gây dựng nên một kinh đô Thăng Long phồn thịnh: vững vàng về kinh tế, ổn định về chính trị, đặc sắc về văn hóa và đồng thời là thời kỳ hưng vượng nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam.

Phong thủy luân chuyển, cảnh đời đổi thay, “Chiếu dời đô” hay “Hịch tướng sĩ” giờ đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng tầm ảnh hưởng của nó vẫn được ghi sâu vào trong lòng người dân Việt Nam về một thời đại phồn vinh, thịnh thế hay một thời đại loạn lạc xuất anh hùng. Nhờ có những vị lãnh đạo anh minh, tài ba đó mà bờ cõi đất nước được giữ vững, nhân dân được an cư lạc nghiệp và đất nước phát triển theo hướng tốt đẹp. Bởi vậy, tại thời đại nào cũng cần có những nhà lãnh đạo tài năng, xuất chúng, những con người có tầm nhìn xa rộng, những con người anh minh thần võ, có thể lãnh đạo đất nước tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển về toàn diện.