Nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc chạy bằng gì

Thanh Long

“Giai đoạn 2006-2010, cả nước phấn đấu đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 7,5 - 8% thì điện năng phải tăng 16-17%, tổng lượng điện phải đạt từ 113 - 118 ngàn tỉ kWh vào năm 2010. Nếu không thì không thể đạt được mục tiêu cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2010”. Đây là thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong một lần làm việc với ĐBSCL. Theo Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Quyết định 173 của Chính phủ, để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giai đoạn 2006-2010 ĐBSCL phải đạt tăng trưởng GDP bình quân 10-11%. Chuẩn bị nguồn điện năng cho mục tiêu tăng trưởng này, nhiều nhà máy điện đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng tại ĐBSCL. Mai đây, dòng điện từ những “trái tim năng lượng” này sẽ đóng góp hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng và cả nước.

Điện năng đi trước!

ĐBSCL được biết đến là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản và trái cây lớn nhất nước. Đặc biệt, so với cả nước, nơi đây chiếm đến 12% tổng diện tích, khoảng 20% dân số và chiếm trên 20% trong tổng chỉ tiêu GDP. Tuy nhiên, thời gian qua, kinh tế ở ĐBSCL chưa tăng trưởng vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Vì thế, Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2001-2010, phải xây dựng vùng trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, 5 năm qua, cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, vấn đề điện năng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một bài toán khó. Ông Phan Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ, cho biết: “ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình. Nhu cầu điện phục vụ phát triển vùng ĐBSCL và cả nước là rất lớn. Nhu cầu này đòi hỏi ngành điện phải đi trước một bước”.

Được biết, trước đây, cả khu vực ĐBSCL chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc-Cần Thơ, công suất 188 MW, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu thắp sáng và sản xuất. Điện năng cung cấp cho vùng phải được chuyển tải từ TP Hồ Chí Minh trên lưới quốc gia. Nhưng nếu gặp sự cố về đường dây, ĐBSCL sẽ thiếu điện ngay. Mặt khác, qua truyền tải, tỷ lệ hao hụt điện năng lớn và chất lượng điện không được đảm bảo do thường xuyên sụt áp vào giờ cao điểm. Tháng 4 năm 2007, hai tổ máy tua-bin khí số 1 và số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 hòa dòng điện vào điện lưới quốc gia, song vẫn trong thời kỳ thí điểm, khả năng cung cấp điện chưa ổn định. Vì thế, trong quy hoạch chung phát triển nguồn cung cấp điện năng cho vùng ĐBSCL và quốc gia, Chính phủ đã phê duyệt, đầu tư xây dựng các công trình sản xuất điện tại ĐBSCL như: Cụm khí - điện - đạm Cà Mau, Trung tâm Điện lực Ô Môn... Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I - Trung tâm Điện lực Ô Môn và Cụm khí - điện - đạm Cà Mau đã khởi công xây dựng vào năm 2006. Theo nhận định của Chính phủ và EVN, khi được xây dựng xong, các nhà máy sản xuất điện ở ĐBSCL không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, mà còn hòa mạng lưới điện quốc gia cung cấp cho các vùng miền khác trong cả nước.

Khơi nguồn năng lượng

Tháng 4 năm 2007, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, thuộc Dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty điện lực dầu khí Cà Mau, kể vui: “Quá trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau kể ra có rất nhiều cái nhất. Thi công trong thời gian nhanh nhất, nằm xa nhất, điều kiện thi công khó khăn nhất, phát huy nội lực lớn nhất, rồi được đảm nhiệm bởi lực lượng kỹ sư, công nhân trẻ nhất... Nhưng nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành đúng tiến độ. Đây là sự nỗ lực rất lớn của hàng ngàn kỹ sư, công nhân làm việc hăng say trên công trường”. Cuối năm ngoái, nhịp độ làm việc trên công trường càng nhộn nhịp, hối hả hơn, bởi dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 đang trong giai đoạn hoàn thành; Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 2 gấp rút thi công đảm bảo đúng tiến độ ghi trong kế hoạch. Phó Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn nói: “Thời gian tới, quá trình thi công Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn thuộc bậc nhất nữa. Nhưng chúng tôi đảm bảo rằng, công suất phát lên lưới điện sẽ đạt đúng như dự kiến, khoảng 1.500 MW trong tháng 3-2008 này”.

Cùng với nguồn điện từ nơi cuối trời Tổ quốc sẽ được sản xuất và cung cấp ổn định trong năm 2008, dòng điện từ Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 - Dự án Trung tâm điện lực Ô Môn - chính thức hòa vào mạng lưới quốc gia. Hồi cuối năm ngoái, mỗi lần nói đến tiến độ công trình, anh Trương Hoàng Vũ, Phó chỉ huy trưởng công trường, không giấu được vui mừng: “Các dự án trong ngành điện thường vốn lớn, thời gian thi công kéo dài... Chưa có dự án nào như dự án này, luôn đảm bảo đúng tiến độ, đúng kỹ thuật”. Từ lúc khởi động, lúc nào trên công trường cũng có hơn 3.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân trong và ngoài nước làm việc. Nào là nhà thầu chính Liên doanh Mitsubishi Heavy Industries, Ltd. - Mitsubishi Corporation; Nhà thầu phụ xây dựng TOA Corporation; Nhà thầu phụ lắp đặt Tổng Công ty lắp máy Việt Nam [Lilama]... Nhiều đơn vị tham gia nhưng đều phối hợp một cách nhịp nhàng, làm việc trên tinh thần cộng tác và có sự kiểm soát cao. Đây là yếu tố quyết định kết quả trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn. Còn kỹ sư Nguyễn Toàn Thắng, Phòng Quản lý Đầu tư Xây dựng, nói đến công trường nhiệt điện Ô Môn là anh nhớ hoài những ngày đầu tiên xuống công trường. Anh kể: “Hồi đó, nơi đây toàn là kinh mương, đồng ruộng. Từ Trà Nóc, muốn đi vào phải đi lên Ô Môn, qua vàm Thới An hoặc đi bằng phương thiện thủy, nhưng phải mất gần cả 2 tiếng. Giờ nó đã trở thành một công trường đồ sộ rồi. Mai này sẽ còn rộng lớn nhiều hơn nữa...”.

 Một góc công trường Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

 Công trường Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 cuối năm 2007. Ảnh: THANH LONG

Hôm khởi công Dự án Nhiệt điện Ô Môn, thuộc dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ] căn dặn: “Trong thời gian xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, các ngành hữu quan phải khẩn trương xây dựng giai đoạn 2, giai đoạn 3 và 4 [Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 - PV] theo quy hoạch tổng sơ đồ phát triển điện của Chính phủ đến năm 2010 có tính đến năm 2020. Có như vậy mới đủ điện cho phát triển ĐBSCL và cả nước”.

Năm 2007 khép lại. ĐBSCL đón năm 2008 bằng nhiều tin vui. Bởi đâu chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 đang được tiến hành lập thủ tục đầu tư như căn dặn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà hàng loạt nhà máy nhiệt điện khác được Chính phủ hoặc đã cho chủ trương, hoặc đang xem xét xây dựng tại ĐBSCL. Điển hình như: Công ty Ensham [Australia] đồng ý chủ trương đầu tư 4 tỉ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Hữu Hào đã ký phê duyệt tổng thể Trung tâm Điện lực Trà Vinh tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ USD. Tập đoàn điện lực Pháp [EDF] tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để đầu tư xây dựng nhà máy điện chạy bằng than đá. Dự án Trung tâm Nhiệt điện Sóc Trăng cũng đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt đầu tư...

Tạo đà phát triển

Khởi đầu là Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Trung tâm Điện lực Ô Môn, rồi hàng loạt các dự án, công trình nhà máy nhiệt điện khác... hứa hẹn sự phát triển vượt bậc của ngành năng lượng đồng bằng. Nắm bắt những vận hội mới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tập trung xây dựng chiến lược cho sự phát triển trong tương lai... Điển hình như TP Cần Thơ, trung tâm của ĐBSCL, không chỉ ngành công nghiệp mà tất cả các ngành nghề khác đã có những kế hoạch, ký kết hợp tác cùng phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Trung tâm điện lực Ô Môn, một trung tâm điện lực lớn nhất ĐBSCL và đứng thứ 2 so với cả nước, khi cùng các trung tâm điện lực khác hòa vào lưới điện quốc gia sẽ giải quyết được tình trạng thiếu điện gay gắt, góp phần phát triển kinh tế. Đây cũng là tiền đề, cơ sở để TP Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 45/NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra: phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020”.

Đứng trước triển vọng của nguồn điện năng mới ở ĐBSCL, ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định: “Kiên Giang có thế mạnh về du lịch, những dịch vụ phục vụ cho ngành này đã và đang phát triển. Kiên Giang cũng có khu công nghiệp xi măng ở Hà Tiên gồm 5 nhà máy, tổng công suất khoảng 3 triệu tấn/năm. Do đó nhu cầu điện năng để phục vụ phát triển rất lớn. Nhà máy nhiệt điện ở Kiên Giang, mà trước mắt là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn sẽ giúp chúng tôi thực hiện được kế hoạch phát triển trong tương lai”. Còn theo Sở Công nghiệp Cà Mau, phát huy thế mạnh cụm công nghiệp khí - điện - đạm, Cà Mau đã tiến hành quy hoạch xây dựng đầu tư phát triển các khu công nghiệp tập trung như: Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn và Sông Đốc... Các khu công nghiệp này cùng với Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau hứa hẹn cuộc bứt phá của vùng đất nơi cuối trời Tổ quốc.

***

Năm mới bắt đầu. Trên công trường, nơi bến cảng, xí nghiệp, hay ngõ ngách của phố phường, những nơi dòng điện đi qua, nhịp sống, nhịp sản xuất trở nên tất bật hơn, sinh khí hơn. Mai này, dòng điện từ những “trái tim năng lượng” đồng bằng hòa chung nhịp đập mạnh mẽ vào trái tim chung của cả nước góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi đó, ĐBSCL càng khẳng định vai trò, vị trí vùng kinh tế trọng điểm của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 21. Vùng châu thổ trù phú này chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội vươn xa...

* Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau gồm các dự án: Đường ống dẫn khí PM3 dài 325km, công suất 2 tỉ m3 khí/năm; Nhà máy điện Cà Mau 1, Nhà máy điện Cà Mau 2 có tổng công suất 1.500 MW; Nhà máy đạm Cà Mau công suất 800 ngàn tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD, diện tích xây dựng 1.200 ha, tại xã Khánh An [U Minh, Cà Mau]. * Dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn nằm ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, cách TP Cần Thơ 18km về phía bắc có tổng diện tích 175 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD, có các nhà máy điện với tiến độ dự kiến đưa vào vận hành như sau:

* Trung tâm Điện lực Trà Vinh dự kiến xây dựng ở ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, khoảng 641 ha, gồm 3 dự án Nhà máy nhiệt điện: Dự án nhà máy Duyên Hải 1, công suất 1.200 MW; Dự án nhà máy Duyên Hải 2, công suất 1.200 MW; Dự án nhà máy Duyên Hải 3, công suất 1.200 MW.  Dự kiến bắt đầu vận hành từ năm 2011-2014

Video liên quan

Chủ Đề