Phân tích tâm trạng nhân vật liên khi đợi tàu

Chúng tôi xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 11 bài văn mẫu Phân tích tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi môn văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Dàn ý phân tích tâm trạng nhân vật liên lúc chiều tàn

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Thạch Lam là một nhà văn nổi tiếng thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
  • Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của cây bút truyện ngắn xuất sắc Thạch Lam.

- Khái quát về nhân vật Liên: Truyện ngắn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Liên, trong đó một trong những khía cạnh làm nên sự thành công của hình tượng này chính là diễn biến tâm trạng của cô bé khi đợi tàu.

b) Thân bài

* Tâm trạng nhân vật Liên trước thời khắc ngày tàn

  • Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen, lòng buồn man mác.
  • Tinh ý nhận ra hương vị quen thuộc – mùi riêng của đất của quê hương
  • Liên thấy động lòng thương những đứa trẻ nhà nghèo nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng.
  • Xót thương mẹ con chị Tí: ngày mò cua bắt tép, tối dọn cái hàng nước chè tươi chả kiếm được bao nhiêu.

-> Cảnh ngày tàn và những kiếp người tàn tạ: gợi cho Liên nỗi buồn thấm thía, cảm nhận được cuộc sống cơ cực của người dân quê, thông cảm cho nỗi khổ của con người tại vùng đất nghèo.

=> Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người. Đây cũng là nhân vật mà Thạch Lam gửi gắm tâm tư của mình.

* Tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu

+) Trước khi tàu đến

- Liên cùng em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi tàu bởi:

  • Cô được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng
  • Nhưng Liên không mong chờ ai đến nữa
  • Cô thức vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya
  • Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu
  • Liên chăm chú để ý từng đèn ghi, ngọn lửa xanh biếc…

- Tiếng Liên gọi em một cách cuống quýt, giục giã như thể nếu chậm một chút sẽ mất đi điều gì đó quý giá

=> Niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày.

+) Khi tàu đến

  • Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn tàu vượt qua
  • Dù chỉ trong chốc lát, Liên cũng thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh”

-> Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị.

  • Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời câu hỏi của em, trong tâm hồn cô cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống.
  • Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hà Nội đẹp, giàu sang và sung sướng... Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.

=> Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng.

+) Khi tàu đi

  • Như bao con người khác, Liên cũng “mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho cuộc sống hằng ngày”
  • Khi tàu đi qua, Liên trở về với tâm trạng buồn như cuộc sống thường ngày nơi phố huyện
  • Con tàu như niềm vui lóe lên trong chốc lát làm con người mơ tưởng rồi lại chìm vào trong bóng đen dày đặc

- Tất cả chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên

=> Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo.

* Đặc sắc nghệ thuật

  • Nghệ thuật miêu tả nhân vật tinh tế
  • Giọng văn cảm xúc và nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan
  • Phân tích thế giới nội tâm nhân vật tinh tế và sâu sắc
  • Thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập
  • Ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm.

c) Kết bài

  • Khái quát lại sự chuyển biến tâm trạng nhân vật Liên - người duy nhất trong tác phẩm ý thức được đầy đủ và sâu sắc nhất cuộc sống tù đọng của mình.
  • Gửi gắm niềm xót thương của tác giả cho những con người bé nhỏ và trân trọng niềm ước mong một cuộc sống tươi sáng hơn.

Phân tích tâm trạng nhân vật liên khi đợi tàu

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên khi đợi tàu

Ngày nào cũng như ngày nào, trước khi tàu đến, bức tranh phố huyện hiện ra trước mắt Liên thật ảm đảm, u ám. Đó là “bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn” . Đó là những ánh sáng yếu ớt hắt ra từ ngọn đèn của những hàng quán xập sệ. Đó là những phận người lủi thủi, nhỏ nhoi giữa đêm tối mênh mông. Đó là hình ảnh mẹ con chị Tý ngày mò cua bắt tép, tối đến lụi cụi dọn cái hàng nước tuyềnh toàng.

Đó là “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại” . “ Vợ chồng bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường” . Chừng ấy phận người trong bóng tối dường như vẫn mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ.

Với người khác, những cảnh đó sẽ thật thường tình. Bởi đó là số phận của những con người nơi đây. Nhưng với Liên thì không như vậy. Dường như cảnh đã tác động đến tâm lý con người. Chính vì sống giữa cảnh điêu tàn của phố huyện, nên cô bé Liên, một cô bé giàu lòng trắc ẩn mới có tâm trạng khắc khoải đợi chuyến tàu đêm như vậy!

Trong con mắt của nhiều người, việc đêm nào cũng thao thức chờ chuyến tàu từ Hà Nội lên phố huyện của chị em Liên thật ngớ ngẩn. Nó chẳng mang lại tiền bạc cũng như giá trị danh vọng gì. Thế nhưng với Liên, việc đợi tàu đã trở thành một thói quen không thể bỏ, một nhu cầu về tinh thần không thể thiếu. Liên đợi tàu không phải vì háo hức xem người ta mua gì, bán gì. Không phải vì cửa hàng nhà Liên sẽ cố vợt thêm những vị khách quý. Mà Liên đợi tàu để được thấy thứ ánh sáng lấp lánh từ Thủ đô. Thứ ánh sáng đó cũng chính là vùng sáng ký ức tuổi thơ đầy tươi đẹp, dịu ngọt của chị em Liên. “An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya ”.

Tuy nhiên, phân tích tâm trạng nhân vật Liên mới thấy việc đợi tàu không dừng lại ở những ý nghĩa đó. Mà sâu xa hơn là khát vọng mạnh mẽ về sự đổi đời. Liên muốn thoát khỏi cuộc sống thực tại nhàm chán, buồn tẻ của chốn thôn quê heo hút. Liên muốn thấy lại một Hà Nội rực sáng, vui vẻ và huyên náo. Thế nên khi tàu đến, Liên thích thú, chăm chú dõi theo từng khoảnh khắc. Liên không bỏ sót một giây phút nào từ khi ánh đèn ghi báo hiệu. Liên thấy “các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường”. Liên như nuốt từng khung hình trên toa tàu rồi thu vào tầm mắt với “ những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng”.

Nhà văn Thạch Lam thật tài tình khi khắc họa nhân vật Liên qua hành động tưởng như vô thức ấy. Cái hành động vô nghĩa ấy với nhiều người nhưng lại chứa đựng bao ước mơ, hoài bão của một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Liên cùng em đợi tàu với bao cảm xúc, vừa háo hức hồi hộp xen lẫn bâng khuâng, mơ hồ. Có thể nói, với Liên và em, ánh đèn của đoàn tàu như ánh sáng pháo hoa đêm 30 Tết. Niềm vui đợi tàu của hai chị em như niềm hạnh phúc đón chào năm mới của mọi người.

Phân tích tâm trạng nhân vật liên khi đợi tàu

Tâm trạng của Liên khi đoàn tàu đi qua

Khi đoàn tàu ồn ã lao đi vào bóng tối, xa dần và khuất vào màn đêm, cũng là lúc Liên thấy lòng mình đầy tiếc nuối, hụt hẫng. Từ khi từ giã Hà Nội về với phố huyện xác xơ này, đã bao lần lòng Liên dấy lên xúc cảm ấy. Phân tích tâm trạng nhân vật Liên càng thấy rõ sự đối nghịch giữa hai đời sống. Một là cuộc sống tươi đẹp mà xưa kia Liên từng có. Một là cuộc sống ủ dột, tăm tối nơi phố huyện nghèo nàn. Qua đây, ta cũng càng nhận ra, tâm hồn Liên nhạy cảm dễ xúc động biết bao. Mỗi sự vật, sự việc diễn ra xunh quanh đều khiến cô suy nghĩ, khiến cô đau đáu cõi lòng.

Phân tích tâm trạng nhân vật Liên không cần phải dùng từ đao to búa lớn. Bởi ngay mạch ngầm cảm xúc của tác phẩm đã cứ thế chảy trôi một cách dịu dàng. Thạch Lam không cần đau đầu để vẽ nên một cốt truyện với nhiều tình tiết đan xen. Ông đơn giản chỉ là chép lại dòng tự sự, ghi lại nhật ký của một phố huyện với những mảnh đời lay lắt. Có thể khẳng định, hình ảnh đoàn tàu trong câu chuyện của ông mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Biểu tượng đầu tiên phải kể đến đó là thế giới hạnh phúc mà Liên cũng như người dân phố huyện đang khát khao tìm kiếm và hướng tới.  Biểu tượng thứ hai đó là ánh sáng rọi soi, dẫn lối những phận người nơi đây. Ánh sáng của đoàn tàu mạnh mẽ, tỏa khắp, khác xa thứ ánh sáng le lói phát ra từ ngọn đèn nhà chị Tý.

Đoàn tàu mà Liên chờ đợi còn thể hiện niềm xót thương cho số phận của những đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Ông khổ tâm khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Bởi thế, ông gửi gắm qua nhân vật, qua ngôn từ để nâng đỡ cuộc đời họ. Đồng thời nhà văn cũng trân trọng, ủng hộ những khát vọng đổi đời mãnh liệt của họ. với những mơ ước đổi đời tha thiết của họ.

Phân tích tâm trạng nhân vật Liên mói thấy thông qua tác phẩm, Thạch Lam còn kêu gọi con người, hãy thay đổi sự bế tắc trong cuộc đời của những đứa trẻ. Diễn biến tâm trạng của Liên cũng là thông điệp của tác giả khi muốn con người hãy luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Tác giả cổ vũ tinh thần cho những ai quyết tâm thoát khỏi sự nghèo túng, đơn điệu để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn. Không ai sinh ra đã khổ ba đời. Mỗi người cần phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Sướng hay khổ chỉ do mình mà thôi.

Trong các tác phẩm của Thạch Lam, nhà văn luôn thành công với lối bút pháp miêu tả. Các chi tiết, hình ảnh ông dùng để lột tả cảnh đoàn tàu đến và đi thật sinh động và ý nghĩa. Sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, làm cho bức tranh phố huyện càng sắc nét. Đặc biệt, các miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên cứ nhẹ nhàng mà lại hết sức sâu cay. Nó diễn ra vô cùng tự nhiên và cứ thế đi sâu vào lòng người.

Phân tích tâm trạng nhân vật Liên để một lần nữa thấy rõ giá trị nhân văn trong mỗi tác phẩm của nhà văn Thạch Lam. Truyện của ông luôn mang một nét riêng. Bởi ông luôn hướng ngòi bút của mình đến người lao động nghèo. Ông trân quý nâng niu những mộng ước và khát vọng cao đẹp của họ. Nhờ thông điệp nhân văn ấy mà “Hai đứa trẻ” vẫn luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Phân tích tâm trạng nhân vật liên khi đợi tàu

Văn mẫu phân tích tâm trạng nhân vật liên khi đợi tàu

Thanh Lam là một trong những cây viết truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là thành viên của nhóm tự lực văn đoàn nhưng ông mang một nét rất riêng so với các nhà văn trong nhóm. Văn của tự lực văn đoàn thường đượm một nổi buồn lãng mạn còn văn của Thạch Lam lại chất chứa những nổi buồn hiện thực. Nó như một thứ “Hương hoàng lan”, được cất từ những nổi đời. Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn (1938), tác phẩm này tiêu biểu cho phong cách của Thanh Lam. Đó là kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn. Nét phong cách này thể hiện sâu sắc ở khung cảnh phố huyện và tâm trạng đợi tàu của nhân vật Liên.

Truyện ngắn của Thạch Lam là kiểu truyện ngắn trữ tình buồn hiện thực, không có cốt truyện, giàu cảm xúc, nhẹ nhàng và thấm thía như một bài thơ. Bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự thời gian, cảnh phố huyện lúc chiều xuống. Cảnh phố huyện lúc về đêm. Cảnh đợi tàu và cảnh phố huyện lúc có chuyến tàu khuya đi qua. Liên là một cô gái nhỏ vì cha mất việc, cả nhà phải chuyển từ Hà Nội về sống ở một phố huyện nghèo... Tuy còn nhỏ mà Liên đã tỏ ra đảm đang, thay mẹ trông coi một quán tạp hoá nhỏ để kiếm sống và Liên cũng rất chu đáo khi thay mẹ chăm sóc bé An. Đặc biệt Liên là một cô gái nhỏ dịu hiền, nhân hậu, đa cảm.

Tâm trạng của Liên được khắc qua bốn cảnh ở phố huyện, như bốn nấc thang tâm lí: chiều muộn, đêm về, cảnh đợi tàu và chuyến tàu khuya. Bức tranh thiên nhiên trong phố huyện khi ngày tàn được hiện lên qua điểm nhìn nhạy cảm và tinh tế của Liên. Đó là “Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran, ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng muỗi đã bắt đầu vo ve”. Trong bức tranh ấy có sự hoà trộn giữa hai hình ảnh: hình ảnh êm đềm lãng mạn và hình ảnh gợi sự nghèo khó, bần cùng. Phải chăng do cảnh chiều tàn mà gợi cho Liên nổi buồn: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy long buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”

Thật khó để phân định rành rọt nỗi buồn ngoại cảnh thấm vào tâm cảnh hay nổi buồn tâm cảnh lan toả ra, nhuốm vào ngoại cảnh. Ta chỉ thấy ở đây là một nổi buồn sâu sắc trong tâm trạng. Chỉ có sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm như Liên mới thấu hiểu nó. Liên tuy không lam lũ vất vả như những mảnh đời kia. Nhưng lại là số phận đáng thương nhất. Vì quá khứ tươi đẹp của hai chị em Liên đã thuộc về dĩ vãng. Hiện tại thì buồn tẻ, tăm tối, bế tắc. Đúng là cuộc sống phố huyện cứ đang tàn dần, lụi dần trong đói nghèo lam lũ quẩn quanh. Những tâm hồn mới lớn như chị em Liên, chứng kiến những cảnh đó không buồn sao được, nhưng nổi buồn cũng chỉ man mác đọng trong đôi mắt Liên “bóng tối ngập đầy dần” nó đang thấm dần vào tâm hôn Liên.

Phố huyện như một sân khấu cuộc đời chỉ độc diễn một màn buồn tẻ, không có sự thay đổi của cả người lẫn cảnh. Đó là cuộc sống cứ “mốc lên, mòn đi, mục ra, rĩ ra” không lối thoát. Nó gợi liên tưởng bởi hình ảnh “chiếc ao đời phẳng lặng”. Nhà văn không trực tiếp tả tâm trạng này của Liên, nhưng cảnh vật và cuộc sống qua cái nhìn của Liên đã khắc hoạ được tâm trạng đó. Sống trong hoàn cảnh như vậy, chị em Liên sao không khỏi chờ đợi một cái gì đó dù mơ hồ. Nổi buồn dường như thấm thía hơn. Nhưng không hi vọng thì làm sao sống nổi. Và chuyến tàu đêm đã thắp lên niềm hi vọng đó. Cảnh chuyến tàu khuya và tâm trạng buồn vui của Liên, trong cả chuỗi thời gian dài buồn tẻ, thì ánh sáng, tiếng còi tàu chính là niềm vui lớn của hai chị em.

Hai đứa đêm nào cũng náo nức thức chờ tàu. Chúng không chờ tàu để bán hàng, đó là niềm vui tinh thần của hai chị em. Khi đoàn tàu đến Liên và An đứng cả dậy, hướng về phía con tàu, và khi nó đi rồi, “Liên vẫn lặng theo mơ tưởng”, con tàu đến rồi lại đi nhanh để lại trong hai đứa trẻ nổi buồn tiếc. Tàu đi rồi, phố huyện lại trở về với đêm tối và sự tĩnh lặng, càng nặng nề hơn. Niềm vui của hai đứa trẻ vừa loé lên lại bị dập tắt như đám than bổng bùng lên cháy rực rồi lại lùi dần trong đêm. Nổi chờ đợi bắt đầu khắc khoải từ khi bóng chiều xuống, đêm về và phố huyện vào khuya. Hai đứa trẻ chờ đợi từng bước đi của thời gian, từng bước xích lại gần của chuyến tàu: tàu sắp đến, tàu vuột qua, tàu đi rồi chỉ còn lại ánh đèn ghi đỏ xa mãi rồi khuất sau rặng tre. Đêm tối lại bao bọc phố huyện. Miêu tả khung cảnh phố huyện buồn, nghèo nàn, tẻ nhạt, bế tắc và tâm trạng của hai đứa trẻ đặc biệt là Liên một cách trực tiếp và gián tiếp. Qua hiện thực và hồi ức đan xen, miêu tả bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ, nhà văn bộc lộ niềm xót thương những kiếp người đói nghèo, cơ cực, sống quanh quẩn, bế tắc trong xã hội cũ.

Từ đó tác giả như muốn lay tỉnh những tâm hồn uể oải, đang lụi tàn. Muốn nhen lên trong họ ngọn lửa khát khao được sống một cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa hơn. Khát khao thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi họ. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã thể hiện sâu sắc cái tài và cái tâm của Thạch Lam.