Phòng chống ma túy là gì

Nội dung của luật phòng chống ma túy

  • 1. Khái quát về luật phòng chống ma túy
  • 2. Giới thiệu về luật phòng chống ma túy năm 2021
  • 2.1 Sự cần thiết ban hành luật phòng, chống ma túy.
  • 2.2 Những điểm mới của Luật phòng, chống ma túy năm 2021

1. Khái quát về luật phòng chống ma túy

Luật phòng, chống ma túy là đạo luật quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy.

Với nhận thức tệ nạn ma túy là hiểm hoạ lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia, ngày 09.12.2000, Quốc hội Khoá X đã thông qua Luật phòng, chống ma túy [Luật số 23/2000/QH10] và có hiệu lực kể từ ngày 01.6.2001. Đây là văn bản luật về phòng chống ma túy đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta. Luật phòng chống ma tuý gồm 56 điều được chia làm 8 chương: Chương I - Những quy định chung [Điều 1 đến Điều 5]; Chương II - Trách nhiệm phòng, chống ma túy [Điều 6 đến Điều 14]; Chương III - Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy [Điều 15 đến Điều 24]; Chương IV - Cai nghiện ma túy [Điều 25 đến Điều 35]; Chương V - Quản lí nhà nước về phòng, chống ma túy [Điều 36 đến Điều 45]; Chương VI - Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy [Điều 46 đến Điều 51]; Chương VII - Khen thưởng và xử lí vi phạm [Điều 52 đến Điều 54]; Chương VIII - Điều khoản thi hành [Điều 55 đến Điều 56].

Chất ma túy trong Luật này được hiểu là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Luật phòng, chống ma túy quy định rõ phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội chứ không phải chỉ là trách nhiệm của ngành công an, y tế hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về ma túy và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; kết hợp phòng, chống tệ nạn ma túy với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác. Luật cũng quy định rõ Nhà nước Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống ma túy và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi; hợp tác với các nước, các tố chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống ma túy. Cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về phòng, chống ma túy.

Theo quy định của Luật, các hành vi sau bị nghiêm cấm: trồng cây có chứa chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lí, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng š thần; sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy; hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có; chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy; trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

2. Giới thiệu về luật phòng chống ma túy năm 2021

Ngày 30/3/2021 Quốc hội đã tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật phòng, chống ma túy năm 2021 với 8 chương, 55 điều. Luật này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

2.1 Sự cần thiết ban hành luật phòng, chống ma túy.

+ Cơ sở chính trị pháp lý về việc ban hành Luật phòng, chống ma túy năm 2021:

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế”.

Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” [gọi tắt là Chỉ thị 36] đã đưa ra yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy. Ngày 16/9/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 295/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, theo đó đồng chí Phó Thủ tướng giao Bộ Công an “… Nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy…”. Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về “tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới” [gọi tắt là Chỉ thị 25], trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy theo hướng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đẩy mạnh công tác cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc”, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an “Chủ trì tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy…”.

Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 21/12/2019 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2019, Chính phủ đã thống nhất cơ bản thông qua các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy [sửa đổi] do Bộ Công an trình.

Ngày 29/02/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1562/VPCP-PLvề việc chỉnh lý dự thảo Đề nghị Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2021, trong đó Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống ma túy [sửa đổi].

Nghị quyết số 106/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung dự án Luật Phòng, chống ma túy [sửa đổi] vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, theo đó dự án Luật Phòng, chống ma túy [sửa đổi] sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV [tháng 10/2020] và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11 khóa XIV [tháng 3/2021].

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2020 tổ chức vào ngày 12/8/2020, Chính phủ đã nhất trí trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống ma túy [sửa đổi].

+ Về cơ sở thực tiễn

Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng, nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng; từng bước đổi mới công tác cai nghiện ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy. Những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:

- Thứ nhất: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy: Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm [ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần]… Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật hình sự cũ năm 1999 có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán Bar, nhà hàng…. đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần [ngáo đá], không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân. Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.

- Thứ hai: Quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập: Số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý [tăng 60%], xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm mang tính hình thức; công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp; chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư. Cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.

- Thứ ba: Luật Phòng, chống ma túy cũ năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể như: Mâu thuẫn với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Luật phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, cụ thể: Luật Phòng, chống ma túy quy định cơ quan chuyên trách Phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển có chức năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát; Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra quy định thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng ngoài việc có thẩm quyền điều tra về tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, còn có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra với các tội khác như: tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác chứa chất ma túy; sản xuất trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Cảnh sát Biển được tiến hành điều tra đối với các tội: Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Điều 259 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định thêm một số hành vi mới như: “Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần” nhưng trong Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định nghiêm cấm các hành vi này. Sự không thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy với các Bộ luật và luật nêu trên đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

2.2 Những điểm mới của Luật phòng, chống ma túy năm 2021

So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới chủ yếu như sau:

- Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất [tại chương III] và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên [tại chương IV].

- Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này [tại chương II].

- Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy:

+ Người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 01 năm bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính [Điều 23];

+ Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc [Điều 32];

+ Người hoàn thành cai nghiện ma túy [tự nguyện, bắt buộc], người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú;

+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

- Đối với cai nghiện ma túy:

+ Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp [hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế] [Điều 27];

+ Bổ sung quy định nhằm linh hoạt hơn khi lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy có thể thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện [Điều 31, 35];

Luật Minh Khuê [sưu tầm và phân tích]

Video liên quan

Chủ Đề