Phụ gia tăng sáng có cần khai báo hóa chất năm 2024

(HQ Online) - Hàng năm, Bộ Công Thương tiến hành cấp phép nhập khẩu hóa chất Bảng cho khoảng 120-150 doanh nghiệp với khối lượng từ 3.0000-4.000 tấn/năm.

Phụ gia tăng sáng có cần khai báo hóa chất năm 2024
VCCI cần đơn giản và thống nhất các thủ tục hành chính có cùng tính chất. Ảnh: Internet

Hóa chất Bảng là hóa chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học và được phân loại thành hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 (bao gồm cả hóa chất 2A*; 2A và 2B) và hóa chất Bảng 3 theo mức độ độc tính giảm dần.

Hiện Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (phiên bản thẩm định). Trong đó, liên quan đến hoạt động nhập khẩu hóa chất Bảng, Điều 19 Dự thảo quy định về nhập khẩu hoá chất Bảng 3 yêu cầu, doanh nghiệp nhập khẩu hoá chất Bảng phải được cấp phép theo từng hợp đồng mua bán trong thời gian 6 tháng.

Góp ý về nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này nhằm kiểm soát, xác định hoạt động nhập khẩu hóa chất Bảng 3. Tuy nhiên, nếu so sánh thì có thể thấy các nội dung, hồ sơ tương tự như hoạt động khai báo hóa chất tại Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Do vậy, để đơn giản và thống nhất hóa các thủ tục hành chính có cùng tính chất, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định cấp phép nhập khẩu hóa chất Bảng 3 theo hướng tương đồng với quy định về khai báo hóa chất tại Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, trong đó cho phép khai báo hóa chất nhập khẩu trước khi thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng năm, Bộ này tiến hành cấp phép nhập khẩu hóa chất Bảng cho khoảng 120-150 doanh nghiệp với khối lượng từ 3.000-4.000 tấn/năm. Số liệu nhập khẩu hoặc xuất khẩu hóa chất Bảng là cơ sở để thực hiện khai báo quốc gia hàng năm với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Trong đó, hóa chất Bảng 1 chỉ được phép nhập khẩu cho một số mục đích đặc biệt (nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, phòng chống dịch bệnh), không có ứng dụng trong hoạt động công nghiệp nên đến nay không có doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất Bảng 1.

Hoá chất Bảng 2 không có ứng dụng lớn trong ngành công nghiệp, chỉ được sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu, nên hàng năm, Việt Nam nhập khẩu một lượng rất nhỏ các loại hóa chất này.

Hóa chất Bảng 3 chiếm phần lớn trong số các hóa chất Bảng được nhập khẩu về Việt Nam. Đây là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Tại Việt Nam, hóa chất Bảng 3 chủ yếu được nhập khẩu để sử dụng làm phụ gia trong sản xuất xi măng, một số loại mỹ phẩm; sử dụng trong ngành sản xuất linh kiện điện tử hoặc sản xuất keo dán, dung dịch làm mát…

Về hoạt động xuất khẩu hóa chất Bảng, theo thống kê từ năm 2005 đến nay, Việt Nam không có hoạt động sản xuất để xuất khẩu hóa chất Bảng, chỉ một số ít doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất hoá chất Bảng.

Ngoài ra, về việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng, so với quy định hiện hành, quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại Dự thảo thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc thiết kế thủ tục trở nên chặt chẽ hơn sẽ tạo ra rào cản không thật sự cần thiết cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lai, đặc biệt với hoá chất Bảng 3 có ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định kiểm tra thực tế khi cấp phép sản xuất hoá chất Bảng.

Hơn nữa dự thảo cũng quy định các nội dung kiểm tra thực tế gồm: an toàn hoá chất; phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường. VCCI cho rằng quy định này chưa phù hợp, do các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường đã được doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ và được cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực đó cấp phép. Việc đoàn kiểm tra kiểm tra lại các nội dung này là trùng lặp về nội dung và không cần thiết, nên cơ quan soạn thảo cần giới hạn các nội dung kiểm tra thực tế (nếu có) chỉ trong lĩnh vực an toàn hoá chất.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hàng năm, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra định kỳ theo kế hoạch. Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất Bảng. Nội dung kiểm tra tập trung vào hoạt động quản lý, lưu trữ, sử dụng, nhập khẩu hóa chất Bảng.

Công tác này đã giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý các hoạt động này tốt hơn, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.