Quá trình trao đổi thông tin trong giao tiếp là gì cho ví dụ minh họa

Giao tiếp là một quá trình trong đó các bên tham gia tạo ra hoặc chia sẻ thông tin, cảm xúc với nhau nhằm đạt được mục đích giao tiếp.

Giao tiếp có thể được hiểu là các biểu hiện mang tính hướng ngoại và bề mặt khi con người thể hiện các tiếp xúc tương tác với các cá nhân khác trong cộng đồng và nhằm mục đích nhất định. Giao tiếp không chỉ đơn thuần là việc truyền thụ ý muốn nói mà còn bao hàm cả việc hiểu được những ý đó nữa.

Quá trình trao đổi thông tin trong giao tiếp là gì cho ví dụ minh họa

GIAO TIẾP

Giao tiếp, hay truyền thông, thường được định nghĩa là việc truyền tải thông tin. Thuật ngữ này cũng có thể đề cập đến thông điệp được truyền đạt thông qua việc truyền tải này hoặc lĩnh vực nghiên cứu chúng.

Đặt vấn đề.

Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lí giữa hai hay nhiều người.

Trong xã hội, con người phải sử dụng giao tiếp để:

Thống nhất hoạt động cùng nhau.

Để trao đổi thông tin.

Để tác động nhằm làm thay đổi đối tượng, ví dụ như cha mẹ yêu cầu con phải rửa tay trước khi ăn.

Như vậy ta có thể thấy nhờ có giao tiếp, con người có thể liên kết với nhau, cùng nhau thực hiện một hoạt động chung nào đó. Cũng nhờ có giao tiếp, các mối quan hệ xã hội của mỗi cá nhân được hình thành và vận hành. Nhân cách của con người cũng được hình thành và phát triển nhờ có giao tiếp.

Các thành phần của giao tiếp.

Trao đổi thông tin:

Một trong những thành phần quan trọng của quá trình giao tiếp đó là trao đổi thông tin. Thông tin mà con người trao đổi với nhau không chỉ là những kiến thức được thể hiện trong các khái niệm, ngôn từ mà nó còn bao gồm cả những ý nghĩ, cảm xúc, hứng thú, thái độ…

Giao tiếp của con người được nhiều tác giả xem xét, phân tích dưới góc độ lí thuyết thông tin. Tuy nhiên qua trình trao đổi thông tin của con người có những đặc điểm riêng:

Thông tin mang tính đa dạng, nhiều chiều, thậm chí có những điểm không rõ ràng [độ bất định khác nhau].

Thông tin được phát triển, điều chỉnh ngay trong quá trình trao đổi.

Thông tin được truyền vừa theo theo cách tổng thể, vừa theo công đoạn, có thể trên một hoặc nhiều kênh khác nhau, ví dụ: vừa trên kênh ngôn ngữ lại vừa trên kênh phi ngôn ngữ.

Hiểu biết lẫn nhau:

Giao tiếp của con người là quá trình trao đổi thông tin giữa hai [hoặc nhiều hơn] chủ thể chứ không phải là hai thiết bị khác nhau. Trong giao tiếp và qua giao tiếp, bên cạnh việc trao đổi thông tin, mỗi chủ thể dần nhận biết, hiểu được đối tác của mình, bắt đầu từ những đặc điểm bên ngoài và sau đó là những đặc điểm bên trong. Từ những hiểu biết đó, ở chủ thể giao tiếp hình thành những cảm xúc đối với đối tác. Những cảm xúc này có thể bắt đầu từ những rung động và sau đó có thể hình thành những tình cảm bền vững hơn. Những hiểu biết, cảm xúc, tình cảm chính là cơ sở, tiền đề cho sự hình thành, phát triển thái độ của chủ thể đối với đối tác giao tiếp.

Như vậy có thể nhận thấy con người càng mở rộng phạm vi giao tiếp thì càng có cơ hội tăng cường những hiểu biết của mình về người khác, làm phong phú thêm các mối quan hệ xã hội của mình.

Tác động qua lại:

Một khía cạnh khác của giao tiếp chính là mặt hành động. Người ta có thể đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh, đề nghị đối tác làm hoặc không làm một việc gì đó. Sự thay đổi hành động còn có thể diễn ra theo cách gián tiếp: tự thấy mình cần phải thay đổi hoặc sự thay đổi diễn ra một cách tự nhiên mà chủ thể không nhận biết được.

Kết quả của sự tác động qua lại không chỉ thể hiện ở những hành động, hành vi bên ngoài mà còn cả những thay đổi bên trong: thay đổi về cách nghĩ, thay đổi về tình cảm, thay đổi về thái độ.

Trong từng hoạt động giao tiếp cụ thể, tùy theo mục đích, động cơ của mình mà chủ thể chú trọng đến mặt nào đó của giao tiếp. Ví dụ: do chưa quen biết, lúc đầu chỉ là những câu thăm dò nhằm xác định xem người đang nói chuyện với mình là người như thế nào. Trong khi đó, những lời khuyên, yêu cầu, mệnh lệnh điều trị của bác sĩ là nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của bệnh nhân.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp.

Các yếu tố môi trường bên ngoài:

Các yếu tố môi trường tự nhiên như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tiếng ồn…ảnh hưởng nhất định đến quá trình giao tiếp. Tiếng ồn lớn làm cho người ta khó nghe và phải nói to, thậm chí như quát, như hét vào tai nhau. Ánh sáng quá yếu khiến người ta không nhìn rõ nét mặt của nhau, không tiếp nhận được những dấu hiệu cảm xúc của nhau…

Các yếu tố môi trường xã hội: tình hình chính trị, kinh tế, xã hội… cũng ảnh hưởng đáng kể đến giao tiếp. Trong bầu không khí chính trị căng thẳng, người ta tiếp xúc với nhau cũng dè dặt. Sau chiến thắng vang dội của đội tuyển bóng đá nước nhà, trong mỗi câu chuyện cũng đều có sắc thái của niềm vui chiến thắng.

Các yếu tố bên trong:

Có thể chia các yếu tố bên trong có thể ảnh hưởng đến giao tiếp thành 2 loại: các yếu tố thuộc về đặc điểm xã hội và các yếu tố thuộc về đặc điểm tâm lí cá nhân của chủ thể giao tiếp.

Các yếu tố thuộc về đặc điểm xã hội của cá nhân bao gồm:

Tầng lớp, vị thế xã hội.

Xu hướng, quan điểm chính trị .

Tôn giáo.

Nghề nghiệp, trình độ học vấn của cá nhân.

Các yếu tố tâm lí của cá nhân bao gồm:

Các đặc điểm kiểu nhân cách: người hướng nội hay hướng ngoại, người điềm đạm hay sôi nổi hoặc nóng tính… rụt rè do gặp nhiều thất bại hoặc hay khoe khoang, khoác lác…

Các đặc điểm tâm lí khác như: đặc điểm tư duy [sâu sắc hay hời hợt] trí nhớ [nhớ lâu, chính xác…] cũng đều ảnh hưởng đến giao tiếp.

Các phương tiện giao tiếp.

Để thực hiện được giao tiếp, con người phải sử dụng các loại phương tiện khác nhau. Những phương tiện này có thể được chia thành 2 nhóm chính: ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ.

Ngôn ngữ:

Ngôn ngữ là phương tiện chủ đạo được con người dùng trong giao tiếp. Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, con người dùng hệ thống nghĩa của từ ngữ để trao đổi thông tin, kiến thức. Thường có ba loại nghĩa của từ: nghĩa đen, nghĩa rộng và nghĩa bóng. Bên cạnh nghĩa của từ, con người còn sử dụng hệ thống hàm ý [ngụ ý] của ngôn ngữ để giao tiếp. Hệ thống này thường được dùng để thông báo về thái độ của chủ thể cho đối tượng giao tiếp.

Ngoài hệ thống ngữ, nghĩa, con người còn sử dụng những tính chất khác của ngôn ngữ nói để giao tiếp: cường độ ngữ âm [nói to hay nói nhỏ], vận tốc ngôn ngữ [nói nhanh hay chậm], và tần số âm thanh. Những tính chất này thường được dùng để chuyển tải sắc thái cảm xúc, thái độ chủ quan...

Các phương tiện phi ngôn ngữ:

Phương tiện vật chất:

Phương tiện vật chất được dùng trong giao tiếp hàng ngày thường là dạng quà cáp, tặng phẩm... Những phương tiện này thường được sử dụng với những hàm ý khác nhau. Trong cuộc sống xã hội, con người cũng còn sử dụng những phương tiện vật chất khác để giao tiếp như: các sản phẩm vật chất của lao động, công cụ lao động, các danh lam...

Phương tiện kí hiệu, tín hiệu:

Nét mặt:

Con người sử dụng bộ mặt của mình để diễn đạt nội dung giao tiếp, trước hết là diễn đạt về cảm xúc, thái độ. Nét mặt cau có thể hiện sự giận dữ, khó chịu; nét mặt rạng rỡ thể hiện sự hài lòng hoặc sung sướng...

Giao tiếp bằng nét mặt thường được tập trung ở đôi mắt và miệng. Ánh mắt ‘nói” lên rất nhiều sắc thái tâm lí: vui, buồn, ngờ vực hay kiên quyết, tự tin. Giọng cười, cách cười trong giao tiếp cũng phần nào thể hiện được trạng thái tâm lí và tính cách của chủ thể giao tiếp.

Cử chỉ:

Mỗi cử chỉ bàn tay: nắm chặt hay xoè rộng, nhẹ nhàng hay thô bạo... cũng đều có thể được sử dụng làm phương tiện giao tiếp. Đó là chưa kể đến các cử chỉ chuyên biệt được dùng trong các cơ sở giao dịch dạng như thị trường chứng khoán hay hệ thống chữ bằng cử chỉ dành cho người khiếm thính. Bên cạnh các cử chỉ của tay, những cái gật đầu nhẹ nhàng hay lia lịa, tay chống cằm hoặc để gọn gàng trên bàn... cũng là những dấu hiệu được sử dụng làm phương tiện giao tiếp.

Tư thế của thân thể:

Tư thế đứng, cách ngồi, cách đi lại trong giao tiếp ít nhiều liên quan đến vai trò, địa vị của cá nhân.

Trong thực tế cuộc sống, con người sử dụng đồng thời nhiều loại phương tiện khác nhau trong giao tiếp: vừa sử dụng ngôn ngữ lại dùng cả điệu bộ, nét mặt... Chính điều này nói lên tính phức tạp của giao tiếp.

Các loại giao tiếp.

Giao tiếp là một hiện tượng tâm lí phức tạp. Người ta có thể có các cách phân loại khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại thường gặp.

Phân loại theo phương thức giao tiếp:

Giao tiếp trực tiếp:

Trong dạng giao tiếp này, các đối tượng giao tiếp trực tiếp trao đổi thông tin với nhau. Khoảng cách giữa các đối tượng giao tiếp rất gần nhau. Ví dụ: sự tiếp xúc của nhân viên y tế với người bệnh.

Đây là dạng giao tiếp thông dụng nhất. Nó rất linh hoạt và mềm dẻo. Cũng chính trong dạng giao tiếp này, con người có thể vừa sử dụng ngôn ngữ nói, lại vừa có thể dùng các cử chỉ, điệu bộ, nét mặt kèm theo để thể hiện hoặc nhấn mạnh thái độ của mình.

Giao tiếp gián tiếp:

Khi các đối tượng giao tiếp không thể trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhau, họ thường sử dụng giao tiếp gián tiếp. Những phương tiện thường được dùng trong trường hợp này thường là ngôn ngữ viết. Ngoài ra, người ta còn có thể sử dụng các phương tiện khác như gửi quà, nhờ người khác truyền đạt lại.

Giao tiếp trung gian:

Đây là loại giao tiếp không hoàn toàn trực tiếp lại cũng không hoàn toàn gián tiếp, ví dụ như trao đổi qua điện thoại.

Phân loại theo quy cách và nội dung:

Giao tiếp chính thức:

Đây là giao tiếp giữa các thành viên trong nhóm chính thức. Sự giao tiếp này được thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ, quy chế. Ví dụ: giao tiếp giữa thày thuốc và người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân.

Giao tiếp không chính thức:

Đây là giao tiếp trong nhóm không chính thức, không tuân thủ theo một sự quy định chính thức nào. Ví dụ: giao tiếp của bệnh nhân với nhau.

Hiểu đúng về kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp trong tiếng anh còn gọi là Communication skills. Đây là tập hợp những quy tắc ứng xử hằng ngày, được đúc kết thông qua những kinh nghiệm trong quá trình con người giao tiếp với nhau. Đồng thời, kỹ năng giao tiếp còn được xem là một phần quan trọng của nghệ thuật giao tiếp bởi lẽ nó bao gồm các kỹ năng quan trọng khác như: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề, kỹ năng sử dụng ngôn từ,…. Do đó, để giao tiếp thành công bạn cần phải chăm chỉ luyện tập và không ngừng trau dồi kinh nghiệm của bản thân.

Vai trò của giao tiếp

Hằng ngày chúng ta phải giao tiếp với bạn bè, người thân, đồng nghiệp … trong những hoàn cảnh và tình huống rất khác nhau, vì những mục đích cũng rất khác nhau [trao đổi thông tin, giải quyết vấn đề, thuyết phục họ …] Trong quá trình giao tiếp này một lời nói, một cử chỉ có thể tạo ra một ấn tượng tốt đẹp, một sự tin cậy, một cảm xúc tích cực, cũng có thể làm mất lòng nhau, làm tổn hại đến sức khoẻ và khả năng hoạt động của con người. Ông bà ta thương nói: “học ăn, học nói, học gói, học mở”, nghĩa là phải học những điều thật cơ bản trong cuộc sống, mà ta tưởng là đơn giản và dễ dàng. Đã bao lần chúng ta tự hỏi mình: Ta ăn như vậy có đúng không? Ta nói như vậy đã được chưa? Ta có biết lắng nghe người khác nói hay không?… Học cách thức giao tiếp chính là một trong những môn học để làm người, mà ai ai cũng cần phải học, học mãi… đến khi nằm xuống kết thúc một đời người.

Trong tâm lý học, giao tiếp là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, bởi vì giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Đồng thời giao tiếp còn là phương tiện thể hiện nhân cách. Tâm lý của con người được hình thành và phát triển trong giao tiếp với những người xung quanh.

Ngoài ra hoạt động giao tiếp còn là mặt quan trọng, là điều kiện để thực hiện tốt các hoạt động khác, thậm chí cả trong trường hợp, khi mà ý nghĩa của hoạt động không phải là giao tiếp, mà là lĩnh hội và tiếp thu kiến thức, bán hàng, quản lý, ký kết hợp đồng, kinh doanh… Giao tiếp chính là một công cụ sắc bén để tạo ra các mối quan hệ trong quản lý, trong kinh doanh và để tạo ra hạnh phúc trong gia đình.

Trong quản lý, nếu người lãnh đạo có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ đoàn kết được các cộng sự, tạo ra được một bầu không khí tâm lý thuận lợi trong tổ chức, tạo ra được các mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa cấp trên với cấp dưới, trên cơ sở đó có thể tác động mạnh tới từng cá nhân trong tổ chức, nâng cao uy tín của mình.

Tóm lại, giao tiếp là điều quan trọng đối với bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội. Hoạt động giao tiếp cho phép chúng ta phát triển xã hội văn minh, truyền kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quá trình giao tiếp hữu hiệu rất quan trọng đối với sự thành công và mãn nguyện của chúng ta.

,

Chủ Đề