Quan Vũ bị ai chặt đầu

Quan Vũ bị ai chặt đầu

Đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đến đoạn Quan Vũ bị chết bởi sự vây ráp của quân binh Đông Ngô, chắc chắn người đọc ai cũng ngậm ngùi, tiếc nuối cho thân phận của vị tướng đứng đầu Ngũ Hổ Tướng nhà Thục Hán này. Nhưng cái chết của ông cũng để lại cho hậu thế nhiều bài học đáng quý.

Mục lục

  • Quan Vũ chết như thế nào?
    • 1, Thân phận của Quan Vũ
    • 2, Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Quan Vũ
    • 3, Quan Vũ chết không toàn thây
  • Cái chết của Quan Vũ để lại điều gì?
    • 1, Thận trọng khi bố trí người giữ trọng trách
    • 2, Xử lý khéo léo quan hệ ngoại giao
    • 3, Quan Vũ chết vì đề cao thái quá năng lực bản thân
    • 4, Không coi trọng sức mạnh liên kết nội bộ
    • 5, Quan Vũ chết vì đánh giá sai tình hình tương quan lực lượng

Quan Vũ chết như thế nào?

Quan Vũ là một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều người còn mang nặng truyền thống Á Đông. Uy danh của Quan Vũ không chỉ nằm gói gọn trong bộ truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, mà còn được tô đậm và truyền khẩu nhiều dị bản trong nhân gian, kể cả ở những người chưa bao giờ biết về chiến cuộc trong Tam Quốc.

1, Thân phận của Quan Vũ

Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của Quan Vũ, chúng ta có thể điểm sơ lược qua một vài chi tiết chính về thân phận của ông trong bối cảnh lịch sử Trung Hoa thời bấy giờ.

Xuất thân

Quan Vũ có tên thật là Quan Trường Sinh, sau đổi tên là Quan Vân Trường, tên tự là Vũ, các tên khác được dân gian phong tặng là Quan Công, Võ Thánh, Quan Đế. Ông sinh năm 160 (hoặc 162) tại quận Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông chết năm 220 (thọ 60 tuổi), tại Kinh Châu, nay là tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhân vật Quan Vân Trường được La Quán Trung miêu tả là một người cao lớn phi thường, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tầm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt. Ông là người văn võ song toàn, vũ khí thường dùng là “Thanh Long Yển Nguyệt Đao”, cưỡi ngựa Xích Thố.

Sau khi phạm tội giết người, Quan Vũ bỏ quê nhà, đến nương náu ở quận Trác, làm khá nhiều việc để mưu sinh như thợ rèn, bán đậu phụ, đẩy xe…Tại đây, ông gặp được Lưu Bị và Trương Phi, kết nghĩa vườn đào, trở thành ba anh em thân thiết Lưu – Quan – Trương nổi tiếng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung.

Sự nghiệp

Sự nghiệp chính trị của Quan Vũ bắt đầu khi gia nhập vào tập đoàn của Thục Hán do Lưu Bị đứng đầu. Quan Vũ phò tá Thục Hán, vào sinh ra tử, kinh qua nhiều trận mạc, lập nhiều chiến công hiển hách, cho đến khi bị chết bởi hai tướng dưới trướng mình là My Phương và Phó Sĩ Nhân.

Sau cái chết của Quan Vũ, đã để lại khá nhiều câu chuyện ly kỳ, nửa hư nửa thực mà trong đó có nhiều tình tiết các nhà sử học cho rằng đó là sự thêu dệt, không có trong lịch sử. Ông được dân gian coi là một biểu tượng của những đức tính “Danh lợi không đổi lòng, Giàu sang không dâm loạn, Nghèo hèn không nhụt chí, Oai vũ không khuất phục”.

Quan Vũ bị ai chặt đầu
Ảnh minh họa Quan Vũ

2, Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Quan Vũ

Truy ngược thời gian từ mốc Quan Vũ chết, để tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông kể cả bối cảnh lịch sử, tính cách nhân vật và cách xử lý đối phó vấn đề là một trong những chuyện bàn cãi nhiều nhất từ các sử gia và cả người đọc.

Bắt nguồn từ được giao trấn giữ Kinh Châu

Sau trận chiến Xích Bích, thắng lợi thuộc về liên minh Ngô – Thục, Kinh Châu phần lớn do liên minh này nắm giữ, trong đó, Lưu Bị có trong tay 4 quận rưỡi là Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng và một nửa quận Giang Hạ, Tôn Quyền chiếm giữ Giang Lăng, nửa quận Giang Hạ và nửa Nam quận, Tào Tháo chỉ còn giữ lại Nam Dương và nửa Nam Quận.

Tháng 12 năm 211, Lưu Bị mang quân vào Tây Xuyên, Quan Vũ được bàn giao nhiệm vụ ở lại trấn giữ Kinh Châu. Nhiệm vụ này, nhiều người cho rằng không phù hợp với tính cách của Quan Vũ, nhưng thật ra lúc bấy giờ Thục Hán không có ai đủ tín nhiệm để Lưu Bị giao phó.

Khổng Minh thì phải theo Lưu Bị vào gây dựng ở Tây Xuyên, Trương Phi thì tính tình nóng nảy sợ hư việc lớn, trong khi đó Kinh Châu lại là trọng điểm, Ngụy Diên tuy phù hợp hơn nhưng Khổng Minh không tin dùng độc lập, nên Quan Vũ là sự lựa chọn hợp lý nhất lúc bấy giờ.

Không giữ mối giao hảo với Tôn Quyền

Sách lược chiếm lấy thiên hạ của tập đoàn Thục Hán do Khổng Minh khởi xướng là Long Trung đối sách, chia thiên hạ nhà Hán lúc bây giờ ra làm ba, và theo đối sách này, các vị tướng lĩnh dưới triều Thục Hán phải tuân thủ nguyên tắc chiến lược bất di bất dịch do Gia Cát Lượng đề ra là “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo”.

Tuy nhiên, với con người thẳng tính, cương trực, ghét ai không thèm đến xỉa tới như Quan Vũ, rất khó lòng tuân thủ nguyên tắc chiến lược này. Quan Vũ có thể là một đại tướng dũng mãnh, xông pha, không hề nao núng giữa trận mạc, nhưng giao phó nhiệm vụ chính trị mà đòi hỏi sự uyển chuyển nhiều hơn cứng nhắc, có lẽ đó là một thất bại lớn trong việc dùng người của cả Lưu Bị và Khổng Minh. Sự thất bại này góp phần dẫn đến phá sản của chiến lược toàn diện của “Long Trung đối sách”.

Tại Kinh Châu, nhiều lần Tôn Quyền thể hiện rõ thiện chí muốn giữ mối thân tình với Thục Hán thông qua người trấn giữ là Quan Vũ. Cụ thể, có lần Tôn Quyền đã sai sứ đến cầu hôn con gái của Quan Vũ cho con trai mình nhằm tăng cường mối quan hệ thân thiết dài lâu cho liên minh Ngô – Thục.

Không những không chấp nhận lời cầu hôn từ phía Tôn Quyền, Quan Vũ còn tỏ ra kinh miệt, mạt sát Ngô chúa qua lời quát to vào mặt sứ giả của Đông Ngô “Con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à!“.

Đây chính là khởi điểm dẫn đến cái chết sau này của Quan Vũ, đồng thời cũng là giọt nước làm tràn ly, gây tan rã mối giao hảo giữa liên minh hai nhà Thục – Ngô, làm gia tăng mối bất hòa giữa hai liên minh này, vốn dĩ đã âm ỉ chờ bùng phát từ lâu. Sự việc này làm tình hình Đông Ngô và Thục Hán trở nên căng thẳng.

Người chủ trương làm cầu nối giữ hòa khí Ngô – Thục là Lỗ Túc lúc bấy giờ đã qua đời, trên dưới Đông Ngô đều cảm thấy mất sĩ diện với các hành xử thô bỉ của Quan Vũ, nhất là người thay Lỗ Túc lúc này là Lã Mông, nên cuối cùng Tôn Quyền đã quyết định đưa tập đoàn chính trị lớn mạnh nhất vùng Giang Đông này ngả về theo phía Tào Tháo, quyết tâm đánh chiếm lấy lại toàn bộ Kinh Châu.

Không được lòng tướng ở dưới

Làm tướng khi lâm nguy ở trận mạc, có thể nhờ các tướng lĩnh ở dưới phù trợ để thoát hiểm trong những cơn hoạn nạn. Điều này có lẽ Quan Vũ biết, nhưng thường ngày, với tính cách ngạo mạn của mình, một phần cậy tài mình quá lớn, nên ông rất coi thường các tướng lĩnh dưới mình.

Thuật cầm quân ngày xưa hay có câu “ngàn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”, ngược lại, ở Quan Vũ, ông đối đãi rất tốt với binh sĩ cấp thấp và tỏ ra bất cần tài năng của các sĩ tướng cấp cao, việc hay so sánh tài năng chiến đấu của họ với chính cái tài của mình, lâu dần, sinh ra bất mãn, làm gãy sự liên kết giữa ông với họ, cụ thể trong việc này là hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân.

Nói thêm về My Phương và Phó Sĩ Nhân, theo “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung thì hai tướng này gây ra hỏa hoạn nên bị Quan Vũ đánh, từ đó sinh ra căm hận với Quan Vũ, nhưng thực tế hai tướng này không được Quan Vũ thường ngày xem trọng, dẫn đến bất mãn, đầu hàng Tôn Quyền, không xuất binh cứu Kinh Châu, gián tiếp gây ra cái chết cho Quan Vũ sau này.

3, Quan Vũ chết không toàn thây

Thời cuộc phân tranh, chiến sự xảy ra liên miên, người tham gia chiến trận bỏ mạng không toàn thây ở giữa trận tiền là điều hết sức bình thường. Nhưng đối với cách Quan Vũ bị giết chết, có lẽ đó là một bi kịch không chỉ của riêng ông mà của cả nhiều độc giả mến mộ Quan Vũ, cũng như yêu thích nghiền ngẫm “Tam Quốc”.

Cái chết bi thảm của một nhân vật xuất hiện trong khá nhiều hoàn cảnh của Tam Quốc, như Quan Vũ, khiến nhiều người không khỏi rơi lệ, tiếc nuối, bùi ngùi. Lẽ ra, nếu kết cục có hậu hơn, nên sắp xếp ông chết được toàn vẹn thi thể là hài lòng người xem nhất. Tuy nhiên, lịch sử không thể thay đổi, dù bút pháp của La Quán Trung thần sầu mức nào, cũng phải chấp nhận xuôi theo sự thật.

Tháng chạp năm 219, khi bị quân Đông Ngô truy kích, Quan Vũ dẫn 10 kỵ quân men theo đường núi chạy lên phía bắc để tới Ích Châu, nơi Lưu Bị đang trấn giữ, nhằm thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Tôn Quyền. Khi tới Lâm Thư, ông bị Chu Nhiên và Phan Chương chặn đường phục kích, bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung đã bắt sống được ông và cả con trai Quan Bình tại đây.

Năm 220, cả Quan Vũ và Quan Bình đều bị hành quyết bằng cách chém đầu. Đầu của Quan Vũ được đưa đến Mạch Thành cho Tôn Quyền, sau đó Tôn Quyền mới sai người mang đầu của Quan Vũ sang Lạc Dương nộp cho Tào Tháo.

Tào Tháo không mang đầu ông đi bêu mà làm lễ tang rất trọng thể theo nghi thức an táng như chư hầu. Điểm này cũng cho thấy, Tào Tháo phụ rất nhiều người, nhưng chưa bao giờ phụ Quan Vũ.

Dù là một nhân vật lớn trong Tam Quốc, nhưng sau khi chết, thi thể của Quan Vũ cũng mỗi phần mỗi ngả. Theo lịch sử, thì xác chết của ông, đầu một nơi, thân một nẻo, nên dân gian đặt ra câu nói “Đầu ở Lạc Dương, thân nằm Tương Dương, hồn về cố hương (Sơn Tây)”. Đến thời nhà Tùy, nhà Đường, nhà Minh, thì các ngôi mộ này mới được tu sửa, bề thế, tráng lệ và uy nghi hơn.

Cái chết của Quan Vũ để lại điều gì?

Phân tích cái chết của Quan Vũ, ngoài cái nhìn của các sử gia dưới góc độ lịch sử, như nguyên nhân dẫn đến cái chết và hậu quả do cái chết của ông gây ra ảnh hưởng đến cơ đồ nhà Thục Hán, thì những bài học nhân sinh dành cho hậu thế cũng không ít.

Quan Vũ bị ai chặt đầu

1, Thận trọng khi bố trí người giữ trọng trách

Sai lầm của Lưu Bị và Khổng Minh khi bố trí Quan Vũ giữ Kinh Châu có thể đã gián tiếp gây ra cái chết của Quan Vũ. Hơn ai hết, cả hai ông đều hiểu rõ tính tình và nhân cách của Quan Vũ, nhất là Lưu Bị.

Tuy Quan Vũ là một người trượng nghĩa, hào hiệp, có lòng trung thành tuyệt đối lại trí dũng vô song nhưng bên cạnh đó là những nhược điểm ai cũng thấy là sự kiêu căng, ngạo mạn, cậy tài, nên ông rất ít chú trọng đến nhận thức trọng trách đối với các sách lược lớn mang tính sống còn của nguyên một tập đoàn, ví dụ như nhà Thục Hán.

Biết rõ Kinh Châu là rất quan trọng, là nơi cửa hầu tiếp giáp Đông Ngô và Bắc Ngụy, người trấn giữ không những có trí dũng mà còn phải biết khéo léo ngoại giao, rõ ràng người như Quan Vũ là không phù hợp nhưng cả Lưu Bị và Khổng Minh vẫn đều cất nhắc bàn giao, nghĩa là một phần đã tự tay xé nát “Long Trung đối sách” của mình.

Cũng có giả thuyết cho rằng, Lưu Bị muốn hậu đãi Quan Vũ vì đã vào sinh ra tử cùng mình, còn Khổng Minh thì không muốn gây hiềm khích với người kiêu căng như Quan Vũ nên đẩy Quan Vũ ra xa mình.

Tuy nhiên, các giả thuyết đó đều không hợp lý vì cả Lưu Bị và Khổng Minh đều là các chính trị gia có tầm nhìn lớn, rất khó để tình cảm riêng tư lấn át, trừ khi, đó là một cách bố trí dùng người sai lầm.

2, Xử lý khéo léo quan hệ ngoại giao

Năm Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu, khi đó ông đã ngoài 50 tuổi, cái tuổi già dặn và chính chắn nhất của người đàn ông, hơn nữa là một người vào sinh ra tử dày dạn kinh nghiệm chiến cuộc như ông, khó ai có thể hiểu nổi cách xử lý ngoại giao thiếu khôn ngoan như ông đã làm với Tôn Quyền.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Thục – Ngô là một mối quan hệ tầm cỡ, vì nó liên quan mật thiết đến sinh mệnh của Thục Hán, trong đó Quan Vũ đóng một vai trò rất lớn trong mối giao hảo này.

Lẽ ra, ông nên coi trọng mối quan hệ này, dù không bằng lòng với Tôn Quyền, hay coi thường các tướng lĩnh Đông Ngô, ông cũng không nên kinh miệt, mạt sát họ ra mặt và bằng những lời nói cử chỉ xúc phạm quá đáng như vậy.

Qua các cách hành xử của Quan Vũ với người của Đông Ngô, rõ ràng nhận thấy, ở ông, không phải là một người làm việc lớn. Nếu cậy sức vào binh lực, chiến cuộc nổ ra giữa hai bên, phần thiệt thòi vẫn thuộc về các binh sĩ, lại thêm tổn hao quân lực cho quốc gia mà lại không cần thiết.

Trong khi đó, chỉ cần xử lý một cách tế nhị và hòa hảo bằng thương thuyết, lời nói, thể hiện chân tình, ông đã có thể giải quyết êm thấm sự việc, vừa giữ được sinh mạng bản thân và ba quân, vừa không gây hậu quả tổn thất nặng nề cho Thục Hán, dẫn đến toàn cục sau đó, bất lợi hoàn toàn và gián tiếp gây luôn sự diệt vong cho nhà Thục Hán.

3, Quan Vũ chết vì đề cao thái quá năng lực bản thân

Tính cách đáng khen của Quan Vũ là ông có lối sống rất giản dị, luôn chăm sóc sức khỏe của bản thân, thường xuyên rèn luyện thể lực, và cũng chính vì thế ông rất tự tin vào khả năng chiến đấu của mình khi xung trận với đối phương. Sử sách đều ghi lại năng lực phi thường của ông, dù đã bước qua tuổi ngũ tuần.

Đây là một ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm lớn của ông, sự tự tin vào năng lực bản thân không có gì đáng trách, điều đáng nói là ông tự tin thái quá, sinh ra tính tình thường hay kiêu ngạo, luôn thấy người khác không bằng mình, dẫn đến sự khinh suất, chủ quan, không cảnh giác, đề phòng.

Nhược điểm này càng trở nên lớn dần hơn nữa sau khi ông thoát chết trong một lần bị trúng tên có độc xuyên cánh tay trái. Vết thương dù rất nặng, đã được chữa trị, nhưng những di chứng vẫn còn.

Nhưng ông đã quá ỷ y, nghĩ rằng mình đã vượt qua, những lần vết thương tái phát sau đó, sức khỏe sút giảm, (một phần do tuổi tác, một phần do vết thương chưa lành) nhưng tính tự cao, tự phụ của ông vẫn không thay đổi.

4, Không coi trọng sức mạnh liên kết nội bộ

Vì cũng đặt ngôi vị tư cách mình quá cao so với những người khác trong cùng hàng ngũ, hơn nữa Quan Vũ nghĩ mình đang nắm giữ toàn bộ binh quyền cát cứ một phương, các bộ tướng dưới trướng phải luôn biết phục tùng lắng nghe, nhưng ông quên rằng, sự không gần gũi, còn tỏ vẻ coi thường khả năng của họ, là ông tự chặt đứt tay chân của mình.

Ở vị trí của ông, đương nhiên cấp dưới ông một chút, chắc chắn họ sẽ kiêng sợ, e dè, nhưng liệu họ có hết lòng hết dạ tâm phục, khẩu phục hay không, hoàn toàn là do cách thu phục nhân tâm của ông.

Quan Vũ không làm được điều này,mặc dù ông đối đãi rất hậu hĩnh với sĩ tốt, nhưng lại rất tệ hại với hàng ngũ tướng tá, dẫn đến lúc nguy cấp, sĩ tốt không đủ sức giúp, bộ tướng thì đã bất mãn trở giáo đâm lưng.

Từ cái chết của Quan Vũ, bài học về sức mạnh liên kết nội bộ, đặc biệt là nằm ở vai trò người nắm giữ toàn bộ binh quyền, điều binh khiển tướng là hết sức cực kỳ quan trọng.

Dù bản thân có tốt đến chừng nào, nhưng lãnh đạo mà thiếu đi sự gắn kết chặt chẽ từ bên trong, không gần gũi, xã giao cùng người dưới cấp, khó lòng giữ được sức mạnh bền vững của một lực lượng. Rõ ràng, đó là một thất bại cay đắng của Quan Vũ.

5, Quan Vũ chết vì đánh giá sai tình hình tương quan lực lượng

Quan Vũ là người rất am tường binh pháp, ông đam mê sở thích này từ nhỏ, ông cũng thường xuyên học hỏi để bổ túc kiến thức binh pháp riêng cho mình. Ngoài trận địa, chẳng ai chê cách bày binh bố trận của Quan Vũ cả. Nhưng “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, có lẽ vì quá chủ quan nên dẫn đến sự khinh nhờn về cách đánh giá sức mạnh đối phương của ông.

Quân tướng Đông Ngô thì rất rõ về tình hình của Quan Vũ ở Kinh Châu, ngoài việc lên kế hoạch chiếm lấy lại Kinh Châu bằng cách đưa quân tiến đánh trực diện, họ còn xâm nhập vào nội tình của quân binh Quan Vũ để nắm bắt tình hình một cách thông suốt.

Trong khi đó, Quan Vũ khá dửng dưng, vì trong ông chỉ tồn tại duy nhất lối suy nghĩ, Đông Ngô sẽ không có tướng nào cầm binh địch nổi mình.

Đánh giá sai về tình hình tương quan lực lượng lúc bấy giờ cũng là một nguyên nhân dẫn đến cái chết đáng tiếc cho Quan Vũ, các trận chiến cuối đời trước khi bị bắt sống và cắt đầu, hầu như ông cầm quân thất bại trên toàn mặt trận.

Ông bị quân Đông Ngô quay cuồng trong chiến địa, đến nỗi khả năng tác chiến uy dũng thuở nào của ông cũng không giúp được ông thoát ra khỏi vòng kiềm chế của binh quân Tôn Quyền. Cuối cùng, cái chết đến với Quan Vũ, có lẽ như là một điều tất nhiên.


Các bộ sách mới tái bản “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung

Quan Vũ bị ai chặt đầu

BẠN VUI LÒNG ĐẶT MUA Ở ĐÂY


Các bài viết khác có thể bạn quan tâm :

  • Tư Mã Ý và Khổng Minh Gia Cát Lượng, nếu ở cùng phe
  • Tư Mã Ý nhiều lần nuốt lời, thất tín, vẫn có được thiên hạ
  • Ngụy Diên tạo phản hay Khổng Minh nhìn người sai cách
  • Những quyển sách hay nên đọc khi bắt đầu trưởng thành
  • Thất bại trong cuộc sống và tìm kiếm cách để vượt qua


Bài viết có tham khảo một số chi tiết từ Wikipedia