Sau khi tiêu diệt thế lực chúa trịnh, quân tây sơn đã lui về trấn thủ ở đâu?

Quang Trung - Nguyễn Huệ [1753 - 1792], anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến bách thắng. Ông là một thiên tài quân sự, một trong những tướng lĩnh tài giỏi bậc nhất của dân tộc Việt Nam. Một trong những nhân vật rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta ở thế kỷ 18.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa. Ảnh: hanoi.gov.vn

Những kỳ tích oanh liệt

Sinh ra và lớn lên giữa thế kỷ XVIII trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê, Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân cả nước rơi vào cảnh lầm than, Nguyễn Huệ cùng với các em ruột là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa và nhanh chóng trở thành yếu nhân trụ cột, linh hồn của phong trào nông dân Tây Sơn, dẹp yên loạn lạc, chấm dứt những cuộc xâu xé quyền lực của các tập đoàn phong kiến.

Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, ổn định phía Nam, Nguyễn Huệ - Nguyễn Huệ lại cầm quân ra Bắc diệt Trịnh, sắp xếp cơ đồ và giao lại cho nhà Lê. Nguyễn Huệ trở về trấn giữ Phú Xuân chưa được bao lâu thì được tin quân Mãn Thanh âm mưu thôn tính, xâm lược nước ta.

Thấy rõ dã tâm đen tối của kẻ thù, trước tình thế vận mệnh quốc gia nghìn cân treo trên sợi tóc, Nguyễn Huệ đã “ứng mệnh trời, thuận lòng người” lên ngôi Hoàng đế để chính danh gánh vác trọng trách của đất nước trước họa xâm lăng. Lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc của vị hoàng đế trẻ tuổi chính là tuyên ngôn của một dân tộc bất khuất, là niềm tự hào, kiêu hãnh muôn của những người dân đất Việt: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Với ý chí mãnh liệt và thiên tài quân sự bẩm sinh, trước kẻ thù có lực lượng và tiềm năng gấp bội, Quang Trung đã tỉnh táo phân tích cục diện, biết địch biết ta, lựa chọn thời cơ, mở cuộc tiến công quyết chiến chiến lược đánh vào trung tâm đầu não chỉ huy của địch.

Dưới sự thống soái của Quang Trung, đội quân Tây Sơn được sự hậu thuẫn của cả dân tộc, đã tiến công quyết liệt và chớp nhoáng vào những ngày Tết Nguyên đán, quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Từ một thủ lĩnh chiến đấu dưới cờ của anh trai mình là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn, chăm lo xây dựng quân đội Tây Sơn thành quân đội tinh nhuệ, thiện chiến.

Nguyễn Huệ cùng quân đội Tây Sơn lập nên những kỳ tích oanh liệt như: Chiến thắng Phú Yên [1775], ba lần đánh tan quân Nguyễn ở Gia Định [1777, 1782 và 1783], thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút [19-1-1785]; quét sạch hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh [1789], thống nhất đất nước. Chiến thắng làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh dấu một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc. Đó là chiến thắng đỉnh cao của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của những người nông dân tay lấm chân bùn cùng với ý chí độc lập tự chủ của cả dân tộc. Nó minh chứng thiên tài quân sự kiệt xuất và độc đáo của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đồng thời phản ánh trình độ phát triển mới của chiến tranh cứu nước và nghệ thuật quân sự của Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Trong khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử từ năm 1771 đến 1788, trên hành trình tiến tới thống nhất đất nước, dưới sự chỉ huy tài ba của Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn đã hoàn thành việc xóa bỏ chính quyền cát cứ nhà Nguyễn ở Đàng Trong, làm chủ toàn bộ phần lãnh thổ phía Nam, đồng thời xóa bỏ ranh giới chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài; tiêu diệt chính quyền cát cứ họ Trịnh, làm chủ phần lãnh thổ Đàng Ngoài; xóa bỏ chính quyền bù nhìn vua Lê...

Những thành quả nổi bật mang đậm dấu ấn Nguyễn Huệ đặt cơ sở thuận lợi cho sự nghiệp thống nhất đất nước sau đó.

Lý giải về thiên tài quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ

Thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ thể hiện trên nhiều mặt, tựu trung lại là về tổ chức, xây dựng quân đội và chỉ huy tác chiến. Chúng ta có thể thấy một số nét cơ bản đó là:

Thứ nhất: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa quân sự và chính trị

Một nhà quân sự biết kết hợp khéo léo chính trị và quân sự, coi chính trị và quân sự là hai bộ phận hữu cơ của một nhiệm vụ: Đánh đổ chế độ áp bức Nguyễn - Trịnh.

Nguyễn Huệ quả là nhà quân sự biết chú ý đến chính trị, biết kết hợp tài tình chính trị và quân sự, biết đem chính trị phục vụ quân sự, biết dùng quân sự để đạt mục đích chính trị. Ông đánh đâu thắng đấy, và thường rất nhanh, một phần là vì ông khéo kết hợp chính trị và quân sự.

Thứ hai: Đánh vào mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất

Trong các hoạt động quân sự, Nguyễn Huệ biết tập trung lực lượng đánh vào chỗ trọng yếu nhất của đối phương, do đó ông giải quyết chiến dịch rất gọn gàng, nhanh chóng.

Năm 1777, Nguyễn Huệ mang quân vào Gia Định, chỉ một trận ông đã đánh tan quân của Lý Tài, đuổi Nguyễn Phúc Dương chạy về Trà Tân.

Đến trận đại phá 29 vạn quân Thanh hồi đầu năm 1789, Nguyễn Huệ đã táo bạo chọn Thăng Long làm mục tiêu cuộc tấn công có tính chất quyết định. Muốn đánh vào Thăng Long và giành được thắng lợi phải có ít nhất hai điều kiện: Một là những tin tức tình báo rất đầy đủ về quân Thanh, hai là quyết tâm chiến đấu của quân đội đến cao độ. Hai điều kiện này, cuối năm 1788, Nguyễn Huệ có đầy đủ cả.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa. Ảnh: hanoi.gov.vn

Thứ ba: Chọn thời gian và không gian thích hợp, hành động bất ngờ

Trong các hoạt động quân sự, Nguyễn Huệ luôn luôn giữ vững nguyên tắc là không bao giờ làm cái gì mà quân địch có thể nghĩ là mình định làm như thế.

Đầu năm 1789, Nguyễn Huệ đã đại phá 29 vạn quân Thanh trong một trận, một phần là vì ông đã biết triệt để vận dụng nhân tố bất ngờ khiến cho quân Thanh trở tay không kịp.

Hoặc nói đến tính chất thời gian và không gian thích hợp, đó là khi Nguyễn Phúc Ánh cầu viện quân Xiêm vào năm 1784. Vua Xiêm là Chất Tri cho tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương mang 50.000 quân và 300 chiến thuyền sang Gia Định giúp Phúc Ánh.

Chỉ khi nhận đấy nhân dân chán ghét và căm thù quân Xiêm, Nguyễn Huệ mới nhử chúng vào Rạch Gầm rồi thả phục binh ra tiêu diệt chúng. Chỉ một trận Rạch Gầm, năm vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền bị quân Tây Sơn phá sạch…

Thứ tư: Tuyệt đối giữ bí mật kế hoạch tấn công

Trong các hoạt động quân sự, Nguyễn Huệ không có thói quen vạch ra trước một kế hoạch tấn công tỉ mỉ.

Năm 1786, khi ra Bắc lần thứ nhất “phò Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ không hề cho mọi người biết kế hoạch diệt Trịnh của ông. Đến Nguyễn Hữu Chỉnh cũng không biết ông sẽ diệt Trịnh ra sao. Mọi người chỉ biết kế hoạch tấn công của quân Tây Sơn khi Nguyễn Huệ đã vào Thăng Long, đóng đại bản doanh ở phủ chúa Trịnh.

Hoặc, cuối năm Mậu Thân [ngày 25/11/1788], khi cất quân từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Huệ chỉ cho mọi người biết là ông ra Bắc chuyến này là để diệt quân Thanh xâm lược.

Khi ra đến dãy núi Tam Điệp, do tin tức tình báo đã nhận được đầy đủ, Nguyễn Huệ mới công bố kế hoạch đánh quân Thanh cho mọi người biết.

Thứ năm: Không coi thường địch và chú ý đến tình báo

Tôn Vũ có nói: Biết mình biết người, trăm trận đánh trăm trận được. Biết người nói đây là nắm được đầy đủ những tin tức tình báo về quân địch.

Trong các hoạt động quân sự của ông, Nguyễn Huệ rất chú ý đến công tác tình báo. Nhờ tình báo tốt nên ông đã thi hành tất cả các biện pháp nhằm đi đến việc đánh bại quân Thanh. Các phương tiện chống lại súng địch đã được chuẩn bị sẵn sàng: Quân Tây Sơn đã mang sẵn sáu mươi tấm ván gỗ, Nguyễn Huệ cho lấy ba tấm ghép lại thành một lá chắn lớn, ngoài phủ rơm đã tẩm nước. Cho hơn một trăm voi thật khỏe xông lên trước đánh vào kỵ binh của quân Thanh.

Hoặc, nhờ có tình báo, Nguyễn Huệ biết Phạm Văn Cầu là kẻ mê tín và đa nghi, Nguyễn Huệ đã dùng mưu khiến cho Phạm Ngô Cầu chúi đầu vào việc lập đàn chay, rồi Nguyễn Huệ lại dùng mưu ly gián làm cho Ngô Cầu nghi ngờ Hoàng Đình Thể, và cuối cùng không tiếp ứng cho Hoàng Đình Thể, để mặc cho quân Tây Sơn đánh giết cha con Đình Thể..

Thứ sáu: Giáo dục lòng yêu nước cho quân đội

Nguyễn Huệ là nhà quân sự biết đem tư tưởng yêu nước, tinh thần bất khuất giáo dục cho binh sĩ, khiến cho binh sĩ hiểu rõ họ chiến đấu vì ai.

Trong trận tiến đánh quân Thanh năm 1789, quân đội Tây Sơn đã được bồi dưỡng thêm về tinh thần yêu nước, chí quật cường, bất khuất, họ hiểu họ đấu tranh không những để bảo vệ những thành quả do khởi nghĩa nông dân [mà họ là đại biểu] đã đem lại mà còn để bảo vệ đất nước bờ cõi nữa. Họ đấu tranh cho chính nghĩa, cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho quyền lợi những người bị áp bức, cho nên họ sẵn sàng hy sinh tính mạng.

Đặc biệt, lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc của vị hoàng đế trẻ tuổi chính là tuyên ngôn của một dân tộc bất khuất, là niềm tự hào, kiêu hãnh muôn của những người dân đất Việt: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Thứ bảy: Tập hợp được nhiều tướng lĩnh có tài

Trong quá trình lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tạo ra được nhiều tướng lĩnh có tài như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Tiến Đông, đô đốc Mưu [hay Long], đô đốc Bảo, đô đốc Lộc… Mức độ tài năng những người này cũng khác nhau. Nhưng tất cả đều rất mực can đảm.

Vậy thì, lý do vì sao một đế chế hùng mạnh như Nhà Tây Sơn, đánh thắng biết bao nhiêu trận hiển hách, khiến cả nhà Thanh cũng phải kiêng nể mà lại chỉ tồn tại được 24 năm? Một con số ít ỏi so với các triều đại khác trong lịch sử nước nhà.

Những mâu thuẫn gia tộc khiến triều đại Tây Sơn sụp đổ

Cuối năm 1792, Quang Trung từ trần ở tuổi 39. Về cái chết của vua cho dù bất cứ lí do nào, cái chết quá sớm của vua Quang Trung là một mất mát to lớn. Triều Tây Sơn suy yếu từ đó.

Cơ nghiệp của Quang Trung không có người thừa kế xứng đáng. Con của ông là Quang Toản còn quá nhỏ, không có đủ sự uy tín và cứng cỏi. Nguyễn Nhạc thì quá an phận, Nguyễn Lữ thì tài năng chưa đủ. Nội bộ tướng lĩnh lại mâu thuẫn lẫn nhau.

Tuy nhiên, mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn không chỉ xuất hiện sau khi Quang Trung mất, mà trước đó, việc bằng mặt không bằng lòng đã có. Cụ thể:

Sau khi tiến quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh năm 1786, giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đã bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Do chủ trương cuộc chiến và phân chia cai quản của 2 anh em khác nhau, đồng thời Nguyễn Nhạc không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ.

Nên khoảng đầu năm 1787, Nguyễn Huệ chủ động mang 60.000 quân nam tiến vây thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. Sau biến cố đó, hai anh em cũng đã giảng hòa nhưng rạn nứt đã không thể cứu chữa. Có thể nói chính Quang Trung là người tạo tiền lệ xấu cho hàng loạt mâu thuẫn nội bộ sau này.

Năm 1792, khi Quang Trung mất, Quang Toản lên ngôi lúc còn nhỏ nên quyền hành rơi vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Ở ngôi cao, Đắc Tuyên thường hay chuyên quyền độc đoán, cho nên trong hàng ngũ tướng sĩ Tây Sơn, có nhiều người bất bình. Do đó tướng Võ Văn Dũng nổi dậy lập mưu giết Bùi Đắc Tuyên năm 1795. Rồi lại đến lượt võ tướng Trần Quang Diệu do bị nghi oan nên cùng với Lê Trung quyết định phế Quang Toản nhưng việc không thành.

Ngoài ra, khi Nguyễn Ánh đem quân đánh thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc năm 1793, vua Thái Đức cầu cứu Phú Xuân. Quang Toản liền sai các tướng đem quân vào ứng cứu khiến Nguyễn Ánh phải rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại đánh chiếm luôn đất đai của vua Thái Đức khiến ông đang trên giường bệnh tức quá thổ huyết mà chết.

Mâu thuẫn phát sinh kéo dài không chỉ giữa anh em, chú bác ruột mà còn sang cả nội bộ tướng lĩnh thì triều Tây Sơn suy sụp cũng là một điều tất yếu.

Nhưng dẫu sao đi nữa, chúng ta vẫn phải thừa nhận một điều rằng: Quang Trung - Nguyễn Huệ là hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông chưa từng thất bại một trận nào. Tên tuổi Tây Sơn còn ghi mãi trong lịch sử, dù đây là một trong những triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Đánh giá của bạn:

Video liên quan

Chủ Đề