Tại sao cây lựu ra hoa mà không đậu quả

Hạn chế rụng hoa, rụng quả cũng có nghĩa là tăng tỉ lệ đậu quả và tăng sản lượng thu hoạch. Các biện pháp nhằm mục đích tạo các điều kiện thích hợp cần thiết và khống chế ảnh hưởng của các điều kiện bất lợi đối với sự ra hoa, thụ phấn, thụ tinh và sự phát triển ổn định của quả. Các biện pháp sau đây chủ yếu nhằm tác động trực tiếp vào giai đoạn cây ra hoa và đậu quả để góp phần hạn chế rụng hoa, rụng quả.

1. Biện pháp canh tác:

Đây là nhóm biện pháp cơ bản, nhằm làm cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, ít bị rụng hoa, rụng quả. Các biện pháp khác chỉ phát huy tác dụng tốt khi cây sinh trưởng phát triển tốt hoặc đóng góp một phần trong việc hạn chế rụng hoa, rụng quả. Các biện pháp canh tác gồm hàng loạt khâu từ khi chọn giống, trồng cây và suốt quá trình chăm sóc. Ở đây chỉ lưu ý các biện pháp từ khi cây chuẩn bị ra hoa đến khi kết quả và nuôi dưỡng quả có ảnh hưởng đến sự rụng hoa, rụng quả. Trong đó ảnh hưởng rõ nhất là sự bón phân và chế độ nước.

- Về phân bón: Khi cây đã sinh trưởng thành thục chuẩn bị ra hoa cần tăng cường bón lân. Khi cây kết quả và quả đang lớn chú ý bổ sung đạm và Kali. Ngoài phân bón gốc nên sử dụng thêm các loại phân bón qua lá. Phân bón gốc có thể kết hợp các loại phân đơn hoặc phân hỗn hợp NPK với tỉ lệ NPK thích hợp.

Phân bón lá cũng có nhiều loại với tỉ lệ NPK khác nhau kèm thêm các nguyên tố trung và vi lượng rất cần cho cây ở thời kỳ ra hoa, kết quả. Ví dụ: phân bón lá NPK [0 52 34] rất thích hợp ở giai đoạn chuẩn bị ra hoa; phân KNO3 [13 0 46] thích hợp khi cây đã kết quả; cũng có thể sử dụng các chế phẩm phân bón lá có thành phần hữu hiệu là chất humat, chitosan, polyphenolđể giúp cây tăng cường hấp thu tổng hợp chất dinh dưỡng và tăng sức chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi [hạn, úng, nóng, lạnh].

Khi cây ra hoa, nuôi quả tỉa bỏ các chồi non mới nảy để tập trung chất dinh dưỡng nuôi hoa và quả.

- Về chế độ nước: chế độ nước thích hợp giúp cho bộ rễ phát triển tốt và sự hấp thu chất dinh dưỡng thuận lợi. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả rất nhạy cảm với chế độ nước, chỉ cần bị khô hạn hoặc úng ngập một thời gian ngắn cũng làm tăng tỉ lệ rụng hoa, rụng quả.

2. Bổ sung chất kích thích sinh trưởng:

Khi mầm hoa đã hình thành, các chất kích thích sinh trưởng giúp mầm hoa vươn nhanh, tăng cường sức sống cho hạt phấn và bầu nhị cái để thụ tinh thuận lợi hạn chế rụng hoa, khi quả đã hình thành thì giúp quả phát triển tốt, ít bị rụng.

Phun các chất auxin hoặc GA khi thấy mầm hoa đã nhú, trước khi hoa nở rộ. Phun tiếp một lần nữa khi quả đã hình thành. Không phun khi hoa đang nở rộ. Khi hoa đang nở rộ cũng là lúc đang thụ phấn thì bản thân trong hoa cũng tăng cường tạo thành các chất kích thích sinh trưởng để giúp sự thụ tinh. Lúc này nếu phun bổ sung thêm sẽ làm nồng độ chất kích thích sinh trưởng quá cao gây rối loạn các hoạt động sinh lý trong cây, có thể ảnh hưởng đến sự thụ tinh và làm hoa bị rụng.

Một thí nghiệm của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam năm 2008 trên cây nhãn xuồng cơm vàng ở Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy phun 2 lần cách nhau 7 ngày khi mới hình thành quả non, điều tra 4 tuần lễ sau phun, tỉ lệ rụng quả ở nghiệm thức phun NAA nồng độ 20ppm giảm 29,25% so với không phun, nghiệm thức NAA 20ppm + GA35 ppm giảm tới 37,8%, năng suất quả thực tế tăng tương ứng là 15,9 và 22,55.

3. Hạn chế ảnh hưởng của thời tiết bất lợi:

Để chống nóng, lạnh hoặc mưa gió lớn có thể dùng cách che chắn hoặc trồng xen cây bóng râm, cây chắn gió. Thường trồng xen cây bóng râm [chuối, so đũa...] với khoảng cách thích hợp ở vườn cam, quýt, nhãn những năm đầu cây còn nhỏ và mới cho quả. Đốt đống lửa, hun khói trong vườn xoài vào những đêm có sương lạnh. Bón lân và kali, phun các chất humat, chitosan và vi lượng giúp cây tăng sức chống chịu. Tưới đủ nước và phun nước lên tán lá giúp cây chống nóng. Sau một đêm có nhiều sương lạnh sáng ra phun nước lên tán cây để chống lạnh, đồng thời hạn chế một số nấm bệnh thường phát triển trong điều kiện có nhiều sương lạnh [bệnh sương mai, thán thư, phấn trắng thường gây thối hoa và quả non trên xoài, vải, mãn cầu]

4. Bảo vệ côn trùng truyền phấn:

Khi hoa đang nở rộ cũng là lúc côn trùng tập trung đến hút mật hoa đồng thời giúp truyền phấn. Sự hút mật hoa phần nào ảnh hưởng đến thụ tinh song lợi ích của việc truyền phấn thì lớn hơn nhiều, nhất là với những cây có nhiều hoa như nhãn, vải, xoài, vú sữa Vào thời gian cây nở hoa không phun thuốc trừ sâu để bảo vệ côn trùng truyền phấn. Có thể nuôi ong mật thả trong vườn để giúp thụ phấn, đồng thời tăng sản lượng mật, thường làm ở các vùng trồng nhãn, vải tập trung diện tích lớn rất hiệu quả.

5. Thụ phấn bổ sung:

Có một số loại cây ăn quả như: sầu riêng, mãn cầu thời gian tung phấn và thời gian chin của nhị cái không trùng nhau làm nhiều hoa không thụ tinh được nên bị rụng. Người trồng sầu riêng thường phải thụ phấn nhân tạo bổ sung bằng một số cách:

- Trồng vài giống sầu riêng trong vườn để kéo dài thời gian chín trùng hợp giữa hạt phấn và nhị cái.

- Chập tối đi rung cây hoặc dùng cây sào đập nhẹ lên cành cho hạt phấn rơi xuống những núm nhị chưa tàn.

- Dùng nhân lực đi thụ phấn. Buổi chiều đi ngắt một số hoa ở gần ngọn hoặc trên các cành nhỏ thường không đậu quả cho vào túi giấy để qua đêm. Sáng hôm sau bao phấn nứt ra, rũ lấy hạt phấn cho vào chai lọ. Dùng một tay tách nhẹ cánh hoa tay kia lấy bút lông nhúng vào lọ hạt phấn rồi quét nhẹ lên núm nhị cái. Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 8 10 giờ sáng. Sau đó sự thụ tinh sẽ được xảy ra.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Sâu bệnh gây hại là nguyên nhân quan trọng làm rụng hoa, rụng quả. Nhiều loài sâu bệnh hại hoa và quả rất phổ biến.

- Về sâu hại, đáng lưu ý là các sâu chích hút như rầy, rệp, bọ trĩ, nhện. Các loại rệp muội, rệp sáp thường bám rất nhiều trên các chùm hoa và quả non ở hầu hết các loại cây ăn quả. Một số loài khác thường gây hại nghiêm trọng trên một số cây khi ra hoa, đậu quả như: rầy bông xoài, rầy phấn trên sầu riêng, bọ trĩ, nhện đỏ trên các cây có múi, bọ xít và nhện lông nhung trên nhãn, vải, bọ cánh cứng hại hoa mãn cầu, bọ trĩ và bọ xít muỗi hại hoa và quả điều non. Trên các cây ăn quả cũng thường bị các loài sâu ăn hoa, sâu đục quả non [nhãn, vải, xoài, chôm chôm].

- Về bệnh hại hoa và quả, phổ biến và đáng chú ý nhất là các bệnh thán thư [xoài, nhãn, cam, quýt, mãn cầu, sầu riêng, thanh long...], bệnh phấn trắng [xoài, chôm chôm], bệnh thối quả [nhãn, vải, sầu riêng, vú sữa, măng cụt, táo], bệnh sẹo và loét trên quả cam, chanh. Nhiều chùm hoa xoài, điều bị rụng do bệnh thán thư.

Ngoài ra, các sâu bệnh khác hại lá, thân và rễ làm cây suy yếu sẽ giảm khả năng ra hoa và tăng tỉ lệ rụng hoa, rụng quả.

Để hạn chế rụng hoa, rụng quả, việc phòng trừ sâu bệnh có vai trò rất lớn. Khi dùng thuốc cần phun kịp thời trước khi hoa nở và khi quả mới đậu, không phun khi đang nở hoa thụ phấn. Thuốc trừ bệnh cần phun sớm khi hoa mới nhú.

7. Làm rụng bớt hoa và hạn chế số lượng quả:

Các cây ăn quả thường chỉ giữ lại để nuôi dưỡng một số hoa quả nhất định tùy theo tình hình ảnh hưởng và khả năng cung cấp dinh dưỡng. Để nhiều hoa, nhiều quả có thể làm cây bị suy yếu, ảnh hưởng đến sinh trưởng và sự ra hoa, kết quả của vụ sau. Vì vậy đối với những cây vài năm đầu mới ra hoa và những năm ra hoa đậu quả quá nhiều cần làm rụng bớt hoa và hạn chế số lượng quả ở mức độ vừa phải. Có thể áp dụng một số cách sau:

- Phổ biến và dễ làm là dùng tay ngắt bỏ một số hoa, quả nhỏ, bị sâu bệnh, dị dạng ở những chùm quá nhiều quả, không có triển vọng phát triển tốt. Kinh nghiệm như: với cây sầu riêng cho thấy mỗi cây từ 5 năm tuổi trở lên chỉ để 50 80 quả là vừa; Bưởi da xanh chỉ tối đa khoảng 20 30 quả; Xoài, nhãn, vải, vú sữa năm đầu mới ra hoa nên ngắt bỏ hết, các năm sau để số lượng quả tăng dần.

- Dùng hóa chất: để làm rụng bớt số lượng hoa, quả, có thể phun một số hóa chất như: Ethrel, Naphtyl actamid vào lúc hoa đang nở rộ. Áp dụng hóa chất cần có kinh nghiệm, nên làm thử trước để xác định nồng độ và thời gian xử lý thích hợp, không làm rụng quá nhiều quả và không ảnh hưởng đến sự phát triển của quả sau này.

B.Nhật [Theo TLKT của Ths Phạm Anh Cường và KS Nguyễn Mạnh Chinh]

Video liên quan

Chủ Đề