Vạn sự cát tường là gì

Mình ghét nhất đời này thằng nào, con nào sai mà không nhận sai lại tìm cớ để trốn tội, đổ thừa hết người này, lí do này đến lí do khác.

Năm nay, cơ quan lại in lịch block tặng khách hàng, số lượng bao nhiêu thì mình không biết. Xấu đẹp gì mình cũng không nói, nhưng bực mình nhất là cái lỗi chính tả:

“VẠN SỰ CÁC TƯỜNG”

Có ai bao giờ thấy câu chúc này chưa ? CÁT TƯỜNG hay là CÁC TƯỜNG ?

Một lần nữa mình lại là người phát hiện ra đầu tiên, lần nữa mình lại trở thành người soi mói. Sau khi phản ánh với bộ phận có trách nhiệm về việc này thì cả cơ quan mình nhận được câu trả lời vô trách nhiệm như thế này đây, trích nguyên văn luôn:

Theo thông lệ hàng năm, mỗi dịp Xuân về Eximbank sẽ tặng lịch năm mới cho các khách hàng thân thiết, các đơn vị có quan hệ ngoại giao và tòan thể cán bộ nhân viên Eximbank. Năm nay, Phòng Marketing và phòng Hành chánh được giao nhiệm vụ thiết kế và in ấn bộ lịch năm 2008, do vậy Phòng Hành Chánh đã liên hệ với Công ty thiết kế Việt Khoa tại Q.5, Tp.HCM để phối hợp với P.Marketing thiết kế bộ lịch năm 2008.

Sau khi Công ty Việt Khoa thiết kế xong, đã đem mẫu lên cho Phòng Marketing duyệt mẫu, lúc đó Phòng Marketing đã có ý kiến thắc mắc về câu “Vạn Sự Các Tường” nhưng công ty Việt Khoa đã giải thích câu này có nguồn gốc từ Trung Hoa, người Hoa vẫn sử dụng câu này để in lịch cho năm mới với ngữ nghĩa như câu “Vạn Sự Cát Tường” mà người Việt thường dùng. Trước những lý lẽ của công ty Việt Khoa, Phòng Marketing đã đồng ý duyệt mẫu

Ngày 30/11/2007 vừa qua, bộ lịch đã được in xong bao gồm Lịch tờ, lịch bàn và lịch bloc giao cho Eximbank. Ngay sau đó, Phòng Marketing đã nhận được một số ý kiến phản hồi rất tốt về lịch tờ và lịch để bàn, riêng lịch Bloc các Phòng cũng đã hỏi về lỗi từ ngữ. Do vậy, Phòng Marketing và Phòng Hành Chánh đã có đi tìm hiểu và khảo sát thực tế và biết rằng: cộng đồng người Hoa vẫn sử dụng cụm từ “Vạn Sự Các Tường” treo lịch vào năm mới. Công ty Việt Khoa lại là một công ty của người Hoa, do vậy họ đã lấy nguyên cụm từ này đưa vào in lịch bloc cho Eximbank

Phòng Marketing xin nhận thiếu sót là đã không kiểm tra lại từ ngữ cho chính xác theo tập quán chung của nguời Việt Nam để dẫn đến sự việc như trên, mong các Quý phòng ban, các Cán bộ nhân viên thông cảm – Phòng Marketing”

Bực mình là chỗ cái phòng Marketing này, thà làm cái thư xin lỗi và nhận lỗi trước cơ quan đi đằng này lại giở cái chiêu “cả vú lấp miệng em”, đổ thừa là người Hoa nó viết thế.

Thưa anh Marketing đáng quý, nếu mà anh nói vậy thì em cũng xin có đôi lời với anh:

Thứ nhất, cơ quan của mình là ngân hàng 100% Việt Nam, khách hàng của chúng ta cũng đa số là người Việt Nam, chúng ta hoạt động theo luật pháp Việt Nam, địa bàn hoạt động của chúng ta là nước Việt Nam nên cái kiểu dùng một câu tiếng Hoa (theo lời anh nói) để treo trên lịch của người Việt Nam thì e là không phải phép. Có thằng Trung Quốc nào nó treo câu chúc bằng tiếng Việt trên lịch của nó không hở anh Marketing ?

Thứ hai, em đã bỏ công tìm tòi, lục lọi và cả đi hỏi người Hoa (người Hoa xịn đó nha anh) về cách giải thích của anh, để xem có đúng là người Hoa có nói vậy không hay là anh nói. Thì đây:

Tường [Phiên âm: piāo, xiáng] : điềm tốt gọi là tường 祥, điềm xấu gọi là bất tường 不祥.

Cát tường 吉祥 : điềm lành.

Cát [Phiên âm: jí, tòng] : Tốt lành. Phàm việc gì vui mừng đều gọi là cát

Như vậy: Cát tường 吉祥 : điềm lành.

Anh nhớ nhé, Cát có nghĩa chỉ những sự việc vui mừng, yên lành. Trái nghĩa với nó là Hung 凶.

Còn cái chữ Các của anh không hề có nghĩa là vui mừng, yên lành đâu. Mà là :

Các, có các nghĩa như sau:

  • 1 : Gác, từng gác để chứa đồ. Như khuê các 閨閣 chỗ phụ nữ quyền quí ở.
  • 2 : Tên bộ quan, Nội các 內閣 gọi tắt là các. Các thần 閣臣 bầy tôi trong tòa Nội các. Ở nước quân chủ thì giữ chức tham dự các chính sự, ở nước lập hiến thì là cơ quan trung ương hành chánh cao nhất.
  • 3 : Ván gác, ngày xưa đặt ván ở lưng tường lưng vách để các đồ ăn gọi là các.
  • 4 : Đường lát ván. Dùng gỗ bắt sàn đi trên đường ở trong vườn gọi là các đạo 閣道
  • 5 : Cái chống cửa.
  • 6 : Ngăn.
  • 7 : Họ Các.

Như vậy, anh Marketing ơi, anh đã rõ là cái chữ CÁC của anh không có một ý nghĩa nào được dùng để chúc Tết chưa ? Và một lần nữa nhắc anh rằng, người Hoa cũng không có sai chính tả như anh nói đâu nhé !

Mong anh lần sau phải biết dũng cảm nhận lỗi, đừng nên dối trá như vậy. Có xứng đáng và công bằng không nếu anh biết rằng mức lương của anh đang hưởng cao gấp 3.5 lần của em ???

Tặng anh một bài thơ Trung Quốc để anh thấy người Hoa dùng chữ Cát và chữ Các như thế nào:

吉祥寺僧求閣名

過眼榮枯電與風,
久長那得似花紅。
上人宴坐觀空
觀色觀空色即空。

Hán Việt:

Cát Tường tự tăng cầu các danh

Quá nhãn vinh khô điện dữ phong,
Cửu trường na đắc tự hoa hồng.
Thượng nhân yến toạ quan không các,
Quan sắc quan không sắc tức không

Dịch nghĩa:

Chùa Cát Tường, tăng cầu đặt tên gác

Gió và chớp, tươi xinh, khô héo
Trường cửu không thể ví hoa hồng
Trên tiệc thượng nhân xem gác trống
Xem sắc xem không, không sắc không

Explore posts in the same categories: Uncategorized

Trong tâm niệm của mỗi người, nhắc tới “Như Ý” là nói đến những gì tốt lành (Cát Tường) mong gì được nấy, cầu được ước thấy, vậy nên “Như ý cát tường”, “Vạn sự như ý” là mong ước, lời chúc tốt đẹp ta cầu cho gia đình mình, dành tặng cho bằng hữu người thân mọi sự đều được mãn nguyện mỗi khi Tết đến Xuân về.

Khái niệm “Như ý” chắc cũng không có gì đáng bàn nếu không có vấn đề gốc gác của nó vốn là danh xưng của một “vật” có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử lâu đời, đó chính là cái “Như ý”.

Tên gọi “Như Ý” chính thức xuất hiện ở Trung Hoa lần đầu tiên cách đây khoảng 1640 năm, trong một cuốn sách mang tên “Thập di ký” do tác giả Vương Gia thời Tấn soạn.

Hình ảnh của “vật” có tên gọi trên xuất hiện trong một bức tranh bích họa khoảng giữa thời Đường vẽ đức Văn Thù Bồ Tát. Trong bức tranh đó, Văn Thù Bồ Tát dáng vẻ uy nghi thông tuệ ngồi trên Liên Hoa Bảo Tháp, tay cầm một  vật dài, đầu có hình cong như bàn tay.

Hình tượng ban đầu của “Như Ý” mang thông điệp rõ ràng tượng trưng cho trí tuệ và hiểu biết, đó chính là quyền năng của đức Văn Thù Bồ Tát.

Trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu về lai lịch của chiếc “Như Ý”, người ta xác định nó có mối liên hệ mật thiết với một loại tích trượng (vì có hình bàn tay nên cũng gọi là trảo trượng) có xuất xứ tận bên Ấn Độ, là pháp cụ tùy thân sử dụng hàng ngày của các vị sư thời cổ đại, tiếng Phạn gọi là Anuruddha, nghĩa là “Vô diệt” hoặc là “Vô bần”.

Vật có hình dạng tương đồng cũng được tìm thấy ở quê nhà của Khổng Tử là Khúc Phụ, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có niên đại ở vào cuối thời Chiến Quốc.

Vật “Như Ý” được tìm thấy đó khắc chạm hình bàn tay, dài khoảng 40 cm có chạm hoa văn mây, được làm từ răng động vật.

Ngoài ra, những vật có hình dạng tương tự như trên cũng được tìm thấy và lưu giữ trong kho tàng văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Theo thời gian, cùng với quá trình phát triển của văn hóa và xã hội, ý nghĩa biểu trưng của “Như Ý” cũng thay đổi theo ý nguyện của con người giống như chính tên gọi của nó.

Hình dáng của “Như Ý” cũng được cách điệu phong phú và ngày càng đẹp đẽ, thường trang trí đục chạm chữ nghĩa hay các hình tượng tốt lành của Phúc  - Lộc - Thọ.

Chất liệu có khi được đẽo từ gỗ quí, chạm bằng ngọc, san hô hay đúc bằng vàng ròng, sau đó được cẩn ngọc trai hay các vật liệu quý, được sử dụng trong Hoàng cung hoặc quan phủ như là biểu tượng của quyền uy và ân sủng.

Trong Hoàng cung, “Như Ý” càng được làm phức tạp công phu, vật liệu càng quí báu thì càng tôn vinh địa vị cao quí tương ứng của chủ nhân.

Trong một số nghiên cứu về văn hóa sau này còn cho rằng, “Như Ý” có khi còn là hình tượng của Dương trong quan hệ  Âm Dương, mang ẩn ý về sự phồn thực, là nguyện ước về sự sinh sôi nảy nở giống nòi.

“Như ý” trong các thời kỳ Đường, Tống, Minh sau này trở thành vật dụng phổ biến của các bậc tu hành trong cả Phật giáo và Đạo giáo, cũng là vật tùy thân ưa thích của giới văn nhân.

Đến triều Thanh, “Như Ý” còn được sử dụng như một tín vật quan trọng trong nghi lễ kết hôn ở trong Hoàng Cung.

Một số Hoàng đế triều Thanh khi mở yến tiệc chiêu đãi quần thần thường dùng “Như Ý” để ban thưởng cho người có công, có lúc lại tặng “Như Ý” cho tướng lĩnh trước khi ra trận với hàm ý mong xuất sư được thành công toại nguyện, ngoài ra việc trao tặng “Như Ý” cho các sứ thần và vua chúa các nước khác cũng khá phổ biến.

Trong bộ “Tứ khố toàn thư” còn ghi chép lại rõ ràng cả việc vua Càn Long tặng An Nam sứ thần, phó sứ và tùy tùng một số vật quí như Ngọc Quan  Âm và “Như Ý” làm bằng ngọc, đây cũng có lẽ là văn hiến xác thực nhất về sự xuất hiện của “Như Ý” ở Việt Nam ta.

Trong ngôn ngữ, khái niệm “Như Ý - Cát Tường” đã được Việt hóa với ý nghĩa là “tốt đẹp, cầu được ước thấy”, còn vật thiêng “Như Ý” cũng thực sự xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam ta trong thời gian gần đây, có khi được đục bằng gỗ rất công phu tỷ mỷ, có khi chạm bằng đá ngọc kết hợp với kệ gỗ quí chế tác cẩn thận, trở  thành một cặp “mộc thạch” đặt trên bàn.

Bước sang những năm cuối của thế kỷ trước cho đến nay, khi mà sự phát triển bùng nổ về kinh tế khiến ý nghĩa văn hóa của “Như Ý” cũng thay đổi rõ rệt, nguyện vọng khát khao làm giàu của mỗi cá nhân dẫn đến việc hình tượng “Như Ý” dần trở thành một biểu tượng linh thiêng cầu Lộc cầu Tài.

Đặc trưng này càng thể hiện rõ khi “Như Ý” có lúc đi kèm với hình tượng thần Lộc Tinh trong ba vị “Tam đa” Phúc Lộc Thọ, có khi lại được đúc cùng với tượng Di Lặc Bồ tát.

Trong hình tượng mà dân ta vẫn gọi là “Phật Di Lặc” hiện nay thường thấy là một vị thân hình đẫy đà, vai gánh tiền vàng, tay cầm “Như Ý”, miệng cười viên mãn, thường hay đi kèm với dòng chữ “Kim ngọc mãn đường” (Vàng Ngọc đầy nhà), đây thực chất là một biểu tượng cho sự May Mắn, Tài Lộc và Hạnh Phúc trong nguyện ước của mỗi người.

* Trong Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học 1997, trang 705,  từ “Như ý” được giải thích đơn giản là : “Được đúng theo ý muốn của mình”. Câu gợi ý là:  Chúc mọi sự như ý. Như ý sở cầu (cũ): Được như mong muốn.