Vị trí, vai trò của đánh giá cán bộ

Căn cứ quy định của Trung ương và của tỉnh, hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến toàn bộ các đơn vị trực thuộc thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên; gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá cán bộ, công chức. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được gắn với các tiêu chí cụ thể cho từng đối tượng trong các loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị; gắn với chất lượng, hiệu quả công việc.

Tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động ngành Nông nghiệp năm 2017


Đối với cán bộ, việc đánh giá được căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ [tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể]; hiệu quả công tác thực tế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; hiệu quả về xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể; hiệu quả về đoàn kết nội bộ; mức độ tín nhiệm của cấp dưới, đồng sự và của quần chúng; môi trường và điều kiện công tác, căn cứ vào trách nhiệm liên đới...
Đối với công chức, viên chức, nhân viên được dựa trên các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động như: Vị trí công việc, yêu cầu và trách nhiệm cơ quan, đơn vị phân công rõ ràng, cụ thể cho người công chức, viên chức, nhân viên; sản phẩm công tác cụ thể của mỗi một chức danh, một người công chức trong thời gian đánh giá.
Qua triển khai, cơ bản các đơn vị trong ngành đã thực hiện khá tốt công tác đánh giá, phân loại, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức theo quy định; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, khách quan, toàn diện, lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính.
Năm 2016: 815 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên được đánh giá phân loại; trong đó: Hoàn thành xuất sắc: 119-14,6%; Hoàn thành tốt: 635-78,4%; Hoàn thành: 53- 6%; Không hoàn thành: 8- 1%.
Năm 2017: 788 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên được đánh giá phân loại; trong đó: Hoàn thành xuất sắc: 114- 14,5%; Hoàn thành tốt: 647- 82%; Hoàn thành: 23- 3%; Không hoàn thành: 4- 0,5%.
Tuy đã có sự tiến bộ nhưng trong công tác đánh giá cán bộ cũng còn những tồn tại, hạn chế như:
- Tiêu chuẩn hoặc quy định bình xét hàng năm do tính chất chung chung của các tiêu chí nên việc bình xét còn có hiện tượng mang tính xuê xoa, do đó nếu so sánh giữa hai người xếp bậc liền kề chưa thấy sự nổi trội [Hoàn thành xuất sắc với hoàn thành tốt].
- Còn tình trạng những người có trách nhiệm đánh giá cán bộ chưa thật sự công tâm và khách quan, nên kết quả đánh giá cán bộ tùy thuộc ý chủ quan, cảm tính của người đứng đầu. Do đó, còn có sự đánh giá chưa đúng đắn, chính xác thậm chí có thể không đúng về cán bộ.
Qua thực hiện công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên qua các năm có thể nêu ra một số kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đánh giá cán bộ trong thời gian tới:
Một là, việc triển khai đánh giá phải đảm bảo đạt được đầy đủ các mục đích, yêu cầu khi đánh giá. Đó là, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức; qua đánh giá nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Đánh giá phải đảm bảo khách quan, khoa học, phản ánh đúng với năng lực và phẩm chất của cán bộ trên cơ sở nắm vững các quan điểm lịch sử, toàn diện và phát triển. Đánh giá cán bộ phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo các kết luận đánh giá cán bộ khách quan, chính xác, công bằng. Bản thân cán bộ được trình bày ý kiến của mình về kết luận đánh giá.
Hai là, phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ.
Ba là, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải có phương pháp [phân tích định lượng, đánh giá theo kết quả ]; Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể [Thủ trưởng, Phòng ban, Hội đồng đánh giá] trong việc đánh giá cán bộ, công chức, vien chức.
Bốn là, ngoài tiêu chí chung có thể cụ thể hoá bằng hệ thống các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Các tiêu chí khi xây dựng càng cụ thể càng giúp cho việc đánh giá cán bộ đạt hiệu quả.
Năm là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp đánh giá mới. Mục đích làm cho cán bộ, công chức nhận thức được trách nhiệm của cá nhân và các thành viên để tham gia một cách tích cực, dân chủ vào quá trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, gồm cả đánh giá bản thân và đánh giá đồng nghiệp.
Công tác cán bộ có nhiều nội dung, trong đó đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được coi là khâu khó và nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, phân loại hàng năm và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cho cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ; đánh giá đúng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trần Quốc Chính
Trưởng phòng TCCB

Video liên quan

Chủ Đề