Xi pi tiếng nguồn minh hóa quảng bình là gì

Khuôn mặt ông hốc hác, thân người gầy rạc, ông khệ nệ ôm ra đặt trước mặt tôi một chồng bản thảo cao chất ngất khiến tôi phát hoảng. Đó là tất cả những gì ông đã dành cả 20 mươi năm trời sưu tầm, biên soạn về vốn cổ văn hóa dân gian của dân tộc ông. Những tên sách đọc lên đã thấy ở ông một phương pháp nghiên cứu chuyên nghiệp dù cả đời ông loanh quanh luẩn quẩn ở làng mình, huyện mình mà thôi: Phong tục và lễ hội dân gian Nguồn, về văn hóa người Nguồn ở Việt Nam, ngôn ngữ Nguồn, văn hóa chữa bệnh dân gian người Nguồn, văn hóa dân gian và văn hóa ẩm thực người Nguồn tập 1, tài liệu chữ viết với lịch sử tổ tiên người Nguồn, truyện dân gian người Nguồn - Chứt... Tất cả đang là bản thảo nhưng đã được nhận nhiều giải thưởng của Hội Văn học dân gian Việt Nam.

* Bao nhiêu năm rồi, những nhà dân tộc học sau khi khảo sát, nghiên cứu, đã cho kết luận người Nguồn chính là người Kinh, thuộc dân tộc Kinh. Bây giờ ông đang muốn chứng minh điều ngược lại. Ông tự tin chứ?

Ngày 2 tháng 10 tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh, Viện Dân tộc học, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội cùng tổ chức hội thảo về người Nguồn.

- Nhầm lẫn lớn nhất về nghiên cứu của các nhà dân tộc học trước kia chính là vội vàng ghép kho di sản văn hóa người Nguồn tiền sử ở địa chỉ khảo cổ Cơ Sa - Kim Linh (Minh Hóa - Quảng Bình) vào di chỉ nền văn hóa Hòa Bình.

Cũng vì xác định sai nguồn gốc di chỉ văn hóa này nên các nhà dân tộc học đã xếp văn hóa dân tộc của người Nguồn là văn hóa người Việt địa phương bắc Trung Bộ, nên ngày đó họ đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ bỏ tên gọi dân tộc Nguồn, công nhận lại người Nguồn là dân tộc Kinh. Như vậy là sai.

Tôi tự tin nói sai vì bây giờ tôi có trong tay khá đầy đủ những chứng cớ, tài liệu, di chỉ, di vật đáp ứng ba tiêu chí công nhận một dân tộc. Cùng với nguyện vọng thiết tha của 3,5 vạn người Nguồn, sự kiên nhẫn đề nghị của lãnh đạo huyện Minh Hóa, của tỉnh Quảng Bình, sự làm việc tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và kết quả nghiên cứu, xem xét lại một cách khoa học của các nhà dân tộc học, đến bây giờ, việc công nhận người Nguồn không phải là người Kinh mà chính là dân tộc Nguồn chỉ còn là vấn đề thời gian, thủ tục. Còn cứ liệu khoa học để chứng minh điều này đã có đủ.

* Thế nào là người Nguồn?

- Không thể nói vài câu có thể trả lời được câu hỏi này. Nhưng tôi có thể tóm tắt như thế này: Bằng những tài liệu văn hóa dân gian của người Nguồn đã và đang được sưu tầm biên soạn, bằng những di vật, đồ vật của người Nguồn được các nhà khảo cổ khai quật tại địa danh Cơ Sa - Kim Linh; căn cứ vào những tài liệu chữ Hán còn lưu giữ, các gia phả dòng tộc còn lại, thì người Nguồn của chúng tôi cùng với người Sách, người Mày, người Rục là những tộc người cư dân bản địa cùng xuất phát từ cội nguồn người tiền sử Cơ Sa - Kim Linh...

Đến nay đã có hơn 3,5 vạn người, chiếm 70% dân số của huyện Minh Hóa. Người Nguồn chúng tôi có tiếng nói riêng, chữ viết riêng, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa cũng riêng, mang trong nó đầy đủ tiêu chí để xác định danh tính của một dân tộc.

* Để nói rằng người Nguồn không phải là người Kinh, ông có thể dẫn chứng một cách tóm tắt nhất được không?

- Trước hết là về sinh hoạt vật chất. Người Nguồn tiếp thu được văn minh người Kinh nên trong tổ chức đời sống tiến bộ hơn người Mày, người Sách, người Rục. Nhưng dân tộc tôi vẫn duy trì nếp sinh hoạt đời sống du canh du cư cho đến ngày nay.

Tổ tiên chúng tôi từng di cư qua nhiều hung (thung lũng) và để lại dấu tích như hung Rào, hung Mít, hung Vàn, hung Trế, hung Lệ, hung Cá Pời, hung La Ken...

Dân tộc tôi còn có cách thuốc cá bằng rễ cây tèng và cũng từ đây sản sinh ra điệu hò thuốc cá "hôi lên là hôi lên" mà bất cứ ai cũng thuộc trong khi người Kinh, người Mường lại không hề có.

Săn bắt, hái lượm cũng có những nét khu biệt với người Kinh, người Mường. Đặc biệt nghề chế biến cơm pồi (giã bồi) và xôi pồi (đồ bồi) đã khác biệt hoàn toàn với các dân tộc khác. Công cụ sản xuất cũng vậy. Người Nguồn có những công cụ đan lát đặc trưng của dân tộc mình như troi, pài, teo, mừng pốn coóc, oi, típ, dé...

Người Nguồn cư ngụ thành từng xóm, bản với những địa danh còn tồn tại đến nay như: Phôốc Lác, Sạt, Lang Cầu, Dụ Dèng. La Thớ, Lang Ni... các bản, xóm này tập hợp thành Kẻ Sạt, Kẻ Xét, Kẻ Trem,... sau này gọi là làng Kim Bảng, Quy Đạt (nay là thị trấn), Cổ Liêm... hợp thành Cơ Sa nguyên và Kim Linh nguyên...

Làng của người Nguồn khác người Kinh là không có cổng làng, không có tiên hiền khai khẩn, không có thành hoàng làng... Văn hóa ẩm thực của người Nguồn là cơm pồi, oốc tực, thân lang, cà lào...

Vấn đề thứ hai là sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Nguồn khác biệt hoàn toàn với người Kinh và các dân tộc trong khu vực. Về tín ngưỡng, người Nguồn thờ phụng một hệ thống thần linh của dân tộc mình là thờ cúng ông Pụt - là người của Nhà Đất, tài giỏi đức độ, biến hóa khôn lường, là vị thần linh thiêng sinh ra con người và vạn vật. Tục thờ cúng ông Pụt đã làm xuất hiện lễ hội văn hóa dân gian rằm tháng 3 nổi tiếng cho đến ngày nay và đang trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc người Nguồn, được chính quyền cho tổ chức long trọng hằng năm tại huyện nhà đúng rằm tháng 3 âm lịch.

Những sinh hoạt văn hóa khác như tang chế, hôn nhân, sinh nở, lễ, tết... đều có những nghi lễ riêng, không giống với bất cứ dân tộc nào trong vùng và tất nhiên không giống với người Kinh.

* Ông Đinh Thanh Dự sinh năm 1938, cử nhân ngữ văn, nay đã nghỉ hưu tại thôn Cầu Lợi 2, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

* Bắt đầu công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn từ năm 1985 và đã có 16 cuốn sách viết về người Nguồn (sưu tầm, nghiên cứu) với gần 3.000 trang bản thảo viết tay.

* Hội Văn học dân gian Việt Nam đã trao tặng giải thưởng hàng năm cho ông Đinh Thanh Dự (trên cơ sở bản thảo): Giải khuyến khích năm 1994, giải ba cho các năm 1995, 1997, 1998, 1999, 2001.

Người Nguồn chúng tôi gọi người Kinh là Puôn. Người Mã Liêng gọi người Kinh là Nuý Tú Vàn, người Khùa gọi người Kinh là Duôn. Còn người Sách, Mày, Rục gọi người Nguồn chúng tôi là Tú Vàn.

Ông kéo tay tôi lại gần bên ông và nói như tự ông đang nói với mình:

- Cả đời tôi chỉ ước ao, rằng mình cần phải làm tất cả những gì có thể làm được để chứng minh, rằng người Nguồn chính là dân tộc Nguồn. Để Nhà nước có thể công nhận được điều này, để các nhà dân tộc học tin cậy được điều này, tôi đã mất ăn mất ngủ, kiên nhẫn tìm kiếm, sưu tầm, nhặt nhạnh từng di vật, từng chi tiết suốt hàng chục năm trời, viết ra hàng chục cuốn sách về mọi phương diện văn hóa, văn học, nghề nghiệp, đời sống, tập quán của dân tộc tôi.

Rồi từ năm 2003, một lần ông Đào Đình Bình - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - lên tiếp xúc cử tri tại huyện tôi, tôi trình bày với các vị đại biểu Quốc hội nguyện vọng thiết tha của người Nguồn chúng tôi là được Nhà nước công nhận là dân tộc Nguồn. Tôi mang đến tất cả những tài liệu về dân tộc Nguồn mà tôi đang có. Ông Bộ trưởng Bình rất cảm động. Ông hứa, với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, ông sẽ làm hết sức mình để người Nguồn có được chính danh của mình.

Tôi biết, ông Bộ trưởng rất bận, nhưng ông đã không quên lời hứa. Ông Bộ trưởng đã làm việc với Viện Dân tộc học, làm việc với Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, tiếp xúc làm việc với các nhà khoa học, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, để ngày 2-10 này, tại huyện Minh Hóa chúng tôi tổ chức một hội thảo khoa học như tôi đã nói với anh. Tin này làm nức lòng người Nguồn chúng tôi.

* Và sau hội thảo, nếu người Nguồn được Quốc hội công nhận chính là dân tộc Nguồn, hay xa hơn một chút là được công nhận chính là dân tộc thiểu số thuộc nhóm Chứt như dân tộc Rục, A Rem, Mày, Sách, Mã Liềng... thì chắc chắn lúc đó, hàng loạt bản thảo của ông sẽ được in thành sách? Ông đã nghĩ đến ngày vui ấy chưa?

- Mình là người Nguồn, là con một dân tộc có tên Nguồn - điều đơn giản đó lại thiêng liêng với chúng tôi lắm anh nờ. Nói chi nữa, đến ngày đó, có lẽ chúng tôi sẽ làm lễ to lắm. Và tôi nói thật, được như vậy rồi, tôi chết cũng nhắm mắt vui lòng anh ạ. Dân tộc Nguồn của tôi lại cùng 54 dân tộc anh em hoà thuận sống bên nhau cùng xây nước Việt mình văn minh, giàu có. Lại cầu ông Pụt thần linh giúp một tay cho hội thảo thành công tốt đẹp thôi...