Xuất khẩu việt nam 2023

Phát biểu tại Đại hội thành lập Chi hội viên nén gỗ Việt Nam, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, trong thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng.

‘Hiện cả nước có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ với giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022’, ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh như vậy, việc thành lập Chi hội viên nén gỗ Việt Nam để đoàn kết, thống nhất các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, đảm bảo cho ngành công nghiệp sản xuất viên nén gỗ phát triển bền vững, hiệu quả là hết sức cần thiết. ‘Tôi hi vọng sau Đại hội sẽ có một chi hội có tiếng nói, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của hiệp hội nói riêng và ngành gỗ nói chung’ - ông Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh.

Tại đại hội, ông Vũ Duy Văn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, tỉnh Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu ra thị trường quốc tế, trong đó có sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản.

Theo ông Văn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng đều qua các năm. Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh ước đạt 210 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Tôi hi vọng việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lựa chọn tổ chức đại hội thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam sẽ là tiền đề cho việc đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến lâm sản chuyên sâu, hiện đại trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Tỉnh Quảng Ninh luôn sẵn sàng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Ninh đầu tư, kinh doanh và phát triển”, ông Văn nói.

Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa được thành lập theo Quyết định số 56/QĐ - HHG ngày 19/10/2022. Tại Đại hội, các đại biểu cùng nhau thảo luận và biểu quyết thông qua Dự thảo Điều lệ Chi hội viên nén gỗ Việt Nam; thảo luận và biểu quyết thông qua Phương hướng nhiệm vụ của Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022 - 2025). Bầu cử Ban chấp hành và Ban kiểm tra Chi hội nhiệm kỳ I; công bố kết quả bầu ban chấp hành và Ban kiểm tra nhiệm kỳ I (2022 – 2025); công bố kết quả bầu ban chấp hành và Ban kiểm tra nhiệm kỳ I (2022 – 2025); ra mắt Ban chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ I (2022 – 2025); biểu quyết các nội dung và thông qua Nghị quyết Đại hội; trao chứng nhận hội viên.

Tại đại hội, thông qua kết quả bỏ phiếu các doanh nghiệp viên nén gỗ đã bầu ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, làm Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I, 2022-2025.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I), năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 9 tháng đầu 2022 xuất khẩu mặt hàng này cán mốc đạt gần 3,5 triệu tấn đạt 542,32 triệu USD chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.

Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như: cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Thế nhưng bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của mặt hàng viên nén thì cũng đang nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, là thách thức vô cùng lớn về tính bền vững, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngành.

Đó là giá nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu có chứng chỉ, thuế xuất khẩu, cũng như việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các doanh nghiệp trong ngành viên nén, giữa các ngành sử dụng chung gỗ rừng trồng trong nước.

Từ những vấn đề trên, ông Phong cho rằng việc thành lập một chi hội để tập hợp các nhà sản xuất, xuất khẩu mặt hàng viên nén làm nơi trao đổi, kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xuất khẩu là một yêu cầu bức thiết giúp ngành viên nén phát triển.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định, ngành viên nén đang phát triển rất mạnh, mang lại giá trị lớn trong chuỗi giá trị lâm nghiệp. Năm 2022, viên nén đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ. Là sản phẩm nằm trong chuỗi rừng trồng, nên viên nén có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao giá trị cho trồng rừng ở Việt Nam. Xuất khẩu viên nén gỗ Việt Nam có thể đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2023.

Đại hội nhiệm kỳ I của Chi hội với phương châm “Đoàn kết – Sáng tạo - Hội nhập – Phát triển”, toàn thể Hội viên của Chi hội cần tiếp tục thể hiện sự đoàn kết, niềm tin, sức mạnh nội lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến viên nén gỗ, tăng cường mở rộng hợp tác đầy trách nhiệm với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế để nắm bắt, vận dụng những cơ hội trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra cho thị trường Viên nén gỗ Việt Nam và tạo động lực cho Ban chấp hành khóa mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Hội viên giao phó.

Gỗ Việt (Nguồn congthuong.vn)