Ca sĩ kim anh hải ngoại sinh năm bao nhiêu

Trong gia đình, Kim Anh là một người có tài bắt chước nên đã thuộc rất nhanh những bài hát để biểu diễn trước người khán giả duy nhất là ông bố mỗi khi ông khề khà bên ly rượu…

Cũng trong những lúc chếnh choáng hơi men của bố, cô con gái cưng Kim Anh cũng được ông cho nhấm nháp chút rượu mỗi khi hứng chí. Và đó có thể chính là nguyên nhân đã khiến Kim Anh trở thành một đệ tử của Lưu Linh sau đó, từ khi chị bắt đầu cuộc sống tứ cố vô thân, lưu lạc trên đất Mỹ từ năm gần 17 tuổi.

Ca sĩ kim anh hải ngoại sinh năm bao nhiêu

Kim Anh năm 2004

Cuộc đời phiêu bạt của Kim Anh đến với chị một cách rất tình cờ vào năm 1969, khi đang theo học trường trung học Đức Thành tại tỉnh nhà là Sa Đéc. Hạm đội của Hải Quân Mỹ lúc đó đề xướng một chương trình bảo trợ cho các học sinh trung học thuộc một số làng thuộc tỉnh Sa Đéc sang Mỹ theo học những ngành thích hợp với khả năng…

Kết quả chỉ có Kim Anh là người duy nhất được chấp nhận trong số những học sinh ở các nơi khác. Khi được cô con gái cưng thông báo, bố mẹ Kim Anh vừa mừng, vừa buồn vì sẽ phải xa rời đứa con thân yêu. Một số học sinh thuộc các làng khác tuy được tuyển chọn, nhưng gia đình đã không cho phép đi đến một nơi quá xa xôi, đối người dân miền quê thời ấy.

Đầu tiên, Kim Anh được đưa về thành phố Pittsburg thuộc tiểu bang Pennsylvania. Vẫn còn đang ngỡ ngàng trước khung cảnh mới lạ của một đất nước chị thường được nghe nhắc nhở nhiều, hoặc qua hình ảnh của những người lính Mỹ thường gặp trong tỉnh, Kim Anh đã được đưa về thành phố Greenbelt của tiểu bang Maryland.

Tại đây, chị phải chọn một trong hai điều kiện để được theo học đại học ở tiểu bang này. Một là trở về Việt Nam lấy cho xong bằng Tú Tài 2. Hai là thành hôn với một công dân Hoa Kỳ. Trước hai điều kiện đó, Kim Anh đều cảm thấy khó lòng thực hiện trong khi thời gian rất cấp bách.

Đang lúc bối rối thì có một sĩ quan Mỹ thông cảm hoàn cảnh của chị đã đứng ra xin cưới để Kim Anh có cơ hội tiếp tục con đường học vấn tại Hoa Kỳ. Vị sĩ quan này tên Hackman, là đại úy phục vụ trong cơ quan tình báo, sau đó đã trở thành bố của người con trai đầu của Kim Anh tên Mạch Kim Sơn tức David Mach.

Sau khi quyết định thành hôn với Kim Anh vào năm 1971, vị sĩ quan này đã bị trục xuất khỏi quân đội theo điều kiện của ngành tình báo. Còn Kim Anh cũng không còn được hưởng một quyền lợi gì của chương trình bảo trợ của hải quân Mỹ, ngoài việc được theo học tại đại học Maryland.

Mặc dù được Hackman hết lòng thương yêu, nhưng Kim Anh vẫn chưa cảm thấy thoải mái và thích hợp với cuộc sống mới ở một đất nước có một nền văn hoá xa lạ. Nhất là chung quanh lúc đó gần như chưa có một người đồng hương nào, ngoài một số nhân viên của tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn, cách nơi cư ngụ của chị vài chục dặm.

Trong thời kỳ đầu tiên, Kim Anh cho biết rất nhớ và thèm những món ăn Việt Nam, thèm nước mắm và những bữa cơm gia đình bên bố mẹ ở Lai Vung. Những món thích hợp với chị lúc đó không gì khác ngoài bắp cải và đậu “green beans”, ăn hoài đến phát ngán!

Nhưng dù sao sau khi chia tay với Hackman sau một thời kỳ sống chung ngắn ngủi, Kim Anh vẫn luôn coi ông như một ânn nhân lớn vì nhờ ông, chị mới được ở lại Mỹ. Hackman một thời gian sau lập gia đình với một người đồng hương và cư ngụ ở thành phố Reno. Cũng chính tại đây ông đã nhắm mắt lìa đời vào tháng 4 năm 2007 vừa qua. Kim Anh đã rất đau buồn khi nghe tin người chồng đầu tiên và cũng là ân nhân của mình vĩnh viễn ra đi.

Được biết sau này Kim Anh cũng bước thêm một bước nữa với một người Việt Nam và có với nhau một con trai. Sau khi chia tay với người chồng thứ nhì, Kim Anh đã gửi người con này cho vợ chồng ông Hackman nuôi nấng…

Vào năm 72, do một dịp tình cờ đưa đẩy, Kim Anh gặp một phụ nữ Việt Nam lai Ai Cập tên Lee, có chồng Mỹ làm cho đài truyền hình số 9 ở Washington D.C. Kim Anh đã hết sức mừng rỡ khi gặp được một người Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ.

Do quen biết với tòa đại sứ VNCH ở Hoa Thịnh Đốn nên bà Lee đã giới thiệu cho Kim Anh có dịp được hát trong những chương trình văn nghệ do tòa đại sứ tổ chức. Tìm được sự an ủi nơi những người đồng hương là những nhân viên của tòa đại sứ, Kim Anh quyết định dời về sống tại thủ đô Mỹ và tiếp tục theo học trường đại học American University ở đây.

Vì không còn được hưởng một quyền lợi gì từ chương trình bảo trợ sau khi lập gia đình, Kim Anh đã phải vừa đi học vừa đi làm chui với số lương rất khiêm tốn là 50 xu một giờ để bù thêm vào sồ tiền bố mẹ vẫn gửi qua trợ cấp cho việc học của chị.

Sau khi học hết năm thứ hai đại học, Kim Anh không muốn tốn tiền của bố mẹ và do bản ttính thích tự lập thôi thúc, chị đã bỏ học để đi làm một ngày 3 việc. Đó là những việc pha rượu cho tiệm Golden Tables, làm tiếp viên cho Watergate và cho một nhà hàng ở Georgetown, thuộc Washingtron, D.C.

Ngoài những công việc trên, có thời gian Kim Anh còn làm người mẫu thời trang cũng như bán hàng cho một tiệm mỹ phẩm. Qua năm 1974, do quen biết với một người Pháp làm chung trong một nhà hàng ở khu phố tây Georgetown, rất có cảm tình vơi chị nên Kim Anh đã nhận lời sang du lịch tại nơi cư ngụ của gia đình người bạn này là thành phố biển nổi danh Nice của nước Pháp.

Kim Anh đã rất say mê vẻ đẹp của thành phố Nice nên đã lưu lại đây gần nửa năm. Chị trở về Mỹ vào đầu năm 75 để rồi lại trở lại vùng Côte D’Azur thêm vài tháng. Trong những khoảng thời gian ở Pháp, Kim Anh đã có dịp đi du lịch nhiều nơi.

Và cho đến lúc đó, đầu óc của Kim Anh đã thật sự trưởng thành, với một tầm mắt nhìn đã rộng mở trước thế giới bên ngoài. Bản tính phóng khoáng do đó cũng đã có cơ hội càng ngày càng phát triển cùng với một quan niệm sống hoàn toàn cởi mở theo quan niệm văn minh Âu Mỹ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Kim Anh trở lại Mỹ và không tránh khỏi bật khóc trước cảnh tiêu điều của tòa đại sứ VNCH là nơi trước đó đã khiến chị vơi bớt đi được nỗi buồn sống xa quê hương với những bữa cơm ấm áp giữa những người đồng hương hoặc những buổi sinh hoạt văn nghệ thân mật.

Những người quen đông đảo trước kia, bây giờ đều vắng bóng. Chỉ còn lại một bầu không khí thê lương và ảm đạm. Kim Anh ngậm ngùi trở về căn nhà 3 phòng rộng rãi ở thành phô Alexandria, tiểu bang Virginia do đi làm có tiền nên đã mướn ở đây cho thoải mái. Chị tự hỏi số phận mình sau đó sẽ ra sao khi nơi nương tựa tinh thần đã không còn tồn tại.

Ý định qua Pháp cư ngụ của Kim Anh chợt hiện ra, nhưng đã không được thực hiện vì lúc đó chị đã nói khá trôi chảy Anh Ngữ, trong khi đối với chị tiếng Pháp học rất khó và cần mất nhiều thời gian.

Kim Anh quyết định ở lại Mỹ với những công việc không lấy gì làm vững chắc, đúng hơn là rất bấp bênh. Thú vui của Kim Anh trong thời gian này không gì khác là lui tới những Discotheque ở vùng Hoa Thịnh Đốn sau những giờ làm việc.

Một lần, Kim Anh có dịp quen biết với một người bạn Mỹ gốc Trung Hoa tên David Lee, chủ nhân một nhà hàng ca nhạc tên The Empress trên đường Connecticut ở Washington, D.C. với khách hàng phần lớn là nhân viên của toà đại sứ VNCH trước kia và những phụ nữ Việt có chồng là người Mỹ do nơi đây có một ban nhạc Việt Nam trình diễn thường trực vào mỗi tối thứ Bảy.

Anh này đề nghị Kim Anh đến giúp làm thông dịch trong việc trao đổi với ban nhạc bởi lý do bất đồng ngôn ngữ giữa hai bên. Chị nhận lời và hàng đêm tới đây giúp David trong việc thông dịch và một thời gian sau hát mỗi đêm 2 bài, với số thù lao nhận được là 200 “đô la”.

Tuy nhiên số tiền đó được chia với ban nhạc nên phần Kim Anh chỉ còn lại 30 “đô la”. Đến đầu năm 76 chị mới được tăng lên 60 đồng một buổi. Cũng tại The Empress, Kim Anh theo lời mời của ban nhạc đã bước lên sân khấu lần đầu tiên để trình bầy nhạc phẩm Vũng Lầy Của Chúng Ta, học từ một băng cassette do một người bạn tặng.

Từ đó Kim Anh cảm thấy như bị ánh đèn sân khấu quyến rũ nên đã nhờ ban nhạc tập thêm cho bài The End Of The World. Dần dần chị tập thêm một số nhạc phẩm khác như Fernando, Help Me Make It Through The Night, Tennessee Waltz, vv… và một số bài trong Top 40 của Mỹ.

Nhờ quen biết với những DJ trong Discotheque thường lui tới, nên chị có được rất sớm những nhạc phẩm thịnh hành này. Ngoài ra chị còn là người chép lời ca cho ban nhạc tập dượt nhờ khả năng Anh Ngữ khá do có nhiều tiếp xúc với bạn bè người Mỹ.

Qua năm 1977, hai nghệ sĩ Túy Hồng và Bảo Ân đứng ra tổ chức một chương trình đại nhạc hội ở Arlington cũng thuộc vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Kim Anh được mời xuất hiện lần đầu tiên trong một chương trình có một tầm vóc qui mô so với trước đó.

Trong thành phần ban nhạc phụ họa cho chương trình có tay trống Phùng Thuận đã đề nghị Kim Anh hát một bản nhạc Trung Hoa cho phù hợp với nguồn gốc của mình. Thế là Phùng Thuận, một tay trống nổi tiếng trong ban nhạc The Fourty Six của phong trào nhạc trẻ trước đó, đã tìm được bài Mùa Thu Lá Bay lời Việt chép ra để hướng dẫn cho Kim Anh học thuộc. Kim Anh tự nhủ nếu trình bày thành công nhạc phẩm này, chị sẽ chọn nghề ca sĩ…. Và chị đã không ngờ đã đón nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt như vậy.

Sau lần xuất hiện đó, với sự ủng hộ của khán giả, Kim Anh lên tinh thần rất nhiều để hăng hái tập dượt thêm một số nhạc phẩm Trung Hoa khác như Máu Nhuộm Bãi Thượng hải, Cánh Hồng Trung Quốc, vv…

Ca sĩ kim anh hải ngoại sinh năm bao nhiêu

Kim Anh thập niên 1980

Cũng trong năm 77, Kim Anh từ giã The Empress để về cộng tác với một nhà hàng ca nhạc khác tên Mayflower. Tại đây chị được nhạc trưởng Alan Yu, một nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng người Hồng Kông, chỉ dẫn thêm một số bài khác để trình diễn trước khán giả với những tràng pháo tay khen ngợi nồng nhiệt.

Cùng trong thời gian Kim Anh cộng tác với nhà hàng Mayflower vào năm 1977 sau khi rời khỏi The Empress, một nữ ca sĩ người Đài Loan tên Duỵt Làn tức Tuyết Lan từ New York được nhà hàng này mời sang trình diễn. Sau khi nghe Kim Anh hát Tuyết Lan đã tỏ ra rất thích tiếng hát của chị. Nhất là biết được Kim Anh muốn tiến thân trên con đường trở thành ca sĩ nên đã rủ Kim Anh sang New York thử thời vận tại nơi Tuyết Lan cộng tác là nhà hàng ca nhạc Kung Fu.

Không cần suy nghĩ, Kim Anh nhận lời ngay và lên đường qua New York chỉ với vài chục “đô la” trong túi… Khi tới nhà hàng Kung Fu ở vùng Queens, trong túi chị chỉ còn lại vỏn vẹn 2 “đô la”, còn Tuyết Lan thì chẳng thấy đâu, trong khi Kim Anh không quen biết một ai ở New York lúc đó.

Không liên lạc được với Tuyết Lan, Kim Anh không biết làm sao hơn là ngồi lì trong tiệm Kung Fu để chờ bạn mà bụng thì đói meo. Chị được chủ nhân nhà hàng Kung Fu là “Crazy” Eddie lại thăm hỏi và được biết ý định của chị muốn hát ở đây do Tuyết Lan giới thiệu. Chẳng may Eddie cho biết là nhà hàng ca nhạc của ông đã có đủ ca sĩ nên không thể thu nhận thêm.

Kim Anh cho biết sau khi nghe Eddie trả lời đã muốn xỉu, chỉ muốn cắn lưỡi chết phứt cho xong vì không còn tiền để quay trở về Hoa Thịnh Đốn. Kim Anh chưa biết tính ra sao nên lại cứ tiếp tục ngồi thêm, càng lúc càng đói đến quặn ruột. Thông cảm cho tình trạng của Kim Anh, Eddie mời chị một đĩa “steak” mà chị vét sạch, ăn không sót một miếng! Sau đó chị nhận lời đề nghị của ban nhạc cộng tác với nhà hàng lên trình bày một bài hát.

Một lần nữa, với Mùa Thu Lá Bay, Kim Anh đã được khách cổ võ nhiệt liệt. Sau khi hát, một người trong ban nhạc đề nghị với chủ nhân nhà hàng nên mời chị hát vì chắc chắn sẽ có khách. “Crazy” Eddie tỏ ra lưỡng lự vì nhà hàng của ông đã có đủ ca sĩ. Nhưng cuối cùng, nể lời ban nhạc và nhất là nhận ra sự lôi cuốn trong tiếng hát của Kim Anh trong nhạc phẩm vừa trình bày nên ông đồng ý nhận chị hát, nhưng chỉ với số lương 700 “đô la” một tháng.

Biết là mình bị bắt chẹt về giá cả, nhưng Kim Anh cũng đành nhận lời vì không biết làm sao hơn trong tình trạng rất kẹt vì “Lúc đó không có tiền thì phải chịu thôi… Em ngồi cầu nguyện quá trời. Em nói trời ơi, chả lẽ bắt con chết ở đây sao? Còn có 2 đồng sao trở về bây giờ”, như chị tâm sự.

Ban nhạc thấy Kim Anh bị đối xử không công bằng nên khuyên chị không nhận lời với số lương như vậy để sau đó họ giới thiệu qua hát tại một nhà hàng ca nhạc khác gần đấy với số lương cao hơn là 900 “đô la” một tháng. Đó là nhà hàng The Four Seasons, lúc đó đang có sự hợp tác của nữ ca sĩ Bạch Lan Hương.

Khi hát thử, cũng vẫn lại với Mùa Thu Lá Bay mà Kim Anh được chủ nhân nhà hàng này đồng ý trả 900 một tháng. Sau khi nghe ban nhạc kể lại việc Kim Anh được thu nhận bởi nhà hàng đối thủ của mình, “Crazy” Eddie cho người nhắn với chị là ông chịu trả chị bằng số tiền đó nếu quay lại hợp tác vói nhà hàng Kung Fu.

Mang ơn “Crazy” Eddie đã cứu đói mình bằng miếng “steak” trong lúc ngặt nghèo, Kim Anh đồng ý về hợp tác với Kung Fu. Chỉ một tuần sau, khách hàng nghe đồn đã đến nghe Kim Anh hát rất đông. Do đó chị đã được tăng lương lên 1200 “đô la”, một mức lương tháng khá cao thời bấy giờ đối với một ca sĩ. Ngày Kim Anh được tăng lương là 20 tháng 1 năm 1978.

Sở dĩ Kim Anh nhớ ngày tháng kỹ như vậy vì đó cũng là ngày xẩy ra trận bão tuyết lịch sử của New York. Không những thế, ngày 20 tháng 1 năm 78 cũng đã đánh dấu một khúc quanh rất quan trọng cho cuộc đời của Kim Anh. Đó cũng là cơn bão đã dập vùi cuộc đời chị sau khi gặp một tai nạn thảm khốc. Và đó cũng chính là nguyên nhân đưa chị đến vũng lầy của hút xách và nghiện ngập một thời gian dài.

Tối hôm đó, sau khi hát ở Kung Fu, Kim Anh được người bếp chính của nhà hàng tên Rocky tình nguyện chở về nhà cùng một người khác vì tình trạng nặng nề của trận bão tuyết, gây rất nhiều khó khăn cho ai không có nhiều kinh nghiệm lái xe.

Trước khi đưa Kim Anh về, Rocky cho biết sẽ chở người bạn đi cùng xe ở bên kia cầu Brooklyn về trước, sau đó sẽ đến lượt Kim Anh. Khi nghe đề nghị như vậy, đột nhiên Kim Anh cảm thấy bồn chồn, như có linh tính báo trước có điều gì không hay xẩy ra trong khi cường độ của trận bão chưa hề giảm sút, và gần như không có bóng chiếc xe nào chạy ngoài đường.

Kim Anh kể lại: “Trước khi lên trên cầu Brooklynn, tự nhiên em cảm thấy người không yên làm sao ấy! Em thấy bồn chồn, khó chịu quá. Em nhờ Rocky gọi giùm một chiếc taxi. Nhưng bấy giờ taxi đâu có, ngoài chiếc xe của tụi này…… Trên đường qua cầu Brooklyn, em thấy người khó chịu và có cảm giác sẽ có điều gì không may xẩy tới. Em hét lên và đòi xuống vì cảm thấy không an toàn. Gần tới cái đèn phía trước thì cái xe nó quay vòng vòng… đầu em bị va vào trong cột rất mạnh…”. Và Kim Anh rơi vào tình trạng hôn mê.

Theo lời kể lại của nhân chứng thì phải mất một lúc lâu, cảnh sát mới nậy tung được chiếc xe để lôi được Kim Anh ra ngoài. Lúc đó chi đã hoàn toàn bất tỉnh, mình mẩy và mặt mũi be bét máu. Bác sĩ sau đó cho biết kim Anh đã mất hết 87.5 % máu trong cơ thể.

Chị đã không còn nhận ra mình sau khi tỉnh dậy tại Brooklyn Intern Hospital. Mái tóc giống nữ ca sĩ Cher ngày nào đã được thay bằng chiếc đầu bị cạo trọc lóc. Khuôn mắt thanh tú trước kia nay bị khâu vá chằng chịt, trong khi có nhiều xương ở chân và tay bị gẫy khiến chị phải ngồi xe lăn một thời gian dài. Trong một lúc chán đời đến cùng cực, Kim Anh đã dùng một miếng kim khí để cắt lưỡi mình. Nhưng do sức khỏe còn qua yếu nên chị đã không thực hiện được mục đích.

Sau tai nạn thảm khốc trên cầu Brooklyn ở New York, Kim Anh đã phải ra vào nhà thương để chữa trị suốt cả năm trời. Lúc đó chị chán đời vô cùng, chỉ muốn chết đi để khỏi thấy hình ảnh thê thảm và tàn tạ của mình. Ý định tự tử chỉ biến đi khi chị nghĩ tới bố mẹ thân yêu còn ở Việt Nam. Tiền bạc lúc đó chị đã bị mất hết, ngoài ra không có được một sự thăm hỏi nào của những người quen ngoài hai người khách Trung Hoa đã từng nghe chị hát Mùa Thu Lá Bay ở nhà hàng Kung Fu…

Sau khi được băng bó và tỉnh dậy, vì trận bão tuyết gây ra rất nhiều khó khăn cho việc chữa trị, đến nỗi không có đủ thuốc men và bác sĩ điều trị, Kim Anh được một người bạn tên Victor Chao đưa về nhà ở vùng Queens để ông bố anh – cũng là một giáo sư y khoa – chích thuốc giảm đau trước khi trở lại bệnh viện để được tiếp tục chữa trị khi thành phố New York trở lại bình thường sau cơn bão lịch sử.

Nhưng chỉ được 3, 4 ngày sau khi Kim Anh về nhà mình, Victor Chao cho biết anh sẽ phải về Đài Loan thọ tang ông nội vì là cháu đích tôn. Tin này đã khiến Kim Anh lo sợ cho tình trạng bơ vơ của chị sau đó… Chị từng nghe bố Victor nói với anh là không thể chích morphine cho chị được nữa không còn máu, hơn nữa trên người không còn chỗ nào để chích. Do đó phải thay thế bằng một thứ khác.

Thứ mà Kim Anh vừa nói chính là một loại ma túy mà Victor Chao đã cho chị dùng để hạ cơn đau mãnh liệt đang thường trực hành hạ chị. Khi dùng chất ma túy này, cơn đau giảm hẳn để chị thấy yêu đời hơn. Nhưng Kim Anh đã không ngờ rằng, từ đó trở đi chị đã bị lệ thuộc vào chất ma túy, bị lạm dụng quá khả năng làm giảm đau của nó.

Nhờ sự bảo lãnh của một vị luật sư, Kim Anh được phép ra ngoài mỗi tối để hát tiếp tục tại nhà hàng Kung Fu trên chiếc xe lăn trong suốt mấy tháng trời. Trước hình ảnh thương tâm của một giọng hát từng chiếm được nhiều cảm tình của khán giả, Kim Anh đã nhận được rất nhiều qua từ những người ái mộ.

Vì không có bảo hiểm y tế nên trước khi ra khỏi bệnh viện, Kim Anh đã nhận được một hóa đơn gần 300 ngàn mỹ kim phải trang trải. Nhưng cũng may, nhờ luật sư Harry can thiệp nên chị đã không phải trả một khoản phí tổn nào, trong khi trong túi đến nỗi không có tiền để hút thuốc lá. Kim Anh cho biết thời gian này chị thèm thuốc lá kinh khủng. Đó là chưa nói đến tình trạng cơ thể bị “hành” do thiếu ma túy.

Trong một lúc đang buồn rầu vì chưa định hướng được cho số phận của mình, không có một người thân bên cạnh thì Kim Anh nghe có tiếng người Việt Nam trước cửa nhà… Đó là tiếng của vợ chồng trung tá Thủy Quân Lục Chiến Trần Văn Hiển, quen biết với Kim Anh và rất thích tiếng hát của chị.

Thế là Kim Anh theo chân ông bà Trần Văn Hiển về sống tại Houston, Texas vào năm 1979. Chị đến gặp luật sư Harry cho biết ý định của mình là sẽ tiếp tục đi hát khi sang tới Houston. Khi chia tay, chị đã được ông này tặng 10 ngàn “đô la” làm hành trang xây dựng cuộc sống mới.

Cũng từ đó Kim Anh chính thức gia nhập vào những sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng Việt Nam. Khi về ở chung nhà với hai người Kim Anh cho là hai vị ân nhân, chị vẫn phải ngủ ngồi và vẫn phải được bà Hiển chăm sóc cho từng miếng ăn vì tay bị què, lưng và xương chậu bị gẫy chưa lành. Nhờ ý chí mạnh mẽ, Kim Anh nhất định phải vươn lên để không chọi làm một người tàn phế…

Nhờ sự kiên trì và lòng cương quyết, Kim Anh đã dần dần cảm thấy khá khả quan để bắt đầu đi hát với ban nhạc The Beats ở Houston tại một vũ trường ở đây. Nhưng qua đến năm 80 thì địa điểm này bị ngưng hoạt động sau khi xẩy ra một vụ án mạng ngay trước cửa.

Một lần nữa, Kim Anh lại dời nơi cư trú để trở về một chốn quen thuộc là Washington, D.C. là nơi chị từng quen biết với khá nhiều người. Tại đây, Kim Anh chung sức với vài người bạn để khai thác một nhà hàng lấy tên là Rendez-Vous, cùng một lúc hát thêm ở một vũ trường. Cho đến thời gian này, Kim Anh vẫn ngụp lặn trong ma túy.

Cũng trong thời kỳ ở vùng Hoa Thịnh Đốn, Kim Anh nhận được lời cầu hôn của một người. Nhận thấy sức khỏe của mình chưa hoàn toàn bình phục nên chị đã từ chối khiến người này có lần đã cắt gân máu mình ngay trong nhà của chị. Hành động đó đã khiến Kim Anh hoảng sợ nên đã nhờ một người bạn thân người Thổ Nhĩ Kỳ tên Edward đưa sang San Jose, California là nơi trước đó Kim Anh đã liên lạc với nhạc sĩ Phùng Thuận.

Ca sĩ kim anh hải ngoại sinh năm bao nhiêu

Thoải mái: Ca sĩ Kim Anh trong một bữa nhậu nghêu sò tại Sài Gòn ngồi cạnh người viết năm 2008

Nhạc sĩ này đã giới thiệu Kim Anh với nhạc sĩ Ngọc Chánh, lúc đó đang khai thác vũ trường Ritz ở miền bắc Cali và được mời hát hàng tuần vào những tối thứ Sáu và thứ Bảy với số lương 900 một tháng, bao ăn ở. Cùng một lúc, những ngày khác trong tuần Kim Anh còn đi hát cho vũ trường Paradise ở San Francisco và Korean Village ở San Jose. Chị nhất định dành dụm một số tiền, đủ để thực hiện một băng nhạc riêng cho mình với tựa đề là Mùa Thu Lá Bay…

Sau 8 tháng đi làm, Kim Anh dành dụm được một số tiền đủ để thực hiện một cassette với mục đích gửi về tặng người bố thân yêu, từ lâu không gặp mặt. Ý định thực hiện băng nhạc này trở nên mạnh mẽ nơi Kim Anh hơn nữa khi biết được bố chị nhắn qua mấy dòng chữ là muốn được nghe giọng của chị…

Nhưng đau đớn thay, khi băng nhạc Mùa Thu Lá Bay về tới nơi thì phụ thân chị đã trở thành người thiên cổ 3 ngày trước đó.

Sau cái chết của bố vào năm 1983, Kim Anh rất buồn và càng sa chân thêm vào con đường ma túy. Chị tâm sự: “Em buồn quá đến nỗi em chơi cho chết luôn… Em buồn quá, em muốn chết theo ba em mà! Từ đó em không muốn sống nữa. Lúc đó hút, hút đến nỗi hết tiền luôn. Năm bẩy trăm, một ngàn là chuyện nhỏ! Em không biết sợ chết là gì, em chỉ muốn chết theo ba em”.

Có lần Kim Anh đã lại tự tử vì muốn chết theo bố. Đứa con trai lúc đó mới 11 tuổi cũng đòi chết theo mẹ. Chị lái xe đâm vào mọt cái cây nhưng lại rớt xuống hồ và được cứu sống.

Băng nhạc đầu tiên của Kim Anh là Mùa Thu Lá Bay đã được nhạc sĩ Lê Văn Thiện soạn hòa âm, Khánh Ly viêt lời mở đầu, Trần Đình Thục thực hiện bìa và thu thanh tại studio của Tùng Giang và do chính tay Kim Anh tự tay đi chào hàng với các đại lý ở Orange County. Do sự đòi hỏi của người nghe, vào thời đó băng nhạc Mùa Thu Lá Bay được coi là một trong vài cuốn băng bán chạy nhất với nhiều lần in thêm, sau khi trong đợt đầu Kim Anh chỉ đủ tiền in được đúng 925 cuốn!

Sau sự thành công của Mùa Thu Lá Bay, Kim Anh thực hiện tiếp băng nhạc Chiếc Lá Cuối Cùng cũng thành công không kém. Ngoài ra chị còn đứng ra tổ chức show được rất nhiều người hưởng ứng. Tiếng tăm Kim Anh trở nên lẫy lừng hơn bao giờ hết. Đây chính là thời kỳ tên tuổi Kim Anh lên cao chót vót với tình trạng tài chánh rất khả quan để cái tính hào phóng của chị có dịp bùng lên.

Ngoài việc hào phóng với gia đình trong việc gủi tiền về giúp, Kim Anh cũng trở nên dễ dãi và buông thả hơn với chính mình trong việc hút xách, như chị thành thật tâm sự: “Từ lúc hít xong rồi hút, cái này nó dẫn qua cái khác. Xong rồi tới chích! Em khổ lắm chứ. Thấy bao nhiêu bạn bè mình khổ, em cũng cho. Đến khi mình không có gì, cũng cho người ta. Ăn cũng cho, hút cũng cho, cái gì cũng cho. Đến một lúc em hết tiền… “

Kim Anh trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989 sau khi rời khỏi quê hương 20 năm trước đó. Lần trở về đó đúng vào thời kỳ mẹ chị bệnh nặng, tưởng rằng đó cũng là dịp lo tang cho đấng sinh thành. Nhưng “không ngờ bà ấy mừng và vui quá nên đã sống thêm được mấy năm nữa”.