Các mảng bám trên thân rùa biển là gì

Người nghệ sĩ đầu tiên sáng tạo ra bộ tứ này, sau khi đã hoàn thiện ba tác phẩm: long, ly, phượng (rồng, kỳ lân, phượng hoàng), dường như bị đuối sức tưởng tượng. Đến tác phẩm thứ tư, cơ duyên đưa đẩy thế nào, có một chú rùa bò qua chỗ người ấy đang ngồi.

Người ấy bèn chặc lưỡi, OK, chọn ngay con vật hiền lành chậm chạp ấy vào vị trí còn để trống. Thế là, tuy được đặc cách thiêng hóa, nhưng rùa vẫn là rùa, mai khum cổ rụt, không tô vẽ, thêm bớt vây cánh, móng vuốt… theo kiểu "sừng nai tai chó vẩy cá chép đầu lạc đà đuôi sư tử…" như rồng, phượng hay lân. Rùa chưa bao giờ trở nên xa lạ với con người.

Họ nhà rùa chia nhau sinh sống ở khắp mọi nơi trên thế giới, sinh nở đàn đàn lũ lũ và vô cùng phong phú về chủng loại. Riêng ở nước ta, theo sự tìm hiểu của mình, cũng đã có tới vài ba chục loại khác nhau. Nào rùa đất, rùa núi, rùa biển, rùa bốn mắt, rùa cổ to, rùa đầu to, rùa cổ sọc, rùa hộp… Ba ba cũng được kể vào họ nhà rùa, ngoài Bắc gọi ba ba, nhưng trong Nam kêu cua đinh. Con vích, con đồi mồi ở biển thuộc loại rùa biển.

Rùa "khủng" cư trú lâu đời ở Hồ Gươm có người còn gọi là con giải. Hồi nhỏ ở quê, không muốn cho mình đi tắm sông một mình, mẹ dọa ngoài sông có con giải to lắm, nó vẫn rình lôi trẻ con dìm xuống chỗ nước sâu… Nhưng hồi ấy, thế quái nào mà mình lại hình dung con giải là con thuồng luồng.

Rùa nổi tiếng hơn cả chắc chắn là rùa Hồ Gươm. Mấy trăm năm nay, dân Việt từ trẻ đến già mấy ai không rành màn trả gươm thần vô cùng hào sảng trên mặt hồ này của vua Lê Thái Tổ? Những con rùa sống trong hồ từ đó cũng được lịch sử trao cho sứ mạng cao cả: biểu tượng linh thiêng của tinh thần dựng nước và giữ nước. Và chúng đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.

Chả thế mà có nhà khoa học lừng danh chuyên nghiên cứu về rùa - nhà "rùa học" - đã tự giác gọi, trịnh trọng đề nghị mọi người cùng gọi, những cá thể rùa sống lâu năm nhất trong Hồ Gươm là "cụ". Và các "cụ" Rùa lụ khụ trăm tuổi (có khi đến mấy trăm tuổi) của chúng ta, vào những dịp thiêng liêng nhất, có ý nghĩa nhất, lại oai hùng nổi lên mặt hồ như một chứng nhân, một sự khích lệ, khiến trăm nghìn con dân thủ đô thổn thức và khấp khởi hy vọng.

Nhưng cuộc đời lắm lúc vẫn xảy ra sự tréo ngoe. Dù được tắm trong hào quang của những huyền tích, huyền thoại bất hủ; được khoác lên mình đủ thứ ý nghĩa trọng đại sâu sắc, rùa Hồ Gươm vẫn không tránh được thảm cảnh ô nhiễm môi trường.

Đã có lúc nước hồ như cháo loãng, xanh lè lè, khiến cho các cụ thỉnh thoảng ngạt hơi phải thò đầu lên ngáp. Có đận, nếu mình nhớ không lầm, các cụ còn phải sống chung với cả lũ rùa tai đỏ. Những gã rùa nhập cư lưu manh táo tợn này bắt nạt các cụ già yếu lại có tật hay buồn ngủ.

Cứ nhè lúc các cụ ngủ là chúng xúm lại xin tí tiết. Chân tay, mình mẩy, môi má cụ nào cụ nấy bị chúng gặm sứt mẻ nham nhở tang thương. Ấy là chưa kể trong quá khứ lẫn hiện tại, nguy hiểm hơn, còn có bọn người phàm phu tục tử. Bọn họ luôn mai phục đâu đó, chỉ rình cơ hội là xuống tay xâm hại các cụ.

Các mảng bám trên thân rùa biển là gì
Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm

Những "vụ án" tày đình còn lưu trong trí nhớ mọi người:

Năm 1945, nước lụt, một cụ lên bờ lập tức bị bắt xẻ thịt nấu chuối xanh.

Năm 1956, một cụ suýt bị treo cổ cắt tiết, may có chính quyền cứu kịp.

Năm 1963, một cụ hứng chí lên dạo phố, bị đám thanh niên cưỡi trên lưng nhong nhong ngoài đường như phi ngựa, sau đó phi thẳng vào… lò nấu cao.

Năm 1967 (có tài liệu nói năm 1968), một cụ bị đâm một nhát chí tử bằng xà beng, sau được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi.

Nhà rùa học đáng kính của chúng ta nói trên, căm phẫn gọi những kẻ thiển cận, độc ác, âm mưu đen tối đó là bọn "ăn thịt di tích".

Việc một cụ rùa Hồ Gươm qua đời đầu năm 2016 thêm một lần làm dậy sóng cộng đồng. Các nhà thơ làm thơ. Các nhà báo viết bài. Dân chơi facebook chia sẻ, phỏng đoán, bình luận…

Tâm linh huy động tối đa để lý giải cho bằng được ý nghĩa cái chết bi tráng có tính chất điềm báo của cụ rùa. Nghe nói mặt hồ Gươm trong những ngày này đang xanh nhờ nhờ bỗng ngả hẳn sang xanh thẫm, im phăng phắc. Hồ cũng trầm mặc kính cẩn đưa tiễn vị trưởng lão.

Mình ở xa Hà Nội nên thực tình không biết nhiều lắm về cái chết của cụ. Vật vã đau đớn hay nhẹ nhõm bình thản? Anh em bạn bè thân hữu của cụ ai còn ai mất? Họ hàng ruột thịt có đông không? Đám tang cụ có mấy đứa chống gậy đi giật lùi?... Không được chứng kiến những tiếng thở dài buồn tiếc của công chúng bên hồ Gươm, nhưng cái chết đình đám của cụ rùa lại khiến mình nhớ về một chú rùa khác.

Lâu rồi. Chú rùa nhỏ của một người bạn tặng.

Là rùa đất hay rùa núi thì mình không rành, nhưng chắc chắn chú này xuất thân từ hạng bình dân, quen sống tự do hoang dã chứ không thuộc loại được cưng chiều. Chú chỉ nhỉnh hơn miệng cái bát ăn cơm, mai xám đen, chắc khỏe và cục mịch.

Lúc đem chú đến, bạn mình dặn:

- Rùa nuôi trong nhà vừa là vật bảo hộ vừa là thần may mắn. Ông ít giao du với người thì yêu lấy thiên nhiên!

Mình chưa nuôi rùa bao giờ, nhưng quý cái tình của bạn, nên nhận đại. Vừa thả ra, chú đã lục cục chui ngay vào gầm giường.

Nghe bảo giống rùa cũng thích ăn chay nên mỗi ngày mình nắm cho chú một nắm cơm chim bằng hai đốt ngón tay. Vài mảnh lá bắp cải thái ra hay quả cà chua chín mọng. Lâu lâu mới thêm miếng thịt, con giun đất, hay con cào cào. Không biết có lót dạ thêm muỗi mòng gì, nhưng bữa chính chú chàng thường chểnh mảng, nhấm nháp qua quýt cho xong bữa.

Cả nửa năm không thấy gầy đi, không đổ bệnh, nhưng cũng chẳng phổng phao thêm chút nào. Suốt ngày tránh mặt người, quẩn quanh trong gầm giường. Chỉ khi có trẻ con đến nhà thì tính khí bỗng thay đổi hẳn. Đang lầm lì bỗng trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát. Trẻ con rất thích chơi với chú.

Chúng định tròng dây vào cái cổ rụt của chú thì chú tự giác vươn cổ ra cho chúng tròng. Có đứa bạo dạn tóm lấy chú bỏ lên bàn để ngắm, chú khoái trá nằm im, rụt cổ lại. Nói tóm lại là chú cũng thích đám trẻ con. Chiều trẻ con, không ngại bò ra bò vào, lịch kịch lục cục.

Thú thật trong đầu mình đôi lúc nảy ra cái ý so sánh, xem quãng thời gian trước và sau khi nuôi rùa, cuộc sống của mình có thay đổi gì không? Có may mắn hơn như ông bạn nói không? Mình có đúng là kẻ yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, yêu súc vật?

Câu trả lời cho tất cả những thắc mắc đó là… Không có gì! Mình vẫn thế. Hàng ngày không quên cho rùa ăn, cách vài bữa chay lại một bữa mặn. Nhưng bảo mình gắn bó với chú, có tình cảm đặc biệt với chú, thì chưa hẳn. Ngược lại, chú rùa cũng vậy. Chú vẫn ăn uống như cốt cho xong bữa. Không có trẻ con đến chơi thì nằm im trong gầm giường. Phong độ chừng mực, ổn định.

Một đời sống yên hàn, hơi có phần tẻ nhạt cho cả chủ và tớ! Nhưng ở thời buổi này, tưởng thế cũng tạm chấp nhận.

Nào ngờ…

Một hôm trời đổ mưa. Mưa suốt đêm. Sáng ra mặt sân đẫm ướt. Dưới gốc cây bông giấy trồng bên trụ cổng, tự nhiên thấy đùn lên một đống đất mới. Chả lẽ chuột cống đào hang chui vào sân? Mình chạy ra xem. Cái hang khá sâu, gần thông ra ngoài đường. Đáy hang có vật gì ngọ nguậy? Nhìn kỹ, hóa ra cái đuôi rùa.

Thoạt đầu mình tưởng chú chàng đào đất kiếm giun ăn. Nhưng khi thò tay tóm lấy cái phần thân sau của chú lôi ra thì bỗng giật mình. Bằng tất cả sức lực sẵn có, chú rùa bám riết bốn chân xuống đất, cố níu giữ cái mục tiêu chỉ thiếu chút nữa là đạt được. Mình nhận ra ngay vấn đề. Sốc.

Thì ra lâu nay, trong cái đầu hiền lành nhỏ xíu của con vật tưởng đã cam chịu nép mình dưới gầm giường, vẫn âm thầm nuôi giấu một âm mưu to lớn: giành tự do! Trời mưa, đất mềm - cơ hội tốt để thực hiện âm mưu đó.

Mình giữ chú ở lại thêm buổi sáng. Đãi chú bữa ăn thật ngon lành, cả chay lẫn mặn. Trưa, vắng người, mình đưa chú lên núi. Chia tay nhau sau một tảng đá lớn, chỗ có dòng nước nhỏ chảy róc rách suốt mùa mưa.

Đến đoạn này, nếu viết truyện cho thiếu nhi chắc hẳn mình sẽ tả: chú rùa nhỏ bịn rịn quay đầu lại… Ha ha. Sự thật không phải thế! Sự thật là chú cắm đầu cắm cổ đi thẳng một mạch.